Thứ Sáu, 6 tháng 5, 2016

Vì sao nền dân chủ Myanmar còn nhiều thử thách?

Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan

  
 20-Myanmar

Vào ngày 30/03 tại Naypyidaw, thủ đô được xây dựng có chủ đích và kỳ lạ của Myanmar, ông Htin Kyaw đã tuyên thệ nhậm chức tổng thống dân cử đầu tiên của quốc gia này trong hơn 50 năm qua. Quốc hội bầu ông làm tổng thống chỉ hơn hai tuần trước. Trong hệ thống bầu cử phức hợp của Myanmar, người dân bầu ra Quốc hội, và sau đó các nghị sĩ quốc hội sẽ bỏ phiếu bầu tổng thống. Đảng của ông, Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo, đã giành đa số phiếu tuyệt đối ở cả hai viện của quốc hội vào cuối tháng 11/2015, cho phép họ bầu cho ứng cử viên mà họ lựa chọn một cách dễ dàng. Thein Sein, Tổng thống tiền nhiệm, đã bàn giao quyền lực một cách hòa bình. Min Aung Hlaing, người đứng đầu quân đội, lực lượng đã cai trị Myanmar trực tiếp hoặc thông qua đảng đại diện của nó kể từ năm 1962, cho biết ông ủng hộ sự chuyển đổi sang nền dân chủ của đất nước. Điều này có vẻ là một chiến thắng cho nền dân chủ Myanmar. Nhưng thực tế lại phức tạp hơn như vậy.


Ông Htin Kyaw không phải là lựa chọn đầu tiên cho vị trí tổng thống của NLD cũng như của người Myanmar. Họ ủng hộ bà Suu Kyi hơn, nhưng hiến pháp cấm bất cứ người nào có vợ hoặc chồng hoặc con cái là người nước ngoài giữ vị trí tổng thống (con trai của bà, cũng như người chồng quá cố của bà, là người Anh, nhưng hầu hết mọi người tin rằng quy định cấm này đã được soạn thảo nhằm ngăn bà giữ chức tổng thống). Trước các cuộc bầu cử vào cuối tháng 11 vừa qua, bà Suu Kyi nói bà sẽ đặt mình ở vị trí “cao hơn tổng thống”. Bà sẽ điều hành đất nước từ văn phòng Bộ Ngoại giao, trong khi ông Htin Kyaw, cộng sự thân tín lâu năm và là người giữ chỗ trung thành của bà, sẽ giữ vai trò như một tổng thống danh nghĩa. Bố trí một tổng thống bù nhìn và lách qua hiến pháp đánh dấu một khởi đầu kém tốt lành cho một đảng trên danh nghĩa là phụng sự cho dân chủ, minh bạch và pháp quyền.

Nhưng mối đe dọa lớn hơn đối với nền dân chủ đến từ quyền lực rộng lớn mà hiến pháp Myanmar dành cho quân đội. Tại một cuộc diễu binh vào ngày 27/03, ông Min Aung Hlaing nhắc nhở các công dân Myanmar rằng quân đội “đảm bảo sự ổn định của đất nước” và “phải có mặt với một vai trò chủ đạo trong nền chính trị quốc gia.” Hiến pháp đã được viết ra để duy trì vai trò đó. Quân đội kiểm soát ba bộ quyền lực: Bộ Quốc phòng, Bộ An ninh Biên giới và Bộ Nội vụ. Bộ Bộ Nội vụ cho phép quân đội có thể kiểm soát xương sống nền hành chính của nhà nước đến tận cấp thôn. Thông qua những bộ ngành này, quân đội chi phối Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia, một cơ quan có thể giải tán quốc hội, áp đặt thiết quân luật và điều hành đất nước. Việc thay đổi hiến pháp đòi hỏi sự ủng hộ đa số với tỉ lệ 75%+1 trong Quốc hội; và bởi vì quân đội nắm 25% số ghế được bảo vệ bởi hiến pháp, nên quân đội sẽ giữ quyền phủ quyết vĩnh viễn.

Vì vậy, chính quyền dân cử và quân đội về cơ bản sẽ kiểm soát các phần khác nhau của chính phủ. Các ưu tiên hàng đầu của NLD là phát triển kinh tế và đạt được hòa bình lâu dài với các nhóm dân tộc thiểu số sống dọc theo biên giới của đất nước, một vài trong số đó đã đấu tranh chống lại chính quyền trung ương trong nhiều thập kỷ. Những nhiệm vụ này có mối quan hệ với nhau: trừ khi chính quyền trung ương Myanmar có thể mở rộng tầm với của nhà nước tới các vùng đất biên giới giàu tài nguyên, thì nền kinh tế của đất nước sẽ không bao giờ đạt được đầy đủ tiềm năng. Nhưng điều đó có thể đòi hỏi chính phủ mới phải đưa ra những nhượng bộ mà quân đội không ủng hộ, và sự kiểm soát của quân đội đối với các Bộ An ninh Biên giới và Bộ quốc phòng – cũng như sự độc lập trong hoạt động của nó – sẽ cho phép quân đội có một quyền phủ quyết trên thực tế. Kết quả của mâu thuẫn này sẽ quyết định liệu Myanmar có tiếp tục tiến bước trên con đường dân chủ hay liệu quân đội sẽ nắm lấy tay lái và nhanh chóng đảo ngược hướng đi của đất nước.

Nguồn: “Why Myanmar’s path to democracy will be bumpy“, The Economist, 03/04/2016. - See more at: http://nghiencuuquocte.org/2016/05/06/dan-chu-myanmar-thu-thach/#sthash.4CrYKcnV.dpuf
Nguồn: “Why Myanmar’s path to democracy will be bumpy“, The Economist, 03/04/2016. - See more at: http://nghiencuuquocte.org/2016/05/06/dan-chu-myanmar-thu-thach/#sthash.4CrYKcnV.dpuf
Nguồn: “Why Myanmar’s path to democracy will be bumpy“, The Economist, 03/04/2016


Nguồn: “Why Myanmar’s path to democracy will be bumpy“, The Economist, 03/04/2016. - See more at: http://nghiencuuquocte.org/2016/05/06/dan-chu-myanmar-thu-thach/#sthash.4CrYKcnV.dpuf

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét