Đường băng trên Đá Chữ Thập có thể đáp được máy bay quân sự
Câu chuyện bắt đầu từ một hội nghị của Uỷ ban Hải dương học
Liên chính phủ thuộc UNESCO (IOC) vào tháng 3/1987. Nhận thấy sự thiếu vắng của
các trạm theo dõi thời tiết trên biển Đông, IOC xem xét khả năng giao trách nhiệm
xây dựng các trạm này cho một quốc gia trong khu vực. Bên được chọn là Trung Quốc.
Bắc Kinh có lẽ đội ơn UNESCO không biết bao nhiêu cho đủ.
Sau hơn 20 năm, trạm thời tiết bị quên lãng, đổi lại Đá Chữ Thập, đảo đá chìm
được chọn, trở thành một trong những căn cứ quân sự quan trọng nhất của Trung
Quốc trên biển Đông, với diện tích gấp 3 lần đảo Ba Bình, đảo tự nhiên lớn nhất
Trường Sa. Từ đầu năm nay, Trung Quốc bắt đầu cho những chuyến bay dân dụng thử
nghiệm ra đây.
Giữa tháng Tư, máy bay quân sự của Trung Quốc hạ cánh ở nơi
có đường băng dài hơn 3km, có thể sử dụng cho các loại máy bay ném bom tầm xa,
máy bay vận tải, và máy bay chiến đấu. Tính cả Đá Su bi và đá Vành Khăn, Trung
Quốc là quốc gia duy nhất có 3 đường băng cỡ lớn trên Trường Sa, mà có khả năng
làm bến đỗ cho hầu hết các loại máy bay quân sự. So sánh với Việt Nam, chúng ta
chỉ có 1 đường băng cỡ nhỏ (dưới 1km) ở Trường Sa Lớn.
Khúc ngoặt Đá Chữ Thập
Không phải ngẫu nhiên mà sự kiện này, mà Bắc Kinh cho là
“bình thường” để cấp cứu 3 công nhân trên Đá Chữ Thập, bị các bên liên quan phản
đối kịch liệt.
Việc chiếc máy bay quân sự đầu tiên hạ cánh trên các đảo
nhân tạo khẳng định nỗi lo “quân sự hoá” biển Đông là có thật, chứng tỏ sự vượt
trội về cơ sở hạ tầng quân sự của Bắc Kinh so với các quốc gia khác. Với động
thái này, việc Bắc Kinh sẽ cử máy bay đồn trú ra Đá Chữ Thập là “không thể
tránh khỏi”., theo ông Leszek Buszynski, một chuyên gia thuộc Trung tâm Chiến
lược và Quốc phòng, ĐH Quốc gia Úc.
Thêm vào đó, Đá Chữ Thập được coi như là một căn cứ địa để tạo
bàn đạp cho việc tiếp tục cải tạo các đảo đá khác trong khu vực. Theo hình ảnh
vệ tinh từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), trên đảo này có hẳn
tổ hợp nhà máy xi măng. Với 10 cảng dỡ, hệ thống liên lạc, hệ thống chống người
nhái, 2 bãi đỗ trực thăng, 2 hải đăng, cùng với các cơ sở hạ tầng quân sự khác,
Đá Chữ Thập có thể giữ vai trò hậu cần cho chiến lược “tằm ăn dâu” trên biển của
Bắc Kinh.
Với các cơ sở quân sự tốn đến hàng chục tỷ đô la xây dựng
trên Đá Chữ Thập và các đảo nhân tạo khác, cùng với mưu đồ mang nhà máy hạt
nhân nổi ra biển Đông, việc Trung Quốc thiết lập Vùng nhận dạng phòng không
(ADIZ) để bảo vệ khối tài sản khổng lồ này chỉ là vấn đề thời gian.
Vào năm 1988, việc chiếm đóng hàng loạt các đảo ở Trường Sa
của Bắc Kinh bắt đầu bằng Đá Chữ Thập, trong đó bao gồm vụ thảm sát 64 lính hải
quân Việt Nam ở Gạc Ma. Gần 20 năm sau, mỏm đá chìm này lại đánh dấu bước ngoặt
tiếp theo trong chính sách biển Đông của Trung Quốc: quân sự hoá các đảo đá
nhân tạo để tạo ra “sự đã rồi” trên thực địa (create facts on the ground), qua
đó ép đối phương phải chấp nhận phương án mình đề ra.
Với Đá Chữ Thập và 6 đảo nhân tạo được Trung Quốc “cải tạo”
trong thời gian 2 năm qua, sức ép quân sự Bắc Kinh lên các nước khác đang ngày
càng gia tăng. Hiện đang dấy lên thông tin rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục cải tạo
đảo thứ tám, bãi cạn Scabourough, vốn chiếm được từ Philippines từ năm 2012.
Mối nguy từ dân quân biển
Tàu cá của ngư dân Trung Quốc gần khu vực Pagasa,
Philippines
Song song với chiến lược “bê tông hoá” các đảo đá tranh chấp
và tăng cường hiện diện quân sự ở biển Đông, Trung Quốc tiếp tục sử dụng đòn
“cũ” là cho các tàu quân sự giả dạng tàu cá để “thể hiện chủ quyền” tại các
vùng biển tranh chấp.
Đây là nước cờ rất cao tay của Bắc Kinh, bởi lực lượng hải
quân của các nước khác khi xử lý tàu cá sẽ gặp nhiều khó khăn, dễ bị vu oan là
“đối xử không nhân đạo” với ngư dân. Nhờ lực lượng này, Trung Quốc đã chiếm được
bãi cạn Scarborough. “Dân quân biển” cũng hỗ trợ đắc lực trong thời điểm giàn
khoan HD-981 được đưa vào EEZ của Việt Nam trong năm 2014.
Công cụ không mới này, tuy nhiên, lại được thúc đẩy mạnh mẽ
trong thời gian gần đây bởi hai yếu tố. Thứ nhất là sự phát triển vũ bão của đội
tàu cá Trung Quốc. Theo Niên giám Thuỷ sản Trung Quốc (China Fisheries Yearbook
2014), nếu như số lượng tàu cá nước này vào năm 1979 chỉ là 50 nghìn chiếc, thì
đến năm 2014 con số này đã tăng lên gần 700 nghìn chiếc. Trong số này, có 200
nghìn chiếc là đủ khả năng đánh bắt xa bờ. Để tiện so sánh, con số hiện này của
Việt Nam (2014, theo Tổng cục Thống kê), là khoảng hơn 30 nghìn chiếc.
Thứ hai, bộ máy mới của ông Tập Cận Bình hết sức quan tâm đến
việc phát triển lực lượng “dân quân biển” ở Hải Nam. Ông Tập đã từng có chuyế
thăm đặc biệt đến làng cá Đàm Môn (Tanmen) vào năm 2013, nơi tập trung lực lượng
“dân quân biển” đông nhất và chiếm đến 90% lượng tàu Trung Quốc qua lại Trường
Sa và Hoàng Sa. Ở đó ông Tập đã khuyến khích ngư dân “đóng tàu lớn hơn, đi xa
hơn, thu thập thông tin về chủ quyền, và hỗ trợ quá trình cải tạo đảo trên biển
[Nam Hải]”. Tờ Straits Times của Singapore dẫn lời một ngư dân Đàm Môn cho biết,
cứ mỗi chuyến đi biển ra Trường Sa trong vòng 2 tuần, chính quyền sẽ hỗ trợ 27
nghìn đô cho tàu cá.
Với hai gọng kìm quân sự và dân sự siết chặt, Trung Quốc dường
như đang muốn đẩy nhanh tốc độ kiểm soát thực tế. Phán quyết sắp tới của Toà án
Trọng tài Quốc tế, được cho là sẽ nghiêng về phía Philippines, càng khiến Bắc
Kinh sốt ruột thay đổi trạng thái. Sóng gió biển Đông, bởi vậy, có lẽ sẽ mạnh
lên thành bão trong thời gian tới.
Trước họng súng
Cách Đá Chữ Thập hơn 700km ở sâu trong vùng đặc quyền kinh tế
của Việt Nam thuộc tỉnh Quảng Ngãi, những ngư dân Việt trên đảo Lý Sơn không
hay những biến chuyển đó. Họ chỉ biết rằng từ ngày giàn khoan HD-981 vào vùng
biển Việt Nam, việc quay lại ngư trường Hoàng Sa truyền thống là rất khó khăn.
Ngồi bên đống tỏi vừa mới thu hoạch, ông Phù Quang Giỏi, ngư
dân có kinh nghiệm 30 năm đánh cá ở Hoàng Sa và Trường Sa kể lại những lần đi
biển đầy giông tố khi gặp tàu Trung Quốc. Ông nói chúng bắt hút hết thuỷ sản
sang tàu, cướp hoặc đập phá ngư cụ, đồ nghề đi biển. Một lần đi như vậy, thuyền
viên người nhiều thì được 20 triệu, kẻ ít thì từ 4-5 triệu đến 10 triệu, tính
ra lợi nhuận không phải là lớn, đó là khi được mùa. Còn nếu gặp “tàu lạ”, kể
như mất trắng vài trăm triệu đồng là chuyện thường.
Ngay trong lúc nói chuyện với tôi, anh nói con thuyền của
anh đang đi Hoàng Sa báo về là bị tàu hải giám Trung Quốc phun vòi rồng, không
cho tiếp cận ngư trường.
“Hồi xưa đi Hoàng Sa có thể neo đỗ vô tư, nhưng bây giờ
không được. Cũng nguy hiểm, bởi có lần thuyền của tôi trú bão bị nó bắn quá trời,
phải rời đi.” Ông Giỏi chia sẻ. “Vì thế nên Hoàng Sa giờ cũng ít người đi, chỉ
toàn tàu bé, vì tàu lớn không đi, sợ bị cướp. Phần lớn chuyển sang Trường Sa,
nơi có bộ đội Việt Nam đóng quân.”
Chính phủ Việt Nam, có lẽ với tham vọng xây dựng lực lượng
“dân quân biển” tương tự như Trung Quốc, dần tạo ra nhiều chính sách hỗ trợ ngư
dân bám biển. Với hơn 82% tàu cá là các loại tàu gỗ, thô sơ, chỉ đánh bắt được
gần bờ; chính quyền nỗ lực khuyến khích ngư dân đóng tàu vỏ sắt để đi được xa
và lâu hơn, đồng thời an toàn hơn.
Nhưng ông Giỏi, khoe tấm giấy khen của nguyên chủ tịch nước
Trường Tấn Sang với quà tặng 300 triệu đồng để đóng thuyền sắt, nói rằng không
biết bao giờ mới dùng số tiền này.
“Được hỗ trợ về chi phí đóng tàu với mua ngư cụ, nhưng đi
tàu sắt hiệu quả kinh tế thấp lắm, cá bắt không bù được chi phí”. Ông Giỏi nói.
Ở vùng huyện đảo tiền tiêu Lý Sơn, chỉ một vài ngư hộ là đóng tàu sắt, đa phần
là tàu gỗ.
Tình trạng của những ngư dân như ông Giỏi phần nào lột tả được
khó khăn của chính Việt Nam trong việc xử lý tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc.
Với tiềm lực kinh tế có hạn (GDP của Việt Nam chỉ bằng một tỉnh nhỏ ở Trung Quốc),
sẽ rất khó để Hà Nội chạy đua với Bắc Kinh về cải tạo đá, xây dựng lực lượng
“dân quân biển”, nhằm phá vỡ gọng kìm đang xiết chặt.
Chỉ riêng việc cải tạo Đá Chữ Thập, Trung Quốc được cho là
phải bỏ ra 12 tỷ USD trong 2 năm, tương đương 6% GDP của Việt Nam. Với tình
hình ngân sách hạn hẹp như hiện tại, sẽ rất khó để Việt Nam chi quá nhiều tiền
cho công cuộc cải tạo đảo, đá quy mô ở Trường Sa. Đó là chưa kể động thái này
có thể dẫn đến việc khiêu khích phản ứng từ Trung Quốc và các quốc gia khác,
gây xói mòn vị thế “bị hại” của Việt Nam.
Do đó, lựa chọn tốt nhất của Việt Nam bây giờ có lẽ là cố gắng
giữ nguyên hiện trạng trước những hành động leo thang của Trung Quốc, trong đó
bao gồm củng cố các đảo đang nắm giữ ở Trường Sa, đồng thời tiếp tục quá trình
“quốc tế hoá” vấn đề biển Đông thông qua các kênh sẵn có như Asean và các hội
nghị khu vực.
Vụ kiện sắp đến hồi phán quyết của Philippines với Trung Quốc
sẽ có vai trò cực kì quan trọng cho nước cờ sắp tới của Việt Nam trong việc sử
dụng luật pháp quốc tế để giải quyết tranh chấp. Đây là phương án được chính phủ
ông Nguyễn Tấn Dũng cân nhắc, nhưng hơn một năm qua chưa có động tĩnh gì. Nhiều
khả năng bộ máy mới của Việt Nam sẽ chỉ đưa ra quyết định kiện hay không sau
khi cân nhắc tác động từ kết quả vụ kiện của Philippines mang lại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét