Thảm hoạ môi trường tại miền Trung khởi đi từ Vũng Áng Hà Tĩnh tới nay đã trên 1 tháng. Đủ để cho ta có một số thẩm định và rút tỉa được một số bài học.
Phía nhà cầm quyền:
Trước một thảm hoạ như vậy mà nghi can số 1 là công ty Formosa, một chính phủ gọi là “vì dân, do dân và của dân”, bình thường phải làm ngay việc tối thiểu là ra lệnh cho công ty Formosa phải ngưng ngay bằng mọi cách việc xả thải công nghệ ra biển, dù có phải tạm ngưng sản xuất, cho tới khi có kết luận điều tra nguyên nhân cá chết hàng loạt.
Ta không thấy nhà nước CSVN làm điều này. Có vẻ đặc biệt trong trường hợp này CSVN lại muốn áp dụng không đúng chỗ nguyên tắc của luật pháp văn minh là nghi can vẫn vô tội cho tới khi chứng minh bất khả hồ nghi rằng nghi can là thủ phạm. Trong khi chờ đợi sự chứng minh ấy nghi can hoàn toàn có quyền hoạt động bình thường, dù cá chết thì cứ chết, các hải sản khác và thậm chí chim ăn cá cũng chết thì cứ việc chết, thợ lặn bị nhiễm độc ngắc ngư thì cứ nhiễm, ngư dân và cả nền kinh tế ven biển điêu đứng thì cứ điêu đứng.
Ấy thế mà trong khi đó, đối với người dân của mình, CSVN vẫn luôn áp dụng nguyên tắc thực tế bất thành văn của luật pháp CS là cứ bắt nghi can trước cho tới khi chứng minh được là vô tội!
Chỉ nội thái độ ứng xử chậm lụt trên đây của CSVN cũng đủ thể hiện một số điều:
1- Hoặc CSVN bất lực, vô năng trong việc giải quyết nhậm lẹ mọi khủng hoảng ảnh hưởng tới đời sống nhân dân, nên lúng túng không biết làm gì cho tới gần cả tháng sau.
2- Hoặc/và CSVN vô cảm trước thảm hoạ trên đời sống nhân dân, điển hình là lãnh đạo số 1 CSVN là Nguyễn Phú Trọng đến tận Hà Tĩnh trong lúc dầu sôi lửa bỏng đối với dân vùng này…. chỉ để kỷ niệm tiền bối CS của mình là Hà Huy Tập và thăm xã giao vui vẻ với nghi can số 1 Formosa, coi như chuyện cá chết hàng loạt là chuyện đẩu đâu tận phương trời nước khác!
3- Hoặc/và giữa quyền lợi và đời sống của nhân dân và đất nước so với đồng tiền thu được từ tư bản nước ngoài, CSVN đã chọn ưu tiên tiền tư bản, nhưng mà cho ai? Cho dân hay cho Đảng và quan tham?
4- Hoặc/và CSVN đã quá hèn sợ CS Tàu, vì Formosa tuy mang nhãn hiệu Đài Loan nhưng lại là bình phong hợp đồng với đa số là nhà thầu Hoa Lục để cho cả nhiều ngàn công nhân từ Hoa Lục lao động tự do trái phép trong vùng đặc nhượng Vũng Áng (vì thế mà chính gốc Formosa ở Đài Loan cho biết đã không chịu trách nhiệm về hoạt động của Formosa tại VN như theo lời cha Nguyễn Văn Hùng ở Đài Loan – theo VOA ngày 3/5/2016).
Phải chăng những thái độ trên đã khuyến khích đại diện đối ngoại Formosa tại VN, Chu Xuân Phàm coi thường VN đến độ vừa có điệu bộ kênh kiệu vừa vô tư phát ngôn một cách trịch thượng khá mất dậy, điều không thể có nơi một người làm ngoại giao dù chỉ cho một công ty nhỏ nhất: các anh (VN) hoặc chọn tôm cá hoặc chọn thép, không thể chọn cả hai.
Một nhà cầm quyền thực sự vì dân của dân, do dân và mạnh đã phải khiến tư bản nước ngoài hiểu rằng dân Việt muốn có thép VÀ môi trường sạch; chính tư bản đầu tư dù từ bất cứ nước nào mới là kẻ phải lựa chọn hoặc phải đầu tư kỹ nghệ một cách sạch sẽ bảo đảm môi trường lành mạnh trên nước ta, hoặc không vào, hay phải cuốn gói ra đi nếu xả rác bừa bãi. Không có chuyện ngược đời một công ty nước ngoài ép dân nước ta lựa chọn hoặc này hoặc nọ trên dất nước ta, như những tên thái thú thực dân.
Phía Nhân Dân:
Chính phản ứng từ quần chúng phẫn nộ qua mạng xã hội và truyền thông đã khiến cho Formosa phải nhìn lại vị trí của mình và lùi vào trong khuôn phép lễ nghĩa để mà sa thải Chu Xuân Phàm và cho đại diện cúi đầu xin lỗi trong cuộc họp báo.
Chính người dân đã không cần và đợi chính quyền mà tự tìm hiểu điều tra nguyên nhân của thảm hoạ.
Chính vì người dân mạnh mẽ lên tiếng ồn ào với số đông trên nhiều hình thức từ mạng xã hội, truyền thông, truyền miệng nên phía nhà nước mới phải lục tục chạy theo để xoa dịu cho khỏi phẫn nộ bùng vỡ.
Chính áp lực của quần chúng càng ngày càng tăng dần tới độ đồng loạt xuống đường tại nhiều địa bàn đã khiến cầm quyền CSVN phải nhúc nhích không thể không đáp ứng, từ chậm rãi vào cuộc, đến lúng túng họp báo vội vã chạy làng, đến can gián dân, câu giờ cho Formosa rằng chưa kết luận được công ty này là thủ phạm, đến phải công nhận Formosa sai phạm nhưng mới chỉ về mặt kỹ thuật đặt ống thải ngầm trái quy định (chưa thấy xử phạt), rồi cuối cùng phải đợi dân xuống đường rồi, ông thủ tướng mới ra lệnh khẩn trương giải quyết điều tra…
Từ vụ cây xanh đến vụ cá chết, người dân càng ngày càng chứng tỏ cho phía cầm quyền thấy tiềm lực của người dân khi đã hết còn vô cảm với những mối đe dọa liên quan đến cuộc sống của mình, và người dân Việt đang thoát khỏi não trạng phong kiến rằng nhà nước là cha mẹ cứ để cho nhà nước lo.
Rút ra bài học gì từ đây?
– Khi quần chúng đồng loạt lên tiếng bày tỏ thái độ mạnh mẽ, với số đông, thì quần chúng trở thành một khối áp lực mạnh mẽ có khả năng bắt chính quyền thay đổi hay thay đổi cả chính quyền dù chính quyền đó có bạo lực trấn áp trong tay.
– Gandhi, sư tổ của đấu tranh bất bạo động, đã từng nói với dân Ấn rằng chỉ có dăm ngàn người Anh mà có thể cai trị được cả trăm triệu dân Ấn, là vì dân Ấn đã chấp nhận và hợp tác với sự cai trị đó. Khi toàn dân Ấn từ chối hợp tác, người Anh không thể cưỡi lên đầu.
Ở đây cũng tương tự, khi một chính quyền, với một thiểu số bất xứng không có khả năng hay không đặt ưu tiên việc phục vụ bảo vệ quyền lợi nhân dân của mình, vẫn còn ngồi trên đầu cả hơn 90 triệu dân, ấy là vì nhân dân vẫn an phận và hợp tác với sự cai trị của nhóm thiểu số này. Và cái giá phải trả cho sự an phận hợp tác đó là những thảm họa như vụ Formosa ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống hiện tại, những di hại lâu dài cho sức khoẻ của đời con cháu, những gánh nợ khổng lồ mà con cháu phải gánh, những tủi nhục khi mang hộ chiếu VN ra nước ngoài, v.v…
– Khi nhóm thiểu số cai trị có trong tay bộ máy bạo lực trấn áp, thì đấu tranh bất bạo động đầy sáng tạo mà dân ta trong nước đang bắt đầu thực hiện, là phương pháp đấu tranh làm giảm thiểu những cơ hội triển khai áp dụng bạo lực từ phía chính quyền. Và càng đông người dân nhập cuộc chủ động dậy mà đi, xuống đường thì ngay chính những người xử dụng phương tiện bạo lực phải chùn tay như đã từng xẩy ra tại các nước đã dân chủ hoá thành công.
Thực thế, qua những đụng chạm giữa người dân biểu tình và bộ máy trấn áp, nhiều người trong lực lượng “Còn Đảng còn mình” đã cho thấy vẻ miễn cưỡng, cúi đầu có vẻ hổ thẹn, tránh nhìn thẳng vào người dân khi họ thi hành nhiệm vụ. Vì họ có thể “còn đảng còn mình” cho riêng họ và gia đình nhỏ của họ đấy, nhưng họ biết trong đám đông quần chúng xuống đường bày tỏ thái độ và nguyện vọng chính đáng ấy, cũng có người thân bà con của họ. Và chính họ cũng sẽ như bao người khác sẽ phải cùng lãnh nhận những hệ quả của một đất nước và môi trường sống đang bị huỷ diệt.
Người dân rất tinh nên dễ dàng nhận biết anh công an, dân phòng nào miễn cưỡng chống dân lấy lệ cho có vì miếng cơm manh áo từ Đảng CS, khác với những anh nhiệt tình hăng say trấn áp, hung hăng đánh đập người dân.
Một mai khi Đảng không còn, những công an sớm trở về bên cạnh người dân, hay miễn cưỡng thi hành cho có lệ lệnh từ cấp trên chắc chắn vẫn còn chỗ đứng trong ngành nghề mà họ đã được huấn luyện vi xã hội nào cũng cần có cảnh sát công an để bảo vệ trật tự an toàn cho người dân và cộng đồng (chứ không phải bảo vệ Đảng).
Trong màn đêm có mầm sáng, trong nghịch cảnh có cơ hội. Từ thảm họa Formosa, ta càng nhìn thấy rõ hơn rằng dân ta đang từng bước vững chắc đòi lại quyền làm chủ đời sống của mình.
Văn Chu
https://chantroimoimedia.com/2016/05/06/thay-gi-tu-tham-hoa-formosa/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét