Nguyên Huy/Người Việt
“Khi Ðồng Minh Nhảy Vào” dày gần 900 trang khổ sách lớn, bìa cứng, giá $30, sẽ được ra mắt độc giả vào lúc 2 giờ chiều Chủ Nhật, 15 Tháng Năm, tại Rose Center, 14140 All American Way, Westminster, CA 92683.
Binh sĩ Mỹ đổ quân vào Ðà Nẵng năm 1965. (Hình: npr.org) |
Ðây là những chi tiết khá quan trọng nhưng lại rất ít được nhắc đến qua các bài viết về nguyên ủy chiến tranh Việt Nam từ trước đến nay. Những chi tiết lịch sử này được tác giả Nguyễn Tiến Hưng mở vào một chủ đề lớn “Khi Ðồng Minh Nhảy Vào” để rồi “Khi Ðồng Minh Tháo Chạy,” để lại cho đồng minh nhỏ bé Việt Nam loay hoay với chương trình Việt Nam hóa chiến tranh và phải chuốc một hậu quả thảm khốc “nước mất nhà tan” vào ngày 30 Tháng Tư, 1975.
Viết về những chi tiết này, tác giả tiếc rằng “từ ba thế kỷ trước, Việt Nam và Hoa Kỳ cũng đã có những cơ duyên lịch sử để giao hảo. Thật đáng tiếc rằng những cơ duyên ấy đã chợt đến rồi chợt đi. Tới khi hai bên là đồng minh thì sự gặp gỡ lại xảy ra trong một tình huống hoàn toàn khác.”
Ðến phần III từ chương 9 trở đi là những sự kiện vừa chính trị vừa quân sự dồn dập xảy đến để Hoa Kỳ thấy là “Ta phải tiến tới và phải lao vào” (We should proceed and take the plunge) như Ngoại Trưởng Foster Dulles nhận định. Những lý do để Hoa Kỳ có quyết định này, theo tác giả, là người Mỹ đã thấy “Cộng Sản nằm ngay trong nhà chúng ta” và Việt Nam như một con cờ Domino vì thất bại của Pháp ở Ðiện Biên Phủ đe dọa trầm trọng đến an ninh của Hoa Kỳ. Chính sách mới được thực hiện ngay. Tướng Collins được cử sang thi hành công việc viện trợ cho Việt Nam trực tiếp dù Pháp phản đối. Ngày 1 Tháng Giêng, 1955, Hoa Kỳ chính thức và ra mặt nhảy vào Việt Nam và những biện pháp quyết liệt của Hoa Kỳ được thực hiện. Hiệp Ước Liên Phòng Ðông Nam Á (SEATO) được thành lập giữa Hoa Kỳ và các nước đồng minh để lập một phòng tuyến bên ngoài cho kế hoạch này.
Một nhân vật chính trị Việt Nam được chọn để đáp ứng tình hình mới giúp Mỹ thay Pháp ở Việt Nam và Ðông Dương. Nền Cộng Hòa tại Việt Nam được thành lập với sự hỗ trợ tối đa của Hoa Kỳ và tiếp theo là những năm “vàng son” vừa phát triển vừa hòa bình (1955-1960) của VNCH.
Nhưng thời gian tốt đẹp ấy kéo dài không lâu. Chính sách của Hoa Kỳ không làm cho chính phủ Ðệ Nhất Cộng Hòa vui lòng khi để có viện trợ thì phải theo những điều kiện của Mỹ. Ðó là phải chia sẻ việc hoạch định chính sách cho Việt Nam cả về ngoại giao lẫn nội trị. Phản ứng “Chúng tôi không muốn trở thành một nước bị bảo hộ” là chủ trương của giới cầm quyền Việt Nam và người cầm đầu chính quyền Ðệ Nhất Cộng Hòa phải bị lật đổ để Hoa Kỳ được rộng tay thi hành chính sách của mình trong chiến lược chiến thuật thế giới.
Trong những chương này, tác giả nêu ra nhiều chi tiết đặc biệt như trong Chương 19, phần V, trang 460, đề cập đến việc ông Nhu đã sẵn sàng nhương bộ và phía Hoa Kỳ lo ngại ông Nhu kêu gọi Bắc Việt và hai ông Diệm-Nhu muốn thương thuyết với họ.
Tác giả cũng trình bày cặn kẽ việc lật đổ chính quyền Ðệ Nhất Cộng Hòa ở miền Nam Việt Nam. Phía quân sự Mỹ, Tướng Harkins bênh vực Tổng Thống Ngô Ðình Diệm và cực lực phản đối việc lật đổ ông. Nhưng Ðại Sứ Cabot Lodge vẫn cương quyết thi hành lệnh tử Washington của Tổng Thống John Kennedy (từ trang 507 đến 533) qua những giai đoạn ủng hộ ông Diệm rồi lại muốn loại bỏ ông.
Trong các chương này tác giả đề cập đến những lý do Hoa Kỳ muốn lật đổ Tổng Thống Ngô Ðình Diệm cho dù có những ý kiến chống đối trong giới lãnh đạo quân sự Hoa Kỳ.
Trước hết là báo giới Mỹ đổ thêm dầu vào lửa. Theo tác giả, “Ấp Chiến Lược là một thành công của chính phủ Ngô Ðình Diệm nhưng lại là một đề mục nóng bỏng cho báo chí và phe chống ông Diệm ở Mỹ chỉ trích gắt gao. Lý do là kế hoạch này làm mất lòng dân. Tới trận Ấp Bắc đầu năm 1963 thì quân đội VNCH bị chỉ trích là đã thất bại và làm tiêu hao sức mạnh quân sự chống Cộng. Năm 1963 lại là năm mà giới truyền thông leo thang trong việc tấn công hai ông Diệm-Nhu độc tài, thiên vị và đàn áp Phật Giáo. Hậu quả của việc thọc gậy bánh xe là đổ thêm dầu vào lửa, vừa làm cho Tổng Thống Diệm phẫn nộ, vừa đầu độc dư luận và lãnh đạo Mỹ.”
Kế đến là dư luận về việc hai ông Diệm-Nhu muốn thương thuyết với Hà Nội. Ðoạn này kể trong Chương 20, phần V, từ trang 473. Tác giả kể: “Quả là nhanh, chiều ngày 31 Tháng Tám, ông Lodge báo cáo ngay việc này về Washington, rằng chính ông cũng có nghe tin ông Nhu bí mật giao thiệp với Hà Nội và Việt Cộng qua đại sứ Pháp và đại sứ Ba Lan, cả hai chính phủ nước này đều tán thành một giải pháp trung lập giữa Bắc và Nam Việt Nam.”
Trong chương này tác giả còn kể đến nhiều chi tiết khác nữa về ý định của hai ông Diệm-Nhu và các “con thoi” Pháp, Ba Lan để thực hiện một cuộc gặp gỡ Bắc Nam và đã khởi đầu qua cuộc gặp gỡ của ông Nhu với ông Phạm Hùng, được ông Cao Xuân Vỹ kể lại.
Nhưng trước áp lực kinh tế của Hoa Kỳ (Quốc Hội sẽ cắt viện trợ nếu không ngưng việc đàn áp Phật Giáo, nếu không thay đổi chính phủ, v.v...) hai ông Diệm-Nhu đã nhượng bộ trước những đòi hỏi của Hoa Kỳ. Ông Nhu sẽ rời chính quyền, Giám Mục Ngô Ðình Thục ra ngoại quốc, và bà Nhu cũng ra ngoại quốc. Nhưng Ðại Sứ Lodge không quan tâm, vẫn quyết thực hiện cuộc đảo chính chính quyền Ngô Ðình Diệm, do các tướng lãnh Việt Nam cầm đầu, và ông đại sứ đã được Washington cho rộng quyền quyết định.
Và ngày định mệnh đã tới, 1 Tháng Mười Một, 1963, để sau đó, Hoa Kỳ trực tiếp tham chiến vào Việt Nam với hơn nửa triệu quân bằng tất cả những tiện nghi chiến tranh, nhưng lại chủ trương một cuộc chiến không nhằm chiến thắng ở Việt Nam, mà thắng trong chiến lược toàn cầu của Hoa Kỳ là phân hóa và chia rẽ hai nước Cộng Sản lớn là Liên Sô và Trung Quốc. Ngoại Trưởng Henry Kissinger, con thoi trong việc giải quyết chiến tranh Việt Nam, đôi lúc đã phải dùng đến cả khổ nhục kế như Hàn Tín của Trung Hoa ngày xưa.
Cuốn “Khi Ðồng Minh Nhảy Vào” từ phần VII cũng dành ra bốn chương để cập nhật cuốn “Khi Ðồng Minh Tháo Chạy” với những chương Trung Quốc thoát vòng vây Liên Sô, mở tung hai lối vào Biển đông, bước ngoặt của chính sách Trung Quốc như một kết quả thành công của sự “nhảy vào” cuộc chiến Việt Nam để rồi Mỹ “tháo chạy” khỏi cuộc chiến ấy và nay đang trở về với vai trò bảo vệ Việt Nam trước tham vọng bá quyền của Trung Quốc ở Châu Á.
Sách cũng còn cung cấp cho người đọc các phần phụ lục cho các chương và các tài liệu sách báo tác giả tham khảo. Phần này đã làm phong phú cho những điều tác giả đề cập đến khiến cho cuốn “Khi Ðồng Minh Nhảy Vào” trở thành một tài liệu quý giá cho những người muốn nhìn lại chính xác về cuộc chiến tranh Việt Nam mà rất nhiều cuốn sách trong và ngoài nước đã đề cập đến.
Du học Mỹ từ năm 1958, Giáo Sư Nguyễn Tiến Hưng giảng dạy kinh tế tại các đại học Hoa Kỳ từ năm 1963, và là kinh tế gia cho Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) từ năm 1966 đến 1970. Dưới thời Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, ông làm phụ tá tổng thống về tái thiết năm 1973, tổng trưởng Kế Hoạch và Phát Triển, đồng thời là người điều phối viện trợ trong phương diện kinh tế vĩ mô, từ năm 1973 đến năm 1975.
Sau khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc, ông định cư tại tiểu bang Virginia, và hiện là giáo sư tại đại học Howard University, Washington, DC.
Nguồn: nguoi-viet.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét