“Sống chết mặc bay!” là truyện ngắn đầu tay và nổi tiếng nhất
của nhà văn Phạm Duy Tốn, in trên báo Nam Phong vào Tháng Mười Hai, 1918, mô tả
hai hình ảnh tương phản một của những người nông dân vất vả, hoảng hốt trước cảnh
đê vỡ, vì mưa to gió lớn vào lúc nửa đêm, còn nhà cầm quyền địa phương đang dở
chơi ván tổ tôm trong căn phòng ấm cúng, kẻ hầu người hạ, mặc kệ số phận dân
đen.
Những con cá chết trên bãi biển miền Trung Việt Nam. (Hình:
STR/AFP/Getty Images)
Hoạt cảnh ấy, gần cả một thế kỷ sau, trên đất nước khổ đau,
khốn nạn này lại xẩy ra. Tình trạng thảm họa vì biển thấm độc, sinh vật ở biển
chết trôi dạt vào bờ, nghêu sò ốc hến cũng nằm phơi mình há miệng, đến chim trời
cũng chung số phận chết khô, và dân chúng, ăn cá cũng tử vong, mà ngư dân sống
nhờ đại dương cũng đang chết dần chết mòn, và tất yếu là chết... đói, tương lai
là mang bị gậy vào đất liền đi ăn xin. Nhưng cho đến giờ này những nhà lãnh đạo,
cai trị dân vẫn chưa tìm ra nguyên nhân, đang tìm cách chống đỡ cho Formosa.
Báo chí đã tìm ra công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa
Hà Tĩnh, thuộc khu kinh tế Vũng Áng, đã nhập về 300 tấn chất cực độc để sử dụng
thời gian qua rồi thải ra biển, hàng ngày xả lượng nước khổng lồ ra đáy biển bằng
đường ngầm qua đường ống chìm dài tới 1.5 km. Trong khi đó quan chức nhà nước
cho là đường ống xả nước ấy có giấy phép, đúng quy trình mà không nhắc gì đến chuyện
Formosa thải ra biển những hóa chất gì! Phải có thế lực nào che chắn, một công
ty ngoại quốc lại có thể nói thẳng vào mặt người dân nước Việt: “Chọn một trong
hai thứ, sắt thép hoặc cá tôm!” Sắt thép nào chưa thấy, chỉ toàn nhập từ Tàu,
mà người dân Việt đã dở sống dở chết!
Nước Việt Nam có bờ biển dài hơn 3,000 km, đáng lẽ phải là một
thiên đường của ngư phủ nước Việt, nhưng từ ngày có đảng về, ngư dân bắt đầu có
một đời sống tủi nhục. Ngư dân đánh cá trong hải phận Việt Nam bị Trung Cộng bắn
chết, bắt bớ, đốt tàu, thậm chí trong nhiều tấm ảnh ghi lại, ngư dân Việt phải
chấp tay lạy bọn Tàu, mà đảng vẫn kiêng dè, “sống chết mặc bay,” không dám can
thiệp, không dám cả chuyện gọi đích danh cái đất nước khốn nạn ấy, cho nên chữ
“tàu lạ” mới có trong chữ nghĩa Việt Nam.
Sao đảng Cộng Sản Việt Nam lại hèn hạ đến thế, đụng đến hai
chữ Trung Quốc như đụng đến mồ mả, dòng họ của Bộ Chính Trị nhà nó. Nếu không vậy,
sao Việt Khang, Đinh Nguyên Khang, Điếu Cày, Lư Văn Bảy... và hàng nghìn người
bày tỏ thái độ chống Trung Cộng bị bắt, bị cầm tù vì tội “tuyên truyền, chống
phá nhà nước.” Thì ra đảng đã đồng hóa nhà nước Tàu và nhà nước ta làm một.
Chính quyền Cộng Sản Việt Nam trong chính sách mỵ dân luôn
luôn rêu rao đảng là “người đầy tớ thật trung thành của nhân dân,” nhưng thật
tình đảng đang lo quyền lợi của đảng, vì không có chỗ dựa vào thành trì Trung Cộng,
thì đảng đã chết toi từ lâu. Cộng Sản Việt Nam mượn súng đạn của Tàu để củng cố
quyền lực. Cho nên Bộ Trưởng Quốc Phòng Phùng Quang Thanh mới phát biểu: “Tôi
thấy lo lắng lắm, không biết tuyên truyền thế nào, chứ từ trẻ con đến người già
có xu thế ghét Trung Quốc. Ai nói tích cực cho Trung Quốc là ngại. Tôi cho rằng,
cái đó là nguy hiểm cho dân tộc!” Vậy ra là y lo mất lòng Trung Quốc, chứ không
hề nghĩ đến số phận đất nước!
Về chuyện tôm cá, thì trong cuộc họp báo của thứ trưởng Bộ
Tài Nguyên-Môi Trường, khi phóng viên đặt vấn đề “tài nguyên môi trường Thừa
Thiên-Huế, chỗ có hàng loạt bè cá bị chết, họ có nói là trong nước kiểm nghiệm
có cả kim loại nặng như là crom...,” nghĩa là chưa đụng gì đến cái tên Formosa,
thì “đầy tớ nhân dân” Võ Tuấn Nhân đã sợ hãi, líu lưỡi: “Không, không, để cho
anh nói hết. Nói riêng với em, đừng hỏi câu đó, hỏi câu đó tổn hại cho đất nước
của mình. Nhá!” Đất nước đã tổn thương hằng chục năm nay rồi, không phải vì một
câu hỏi đụng chạm quyền lợi của nhà cầm quyền Hà Nội, tức là quyền lợi của
Formosa.
Trong khi thợ lặn Vũng Áng bị chết, dân chúng ăn cá dạt vào
bờ cả gia đình bị ngộ độc qua đời, thì vẫn có một nhóm “Lê Lai cứu chúa,” như Đặng
Ngọc Sơn, phó chủ tịch tỉnh Nghệ Tĩnh, dám nói: “Những loại hải sản như mực,
tôm, cua cá vẫn đang sống thì người dân có thể ăn được. Ngoài ra, người dân
cũng có thể yên tâm tắm biển ở các vùng biển này.”
Trong khi cả nước than khóc vì biển đang bị đầu độc, trong
đó có biển Thừa Thiên-Huế, ngư dân đang đói, cố đô vẫn tưng bừng khai mạc
Festival Huế, và ông Nguyễn Dung, trưởng ban tổ chức, tuyên bố: “Hiện tượng cá
chết không ảnh hưởng đến Festival Huế!” thể hiện cái tinh thần “sống chết mặc
bay” của những “đầy tớ nhân dân,” và ông cũng cho hay, tỉnh cam kết bảo đảm thực
phẩm an toàn phục vụ du khách và can đảm nói rằng: “Nếu ai bị ngộ độc thực phẩm,
tôi sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm!” Không biết ông lấy cái gì ra để bảo đảm, tiền
của thu từ nhân dân, chức vụ của ông... Từ trước đến nay Cộng Sản Việt Nam chưa
bao giờ nhận lỗi của mình, mà cái lỗi nặng nhất là tham vọng cướp chính quyền,
nướng hàng triệu thanh niên miền Bắc vào lò lửa bom đạn chiến tranh, để đưa đến
một đất nước hôm nay, nợ nần, tụt hậu và đạo lý suy đồi!
Mới đây thôi, khi cá đã chết đầy biển, ông Nguyễn Phú Trọng,
tổng bí thư đảng CSVN, đi thăm công trình nhà máy thép Sơn Dương, Vũng Áng,
hoàn toàn không dám đề cập đến nguyên nhân thảm họa đang xảy ra, vẫn không có một
tiếng nói nào về tình trạng ô nhiễm Biển Đông, cũng không quan tâm thăm hỏi gì
đến ngư dân. Đặc khu Vũng Áng đã được chính thức xem như là một vùng “đất tư” của
Trung Cộng tại Việt Nam từ ngày 14 Tháng Bảy, 2014. Chính phủ CSVN đã ký khế ước
với chủ tịch Formosa, đầu tư $97 tỷ và cho thuê vùng đất này trong 70 năm. Tiền
đầu tư là $97 tỷ, tiền cho thuê đất 70 năm là bao nhiêu? Thông lệ “bôi trơn” và
“lại quả” dành cho Bộ Chính Trị là bao nhiêu? Chúng ta chưa nói đến những công
trình đầu tư, cho thuê mẫu đất, bao nhiêu mẫu rừng khác trên toàn cõi Việt Nam,
và đầu não lãnh bao nhiêu %. Chín năm làm thủ tướng, ông Nguyễn Tấn Dũng kiếm
được bao nhiêu tiền?
“Sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi!” thì ăn làm sao, nói
làm sao bây giờ.
Dân tộc Việt Nam là dân tộc vô phúc nhất, từ ngày nhân dân
nhận chịu thảm họa Cộng Sản cho tới giờ.
Nguồn: nguoi-viet.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét