Thứ Tư, 11 tháng 5, 2016

Nhật và Úc tăng cường can dự quân sự ở Biển Đông

Biên dịch: Chu Tuấn Việt


Giữa lúc căng thẳng gia tăng trên Biển Đông, Hoa Kỳ đã kêu gọi các đồng minh trong khu vực hỗ trợ tích cực hơn cho các chiến dịch đảm bảo tự do hàng hải (TDHH) của nước này. Nhưng dù bày tỏ ủng hộ chính trị các chiến dịch này, dường như cả Tokyo và Canberra đều không sẵn sàng biến sự ủng hộ đó thành hành động trực tiếp.

Lâu nay Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã công khai loại trừ khả năng Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (LLPV) trực tiếp tham dự vào các chiến dịch đảm bảo TDHH, dù ông không bác bỏ khả năng cử LLPV đến Biển Đông nếu xảy ra biến cố trong tương lai. Và mặc dù có tin là Australia đã cân nhắc thực hiện hoạt động đảm bảo TDHH của riêng họ, đến nay chính phủ của Thủ tướng Turnbull vẫn tránh khiêu khích Trung Quốc – đối tác thương mại chính của Australia – bằng việc mở rộng các hoạt động quân sự trong khu vực.


Nhưng điều này không có nghĩa là Nhật  Bản và Australia thờ ơ hoặc “ngồi không hưởng lợi” từ các nỗ lực của Hoa Kỳ để giải quyết vấn đề Biển Đông. Thay vào đó, cả hai nước đã dần gia tăng sự can dự quân sự với Đông Nam Á. So với can dự trực tiếp, cách thức này có thể đem lại sự ủng hộ gián tiếp nhưng quan trọng hơn đối với các chiến dịch đảm bảo TDHH của Hoa Kỳ. Chiến lược tăng cường can dự này dường như bao gồm 3 yếu tố: gia tăng sự hiện diện, mở rộng các quan hệ đối tác và xây dựng liên minh.

Thứ nhất, cả Nhật Bản và Australia đã đẩy mạnh sự hiện diện của họ trong khu vực thông qua tăng số lượng các cuộc tập trận quân sự song phương hoặc ba bên, tuần tra và viếng thăm các hải cảng của các quốc gia Đông Nam Á giáp biển. Từ năm ngoái đến nay, các máy bay P3C của Nhật Bản đã thăm Việt Nam hai lần trên đường về nước sau khi tham gia các hoạt động chống cướp biển ngoài khơi bờ biển Somalia. Nhật Bản cũng tiến hành các cuộc tập trận trên biển và trên không đầu tiên với Philippines trong năm 2015 và cuộc diễn tập tình huống giả lập (tabletop exercise) đầu tiên về tìm kiếm và cứu hộ với Việt Nam vào tháng 2 năm 2016.

Tháng 4 năm 2016, một chiếc tàu ngầm và hai tàu khu trục của Nhật Bản đã thăm Vịnh Subic của Philippines – đây là chuyến thăm cảng Philippines đầu tiên của tàu ngầm Nhật Bản sau 15 năm. Cùng tháng đó, tàu khu trục mang theo trực thăng của Lực lượng Phòng vệ Biển (LLPVB) Nhật Bản đi qua Biển Đông để tham dự các cuộc tập trận đa phương do Indonesia tổ chức và hai chiếc tàu khu trục khác của LLPVB đã lần đầu tiên thăm Cảng Cam Ranh của Việt Nam.

Tương tự như vậy, gần đây Australia đã rà soát và tăng cường cam kết phòng thủ của nước này với Đông Nam Á bằng cách gia tăng tần suất các cuộc diễn tập tuần tra truyền thống của nước này bằng máy bay P3C và đưa tàu chiến đi qua khu vực quần đảo Trường Sa. Trong dài hạn, Lực lượng quốc phòng Australia đang hướng tới nâng cao năng lực hàng hải để có thể tăng cường sự hiện diện chiến lược của nước này tại Biển Đông. Theo Sách Trắng Quốc phòng 2016 của Australia, việc bảo đảm an ninh khu vực xung quanh, bao gồm “vùng biển Đông Nam Á”, hiện là ưu tiên cao thứ hai của nước này, xếp sau ưu tiên bảo đảm an ninh của chính Australia.

Thứ hai, cả hai nước đều củng cố các quan hệ đối tác với các nước Đông Nam Á thông qua các hợp tác nâng cao năng lực và trang bị quốc phòng. Nhật Bản đã không chỉ đồng ý cung cấp tàu tuần tra cho Philippines mà còn có tin nước này đang cân nhắc chuyển giao các máy bay huấn luyện (loại TC-90) để phục vụ các hoạt động giám sát hàng hải ở quần đảo Trường Sa. Nhật Bản tiến hành cuộc gặp “hai cộng hai” với Indonesia vào tháng 12 năm 2015, trong đó nước này đồng ý đàm phán chuyển giao các kỹ thuật và thiết bị quân sự cho Indonesia.

Australia cũng đã âm thầm tăng cường các quan hệ đối tác hàng hải song phương với Đông Nam Á. Nước này đã chuyển giao tàu bảo vệ biên giới và hải quan (ACV) cho cơ quan đối tác phía Malaysia vào tháng 2 năm 2015 và tặng hai tàu đổ bộ hạng nặng cũ cho Philippines vào tháng 11 năm 2015 (nước này đã bán cho Philippines ba chiếc nữa với giá hữu nghị vào tháng 3 năm nay). Australia cũng đã nâng cấp quan hệ hợp tác quốc phòng với Việt Nam, ký kết “các quan hệ đối tác chiến lược” với cả Singapore và Malaysia, và đang trong quá trình ký thỏa thuận quốc phòng mới với Indonesia để mở rộng hợp tác quốc phòng giữa hai nước.

Thứ ba, bên cạnh quan hệ an ninh chặt chẽ giữa Nhật Bản và Australia, cả hai nước cũng đã âm thầm thúc đẩy xây dựng các liên minh “lỏng” thông qua đối thoại chiến lược và tập trận quân sự. Một ví dụ rõ nét là các cuộc gặp ba bên cấp ngoại trưởng giữa Nhật Bản, Australia và Ấn Độ vào tháng 6 năm 2015 và tháng 2 năm 2016. Tiếp theo đó, Nhật Bản đã tham dự cuộc tập trận chung Hoa Kỳ – Ấn Độ có tên gọi Malabar, và có tin là Australia quan tâm đến việc tham gia cuộc tập trận vào cuối năm nay.

Một ví dụ khác là việc tăng số lượng thành viên tham dự các cuộc tập trận như Corp North, nguyên là cuộc tập trận quân sự song phương giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ từ năm 1978. Năm 2012, Corp North trở thành tập trận ba bên với sự tham dự của Australia và đến nay nó đã được mở rộng cho các quốc gia khác trong khu vực như Hàn Quốc, New Zealand và Philippines tham gia trong các lĩnh vực cứu trợ nhân đạo và khắc phục thiên tai. Ngày càng có nhiều động lực hợp tác giữa các cơ quan bảo vệ bờ biển của Hoa  Kỳ, Nhật Bản, Australia và các đối tác khác trong khu vực. Điều này nhiều khả năng sẽ giúp hình thành nhiều hoạt động hợp tác an ninh đa lớp hơn.

Nhật Bản và Australia đã có các bước đi riêng hoặc cùng phối hợp để đẩy mạnh các can dự quốc phòng của họ với Đông Nam Á. Và trong khi một sự can dự trực tiếp hơn – như các hoạt động tuần tra chung của Hoa Kỳ-Nhật Bản-Australia  chẳng hạn – có ít dấu hiệu sớm thành hiện thực, thì những hoạt động của hai nước này vẫn rất quan trọng trong việc thể hiện sự đoàn kết với các chiến dịch đảm bảo TDHH do Hoa Kỳ dẫn dắt và duy trì cam kết quân sự của Hoa Kỳ đối với khu vực.

Nhưng những sự hợp tác như vậy không phải không có rủi ro. Khi mà các can dự quân sự sẽ tăng cường năng lực cho một số nước và giảm bớt sự mất cân bằng quyền lực trong khu vực, nó cũng làm tăng sự bất đồng chính trị trong các vấn đề an ninh khu vực giữa các nước Đông Nam Á ven biển và các nước Đông Nam Á lục địa. Nhật Bản và Australia phải cẩn thận để cân bằng giữa việc mở rộng các can dự quốc phòng song phương với các nước Đông Nam Á giáp biển với việc tăng cường hợp tác trong các thể chế an ninh đa phương khu vực có nhiều nước tham gia hơn. Để làm được như vậy, giữa Nhật Bản, Australia và các cường quốc khác trong khu vực cần có sự trao đổi thông tin và điều phối nhiều hơn.

***
Tomohiko Satake là Nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Quốc gia về Quốc phòng (NIDS) ở Tokyo. Bài viết này thể hiện quan điểm riêng của tác giả và không phản ánh quan điểm của NIDS hoặc Bộ Quốc phòng Nhật Bản.

Nguồn: Tomohiko Satake, “Japan and Australia ramp up defence engagement in the South China Sea”, East Asia Forum, 26/04/2016.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét