Thông tin về việc truy tìm nguyên nhân cá chết hàng loạt ở
ven biển miền Trung như lạc vào mê cung. Truyền thông nhà nước đưa tin người
dân hoang mang khi phát hiện dải nước màu đỏ dài 1,5km rộng 10 mét xuất hiện
ngày 4/5/2016 sát bờ biển huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, kèm theo đó là một
ít cá mới chết dạt bờ.
Do một tác động nào đó từ con người?
Ngay từ xế trưa 4/5 các báo điện tử VnExpress, VietnamNet và
truyền hình nhà nước nhanh chóng đưa tin, giới khoa học khẳng định vệt nước đỏ ở
vùng biển Quảng Bình là thủy triều đỏ. Tuy vậy báo điện tử Dân Trí bản tin trên
mạng sáng ngày 5/5 trích lời Ông Phan Văn Gòn Bí thư Huyện ủy Bố Trạch xác nhận
là, những vệt nước màu đỏ đã từng xuất hiện nhiều lần. Tờ báo cũng trích lời
ngư dân địa phương Nguyễn Văn Vịnh nói rằng, dải nước màu đỏ xuất hiện ở khu vực
biển này là chuyện bình thường, đặc biệt thời điểm qua tháng 5 âm lịch còn xuất
hiện nhiều hơn. Ngư dân Nguyễn Văn Vịnh cho rằng dải nước màu đỏ không phải là
nguyên nhân dẫn đến tình trạng cá chết hàng loạt trong thời gian qua…
Trả lời Nam Nguyên vào tối ngày 5/5/2016, Ông Nguyễn Tử
Cương Trưởng Ban Phát triển thủy sản bền vững Hội nghề cá Việt Nam, nguyên Cục
trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông
thôn, từ Hà Nội nhận định:
“Tôi cũng được xem hình ảnh đó, có những người đứng ở ngay
ven bờ thì chắc chắn là ảnh thật. Tuy nhiên như người dân và các chuyên gia nói
rằng nó không gây ra cá chết, thì trong thực tế đã là như vậy. Tức là có màu nước
đỏ nhưng cá không chết, nhưng nó không phải là nguyên nhân của lần trước, bởi
vì lần trước gây cá chết thì không hề có hiện tượng này.”
Ông Nguyễn Tử Cương là chuyên gia phát triển bền vững nông
thủy sản có nhiều kinh nghiệm, ông tái khẳng định quan điểm của Hội nghề cá Việt
Nam là nhất quán, đối với thảm họa môi trường cá chết hàng loạt trên bờ biển
kéo dài hơn 250km ở các tỉnh ven biển miền Trung. Ông nói:
“Hội nghề cá Việt Nam vẫn giữ nguyên quan điểm, chúng tôi đã
làm công văn gởi Chính phủ và các Bộ, chúng tôi cũng đăng trên mạng. Cho đến thời
điểm này chúng tôi vẫn giữ nguyên suy nghĩ rằng, cá chết do ngộ độc, chất độc
đó không phải do tự sinh ở đáy biển, không phải do tự nhiên nó sinh ra mà nó phải
do một tác động nào đó từ con người và cái tác động đó chúng tôi xác định là ở
Huyện Kỳ Anh Hà Tĩnh.”
Theo lời Ông Nguyễn Tử Cương, các chuyên gia đang hướng
nghiên cứu vào nguồn tập trung xả thải của tất cả các nhà máy tại huyện Kỳ Anh.
Người ta lập hoạt động chuyên biệt kiểm tra hóa chất mà Formosa nhập về sử dụng
ra sao. Ông Nguyễn Tử Cương nhấn mạnh:
“Những hóa chất độc có hàng ngàn thứ, nếu mình không đi tìm
theo trọng tâm, tức là tìm nguồn phát sinh và khoanh vùng lại, mà mình chỉ kiểm
tra xem hóa chất nào thôi thì không sớm lần ra đầu mối đâu. Điều thứ hai nữa là
với con cá, rất may cho đến giờ này người ta vẫn lưu được những mẫu cá chết
trong thời gian đó. Việc kiểm tra nó ở mang và dạ dày thì không chính xác bằng
kiểm tra ở trong gan. Cái hướng phải tìm xem gan cá bị biến đổi như thế nào và
chất độc nằm trong gan mới là hướng chính mà chúng tôi sẽ tìm hiểu.”
Đã phát hiện một vệt nước màu đỏ gạch dài khoảng 1,5 km ở bờ
biển thuộc xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình bắt đầu từ ngày 4
tháng 5 vừa qua và bị nghi ngờ là do thủy triều đỏ.
Trở lại sự kiện dải nước biển màu đỏ mới phát hiện ở Quảng
Bình ngày 4/5, VnExpress trích lời GS-TS Nguyễn Ngọc Lâm thuộc Viện Hải dương học
Nha Trang nói rằng, dù chưa phân tích mẫu nước, nhưng qua ảnh thì có thể đây là
hiện tượng tảo nở hoa hay còn gọi là thủy triều đỏ. Nhưng loại tảo gì thì phải
chờ kết quả phân tích mẫu nước biển màu đỏ. Hai từ ‘có thể’ là thủy triều đỏ mà
VnExpress trích lời của GS Lâm, được hiểu là chưa hoàn toàn xác định. Sau đó
nhà hải dương học này nói với Đài Á châu Tự do là dải nước đỏ ở Quảng Bình
“không hẳn là thủy triều đỏ,” cũng theo cách nói không xác định.
Tuy vậy theo VnExpress, GS-TS Nguyễn Ngọc Lâm tiết lộ là kết
quả phân tích mẫu nước lấy ngày 27/4/2016 từ Vũng Áng Hà Tĩnh cho thấy có vi tảo
Heterosigma cf. akashiwo, mật độ xấp xỉ 300 triệu tế bào trên một lít và với mật
độ này, vi tảo có thể gây chết cá và ảnh hưởng đời sống thủy sinh.
Còn VietnamNet trích nguồn tin kênh Truyền hình Quốc gia VTV
cho biết, các nhà khoa học Quốc tế và Việt Nam vào tối 4/5 đã lấy mẫu nước tại
bãi biển Nhơn Trạch và đã có cuộc họp kéo dài tại Hà Tĩnh. Tờ báo mạng dẫn lời
Giáo sư khoa học Dương Đức Tiến, nguyên giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội nói
là, các nhà khoa học trong nước và quốc tế đưa nhận định chung khẳng định đây
là hiện tượng thủy triều đỏ hay tảo nở hoa. Tuy nhiên các nhà khoa học chưa
phân loại được là loại tảo nào.
“Hàng tấn cá chết, Huế khẳng định biển an toàn”
Hầu hết báo điện tử của Việt Nam vào ngày 5/5/2016 đều đưa
tin, thêm đợt thứ 3 cá chết bất thường tiếp tục xảy ra ở Thừa Thiên Huế từ ngày
2/5, trong vòng 3 ngày lượng cá biển trôi dạt vào bờ ở cửa biển Thuận An khoảng
8 tấn, cá nuôi lồng của người dân cũng chết hàng loạt nhưng chưa có thống kê.
VnExpress bản tin trên mạng trưa ngày 5/5 đặt một tựa bài khá mỉa mai ‘Hàng tấn
cá chết, Huế khẳng định biển an toàn’. Tờ báo mạng trích lời Ông Hoàng Ngọc
Khanh, phát ngôn viên tỉnh Thừa Thiên-Huế khẳng định, dù có ba đợt cá chết,
nhưng tất cả các điểm quan trắc đánh giá môi trường nước biển đều nằm trong giới
hạn cho phép và mọi việc trong vòng kiểm soát. Theo VnExpress, Ông Khanh xác nhận
chính quyền Thừa Thiên Huế khuyến cáo người dân không chụp ảnh cá chết, vì lo
ngại những hình ảnh này phát tán lên mạng xã hội, có bình luận không đúng gây
nhiễu động trong nhân dân.
Câu chuyện về thủy triều đỏ được cho là xảy ra ngày 4/5 ở Quảng
Bình và hiện tượng cá tiếp tục chết ở một số nơi trong đó có Thừa Thiên-Huế, vô
hình chung đưa các thông tin về nguyên nhân gây cá chết hàng loạt vào một mê hồn
trận, nếu cá chết vì thủy triều đỏ thì vi phạm xả thải ra môi trường biển của
Formosa sẽ được hóa giải hoặc giảm nhẹ, tuy rằng điều này phải được chứng minh.
Tuy vậy khi báo chí trích lời giới khoa học khẳng định thủy
triều đỏ xuất hiện ngày 4/5 ở Quảng Bình, rồi cá tiếp tục chết đợt 3 ở Thừa
Thiên Huế, thì hình ảnh ban lãnh đạo một
số tỉnh có cá chết, vui vẻ tắm biển và khuyến khích người dân ăn cá biển trở
thành một màn trình diễn nguy hiểm và không khoa học.
Trang mạng Tiếp thị thế giới và báo điện tử Người Lao động
ngày 3/5 có bài nhận định, theo đó lãnh đạo ăn cá, tắm biển không phải là câu
trả lời. Câu trả lời phải là bằng chứng khoa học mà nhiều Bộ, ban, ngành đã đi
tìm suốt cả tháng qua mà đến nay vẫn còn nợ người dân…lỡ như kết quả sau này
cho biết biển bị nhiễm độc kim loại nặng chẳng hạn, thì ai chịu trách nhiệm đối
với những người đã ăn cá trong khoảng thời gian chờ nghiên cứu này.
Vấn đề thủy triều đỏ từng được Bộ Tài nguyên Môi trường đưa
ra bên cạnh nguyên nhân độc tố từ chất độc cực mạnh. Tuy vậy ngay sau khi công
bố ngày 27/4, đa số các nhà khoa học trong ngoài nước và Hội nghề cá Việt Nam
đã bác bỏ giả thiết này vì cho là nó thiếu cơ sở. Mọi luồng thông tin lúc đó đều
chú mục về khu Công nghiệp Vũng Áng trong đó có nhà máy thép Formosa.
Chúng tôi xin phép trích lời Đức Giám mục Nguyễn Thái Hợp, vị
chủ chăn của giáo phận Vinh, liên quan đến thảm họa môi trường xuất phát từ Kỳ
Anh Hà Tĩnh, trong cuộc phỏng vấn của Gia Minh Đài RFA:
“Thực sự vấn đề xảy ra cách đây cả tháng rồi, sau đó cá mới
chết. Thế mà bây giờ mới bắt đầu nghiên cứu, mới bắt đầu suy nghĩ. Tôi một số lần
cũng nói thẳng với nhà cầm quyền làm sao lãnh đạo mà lại như vậy! Làm sao mà
bây giờ các nhà khoa học mới nghĩ đến chuyện đó. Làm sao có thể nghĩ đến giả
thuyết như là ‘thủy triều đỏ’! Nếu có thủy triều đỏ thì chuyện đó xảy ra hơn một
tháng rồi và cá mới chết. Phải chăng đưa ra giả thuyết đó để có ý biện minh hay
để ‘kéo dài’ vấn đề? Tôi vẫn băn khoăn về chuyện đó.”
Sau một tháng lúng túng trong việc xử lý khủng hoảng môi trường
ở 4 tỉnh ven biển miền Trung, hiện nay thông tin cho thấy Chính phủ đang tổng lực
thực hiện nhiều hoạt động lớn, mà đáng lẽ phải làm ngay trong tuần lễ đầu tiên
khi cá chết hàng loạt. Một cuộc tổng kiểm tra việc chấp hành qui định bảo vệ
môi trường tại khu kinh tế Vũng Áng Formosa sẽ được công khai sau ngày 6/5.
Theo VnExpress, ngoài hoạt động do Bộ Tài nguyên Môi trường chủ trì, Bộ Khoa học
và Công nghệ đã thành lập Hội đồng chuyên gia cấp quốc gia do Giáo sư Viện sĩ
Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học và Công ngệ Việt Nam làm chủ tịch. Hội đồng tập hợp gần 100 nhà khoa học, đi sâu
vào hướng nghiên cứu tác nhân hóa học, sinh học, khí tượng, thủy văn và động lực
học biển.
Giới phản biện cho rằng, nếu chính quyền các cấp làm đúng chức
trách của mình, công khai minh bạch thông tin từ đầu, công bố kết quả xét nghiệm
mẫu cá chết, mẫu nước biển ngay trong những ngày đầu tiên ở Vũng Áng Kỳ Anh Hà
Tĩnh và những nơi lan tỏa sau đó, thì sẽ
có thể tập trung tài lực để xử lý cuộc khủng hoảng bằng cách tốt nhất.
Trong cuộc phỏng vấn của Đài RFA, TS Lê Đăng Doanh, thành
viên Ủy ban Chính sách phát triển Liên Hiệp Quốc, nguyên Viện trưởng Viện Quản
lý Kinh tế Trung ương nhận định:
“Hơn bao giờ hết trong tình hình có hiện tượng mất niềm tin
và có sự thiệt hại đối với đồng bào miền Trung như thế, thì trước nhất là phải
có sự công khai minh bạch, sự trung thực, phải có sự trả lời có căn cứ khoa học
và phải vận dụng pháp luật, qui định trách nhiệm và trừng phạt một cách nghiêm
minh tất cả những ai đã gây ra những tác hại này và đền bù cho đồng bào những
người bị thiệt hại. Theo tôi đấy là yêu cầu xứng đáng và sự mong đợi của người
dân Việt Nam, không những ở miền Trung mà ở toàn thể đất nước Việt Nam hiện
nay.”
Khuyến cáo của chuyên gia kinh tế TS Lê Đăng Doanh cũng
tương đồng với nhiều học giả trí thức khác. Những lời ông nói, có thể là việc cần
phải làm ngay của chính quyền Việt Nam.
Nguồn: RFA Tiếng Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét