Tổng thống Hoa Kỳ
Barack Obama trong ngày đầu tiên tới thăm Việt Nam đã tuyên bố dỡ bỏ
lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Hà Nội, và chứng kiến lễ ký hợp
đồng đặt mua 100 chiếc phi cơ giữa hãng hàng không tư nhân VietJet Air
với nhà sản xuất máy bay Boeing trị giá hơn 11 tỷ đôla.
BBC: Quý vị đánh giá thế nào về kết quả hai bên đạt được trong ngày tiên ông Obama ở Việt Nam?
Ông Đỗ Hồng Anh, cựu Chủ tịch Cộng đồng Việt Nam tại Washington D.C, Maryland và Virginia:Người Việt ở hải ngoại kỳ vọng quá nhiều vào vấn đề nhân quyền, nhưng cho tới nay vẫn chưa thấy ông Obama đề cập tới. Khi đề cập tới vấn đề bãi bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương, Tổng thống Obama đã nói rằng sẽ đặt vấn đề nhân quyền kèm theo. Như chúng ta thấy, từ trước tới nay chúng ta luôn nêu vấn đề nhân quyền nhưng dường như lại không có biện pháp chế tài nào trong trường hợp đối phương không thi hành, không áp dụng các quy tắc nhân quyền. Đó là điều gây thất vọng ít nhiều cho cộng đồng hải ngoại.
Vấn đề TPP cũng vậy. Đã đặt ra yêu cầu minh bạch hóa vấn đề ngân sách. Thế nhưng vấn đề gần đây nhất là chuyện cá chết thì nhà nước [Việt Nam] vẫn chưa minh bạch được nguyên nhân khiến cá chết, nhiễm độc môi trường, thì tôi e là vấn đề minh bạch ngân sách cũng sẽ như vậy – tức là không thể nào minh bạch được ngân sách quốc gia theo như đòi hỏi của TPP.
Về vấn đề ký hợp đồng bán máy bay Boeing, tôi cho rằng đó là điều đáng vui mừng bởi Việt Nam như vậy sẽ có được những phi cơ tối tân, cải thiện điều kiện vận chuyển và giúp thúc đẩy kinh tế.
Bác sỹ Nguyễn Quốc Quân, Chủ tịch Tổ chức Quốc tế Yểm trợ Cao trào Nhân bản, California, Hoa Kỳ:
Trước chuyến đi của ông Obama, chúng tôi đã được mời vào họp với Hội đồng An ninh Quốc gia. Khi đó họ có nói rõ là vấn đề gia tăng giao thương và thắt chặt quan hệ giữa hai nước chắc chắn sẽ xảy ra. Nhưng họ quả quyết vấn đề nhân quyền sẽ đóng vai trò quan trọng trong tiến trình giao thương, và tất cả tùy thuộc vào thái độ của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam.
Nay chuyến đi của ông Obama đã gần như hoàn tất, với hai sự kiện quan trọng đã diễn ra trong ngày đầu tiên. Điều này khiến cộng đồng người Việt, nhất là ở vùng Hoa Thịnh Đốn, đặt câu hỏi không biết chính quyền Mỹ, đặc biệt là ông Obama, có quên lời hứa nhân quyền và đặt vấn đề tiền lên trên vấn đề nhân quyền hay không.
Chúng tôi vừa nhận được lời mời tham dự cuộc họp báo của dân biểu Christ Smith, một dân biểu kỳ cựu của tiểu bang New Jersey, người luôn lưu tâm tới vấn đề nhân quyền ở Việt Nam, vào 3 giờ chiều ngày mai về chuyến đi của ông Obama. Theo tôi hiểu thì có lẽ đây là sự kiện chỉ mới được tổ chức do những gì xảy ra trong ngày hôm nay của ông Obama tại Việt Nam, nhằm thảo luận về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam cần phải được tôn trọng.
Chúng tôi không chống việc gỡ bỏ lệnh bán vũ khí sát thương hay việc Việt Nam gia nhập TPP. Nhưng chúng tôi đòi hỏi điều kiện nhân quyền phải đi đôi với những tiến triển thương mại, phát triển bang giao giữa hai nước.
Nếu chính quyền Mỹ bỏ qua vấn đề nhân quyền mà chỉ chú trọng tới kinh tế, thì với tư cách là người Mỹ gốc Việt, chúng tôi chắc chắn sẽ tiếp tục tranh đấu và đòi hỏi tôn trọng nhân quyền.
BBC: Quý vị mong muốn Tổng thống Obama làm gì trong thời gian còn lại ở Việt Nam?
Ông Đỗ Hồng Anh, cựu Chủ tịch Cộng đồng Việt Nam tại Washington D.C, Maryland và Virginia:Chúng tôi hy vọng là trong thời gian 2 ngày còn lại của chuyến thăm, Tổng thống Barack Obama sẽ tiếp xúc với các tiếng nói bất đồng chính kiến ở Việt Nam, để vị nguyên thủ quốc gia đứng đầu thế giới thấy được thực trạng nhân quyền, đời sống của dân tộc Việt Nam, đặc biệt là vấn đề môi trường ô nhiễm và phản ứng của nhà nước ra sao, để ông nắm được ít nhiều về những yêu cầu của dân chúng tại Việt Nam.
Cộng đồng người Việt ở hải ngoại cũng mong Tổng thống Obama có dịp tiếp xúc với những người đại diện cho các tôn giáo, để thấy được tự do tôn giáo ở Việt Nam có được thực thi đúng mức như nhà nước Việt Nam vẫn nói không.
Bác sỹ Nguyễn Quốc Quân, Chủ tịch Tổ chức Quốc tế Yểm trợ Cao trào Nhân bản, California, Hoa Kỳ:
Tổng thống nên tiếp tục can thiệp cho những người đang bị tù vì phát biểu ý kiến ôn hòa, thăm một số nhà tranh đấu dân chủ đại diện cho mọi xu hướng ở Việt Nam, gặp gỡ xã hội dân sự và khuyến khích chính phủ Việt Nam công nhận các tổ chức này, để cho họ sinh hoạt bình thường, đúng như những gì mà như các tổ chức phi chính phủ mà nhà nước lập ra hoặc cho phép thành lập.
Nguồn BBC Tiếng Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét