Chủ Nhật, 22 tháng 5, 2016

Năm 1989 và sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản (P1)

Biên dịch: Trần Ngọc Cư

Nguồn: Philip D. Zelikow, “The Suicide of the East? 1989 and the Fall of Communism“, Foreign Affairs, November/December, 2009

 cncs


Lời người dịch: Qua việc đánh giá một số sách tiếng Anh[1] xuất bản vào dịp kỷ niệm năm thứ 20 đánh dấu sự sụp đổ của Bức tường Bá Linh, Philip D. Zelikow đã trình bày những bước thăng trầm đối xung nhau của chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa tư bản từ sau Thế chiến II. Mặc dù trong những năm 1989-1990 đa số người Mỹ tập chú vào vai trò của Reagan và Giáo hoàng John Paul II trong nỗ lực phá sập hệ thống Xô Viết, nhưng ngày nay một sử quan mới có khuynh hướng nhấn mạnh những chuyển biến kinh tế chính trị đã đưa đến một Châu Âu hợp nhất, vai trò của Tây Đức dưới thời Thủ tướng Helmut Kohl, sự rạn nứt trong hàng ngũ lãnh đạo chóp bu của Liên Xô, và nhất là quyết định cải tổ chính trị và chính sách bất can thiệp vào nội tình các nước chư hầu Đông Âu do Gobarchev chủ trương. Bài điểm sách này còn là một phản biện dành cho cuốn The Suicide of The West (Cuộc tự sát của Phương Tây) của James Burnham.



Thế chiến III đã không xảy ra. Cuộc chiến tranh hư cấu, được mô tả trong cuốn tiểu thuyết thuộc hàng bán chạy nhất thế giới năm 1978 với nhan đềThế chiến thứ ba, là sản phẩm tưởng tượng của một trong những học giả quân nhân (soldier-scholar) xuất sắc nhất thế hệ ông, một vị tướng hồi hưu người Anh tên là John Hackett. Cuộc chiến hư cấu này bùng nổ năm 1985 khi sự rạn nứt trong Liên bang Nam Tư đã châm ngòi cho một cuộc xung đột giữa các đại cường, theo kiểu 1914. Những kịch bản tương tự như Thế chiến I, về các đế quốc đang suy tàn và các bộ máy quân sự sẵn sàng nhả đạn, là khá phổ biến trong bầu khí chính trị vào thời điểm cuốn sách được xuất bản. Đó là giai đoạn vào cuối thập niên 1970, là lúc chủ nghĩa can thiệp của Xô Viết lên đến điểm cao, trong khi Liên Xô đang nuôi dưỡng cùng một lúc một đội quân dàn trải quá rộng, khó điều khiển, và một tầng lớp lãnh đạo chính trị già nua, bất ổn.



Nhưng vào lúc chiến tranh Nam Tư trong hiện thực xảy ra năm 1991, thì một loại phản ứng dây chuyền hoàn toàn khác hẳn đã làm thay đổi cục diện Châu Âu, chứ không theo kịch bản nói trên. Cuối thập niên 1980, Moscow đã mạnh dạn thử nghiệm cải tổ kinh tế rồi tiếp đó cải tổ chính trị. Liên Xô và Ba Lan tổ chức nhiều cuộc bầu cử tự do có giới hạn vào đầu năm 1989. Trong nhiều cách thế khác nhau, những cuộc bầu cử này đã làm lung lay nền tảng của các chế độ cộng sản của hai nước vừa nói. Chẳng bao lâu sau đó, Ba Lan có được một chính phủ phi cộng sản. Hungary bỏ hàng ngũ để chạy theo Phương Tây một cách trót lọt, thu hút một làn sóng tị nạn đáng kể từ Đông Đức, vì thế làm suy yếu luôn cái thành trì Stalinist mà họ để lại đằng sau. Dòng thác cách mạng chuyển động tăng tốc. Chính phủ Tiệp Khắc bị một “cuộc cách mạng nhung” lật đổ và Bức tường Bá Linh bị chọc thủng khi một sơ hở của giới quan liêu đã vô tình tạo ra cảnh tháo cũi sổ lồng. Nhân dân Bungaria lật đổ lãnh đạo của họ, và cuối năm đó lãnh tụ tàn bạo của Romania lãnh cái chết trước tiểu đội hành quyết. Trong khi nhân dân Đức tái thống nhất đất nước, thì những phong trào dân tộc lại nổi lên phân xé chính bản thân Liên Xô. Vào cuối năm 1991, đế quốc Xô Viết tan rã.



Mặc dù có đổ máu tại Trung Quốc và Romania, nhưng đại chiến đã không xảy ra. Hằng trăm triệu người dân bắt đầu theo đuổi lối sống mới tại những quốc gia mới với những đường biên giới mới. Thế giới được sắp đặt lại, cơ hồ như trong một cuộc dàn xếp hậu chiến–mặc dù trước đó không có chiến tranh. Những chuyển biến này sâu sắc đến nỗi khi Nam Tư bắt đầu phân rã và những diễn viên [các cường quốc, ND] từ bên ngoài—do quen thói thủ các vai chính trong tấn tuồng lịch sử–nhào lên trên sân khấu, những diễn viên này đã tỏ ra bàng hoàng vì không nắm vững kịch bản.



Đã hai thập niên trôi qua, mọi chuyện có vẻ nhạt nhòa. Khi giai đoạn này lắng vào ký ức lịch sử, 1989 trở nên một năm biểu tượng đánh dấu sự đứng dậy của người dân trong khối Xô viết và sự sụp đổ của Bức tường Bá Linh tháng Mười một năm ấy là khoảnh khắc sáng ngời nhất trong năm. Đợt sách mới xuất bản gần đây (2009) đang cố gắng phân tích thiên anh hùng ca này. Phải chăng đó là một cuộc nổi dậy từ dưới dấy lên, hay đúng hơn là phải nói từ trên xuống dưới, nghĩa là một cuộc nội chiến diễn ra trong giới chóp bu của chế độ Cộng sản? Cả hai đều là câu trả lời hiển nhiên, nhưng những sách này cho rằng những cuộc đấu tranh trong giới lãnh đạo chóp bu là có trọng lượng hơn. Có một số sách tập trung vào những cuộc cách mạng diễn ra trong năm 1989, nhưng có một số khác lại nhấn mạnh những dàn xếp chính trị đã ảnh hưởng sâu sắc thế giới ngày nay. Hai trong số đó đã thảo luận quá trình biến chất của cuộc thử nghiệm chế độ cộng sản vào việc tổ chức xã hội hiện đại. Nhưng hầu như không có cuốn nào bàn về sự khó khăn của việc tạo ra một mô hình chính trị đủ sức quyến rũ thay thế cho thử nghiệm cộng sản. Đó là điều đáng tiếc, vì có quá nhiều người ban đầu đi theo chủ nghĩa cộng sản cũng chỉ vì họ đã thất vọng với những khuyết tật hiển nhiên của chủ nghĩa tự do.



Quan điểm cho rằng cộng sản sẽ thắng thế khắp nơi



Một thuở xa xưa, “mười ngày làm chấn động địa cầu”, trong cách mạng Nga 1917, đã thu hút mạnh mẽ trí tưởng lịch sử của dân chúng trong cách thế tương tự như năm 1989. Rồi cũng ở thời điểm xa xưa đó, cơ hồ tương lai của thế giới sẽ thuộc về những nhà nước được khai sinh từ cú sét cách mạng 1917.



Đấy là những nhà nước toàn trị (total states). Chúng nắm được những lực sáng tạo và hủy diệt kinh khủng chưa từng thấy, những lực mà loài người vừa mới phát hiện. Những nhà nước này được những siêu nhân kiểu Nietzsche (Nietzschean supermen) lèo lái bằng tất cả ý chí nắm giữ quyền lực. Hay chí ít, đó là sử quan vào cuối thập niên 1930 của James Burnham, một lý thuyết gia Trotskyite vỡ mộng. Trong cuốn sách có ảnh hưởng rộng rãi của ông xuất bản năm 1941, Cuộc Cách mạng Quản lý (The Managerial Revolution), Burnham lý luận rằng những ý thức hệ như chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa facist chỉ là những chiếc mặt nạ được những “nhà nước quản lý” kiểu mới mang vào; nguồn lực quốc gia được huy động và các ngành công nghiệp được lãnh đạo bởi một giới kỹ trị tinh tuyển ở chóp bu (a technocratic elite). Những nhà nước sẽ thành công là những nhà nước cương quyết thi hành các nguyên tắc của mình đến tận cùng lý lẽ và sẵn sàng sử dụng quyền lực một cách thô bạo. Burnham tiên đoán: “Chủ nghĩa tư bản không còn tiếp tục tồn tại bao lâu nữa”. Ngay sau khi Thế chiến II chấm dứt, Burnham quay trở lại chủ đề của mình, tức giới tinh anh nắm giữ quyền lực, còn được gọi là “những người dùng bá đạo” (the Machiavellians) đội lốt dân chủ nhằm duy trì quyền hành vô thời hạn. Theo Burnham, nếu giới lãnh đạo Hoa Kỳ muốn có hi vọng tồn tại, họ cũng phải tôi luyện một ý chí duy trì quyền lực và phải biết sử dụng lợi thế hạch nhân nhất thời, trong một cuộc chiến phòng ngừa nếu cần.



Đặc biệt với sự kiện Burnham đã có một thời nổi tiếng trong cánh tả của Mỹ, những luận điểm của ông đã thu hút sự chú ý của George Orwell, một nhà văn tự cho mình là “dân chủ xã hội” (democratic socialist). Viết từ Vương quốc Anh, Orwell ghi nhận sự hấp dẫn của quyền lực đã thấm sâu vào điều mà Burnham gọi là “chủ nghĩa thực tế” (realism) của ông. Vào đầu năm 1947, Orwell thấy rằng đối với Burnham, “Chế độ cộng sản có thể độc hại, nhưng dù sao nó cũng rất sừng sõ: nó là một con quái vật khủng khiếp, có thể ngấu nghiến tất cả. Dù có chống lại chế độ này, người ta cũng không thể không khâm phục nó”. Phản lại những viễn cảnh đầy quái vật và thảm hoạ do Burnham vẽ ra, Orwell hi vọng rằng “chừng trong vòng một thế hệ nữa, chế độ Nga Xô có thể trở nên thông thoáng hơn và ít nguy hiểm hơn, nếu chiến tranh không xảy ra trong thời gian đó”. Hoặc có lẽ chỉ vì các cường quốc “quá sợ hậu quả của các vũ khí nguyên tử nên sẽ không bao giờ sử dụng chúng”. Tuy vậy, Orwell nhìn nhận rằng một tình trạng cân sức nhau về vũ khí nguyên tử như vậy là một viễn ảnh đáng sợ, vì điều này có nghĩa là thế giới sẽ “bị phân chia lâu dài giữa hai hoặc ba siêu quốc gia”, được lãnh đạo bởi những nhà độc tài kỹ trị của Burnham–giới tinh anh quản lý theo bá đạo (the Machiavellian managerial elite).



Theo quan niệm của Orwell, phương cách duy nhất để tránh được hậu quả nói trên là “phải dựng lên được trên qui mô lớn ở một nơi nào đó trên thế giới cảnh tượng một cộng đồng, nơi đó con người tương đối hưởng được tự do và hạnh phúc và nơi đó động lực chính trong đời sống không phải là việc mưu cầu tiền bạc hay quyền hành. Nói cách khác, chủ nghĩa dân chủ xã hội (democratic socialism) phải được thực hiện trên một địa bàn rộng lớn nào đó”. Orwell cho rằng địa bàn đó phải nằm tại Châu Âu, một châu Âu thống nhất để phục vụ lý tưởng này. Như vậy, đối với Orwell vào thời điểm 1947, phương sách chủ yếu là phải tránh chiến tranh cho kỳ được trong một thời gian đủ lâu dài để các chính phủ cộng sản trở nên ít nguy hiểm hơn và đồng thời phải kiến tạo một thể chế đủ hấp dẫn để thay thế chủ nghĩa cộng sản.



Chủ trương này không phải là một dự phóng quá tệ của một người sắp viết cuốn tiểu thuyết 1984, một tác phẩm cảnh báo về một cõi đoạ đày theo dự cảm Burnham (a Burnhamite dystopia). Nếu còn sống để được chứng kiến thế giới thực của năm 1984, chắc Orwell sẽ cảm thấy nhẹ nhõm vì thế chiến đã không xảy ra. Thế giới đã kinh qua vài đe dọa nghiêm trọng và dăm ba cuộc chiến tranh vùng, được dấy lên nhờ sự thắng thế của một loại cộng sản đặc biệt cực đoan và hừng hực nhiệt tình tại Trung Quốc. Nhưng vào đầu thập niên 1980, khi tính năng động cách mạng của họ đã phôi pha, những trùm cộng sản này lại trở thành một giới tinh hoa quản lý đất nước theo kiểu độc tài “phụ mẫu chi dân” (paternalistic managerial elite).



Chủ nghĩa tư bản bị khủng hoảng



Cuốn The Red Flag (Cờ đỏ) của David Priestland trình bày sinh động và khá đầy đủ quá trình diễn biến của chủ nghĩa cộng sản, một cuốn sử xuất sắc và rất dễ kiếm vừa được xuất bản. Priestland vẽ ra con đường phát triển của chủ nghĩa Marx “lãng mạn”, một chủ nghĩa mà khi nắm được quyền lực thì sẽ hoá thân thành một trong hai mô hình: hoặc là Marxist “hiện đại” hoặc là Marxist “triệt để”. Loại đầu chủ trương hiện đại hoá cao độ bằng đường lối độc tài để cải tạo xã hội theo những kế hoạch chủ đạo đầy viễn kiến của đảng cầm quyền. Loại thứ hai chủ trương thôi thúc tính chiến đấu của một cuộc cách mạng liên tục, với nỗ lực động viên có tính quân sự hoá mọi thành phần xã hội trong một cuộc đấu tranh không ngưng nghỉ chống lại kẻ thù của cách mạng. Vào đầu thập niên 1980, mô hình cộng sản hiện đại có phần lành tính ngày càng nổi bật hơn mô hình cực đoan.



Nhưng phần thứ hai của dự kiến Orwell là sự thành công tương đối của chủ nghĩa cộng sản, một yếu tố dễ bị quên lãng trong những sách chỉ nhấn mạnh những khiếm khuyết của chủ nghĩa này. Trong mọi cuộc tranh chấp, mặc dù có lúc thất bại, nhưng phe nào cũng quyết tâm giành thắng lợi sau cùng. Lối viết sử truyền thống về Chiến tranh Lạnh thường tập chú vào Hoa Kỳ và Liên Xô. Nhưng cuộc thi đua Nga-Mỹ này cũng là một cuộc bầu chọn toàn cầu (global election) mà các nước có thể làm thay đổi kết quả cuộc bầu chọn ấy lại nằm ở Châu Âu và Đông Á. Từ quan điểm này, bước ngoặt trong giai đoạn cuối của Chiến tranh Lạnh không hẳn là những diễn biến vào năm 1989 mà chính là thời kỳ vận động từ 1978 đến 1982.



Vào cuối thập niên 1970 và đầu thập niên 1980, chủ nghĩa tư bản rõ ràng lâm vào tình trạng khủng hoảng. “Liệu chủ nghĩa tư bản có thể tiếp tục sống còn không?”, hình bìa tuần báo Time của Mỹ đã kêu lên như vậy từ năm 1975. Rồi đến năm 1980, một hình bìa khác của Time đặt lại nghi vấn: “Liệu chủ nghĩa tư bản có còn kiến hiệu không?” Tuy nhiên, sau khi Mao chết, dù bị chia rẽ giữa các viễn kiến cạnh tranh nhau trong việc phát triển đất nước, người Trung Quốc đã lấy một lựa chọn có tính bản lề (a pivotal choice) vào năm 1978. Họ bác bỏ mô hình Xô-viết và thay vào đó họ cải tổ kinh tế theo định hướng thị trường (market-oriented), nhưng nhất quyết không cải tổ chính trị. (Cùng khoảng thời gian đó, nhà lãnh đạo Cộng sản Hungary János Kádár với chương trình mở rộng thị trường của “chủ nghĩa cộng sản mang bản sắc Hung” (goulash communism) đã chứng minh một mô hình như thế cũng có thể hoạt động hữu hiệu trên toàn Đông Âu.)



Người Trung Quốc chịu ảnh hưởng của mô hình Mỹ thì ít nhưng chịu ảnh hưởng của mô hình của các quốc gia được Mỹ hậu thuẫn như Nhật, Nam Hàn, và — mặc dù họ không chịu thú nhận – Đài Loan thì nhiều. Không những Moscow mất đi lực hấp dẫn, mà lập trường chính trị-quân sự của nó—trong đó phải kể việc Liên Xô hậu thuẫn một chính quyền ngày càng mạnh ở Việt Nam—cũng làm cho người Trung Quốc cảm thấy bất bình.



Tại Châu Âu, mô hình dân chủ xã hội đã đạt nhiều thành quả đáng kể vào cuối thập niên 1940 và trong thập niên 1950. Lý tưởng về một nhà nước phúc lợi to lớn làm trọng tài giữa các công ty lớn và các công đoàn lớn là yếu tố cốt lõi của cộng đồng Châu Âu mới. Nhưng vào thập niên 1970, mô hình ấy đã khựng lại trên cả hai bờ Đại Tây Dương. Hệ thống Bretton Woods[2], một hệ thống đặt sự tự trị kinh tế quốc gia cao hơn sự lưu động vốn tự do trên toàn cầu, đã sụp đổ. Lạm phát phi mã đi liền với tỉ lệ thất nghiệp cao, tranh chấp lao động gần như là căn bệnh đặc thù, nhiều vụ phản kháng và khủng bố đã gây thiệt hại đáng kể cho phần lớn Tây Âu.



Nhưng chủ nghĩa tư bản đã gượng dậy được trong thập niên 1970 và tiến mạnh vào đầu thập niên 1980. Ở trong những giai đoạn khác nhau, các nhà lãnh đạo của nhiều quốc gia khác nhau đã hậu thuẫn một đường lối kinh tế tự do chính thống, dựa vào đồng tiền mạnh (hard money) và việc lưu hành vốn tự do, hạn chế tính tự trị kinh tế quốc gia (national economic autonomy) nhưng tạo điều kiện dễ dàng chưa từng thấy cho việc luân lưu vốn đầu tư toàn cầu. Nền kinh tế toàn cầu hóa hiện nay được thành hình trong thời gian này, và người Mỹ đã đóng một vai trò quan trọng. Với nỗ lực tự do hóa các thị trường tư bản (capital markets) và phối hợp các chiến lược tiền tệ, George Shultz có lẽ đã thực sự ảnh hưởng lên hướng đi của lịch sử thế giới trong hai năm làm bộ trưởng tài chánh cho Richard Nixon nhiều hơn trong hơn sáu năm làm ngoại trưởng cho Ronald Reagan.



Các chính khách Châu Âu cũng đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong nỗ lực tái phát minh chủ nghĩa tư bản, đồng thời giành được hậu thuẫn của giới cử tri muốn tái lập trật tự công cộng [sau bao biến động do cánh tả gây ra]. Tây Đức trở thành quốc gia trụ cốt có tầm nhìn mới về kinh tế thế giới, đặc biệt là Đảng Dân chủ Tự do, một đối tác không thể thiếu trong mọi chính phủ liên hiệp của Tây Đức từ thập niên 1970 đến thập niên 1990. Các chính khách Tây Đức còn nhận được sự đồng tình của giới kỹ trị Pháp (French technocrats), cùng chia sẻ với họ một viễn kiến về kinh tế chính trị (potical economy) cho toàn Châu Âu và tìm thấy trong đó một cơ sở để, trước hết, thành lập một hệ thống tiền tệ Châu Âu, tiếp đến, một thị trường duy nhất thực sự của Châu Âu, và, cuối cùng, một loại giấy bạc chung.



Diễn tiến nói trên có thể mô tả bằng hai bước ngoặt chữ U (U-turns): Vào năm 1972 có sự thay đổi chính sách đột ngột (bước ngoặt chữ U) của một vị thủ tướng bảo thủ Anh, Edward Heath, người bị các công đoàn đánh bại [năm 1974] và vì vậy bị Margaret Thatcher thay thế trong cương vị lãnh đạo đảng [năm 1975]—bà Thatcher là một nhân vật bảo thủ cứng rắn, không hề thay đổi lập trường. Một bước ngoặt chữ U khác diễn ra trong thời gian 1982-83, khi Tổng thống Francois Mitterrand–đảng viên Xã hội đầu tiên nắm chính quyền tại Pháp kể từ Thế chiến II– từ bỏ chương trình tài chính và công nghiệp quốc doanh để chia sẻ lập trường với Jacques Delors (viên tổng trưởng kinh tế của ông và về sau là chủ tịch Ủy hội Châu Âu) và với chính quyền Tây Đức. Việc hợp nhất Châu Âu như thế đã loại bỏ con đường xã hội chủ nghĩa độc lập của mỗi nước.



Việc khởi động lại chủ nghĩa tư bản và củng cố lại ý niệm hợp nhất Châu Âu đã diễn ra ở một thời điểm nghiêm trọng. Cánh tả đang cố giành lấy tương lai không những ở Pháp mà cả ở Italy và Tây Ban Nha. Thế nhưng, ở Tây Đức, đảng Dân chủ Tự do đã hạ được chính phủ Dân chủ Xã hội của Helmut Schmidt và đưa Helmut Kohl lên làm thủ tướng, nhất định theo đuổi viễn kiến kinh tế chính trị cho một Châu Âu hợp nhất. Thatcher, người được đắc cử thủ tướng Anh năm 1979, đến lúc này vẫn giữ được quyền hành là nhờ một phần nào vào liều thuốc của một cuộc chiến dù nhỏ bé nhưng thắng lợi trong việc chạm trán với chính phủ độc tài Argentina, một chính phủ đã liều lĩnh chiếm một vài mỏm đá núi dân cư thưa thớt của Anh trong Nam Đại Tây Dương. Vào cuối năm 1982, những quốc gia lưỡng lự của Châu Âu đã dứt khoát lựa chọn mô hình kinh tế chính trị.



(Xem tiếp phần 2)



Philip D. Zelikow là giáo sư sử học của Đại học Virginia và là đồng tác giả với Condoleeza Rice của cuốn Germany Unified and Europe Transformed: A Study in Statecraft (Nước Đức thống nhất và Châu Âu chuyển mình: Một nghiên cứu về nghệ thuật lãnh đạo quốc gia). Là một cựu viên chức ngoại giao chuyên nghiệp, Zelikow từng phục vụ cho Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời Tổng thống George H. W. Bush trong những năm 1989-91./.



Bản tiếng Việt © 2010 Trần Ngọc Cư & talawas

- See more at: http://nghiencuuquocte.net/?p=16003#sthash.tYtmUwKC.dpuf

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét