Chiều hướng đáng ngại của sự phân hóa Âu Châu
Chúng ta đang chứng kiến một trào lưu tại Âu Châu là người
dân được trực tiếp hỏi ý về các vấn đề của Liên Hiệp Âu Châu. Trào lưu ấy đáng
ngại vì trong mấy năm tới, các chính quyền, đảng phái đối lập hay đoàn thể của
xã hội dân sự muốn tổ chức trưng cầu dân ý để quyết định về việc đi hay ở trong
Liên Âu và thậm chí trong từng quốc gia.
Đầu Tháng Năm vừa qua, Chính Phủ Hung Gia Lợi xác nhận là sẽ
trưng cầu dân ý về kế hoạch của Hội Đồng Âu Châu, cơ chế hành pháp của Liên Âu,
nhằm phân phối số dân tị nạn cho các nước thành viên. Trước đó, vào Tháng Tư,
dân Hòa Lan (Hà Lan) đã bác bỏ Hiệp Ước của Liên Âu với Ukraine sau cuộc trưng
cầu dân ý do một tổ chức chống hội nhập vào Liên Âu tiến hành. Ngày 23 tháng tới,
Anh Quốc cũng sẽ quyết định là có nên ở trong Liên Âu hay không. Cả ba biến cố ấy
cho thấy số phận của Liên Âu.
Hồ sơ Người Việt sẽ tìm hiểu chuyện này...
Nghịch lý dân chủ
Chúng ta đang chứng kiến một hiện tượng bất thường là người
dân có thể viện dẫn nguyên tắc dân chủ, là thể hiện quyền dân, qua việc bác bỏ
những cam kết quốc tế mà chính quyền của họ đã quyết định trước đấy.
Năm 1957, khi quyết định thành lập Thị Trường Chung Âu Châu
(European Economic Community hay EEC), các quốc gia Tây Âu không cần tổ chức
trưng cầu dân ý và mọi người đều coi là chuyện bình thường. Bốn chục năm sau,
khi thống nhất tiền tệ để thành lập khối Euro, các quốc gia khởi xướng cũng chẳng
cần hỏi ý dân. Khi ấy, chỉ có hai nước là Đan Mạch (Denmark) và Thụy Điển
(Sweden) tổ chức trưng cầu dân ý và người dân từ chối gia nhập khối Euro. Còn
Chính quyền Anh Quốc thì thương thuyết với các thành viên Liên Âu việc nước Anh
vẫn ở trong Liên Âu nhưng ở ngoài khối Euro.
Những chi tiết xa xưa ấy khiến ta phải nhìn lại một chiều hướng
chung.
Mỗi khi được hỏi ý qua các cuộc trưng cầu dân ý (nhiều
“referendum” thì gọi là “referenda”), người dân nhiều lần lắc đầu, họ không đồng
ý với việc hội nhập Âu Châu vào một khối, hoặc cùng lắm thì chỉ đồng ý với điều
kiện.
Năm 1992, Đan Mạch từ chối Hiệp Ước Maastricht, văn kiện
thành lập Liên Âu, và năm sau mới đồng ý qua cuộc trưng cầu dân ý lần thứ hai.
Năm 2001, Cộng Hòa Ái Nhĩ Lan (Ireland) cũng bỏ phiếu chống Hiệp Ước Nice, khai
triển Hiệp Ước Maastricht, năm sau thì bỏ phiếu lại và chấp thuận sau khi Chính
Quyền Dublin thương thuyết với Liên Âu một số điều kiện ưu đãi: chính quyền
dùng ý dân để mặc cả với một cơ chế siêu quốc gia. Gần đây hơn, năm 2005, qua
hai cuộc trưng cầu dân ý, dân Pháp và Hòa Lan đều bác bỏ việc ban hành bản Hiến
Pháp Âu Châu - mà cựu Tổng Thống Pháp Valéry Giscard-d'Estaing là trưởng ban soạn
thảo.
Chiều hướng ấy cho thấy một sự thật: khi được hỏi ý thì người
dân thường ngần ngại, chối từ hoặc đòi điều kiện. Vì vậy, chính quyền từng nước
đều biết người dân không muốn nhường quyền hạn của mình cho các công chức cao cấp
chẳng được ai bầu mà vẫn lấy quyết định từ các cơ chế nằm tại thủ đô Bruxelles
của Liên Âu. Họ giải quyết yêu cầu dân chủ ấy bằng cách nâng cao vai trò của lập
pháp là Quốc Hội Âu châu. Quyền dân được thể hiện gián tiếp qua quốc hội chung
của cả khối.
Nhưng khủng hoảng kinh tế trong khối Euro rồi khủng hoảng
chính trị trong khối Liên Âu đang phá vỡ nỗ lực “dân chủ hóa” từ trên ngọn và
các cuộc trưng cầu dân ý sẽ thể hiện lòng dân có thể dẫn tới nạn phân hóa trong
Liên Âu!
Trưng cầu dân ý là mê cung
Trên nguyên tắc, sức mạnh dân chủ được phản ảnh rõ nhất qua
trưng cầu dân ý.
Đấy là khi người dân được hỏi ý về từng vấn đề kinh tế, xã hội
hay chính trị và quan điểm của họ là sự ủy thác cho chính quyền giải quyết công
vụ, thương thuyết với các nước hay các thể chế quốc tế, siêu quốc gia. Vì vậy,
khi cần tu chỉnh hiến pháp hoặc ban hành luật lệ về các hồ sơ nhạy cảm như tử
hình hay phá thai, người ta thường tổ chức trưng cầu dân ý.
Đấy là nguyên tắc lý thuyết.
Trong thực tế, thể thức tiến hành mới là vấn đề. Sự chọn lựa
của người dân về những hồ sơ phức tạp thường quy tụ vào câu hỏi đơn giản, như
“có” hay “không.” Thứ nữa, trong một cuộc trưng cầu dân ý, người dân lại có thể
diễn tả phản ứng của mình về chuyện nội bộ, trong chính trường quốc gia. Dân ý
khi ấy thể hiện sự tín nhiệm hay không đối với chính phủ đương quyền. Và kết quả
tùy thuộc vào tình hình kinh tế hay khung cảnh chính trị của quốc gia mặc dù việc
tham khảo dân ý nhắm vào một quyết định quốc tế. Một thí dụ là đa số dân Pháp
chống lại dự thảo Hiến Pháp Âu Châu vào năm 2005 là để bày tỏ sự bất mãn với
chính quyền đương nhiệm của Tổng Thống Jacques Chirac!
Vì vậy, có khi trưng cầu dân ý lại là một mê cung, nơi mà
người dân có thể dẫn chính quyền vào bế tắc vì trả lời theo tâm cảnh riêng của
họ. Đã thế, chính quyền Liên Âu còn vạch ra nhiều ngả rắc rối khác.
Thứ nhất, các hồ sơ quốc tế của Liên Âu đều phức tạp hơn các
vấn đề gần gũi ở nhà và dân ý thường phản ảnh nhận thức của người dân về chuyện
nội bộ hơn là chuyện quốc tế. Khi bỏ phiếu cho đại diện của mình trong Quốc Hội
Âu Châu chẳng hạn, người dân chọn các chính trị gia căn cứ trên lập trường
chính trị ở nhà hơn là căn cứ trên quyền lợi quốc gia trong một quốc hội siêu
quốc gia. Đâm ra Quốc Hội Âu Châu lại là hình ảnh về uy tín cao hay thấp của
chính quyền từng nước!
Thứ hai, các cuộc trưng cầu dân ý lại ảnh hưởng đến tiến
trình thương thảo và quyết định của tập thể Âu Châu. Một thí dụ là Hiệp Ước
Maastricht hay Hiệp Ước Nice không thể được ban hành nếu chưa có sự phê chuẩn của
một quốc gia, như Đan Mạch hay Ái Nhĩ Lan, qua trưng cầu dân ý. Từ đó, các hiệp
ước của tập thể dễ bị đông lạnh, hoặc khó thành hình, cũng vì nhu cầu dân chủ
là trưng cầu dân ý. Mà nếu thành hình thì cũng bị lệch lạc vì cả tập thể phải
nhượng bộ đòi hỏi của một quốc gia. Đan Mạch đã qua hai vòng dân ý và chỉ thỏa
thuận ở vòng hai sau khi đạt một số điều kiện đặc miễn trong Hiệp Ước
Maastricht!
Đổi chác bằng dân ý
Biến cố quan trọng nhất cho Liên Âu là cuộc trưng cầu dân ý
ngày 23 tháng tới tại Anh quốc.
Khi cho tổ chức sinh hoạt này, Chính Quyền David Cameron muốn
đòi hỏi một số nhượng bộ của Liên Âu, nên trưng cầu dân ý là một chiến thuật đổi
chác chính trị của Chính Quyền Anh với tập thể Liên Âu. Ông Cameron muốn nước
Anh vẫn là thành viên của tổ chức, và đề nghị người dân bỏ phiếu thuận vì ông vừa
tranh thủ được nhiều điều có lợi cho nước Anh. Nhưng chính là chiến thuật mặc cả
ấy lại gây vấn đề cho nước Anh vì dân chúng đi bỏ phiếu theo cảm quan nhận thức
của họ với hai phe chống và thuận, và cũng khiến Liên Âu điêu đứng vì nhiều xứ
khác có thể bắt chước. Họ cũng đòi tổ chức trưng cầu dân ý để mặc cả và kết quả
là ý dân lại làm từng thành viên tách dần khỏi lý tưởng hay quy định chung của
cả tập thể.
Tình hình thực tế lại còn nhiêu khê hơn vậy vì không phải là
xứ nào cũng có cái thế giống nhau khi đàm phán với tập thể.
Năm ngoái, chính quyền Hy Lạp thử nghiệm giải pháp trưng cầu
để bác bỏ kế hoạch kinh tế khắc khổ của khối Euro. Kết quả là một sự thất bại lớn
khiến xứ này có thể bị trục xuất khỏi khối Euro nếu không tuân thủ điều kiện
chung và nhóm cầm quyền cực tả phải uống liều thốc còn đắng hơn! Một xứ khác là
Hung Gia Lợi cùng dựa vào ý dân để bác bỏ kế hoạch thu nhận di dân do Bruxelles
đề ra. Nhưng xứ này không có thế mạnh và đáng lẽ nên liên kết cùng vài nước
khác để tiếng nói có ảnh hưởng hơn đối với các cường quốc cột trụ.
Đã nói tới đổi chác thì ta còn phải nhìn ra chuyện đổi chác
trong nội bộ từng quốc gia, khi các chính đảng có chủ trương hoài nghi hội nhập
hoặc chống Âu Châu cũng dùng trưng cầu dân ý để tranh cử.
Tại nước Áo (Austria), đảng Tự Do (Freedom Party of Austria
hay FPO) theo khuynh hướng quốc gia bảo thủ chủ trương là Áo nên học Thụy Sĩ
(Switzerland) mà thiết lập chế độ cai trị bằng trưng cầu dân ý. Qua thể thức
này, họ kịch liệt tranh đấu cho việc hạn chế di dân và nạn nhân đầu tiên của
chiến lược ấy là Thủ Tướng Đương Nhiệm Werner Faymann của đảng Dân Chủ Xã Hội
(SPO) phải từ chức hôm mùng chín và liên minh cánh tả của ông sụp đổ. Tại Pháp,
Mặt Trận Quốc Gia (Front National) theo xu hướng cực hữu của Marine Le Pen cũng
hứa hẹn là nếu đắc cử tổng thống vào năm tới thì họ sẽ tổ chức trưng cầu dân ý
để dân chúng quyết định là Pháp có còn ở trong Liên Âu hay không! Đảng Năm Sau
(Five Stars) của Ý Đại Lợi (Italy) cũng hứa hẹn là nấu thắng cử thì sẽ tổ chức
trưng cầu dân ý về việc nên hay ra khỏi khối Euro.
Đâm ra người ta hết chữ, sau Grexit (Hy Lạp ra đi), Brexit
(Anh ra đi) lại có kịch bản Áo-Xít, Pháp-Xít hay Ý-Xít? Đáng ngại nhất là hoàn
cảnh của Anh và hai trụ cột Âu Châu từ 70 năm trước là Pháp và Ý.
Sau đó, bên trong từng quốc gia như Tây Ban Nha (Spain), Anh
và Bỉ (Belgique) còn có phong trào ly khai của các khu vực Catalonia, Scotland
và Flanders. Và từng vùng đất của xứ Cyprus hay Thổ Nhĩ Kỳ (Turkey) cũng đòi thể
hiện quyền dân qua trưng cầu dân ý để quyết định về việc đón nhận di dân vào quản
hạt của mình!
Kết luận ở đây là gì?
Trong vài năm tới, nhiều quốc gia Âu Châu sẽ tổ chức trưng cầu
dân ý. Như trong một cuốn phim quay chậm, chúng ta sẽ chứng kiến từng mảng phân
hóa của tập thể Âu Châu. Chỉ vì quyền dân... Thế giới có nhiều điều khó hiểu!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét