Hàng hàng người đã tham gia các cuộc biểu tình phản đối sau vụ việc cá chết hàng loạt ở Việt Nam gần đây.
Việc chính quyền được cho là 'nặng tay' với các cuộc biểu
tình ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh về vụ cá chết hàng loạt là 'có chỉ đạo của cấp
trên' cao hơn thành ủy, theo khách mời của Bàn tròn Thứ Năm của BBC Việt ngữ về
chủ đề biểu tình ở Việt Nam.
Trao đổi tại bàn tròn hôm 12/5/2016 từ Hà Nội, Giáo sư Nguyễn
Minh Thuyết, nguyên Đại biểu Quốc hội Việt Nam, bình luận về trách nhiệm của
tân Chính phủ Việt Nam và các quan chức lãnh đạo thành ủy hai thành phố trên.
"Tôi cho rằng việc để xảy ra vụ việc ở Formosa, vụ việc
cá chết hàng loạt ở miền Trung và điều tra chậm, công bố các nguyên nhân chậm,
xử lý chậm, thì đấy là trách nhiệm của cấp cao nhất là Chính phủ.
"Còn việc xảy ra các việc trấn áp một cách rất mạnh tay
và không đúng pháp luật đối với người dân ở hai thành phố thì chắc chắn là hai
vị đứng đầu của hai thành phố không thể thoái thái trách nhiệm.
"Nhưng tôi hiểu ở đây có thể có những chỉ đạo ở cấp cao
hơn cả hai ông đứng đầu thành phố.
"Nhưng tôi muốn nói như thế này, đã là người đứng đầu
thành phố, thì mình phải có chủ kiến và mình phải chịu trách nhiệm, sẵn sàng chịu
trách nhiệm về chủ kiến của mình."
Khi được hỏi, nếu có chủ trương cấp cao đó, thì chủ trương
đó tới từ ai, Giáo sư Thuyết nói:
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho rằng đã là lãnh
đạo thì cần phải có chủ kiến và dám chịu trách nhiệm về chủ kiến của mình.
"Tất nhiên hiện nay tôi không có bằng chứng gì để nói
là ở đâu, nhưng tôi tin rằng có chỉ đạo ở cấp cao hơn. Ví dụ tại sao tất cả báo
chí Việt Nam im lặng trước những chuyện như thế này?
"Thậm chí ngay cả việc ô nhiễm môi trường, cá chết hàng
loạt, thì báo chí cũng bị hạn chế đưa bài, đưa tin. Thì tôi nghĩ rằng nó phải
có một cấp cao hơn, chứ không phải chỉ là cấp ở địa phương mà có thể quyết định
được."
Không có tư cách?
Mạng xã hội Việt Nam mới đây tràn ngập các hình ảnh phản ánh
một 'lực lượng mới' được cho là 'Thanh niên Xung phong', được huy động, bên cạnh
các lực lượng khác bảo vệ trật tự của chính quyền như công an, trật tự, dân
phòng v.v... kể cả lực lượng lâu nay được cho là an ninh, công an mặc thường phục,
tham gia 'trấn áp' và 'ra tay nặng' với người biểu tình, kể cả với 'phụ nữ' và
'trẻ em' ở TP. Hồ Chí Minh.
Trước câu hỏi, nếu thông tin về lực lượng này tham gia như vậy
là có cơ sở, thì 'Thanh niên xung phong' có chức năng, nhiệm vụ trấn áp, dẹp biểu
tình hay không, từ Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển (thuộc
Liên hiệp các Hội khoa học, kỹ thuật Việt Nam - Vusta), nhà nghiên cứu, PGS.
TS. Hoàng Ngọc Giao nêu quan điểm:
"Nếu đó là lực lượng Thanh niên xung phong, thì theo luật
pháp của nhà nước, họ không có tư cách gì để thực hiện các hành vi tạm gọi là
hành vi chấp pháp cả.
"Cứ cho là nếu họ muốn thực thi công vụ để đảm bảo sự
tuân thủ của pháp luật, cứ cho là pháp luật đó vi hiến rồi, nhưng mà ngay cả chức
năng của họ không có, vậy thì hành vi của đội ngũ thanh niên xung phong này cần
phải được coi như là hành vi của một tổ chức xã hội không có tư cách về mặt
công quyền, không được trao nhiệm vụ.
"Và trong trường hợp như vậy, cần phải có sự khởi kiện,
cũng như đề nghị truy tố đối với lực lượng này và đối với những cá nhân này ra
trước pháp luật, (vì) đã có những hành vi bạo lực đối với nhân dân, thì theo
tôi như thế mới là thỏa đáng.
Hoàng Ngọc Giao cho rằng lực lượng
'Thanh niên xung phong' không có chức năng chấp pháp và hành vi bạo lực với dân
phải bị xử lý trước pháp luật.
"Chứ không thể coi đương nhiên đây là một lực lượng chấp
pháp được. Nếu đó là công an, thì coi như là họ thực thi công quyền, nhiệm vụ,
đó lại là chuyện khác, nhưng trong trường hợp này, đây là một lực lượng được
coi như một tổ chức xã hội, được thành lập trong quá trình động viên tuổi trẻ
xây dựng, phát triển kinh tế.
Kinh nghiệm quốc tế
Chia sẻ với BBC Việt ngữ ngay trước thềm Bàn tròn thứ Năm,
phóng viên Soe Win Than từ ban BBC Burma (Miến Điện) so sánh về xử lý và đối
phó biểu tình ở Việt Nam với cách thức của chính quyền quân sự của Myanmar nhiều
năm về trước.
Ông nói: "Các chính quyền chưa chấp nhận dân chủ luôn
quan ngại các cuộc biểu tình, phản đối của công chúng. Họ e rằng nếu đi quá giới
hạn, thì sẽ thách thức quyền lực của chính quyền.
"Lý do các chính quyền nặng tay với nhân dân và người
biểu tình, sử dụng các biện pháp trấn áp, đàn áp, đe dọa, thậm chí khủng bố, là
như vậy và là do họ không tin, chưa dám tin vào nhân dân.
"Ngày nay, ở Myanmar, mặc dù còn chưa hoàn chỉnh, nhưng
các cuộc biểu tình, bãi công, bãi thị, phản đối có thể diễn ra mà không có sự e
ngại như trước, vì tôi tin rằng chính quyền đã dám tin vào nhân dân, đã biết
tôn trọng nhân dân.
"Mặt khác, họ biết rằng khủng bố, đàn áp người dân, anh
không thể thực hiện được đại trà, làm được hết, anh chỉ làm được điểm, mà nếu
anh nặng tay quá, có thể để lại hậu quả rất khó lường cho tương lai.
Người dân Myanmar hiện
đang được hưởng một bầu không khí dân chủ và vừa trải qua một cuộc bầu cử phổ
thông đầu phiếu tự do.
"Tốt nhất là tôn trọng dân, lắng nghe dân và các cuộc
biểu tình của sư sãi, sinh viên ở Myanmar ngày trước, bị khủng bố, đàn áp, trấn
áp mạnh như thế, nhưng có ngăn nổi các phong trào và xu thế dân chủ, dân quyền
và cải tổ ở đất nước của chúng tôi đâu," nhà báo Soe Win Than nói.
Quan sát tình hình các vụ biểu tình ở Việt Nam gần đây trong
vụ cá chết hàng loạt, cũng như theo dõi phản ứng đối phó biểu tình của chính
quyền Việt Nam, nhà báo Ngô Ngọc Văn, từ BBC Tiếng Trung và Thế giới vụ (World
Service) nêu quan điểm:
"Tôi thấy chính quyền Việt Nam nên đi thẳng vào vấn đề,
xem xét nguyên nhân, tìm hiểu thiệt hại, bàn bạc phương án bồi thường thiệt hại,
xử lý môi trường, tổ chức đối thoại, lắng nghe dân chúng v.v... hơn là có các động
thái mà tới nay bị cáo buộc là khá nặng tay với dân, với người biểu tình.
"Ở Trung Quốc, cảnh sát và quân đội hiện cũng đã ngại nặng
tay với người dân, với người biểu tình, sau vụ đàn áp Thiên An Môn, ở phương diện
cá nhân, nhiều viên chức bị hội chứng ám ảnh 'flash-back', sau khi tham ra các
vụ ra tay ấy, còn với chính quyền, thì các chính phủ ngại bị cộng đồng quốc tế
lên án, phê phán.
"Tôi cũng chưa rõ vì sao ngay trước chuyến thăm Việt
Nam của Tổng thống Obama mà Việt Nam chọn cách này để đối phó với các phong
trào dân sự?
"Cách thức mà sử dụng bạo lực có thể có vẻ ổn ngay hôm
nay, tức thì với chính quyền, nhưng về lâu về dài, nó có thể gây phương hại, rủi
ro rất lớn cho vị thế của các chính quyền, chính phủ lựa chọn những cách thức ấy,"
nhà báo Ngô Ngọc Văn nói với BBC Việt ngữ.
BBC sẽ tiếp tục giới thiệu các ý kiến của khách mời tại cuộc
Tọa đàm Bàn tròn về biểu tình ở Việt Nam trong các bài vở tiếp theo, mời quý vị
đón theo dõi.
Image caption Một cuộc xuống đường trong tháng 5/2016 của
người dân Việt Nam trong vụ thảm họa môi trường gây cá chết hàng loạt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét