Người dân Hà Nội biểu tình chống tập đoàn Đài Loan Formosa ở
trung tâm thành phố Hà Nội vào ngày 01 tháng 5 năm 2016.
Các cuộc tuần hành đồng loạt diễn ra từ Bắc vô Nam hôm mùng
1 tháng 5 được ghi nhận là những cuộc xuống đường tự phát đông đảo nhất trong
41 năm qua, kể từ sau ngày 30/4/1975, với sự góp mặt của hàng ngàn thanh niên
nam nữ. Hòa Ái trao đổi cùng với 2 bạn trẻ Hồng ở Hà Nội và Châu ở Sài Gòn về
chia sẻ của họ trong lần đầu tiên tham gia tuần hành vì mục đích kêu gọi bảo vệ
môi trường cho Việt Nam.
Hòa Ái: Xin được mến chào 2 Bạn Hồng và Châu dành thời gian
chia sẻ với quý độc giả của đài RFA về lần tham gia tuần hành vào hôm mùng 1
tháng 5 để kêu gọi bảo vệ môi trường biển trong lành trước thảm họa cá chết
hàng loạt dọc bờ biển các tỉnh miền Trung. Các bạn có thể chia sẻ mộ chút về cảm
nhận của mình khi tất cả các kênh truyền thông chính thống cũng như cả trên các
trang mạng xã hội đều cập nhật liên tục về
thảm họa cá chết này.
Bạn Hồng: Nói chung em cảm thấy trước hết là có sự đồng cảm,
thương vì em cũng ở biển và cũng mưu sinh bằng nghề đánh tôm cá cho đến khi em
lớn ra thành phố. Sau đó thì em cảm thấy bức xúc vì rõ ràng chết hàng loạt thế
rồi những người dân ở các vùng đó mang cá đổ hết ra đường cũng chỉ vì muốn tìm câu
trả lời mà vẫn không có câu trả lời thích đáng. Người dân rất đau đáu đến mức bức
xúc, mong làm thế nào để có câu trả lời và trả lại biển sạch cho cuộc sống của
người dân và nhiều thứ khác.
Hòa Ái: Như vậy vì sự bức xúc đó mà Bạn Hồng đã có mặt trong
cuộc tuần hành vừa rồi. Nhưng hiện giờ Việt Nam chưa có luật biểu tình và hành
động tụ tập xuống đường có thể bị cho là “gây rối trật tự công cộng”. Các bạn
có suy nghĩ lo ngại nào trong quyết định lần đầu tiên tham gia biểu tình ôn hòa
hay không?
Bạn Hồng: Em cảm thấy bọn em xuống đường thì bọn em cũng
không làm gì cả. Bọn em không hề xô sát, không hề đánh nhau, không làm điều gì
phản cảm ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của tất cả mọi người. Bọn em đi để
nói lên tất cả những gì bọn em muốn nói, những gì bọn em nghĩ là tốt thì nói ra
thôi. Người lớn, em thấy có những bác 60, 70 tuổi sẵn sàng xuống đường. Bây giờ
mình là thế hệ trẻ, có thể không chắc chắn tiếng nói của mình đủ lớn, nhưng nhiều
tiếng nói nhỏ có thể tạo thành tiếng nói lớn. Hy vọng mình có thể góp một phần
vào công cuộc để người ta (những người có thẩm quyền) có thể tìm ra sự thật cho
biển được sạch đẹp trở lại.
Bạn Châu: Có lo lắng sợ an ninh bắt mình thôi chứ chuyện
đánh đập ở ngoài đường thì không có sợ. Em nghĩ mình lo như vậy mà không xuống
đường thì không thể hiện được nguyện vọng của mình muốn.
Hòa Ái: Thế thì Bạn Châu tham gia trong tâm trạng có sự lo lắng.
Hòa Ái nuốn biết dư âm cuộc tuần hành đầu tiên đọng lại trong bạn như thế nào?
Bạn Châu: Lúc đầu em gửi xe rồi em qua Công viên 30/4 ngồi.
Em thấy ai cũng ngồi im lặng hết, không biết đâu là an ninh, đâu là những người
chuẩn bị đi biểu tình. Đúng 9 giờ chuông Nhà thờ Đức Bà vang lên, ai đâu việc
đó. Người thì cởi áo sơ mi ra, mặc áo thu có hình con cá cá màu đen, người thì
mở ba lô lấy biểu ngữ ra, người ta tập trung lại rồi chuyền tay nhau biểu ngữ rồi
đứng lên hô to những câu biểu ngữ đó và bắt đầu tuần hành. Có nhiều người ủng hộ
nhưng sợ không dám xuống đường rồi em vẫn thấy càng lúc có số lượng người đông
hơn và người ta thấy hừng hực khí thế nên người ta nhập vô đoàn. Đúng là lúc đầu
em có cảm giác sợ sợ nhưng sau có số lượng người mà em không thể tưởng tượng
đông đến như vậy khiến em thấy có sự hào hùng trong đó, cảm nhận lòng yêu nước
của mình lớn hơn một chút, rất là thiêng liêng đến mức em muốn khóc.
Hòa Ái: Theo chia sẻ của 2 bạn tham gia cuộc tuần hành là để
thể hiện nguyện vọng của mình. Thông điệp của các bạn là gì?
Bạn Châu: Thông điệp em muốn gửi đến chính phủ là nguyên
nhân thì buộc phải tìm ra và song hành cũng phải tìm cách ổn định cuộc sống của
người dân và phải giải quyết hậu quả tình trạng ô nhiễm gây ra chứ không phải
đùn đẩy sau gần 1 tháng mà chưa tìm ra kết quả cũng như chưa có giải pháp nào để
khắc phục hậu quả đối với người dân ở Hà Tĩnh và ở các tỉnh miền Trung.
Bạn Hồng: Bọn trẻ chúng em xuống đường là bọn em yêu cầu
trách nhiệm của những người có chức có quyền phải giải trình cho nhân dân biết
tại sao có thể có chuyện để xảy ra cá chết hàng loạt như vậy.
Hòa Ái: Cuộc tuần hành này được ghi nhận có dân chúng từ Bắc
vô Nam tham gia đông đảo nhất trong vòng 41 năm qua. Là những người có mặt
trong đoàn biểu tình, các bạn thấy hiệu quả của lần xuống đường này ra sao?
Bạn Châu: Hiệu quả thì em thấy có nhiều. Vì lúc xuống đường
tuần hành hô khẩu hiệu thì có nhiều người đi xe buýt hay đi trên đường họ ủng hộ.
Có người gia nhập, có người không dám gia nhập nhưng có nhiều người lấy điện
thoại ra quay lại rồi chia sẻ video đó trên mạng xã hội và được nhiều người
khác chia sẻ rộng ra cho thêm nhiều người nữa biết đến cuộc biểu tình ngày 1
tháng 5.
Hòa Ái: Còn Bạn Hồng có nghĩ rằng cuộc biểu tình mặc dù
không được truyền thông Nhà nước đưa tin nhưng cũng có tác động ít nhiều đến
phía chính quyền Việt Nam?
Bạn Hồng: Em thấy tất cả tin tức mà em biết thì vẫn thế. Em
nghĩ những công dân Việt Nam cứ đứng lên để nói lên ý kiến của mình thì chắc chắn
là người ta (những người có thẩm quyền) cũng phải vào cuộc và người ta cũng phải
làm cái gì đó, ít nhất là giải trình rõ ràng. Nếu không thì có lẽ sẽ còn nhiều
cuộc xuống đường nữa. Em nghĩ là như thế.
Hòa Ái: Câu hỏi sau cùng Hòa Ái dành cho 2 bạn là nếu như biến
cố cá chết ở miền Trung vẫn còn tiếp diễn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi
trường biển và đời sống của người dân thì các Bạn sẽ tiếp tục tham gia tuần
hành nữa hay không?
Bạn Châu: Trong thời gian tới nếu Nhà nước không giải quyết
vấn đề, không tìm ra giải pháp mà cứ lòng vòng miết không đi đến đâu và nếu như
có lời kêu gọi hay lời phát động từ một ai đó, từ một cộng đồng nào đó thì bản
thân em sẽ xuống đường lần nữa.
Bạn Hồng: Riêng bản thân em thì em hy vọng không còn nhưng nếu
còn mà giờ mọi người xuống đường không trùng giờ làm việc của em thì em sẽ xuống
đường thôi.
Hòa Ái: Cảm ơn thời gian của Bạn Hồng và Bạn Châu chia sẻ với
đài ACTD.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét