Biên dịch: Bùi Hoàng Ánh | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng
Nguồn: Evan Osnos, “Born Red,” The New Yorker, 06/04/2015.
Anh chị em của Tập ly tán nhiều nơi: em trai và một người chị
của ông làm ăn tại Hồng Kông, người chị còn lại được cho là đã định cư ở
Canada. Nhưng Tập Cận Bình đã ở lại và qua năm tháng tiến sâu hơn trong Đảng.
Sau khi tốt nghiệp năm 1979, ông nhận công việc đáng ao ước là phụ tá cho Cảnh
Tiêu, một quan chức quốc phòng cao cấp mà cha ông gọi là “người đồng chí sát
cánh thân thiết nhất” từ thời cách mạng. Tập mặc quân phục và tạo dựng nhiều mối
quan hệ đáng giá trong các cơ quan Đảng. Không lâu sau khi ra trường, ông kết
hôn với Kha Tiểu Minh, cô con gái có lối sống quốc tế của Đại sứ Trung Quốc tại
Anh. Nhưng họ cãi nhau “gần như hằng ngày,” theo giáo sư sống đối diện. Ông kể
với nhà ngoại giao rằng hai người đã ly dị khi Kha quyết định chuyển đến Anh
còn ông Tập ở lại.
Các nhà cách mạng của Trung Quốc ngày một già đi, và Đảng cần
đào tạo những lãnh đạo mới. Tập nói với vị giáo sư rằng chuyển tới các tỉnh là
“con đường duy nhất tới trung tâm quyền lực.” Ở lại các cơ quan Đảng ở Bắc Kinh
chỉ thu hẹp những mối quan hệ của ông và chuốc lấy lòng đố kỵ từ những đồng
nghiệp có xuất thân kém hơn. Năm 1982, ngay trước khi sang tuổi 30, ông đề nghị
được gửi trở lại vùng nông thôn và được chỉ định về một huyện đóng xe ngựa ở tỉnh
Hà Bắc. Ông muốn làm bí thư huyện – chức cao nhất – nhưng lãnh đạo tỉnh bất mãn
với con ông cháu cha từ trung ương Đảng về nên cắt cử Tập vào vị trí số 2. Điều
này tương tự như đổi vị trí điều hành ở Lầu Năm Góc lấy một chức vụ cấp trung ở
vùng nông thôn Virginia.
Tuy nhiên, trong vòng một năm Tập đã được thăng chức và mài
giũa nhiều kỹ năng chính trị. Ông dành nhiều đặc quyền cho các cán bộ về hưu có
thể tạo tiếng tăm cho ông; ông thu xếp cho họ nhận được ưu đãi tại các phòng
khám; khi mua chiếc xe nhập khẩu đầu tiên của huyện, ông tặng nó cho “văn phòng
cựu chiến binh,” còn mình chỉ dùng chiếc jeep cũ. Ông vẫn mặc chiếc quần quân
phục xanh của mình để tỏ ra khiêm nhường, và ông đã học được giá trị của nghệ
thuật sân khấu chính trị: có những lúc, “nếu anh không đập bàn thì sẽ không đủ
sức răn đe và mọi người không coi trọng vấn đề,” ông nói với một nhà báo Trung
Quốc trong một cuộc phỏng vấn năm 2003. Ông đã thử nghiệm nền kinh tế thị trường
bằng cách cho phép nông dân dùng nhiều đất đai hơn cho chăn nuôi thay vì gieo
trồng hạt cho nhà nước, và đẩy mạnh các dự án gây chú ý ở địa phương, trong đó
có việc xây một phim trường dựa theo tiểu thuyết kinh điển Hồng lâu mộng.
Năm 1985, ông có hai tuần ở Iowa trong thành phần phái đoàn
nông nghiệp. Ở thị trấn Muscatine, ông ở cùng gia đình Eleanor và Thomas Dvorchak.
“Lũ trẻ đều đi học xa nên có vài phòng trống,” Eleanor kể với tôi. Tập ngủ
trong căn phòng dán tường chủ đề bóng đá và diễn viên Star Trek. “Ông ấy nhìn
ra cửa sổ, trông có vẻ như đang thốt lên, ‘Ôi trời,’ và tôi đã nghĩ, Có gì lạ
đâu nhỉ? Chỉ là căn gác lửng,” bà kể. Tập không giới thiệu mình là một bí thư của
Đảng Cộng sản; danh thiếp của ông ghi hội trưởng Hiệp hội Chăn nuôi Thạch Gia
Trang. Năm 2012, trong một chuyến đi Mỹ trước khi trở thành nguyên thủ, ông trở
lại Muscatine để gặp Dvorchak và những người khác, theo sau là báo giới quốc tế.
Bà nói, “Chẳng ai đầu óc bình thường lại có thể nghĩ anh chàng từng ở nhà tôi lại
có ngày trở thành nguyên thủ. Tôi không quan tâm anh đang nói đến nước nào.”
Đến năm 1985, khi Tập sẵn sàng cho lần thăng chức mới, lãnh
đạo tỉnh uỷ một lần nữa chặn đường ông, nên ông chuyển tới tỉnh Phúc Kiến ở
phía Nam, nơi một người bạn của cha ông làm bí thư và có thể giúp ông. Không
lâu sau khi tới đây, ông gặp Liêu Vạn Long, một doanh nhân người Đài Loan, người
sau này nhớ lại, “Ông ấy cao và chắc, trông hơi cù lần.” Liêu, thường xuyên đến
thăm Tập trong hàng chục năm sau đó, kể với tôi, “Ông ấy có vẻ thẳng thắn và thật
thà. Ông ấy đến từ miền Bắc và không thực sự hiểu miền Nam.” Liêu nói tiếp,
“Ông ấy chỉ lên tiếng khi thực sự có điều cần nói, và không dễ hứa hẹn. Ông ấy
thường suy nghĩ thấu đáo mọi thứ trước khi mở miệng. Ông ấy cũng hiếm khi nói về
gia đình, vì từng có quá khứ khó khăn và một cuộc hôn nhân thất vọng.” Tập
không có đầu óc chất vấn, nhưng xuất sắc trong việc quản lý hình ảnh và quan hệ
của mình; giờ ông phải gặp gỡ các nhà đầu tư nước ngoài, do vậy ông thôi mặc
quân phục và có một tủ đồ Tây. Liêu nói, “Không phải ai cũng gặp được ông ấy; Tập
sẽ sàng lọc những ai muốn gặp mình. Ông ấy giỏi nhìn người.”
Năm sau, khi Tập 33 tuổi, một người bạn giới thiệu ông với
Bành Lệ Viên, lúc đó 24 tuổi và đã là một trong những ca sĩ dân ca và opera nổi
tiếng của Trung Quốc. Tập bảo bà ông không xem truyền hình, bà nhớ lại trong một
cuộc phỏng vấn năm 2007. “Em hát nhạc gì?” ông hỏi. Bành nghĩ trông ông có vẻ
“ít hiểu biết văn hóa và già hơn tuổi,” nhưng ông đã hỏi bà về những kỹ năng ca
hát, và bà coi đó là một dấu hiệu của sự thông minh. Sau này ông Tập kể chỉ
trong 40 phút ông đã quyết định hỏi cưới bà. Họ kết hôn vào năm sau, và năm
1989, sau vụ đàn áp cuộc biểu tình của sinh viên, Bành nằm trong số những văn
công được cử tới quảng trường Thiên An Môn để động viên binh sĩ. (Những hình ảnh
ghi lại cảnh này, cùng thông tin về đời tư và công việc của bà, đã được xoá gần
hết khỏi Internet.) Năm 1992, con gái họ ra đời. Khi con đường trở thành lãnh đạo
cấp cao của Tập trở nên rõ ràng, Bành từ bỏ những bộ váy diva và chỉnh trang kiểu
tóc cho phù hợp với những bộ vest và quân phục. Người hâm mộ vẫn vây quanh bà
trong khi chồng bà kiên nhẫn đứng bên, nhưng gần như bà đã ngừng biểu diễn và
hướng mối quan tâm sang những hoạt động về HIV, kiểm soát thuốc lá, và giáo dục
cho phụ nữ. Trong nhiều năm, phần lớn thời gian Tập và Bành sống xa nhau. Nhưng
trong cơn mưa truyền thông đang đổ dồn quanh Bác Tập, truyền thông nhà nước đã
tung ra một bài hát có tên “Tập Đại Đại ái Bành Ma Ma,” có đoạn “Đàn ông nên học
theo Tập còn phụ nữ nên học theo Bành.”
Việc chuyển công tác tới miền Nam giúp Tập ở gần cha hơn. Từ
năm 1978, cha của ông đã làm việc ở tỉnh Quảng Đông lân cận, quê hương của những
thử nghiệm thị trường tự do đầu tiên của Trung Quốc, và Tập cha đã trở thành một
người tin tưởng hết mình vào cải cách kinh tế như một giải pháp cho nghèo đói.
Đây là một vị trí rủi ro: trong một cuộc họp Bộ Chính trị năm 1987, phe thủ cựu
đã công kích nhà ủng hộ các tiêu chuẩn tự do Hồ Diệu Bang. Tập Trọng Huân là
quan chức cấp cao duy nhất lên tiếng bảo vệ ông. “Các anh định làm gì ở đây? Đừng
lặp lại những gì Mao đã làm với chúng ta,” ông nói, theo Burying Mao (Chôn vùi
Mao), cuốn biên niên về chính trị cấp cao xuất bản năm 1994 của Richard Baum.
Nhưng Tập đã thua và bị tước đi quyền lực lần cuối cùng. Ông được sống khá thoải
mái trong sự quên lãng cho đến khi qua đời vào năm 2002, và được nhớ đến với
nhiều tình cảm như “một người đàn ông của nguyên tắc chứ không phải của chiến
lược,” như vị biên tập viên ở Bắc Kinh nói với tôi.
Con trai ông đã tránh những cải cách gây tranh cãi quá mức
khi thăng tiến. “Phương pháp của tôi là đun nóng cái nồi bằng ngọn lửa nhỏ liên
tục, thêm nước lạnh để khỏi trào,” ông nói. Năm 1989, Khang Duyên Bình, một cán
bộ tuyên giáo địa phương, đã đề xuất một loạt phim truyền hình nhỏ để cổ động
cho cải cách chính trị, nhưng Tập đáp lại khá hoài nghi. Theo cuốn Tương lai của
Trung Quốc, ông đã hỏi, “Ý kiến này có cơ sở không? Điểm kia đã hợp lý chưa?”
Chương trình phim mà Tập dự đoán có thể sẽ làm nhân dân “thoái chí” đã không được
sản xuất. Ông cũng dành sự quan tâm đặc biệt cho việc xây dựng các đơn vị quân
đội địa phương; ông nâng cấp vũ trang, cải thiện trợ cấp sinh hoạt phí cho binh
sĩ, và tìm việc cho các sĩ quan về hưu. Ông vẫn nói, “Để đáp ứng nhu cầu của
quân đội thì không có gì là quá đáng.”
* * *
Tập truy tố tham nhũng tùy vụ và có những vụ ông lờ đi. Một
nhà quản lý Trung Quốc nói với Đại sứ Hoa Kỳ tại Bắc Kinh rằng Tập được coi là
“Ngài Trong sạch” vì từng từ chối một khoản hối lộ, nhưng trong nhiều năm Tập
công tác tại Phúc Kiến, tập đoàn Viễn Hoa, một trong những doanh nghiệp tham
nhũng lớn nhất của Trung Quốc, vẫn buôn lậu hàng tỷ đô la dầu, xe hơi, thuốc
lá, và đồ gia dụng vào Trung Quốc, với sự bảo kê của quân đội và cảnh sát Phúc
Kiến. Tập cũng tìm cách sống chung với Trần Khải, một tài phiệt địa phương sở hữu
các sòng bài và nhà thổ ở trung tâm thành phố, được cảnh sát trưởng bảo kê. Về
sau Trần bị bắt, truy tố, và lĩnh án tử hình, kéo theo 50 quan chức nhà nước
khác ra toà vì nhận hối lộ từ ông ta. Tập chưa bao giờ dính líu tới những vụ
này, nhưng chúng vẫn để lại vết nhơ trong nhiệm kỳ ông. “Đôi lúc tôi cũng sai lầm
trong việc bổ nhiệm cán bộ,” ông nói vào năm 2000. “Có người được bổ nhiệm
không đúng do tôi đánh giá họ cao hơn thực tế, có người là do tôi đánh giá họ
thấp hơn thực tế.”
Tập tỏ ra thành thạo trong việc điều hướng những mâu thuẫn
và liên minh nội bộ. Sau khi tiếp quản tỉnh Chiết Giang với một nền kinh tế
năng động năm 2012, ông đã đưa ra nhiều chính sách nhằm thúc đẩy nền kinh tế tư
nhân. Ông khuyến khích các hãng taxi mua xe từ Geely, một công ty xe sau này đã
mua lại Volvo. Ông thuyết phục được phía bảo thủ một phần nhờ nhắc lại những
câu thần chú xã hội chủ nghĩa. “Nền kinh tế tư nhân đã trở thành một bông hoa
ngoại trong khu vườn xã hội chủ nghĩa mang đặc sắc Trung Quốc,” ông tuyên bố.
Năm 2007, ông gặp cơ hội trời cho để thể hiện khả năng chính trị: một bê bối
tham nhũng tại Thượng Hải có dính líu tới những người đồng sự của Giang Trạch
Dân, vị cựu chủ tịch nước quyền lực nắm quyền từ năm 1989 đến năm 2002. Tập được
cử đến Thượng Hải để giải quyết vụ việc. Ông thể hiện sự cứng rắn trước dân
chúng mà không xa lánh Giang. Ông từ chối căn biệt thự được sắp xếp cho mình,
và nói nó sẽ có ích hơn nếu được dùng làm nhà dưỡng lão cho cựu chiến binh.
Thời cơ của ông đã điểm: một vài tháng sau, các quan chức cấp
cao trong Đảng tiến hành lựa chọn thế hệ các nhà lãnh đạo hàng đầu tiếp theo.
Người ta cho rằng Tập sẽ để thua trước Lý Khắc Cường, một người đồng chí không
có thân thế gia đình cách mạng, nhưng có bằng cao học về luật và kinh tế tại Đại
học Bắc Kinh. Từ năm 2002, thống trị các cấp bậc cao trong hệ thống chính trị
Trung Quốc là những người đi lên theo con đường học vấn hoặc kỹ trị. Cha của Chủ
tịch Hồ Cẩm Đào vốn là chủ hiệu trà, và Thủ tướng Ôn Gia Bảo là con trai của một
giáo viên, nhưng Trần Vân, ông trùm kinh tế cuối cùng, đã cố vấn cho các đồng sự
rằng thế hệ hạt giống đỏ, giờ được gọi là “thế hệ đỏ thứ hai,” hoặc thái tử Đảng,
sẽ là những người phục vụ đáng tin cậy hơn trong tương lai của Đảng. Một thái tử
Đảng từng nói với một nhà ngoại giao phương Tây, “Cảm nhận giữa chúng tôi là:
‘Hồ Cẩm Đào, Ôn Gia Bảo, khi cha các anh đang bán dây giày thì cha chúng tôi đổ
máu cho cách mạng.’” Khi nói chuyện riêng, một số thái tử còn ví von Chủ tịch
và Thủ tướng như những hỏa kế – tức “người làm mướn.” Tháng 10 năm 2007, Tập được
hé lộ có khả năng cao là người thừa kế. Đây không hẳn là một lời khen. “Giới
lãnh đạo Đảng ưa những người kế nhiệm kém cỏi để họ có thể cai trị từ phía sau
hậu trường,” Hà Tần, người sáng lập Minh Kính tân văn mạng, một trang web tiếng
Trung ở hải ngoại, nói. Trong con mắt của công chúng, sự trỗi dậy của Tập đột
ngột đến nỗi mọi người đã nói đùa, “Tập Cận Bình là ai? Ông ấy là chồng của
Bành Lệ Viên.”
Tập được thử thách bằng một loại các sự vụ nổi lên trong thời
gian ông sắp bắt đầu làm Tổng Bí thư năm 2012. Tháng 2, Vương Lập Quân, một cựu
cảnh sát trưởng, đã cố gắng đào thoát sang Mỹ và cáo buộc gia đình người bảo trợ
cũ của mình là Bạc Hy Lai, bí thư tỉnh uỷ Trùng Khánh, về tội giết người và
tham ô. Các lãnh đạo Đảng đã lo sợ Bạc sẽ tự bảo vệ mình bằng chính lực lượng
an ninh dưới quyền, làm gián đoạn việc chuyển giao quyền lực, và gây chia rẽ Đảng.
Tháng 9, Lệnh Kế Hoạch, Chánh văn phòng của vị chủ tịch sắp mãn nhiệm, đột ngột
bị giáng chức, và sau đó bị cáo buộc tìm cách che đậy cái chết của con trai
ông, đã qua đời trong một tai nạn khi lái chiếc Ferrari đen chở theo hai cô
gái.
Bị khủng hoảng vây quanh, Tập bỗng nhiên biến mất. Ngày 4
tháng 9 năm 2012, ông hủy cuộc họp với Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và chuyến
thăm các quan chức khác. Qua nhiều ngày, những tin đồn khủng khiếp nổi lên, từ
mắc trọng bệnh đến âm mưu ám sát. Ngày 19 tháng 9, ông xuất hiện trở lại với lời
giải thích tới các quan chức Mỹ rằng ông bị chấn thương ở lưng. Các nhà phân
tích chính trị Trung Quốc vẫn đưa ra vấn đề Tập biến mất với niềm tin rằng một
lời giải thích đầy đủ hơn sẽ làm sáng tỏ chiều sâu hoặc độ nông của sự ủng hộ
dành cho ông. Trong hàng chục cuộc đối thoại diễn ra vào mùa đông năm đó, giới
học giả, quan chức, nhà báo, và những nhà điều hành nói với tôi rằng họ nghi ngờ
ông có vấn đề sức khỏe, và cả những lý do để khai thác điều đó. Họ suy đoán rằng
trên thực tế, Tập đã án binh; ông muốn cài cắm đồng minh chủ chốt và loại bỏ đối
thủ trước khi nắm quyền, nhưng các lão thành trong Đảng ra lệnh cho ông chờ đợi.
Một cựu quan chức tình báo nói với tôi, “Về cơ bản Tập nói như thế này, ‘Được,
kệ xác các ông, xem các ông có tìm ra ai cho vị trí này không. Tôi sắp biến mất
trong hai tuần và sẽ lỡ hẹn với bà ngoại trưởng.’ Đấy là cái ông ta đã làm. Nó
đã gây náo loạn còn bọn họ thì vừa chạy vừa than, ‘Whoa, whoa, whoa.’” Cuộc
chuyển giao được tiến hành như đã định. Ngày 15 tháng 11 năm 2012, Tập trở
thành Tổng Bí thư.
* * *
Tập đứng đầu một Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị gồm bảy người:
bốn được xem là thái tử Đảng do xuất thân hoặc hôn nhân, tỷ lệ lớn hơn cả của Bộ
Chính trị trong suốt lịch sử Cộng hòa Nhân dân. Các chính trị gia phương Tây
thường nhận thấy ông Tập có những thói quen của một chính khách dân tuý: thoải
mái trong hàng rào chắn, những câu hỏi nhã nhặn cho mọi quan khách, những giai thoại
gần gũi. Trong một chuyến thăm Los Angeles, ông đã kể với sinh viên rằng ông
thích bơi, đọc sách, và xem thể thao trên truyền hình, nhưng hiếm khi có thời
gian. “Nếu mượn tên một bộ phim Mỹ, nó sẽ giống như Nhiệm vụ bất khả thi vậy,”
ông nói. Trong khi đó các nhà quan sát Trung Quốc lại có xu hướng đề cập đến một
thứ khác: quý tộc khí, tức “khí chất quý tộc.” Nó có thể đóng vai trò như một
đường dẫn đảm bảo về quá khứ, hoặc đôi lúc khiến những đồng nghiệp của mình xa
cách. Trong một cuộc họp tại Đại lễ đường Nhân dân hồi năm ngoái, khi các quan
chức của Đảng đang trò chuyện và bắt tay nhau trong giờ nghỉ giải lao dài, Tập
chỉ ngồi một chỗ. “Nó kéo dài hàng giờ, nhưng ông ấy chỉ ngồi đó, nhìn thẳng về
phía trước,” một người nước ngoài tham dự nói với tôi. “Ông ấy không hề bước xuống
bục để nói, ‘Tình hình ở Ninh Hạ sao rồi?’”
Tập tin rằng có một mối đe dọa nghiêm trọng đối với Trung Quốc
từ bên trong. Theo các nhà ngoại giao Mỹ, vị giáo sư bạn ông Tập đã mô tả ông
như “thấy ghê tởm trước sự thương mại hóa toàn diện của xã hội Trung Quốc, kèm
theo giới nhà giàu mới nổi, tham nhũng của quan chức, mất giá trị, nhân phẩm,
và tự trọng, cũng như những ‘tệ nạn đạo đức’ như ma túy và mại dâm.” Nếu trở
thành nhà lãnh đạo đứng đầu Trung Quốc, vị giáo sư dự đoán, “rất có thể ông ấy
sẽ tích cực cố gắng giải quyết những tệ nạn này, có thể với cái giá là tầng lớp
nhà giàu mới nổi.” Mặc dù các thái tử Đảng và anh chị em của họ đã hưởng lợi rất
nhiều từ sự trỗi dậy của Trung Quốc (chị gái Tề Kiều Kiều của ông Tập được cho
là sở hữu lượng tài sản doanh nghiệp và bất động sản lớn), các gia đình cách mạng
vẫn cho rằng họ hưởng lợi chính đáng, và họ cũng trách những “người làm mướn”
đã để xảy ra tham nhũng và lãng phí, thứ làm dấy lên cơn thịnh nộ trong dân
chúng và đe dọa tương lai của Đảng.
Bước đầu tiên đi đến một giải pháp là thiết lập lại sự kiểm
soát. “Nền lãnh đạo tập thể,” phân tán quyền lực trong Ủy ban Thường vụ, đã kìm
hãm Hồ Cẩm Đào triệt để đến mức ông bị gán biệt danh “Người đàn bà bị bó chân.”
Tập tập hợp quanh mình một “nội các không chính thức”, được xác định không phải
bằng một ý thức hệ đơn nhất mà bằng mối quan hệ phe nhóm và trung thành chính
trị. Các thành viên bao gồm Lưu Hạc, người bạn ấu thơ nay là một nhà kinh tế học
có đầu óc cải cách, và Lưu Nguyên, một vị tướng diều hâu, con trai cố Chủ tịch
Lưu Thiếu Kỳ. Quan trọng nhất là Vương Kỳ Sơn, một người bạn lâu năm trong hàng
thập niên, đã được giao trọng trách đứng đầu Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung
ương, cơ quan phát động một chiến dịch chống tham nhũng lớn.
Từ lâu Đảng đã vun vén một hình ảnh nhất quán về đạo đức.
Tuy nhiên, trong hai năm tiếp theo, các nhà điều tra của Vương, được trao nhiều
quyền hạn trong việc giam giữ và thẩm vấn, đã tấn công các cơ quan có thể đối đầu
với chính quyền của Tập, với cáo buộc âm mưu và lạm quyền. Họ cáo buộc tham
nhũng đối với các quan chức trong các uỷ ban kế hoạch và tài sản nhà nước, vốn
bảo vệ đặc quyền của các công ty độc quyền nhà nước lớn. Họ đã bắt giữ trùm an
ninh của Trung Quốc, Chu Vĩnh Khang, cựu quan chức dầu khí có xương quai hàm to
cộ như tượng đảo Phục Sinh, người xây dựng công an và quân đội thành một vương
quốc cá nhân và nhận được nhiều ngân quỹ cho trinh sát và do thám trong nước
hơn cho quốc phòng. Họ lần tới hàng ngũ quân sự, nơi tham nhũng tràn lan không
chỉ khiến người dân khó chịu – người đi bộ đã quen với những chiếc sedan sang
trọng mang biển quân sự phóng bạt mạng trên đường phố Bắc Kinh với kim bài miễn
tội – mà còn làm suy yếu nền quốc phòng Trung Quốc. Khi khám nhà gia đình Trung
tướng Cốc Tuấn Sơn, một giám đốc hậu cần cấp cao, cảnh sát đã tịch thu bốn xe tải
với rượu, tác phẩm nghệ thuật, tiền mặt, và nhiều đồ xa xỉ khác. Theo lời một
nhà ngoại giao tại Bắc Kinh, trong số đồ đạc của ông Cốc có cả mô hình bằng
vàng của tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc. “Khi được hỏi, ông ta nói đó là
biểu tượng của lòng yêu nước,” nhà ngoại giao nói.
Đến cuối năm 2014, Đảng tuyên bố đã trừng phạt hơn mười vạn
quan chức với cáo buộc tham nhũng. Nhiều nhà quan sát nước ngoài đã đặt câu hỏi
liệu cuộc thập tự chinh của Tập có thực sự nhằm dập tắt tham nhũng hay chỉ là một
công cụ để tấn công kẻ thù. Không đơn giản là chỉ một đáp án nào: tham nhũng đã
trở nên quá nguy hiểm đối với tính chính danh của Đảng đến mức chỉ nhà lãnh đạo
bàng quan nhất mới có thể tránh ép nó trở lại một mức độ có thể kiểm soát hơn,
nhưng dựng rào chống tham nhũng cũng là một phương tiện để củng cố chính trị,
và ở những mức độ cao nhất Tập đã triển khai nó chủ yếu để chống lại đối thủ.
Geremie Barme, nhà sử học đứng đầu Viện Australian Centre on China in the
World, đã phân tích 48 vụ bắt giữ quan chức cấp cao nhất và nhận ra không ai trong
số họ thuộc thế hệ Đỏ thứ hai. “Tôi không gọi đó là chiến dịch chống tham
nhũng,” một nhà ngoại giao phương Tây nói với tôi. “Đó là cuộc chiến triệt
tận gốc.”
* * *
Ít lâu sau khi nhậm chức, Tập hỏi, “Tại sao Đảng Cộng sản
Liên Xô sụp đổ?” và tuyên bố, “Đó là một bài học sâu sắc cho chúng ta.” Các học
giả Trung Quốc đã nghiên cứu câu hỏi hóc búa này từ hàng chục góc độ, nhưng Tập
muốn nhiều hơn thế. “Năm 2009, ông giao việc thực hiện một nghiên cứu công phu
về Liên Xô cho một người làm việc trong văn phòng nghiên cứu chính sách,” một
nhà ngoại giao Bắc Kinh nói với tôi. “Nó kết luận sự tan rã bắt đầu từ thời
Brezhnev. Trong nghiên cứu, tác giả trích dẫn một câu chuyện đùa: Brezhnev đưa
mẹ đến Moskva. Ông ta tự hào khoe với mẹ những căn hộ nhà nước ở Kremlin, chiếc
xe limousine Zil của ông, và cuộc sống xa hoa mà ông đang có. ‘Mẹ nghĩ gì, thưa
mẹ,’ Brezhnev hỏi. ‘Mẹ sẽ không bao giờ phải lo chuyện gì nữa.’ ‘Mẹ rất tự hào
về con, Leonid Ilyich,’ mẹ ông trả lời, ‘nhưng Cộng sản biết được thì sao?’ ông
Tập thích câu chuyện này.” Tập có thái độ khinh thị đặc biệt đối với Gorbachev
vì đã không bảo vệ được Đảng trước những kẻ đối lập, và nói với các đồng sự,
“Không có ai đủ dũng khí để đứng lên và phản đối.”
Trong năm sau khi Tập nhậm chức, các cán bộ được yêu cầu xem
một bộ phim tài liệu dài sáu phần về sự sụp đổ của Liên Xô, chiếu những cảnh bạo
động bất ổn và mô tả âm mưu lật đổ chủ nghĩa cộng sản thông qua “diễn biến hòa
bình” của Mỹ: sự xâm nhập dần dần của các tư tưởng chính trị có mục đích lật đổ
của phương Tây. Kể từ những bước đầu tiên, khi các cuộc “cách mạng màu” nổ ra ở
khối Xô viết cũ, cộng sản Trung Quốc đã lấy nguy cơ lây nhiễm làm cái cớ để siết
chặt đời sống chính trị. Nỗi lo sợ tăng lên khi làn sóng bất ổn dâng cao ở Tây
Tạng năm 2008, ở Tân Cương năm 2009, và trên khắp thế giới Ả Rập năm 2011.
Tháng 9 năm ngoái, khi các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ nổ ra ở Hồng Kông, một
bài xã luận trên Thời báo Hoàn cầu, một tờ nhật báo của nhà nước, đã cáo buộc
Quỹ Quốc gia vì Dân chủ ở Hoa Kỳ và CIA “chìa tay” đằng sau cuộc biểu tình, với
ý định “thúc đẩy sự độc lập của Đài Loan, của Tân Cương, và của Tây Tạng.” (Hoa
Kỳ đã phủ nhận sự liên quan.)
Chính phủ của Tập không có chỗ cho sự đối lập trung thành (tức
chỉ trích nhưng vẫn trung thành với đảng – NBT). Khi ông phát động chiến dịch
chống tham nhũng, các nhà hoạt động – như luật sư Hứa Chí Vĩnh, người phục vụ
trong bộ máy lập pháp địa phương ở Bắc Kinh – đã tham gia và kêu gọi quan chức
công khai thu nhập. Nhưng Hứa và nhiều người khác đã bị bắt. (Sau này ông bị kết
án bốn năm tù vì tội “tập hợp đám đông gây rối trật tự công cộng.”) Đằng Bưu, cựu
đồng nghiệp của ông Hứa, nói với tôi, “Với chính phủ, ‘diễn biến hòa bình’
không chỉ là khẩu hiệu. Nó là sự thật. Ảnh hưởng của các quốc gia phương Tây
ngày càng hiển hiện và mạnh mẽ.” Ông Đằng đang ở một hội nghị tại Đức khi đồng
nghiệp của ông bị bắt. “Mọi người khuyên tôi đừng trở về Trung Quốc, nếu không
tôi cũng sẽ bị bắt,” Đằng nói. Hiện ông là một học giả khách mời tại Trường Luật
Đại học Harvard.
Một biên tập viên kỳ cựu ở Bắc Kinh nói với tôi rằng các nhà
từ thiện Trung Quốc đã được cảnh báo, “Các ông không được đưa tiền cho tổ chức
phi chính phủ này hay tổ chức phi chính phủ kia – về cơ bản là mọi tổ chức phi
chính phủ.” Trong tháng 12, Tổ chức Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) đã đếm được 44
phóng viên trong các nhà tù Trung Quốc, nhiều hơn mọi quốc gia khác. Các luật
sư nhân quyền nổi tiếng – Phổ Chí Cường, Đinh Gia Hỷ, Hạ Lâm – cũng bị bỏ tù. Đầu
tháng này, Human Rights Watch gọi đây là cuộc đàn áp khắc nghiệt nhất trong một
thập niên qua.
Mặc dù Vladimir Putin đã bóp nghẹt xã hội dân sự Nga và vô
hiệu hoá báo chí, các hiệu sách ở Moskva vẫn bày bán những cuốn sách chỉ trích
ông, và một số blog kiên nhẫn vẫn tìm cách công kích ông. Tập không khoan dung
đến thế. Tháng 2 năm 2014, Diêu Văn Điền, một biên tập viên 79 tuổi của Nhà xuất
bản Morning Bell ở Hồng Kông, người dự định phát hành cuối tiểu sử chỉ trích
ông Tập của nhà văn lưu vong Dư Kiệt, đã bị bắt trong chuyến thăm đại lục. Ông
đã nhận được một cú điện thoại cảnh báo không được tiến hành xuất bản cuốn
sách. Ông bị kết án 10 năm tù, vì tội buôn lậu bảy hộp sơn.
Trong nhiều năm, giới tri thức Trung Quốc đã phân biệt giữa
lời nói và hành động: các tư tưởng chính trị phương Tây có thể được thảo luận ở
Trung Quốc, miễn là không ai cố gắng áp dụng. Năm 2011, Bộ trưởng Giáo dục Viên
Quý Nhân đã ca ngợi lợi ích của việc trao đổi với nước ngoài. “Bất luận họ giàu
hay nghèo, xã hội chủ nghĩa hay tư bản chủ nghĩa, chừng nào họ có lợi cho sự
phát triển của chúng ta thì chúng ta có thể học hỏi từ họ,” ông nói trên Kinh
Hoa Thời báo, một tờ báo nhà nước. Nhưng trong tháng 1 ông lại phát biểu tại một
hội nghị, “Giảng viên trẻ và sinh viên chính là đối tượng tiêm nhiễm chính của
thế lực thù địch.” Ông nói, “Chúng ta tuyệt đối không để lọt vào lớp học những
thứ truyền bá giá trị phương Tây.” Một bài viết trên trang Cầu thị, một tờ báo
Đảng chính thống, đã cảnh báo các giáo sư “bôi nhọ cái tên Trung Quốc,” và chỉ
đích danh giáo sư luật Hạ Vệ Phương. Khi tôi nói chuyện với giáo sư Hạ ít ngày
sau đó, ông nói, “Giới thủ cựu vốn không ưa gì tôi, nhưng gần đây tình hình trở
nên trầm trọng hơn. Quan điểm chính trị của dàn lãnh đạo mới không giống như dưới
thời Hồ hay Giang. Họ cấm đoán nhiều hơn. Họ không hề sẵn sàng chấp nhận một cuộc
thảo luận tích cực.”
Việc cách ly Trung Quốc khỏi các tư tưởng phương Tây đã đặt
ra một vài vấn đề thực tiễn. Đảng đã công bố những cải cách “pháp quyền” nhằm
tăng cường sự kiểm soát từ trên xuống trong hệ thống pháp lý và bảo vệ tòa án
khỏi sự can thiệp của địa phương. Giáo sư Hạ nói, “Nhiều đồng nghiệp của tôi
nghiên cứu luật dân sự và phần lớn bài giảng của họ là về pháp luật Đức và
Pháp. Nếu muốn ngăn giá trị phương Tây truyền bá vào các trường đại học Trung
Quốc, anh cần đóng cửa mọi trường luật và đảm bảo chúng không còn tồn tại.” Về
phần mình, Tập không thấy có gì mâu thuẫn bởi vì bảo vệ Đảng luôn đi trước bảo
vệ pháp luật. Hồi tháng 1, ông nói Trung Quốc phải “nuôi dưỡng một đội quân
pháp lý trung thành với Đảng, với nhà nước, với nhân dân, và với pháp luật.” Nhắc
lại lời Mao, ông nói thêm, “Đảm bảo cán dao luôn nằm chắc trong tay của Đảng và
nhân dân.”
(Xem tiếp phần cuối đăng ngày 25/5/2016)
Evan Osnos là nhà báo người Mỹ. Ông tốt nghiệp ngành Khoa học
Chính trị tại Đại học Harvard và trở thành cây viết của tạp chí The New Yorker
từ năm 2008. Cuốn Age of Ambition: Chasing Fortune, Truth, and Faith in the New
China đã mang lại cho ông Giải thưởng Sách quốc gia Mỹ cho thể loại Phi hư cấu
năm 2014.
Nguồn: Nghiên Cứu Quốc Tế
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét