Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2016

Cá chết trắng kênh ở Sài Gòn: Cần dùng 'thiết quân luật'!

Cao Huy Huân

 Cá chết trên kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè ở Sài Gòn, Việt Nam.

Sáng 17-5, nhiều người dân Sài Gòn chứng kiến cảnh hàng chục nghìn con cá chết nổi trên kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè. Công nhân vệ sinh môi trường vớt cá từ sáng đến trưa chưa hết. Dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè là một bước tiến quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh thành phố, góp phần làm Sài Gòn trở nên xinh đẹp hơn trong mắt người dân và bạn bè quốc tế. Tuy nhiên những năm qua cho thấy, cái “chốt” quan trọng nhất chính là quản lý sự ổn định của môi trường nước vẫn là bài toán nan giải.

Nhiều năm trước, người ta nghe đến Nhiêu Lộc-Thị Nghè thì bịt tai bịt mũi vì mùi hôi thối của nguồn nước bị ô nhiễm. Sau vài năm thành phố cải tạo, những bức ảnh chụp trên không xuống cho thấy con kênh kéo dài, uốn cong xẻ đôi thành phố, nhìn từ trên cao như một cung đàn tráng lệ, đẹp đến ngất ngây. Những hàng cây, bãi cỏ được dựng lên; những khu hành lang đi bộ, khu tập thể dục được thiết lập; những hàng ghế đá được đặt đọc hai bên bờ để người dân tận hưởng những buổi sáng trong lành và những buổi chiều lộng gió của đất Sài Gòn.

Năm nào, mùa nào, cứ hễ vài ba cơn mưa đến thì báo chí tràn ngập hình ảnh cá nổi đầu. Tất nhiên, không chỉ những đàn cá tội nghiệp lũ lượt kéo nhau ngoi lên tìm chút không khí sạch để sinh tồn, mà hàng mớ rác thải không biết từ đâu cũng tủa ra bốn phía, khiến ai nhìn thấy cũng nổi hết cả da gà. Như vậy, cốt yếu ở chỗ sự ổn định của môi trường nước trên con kênh này dường như chưa có lời giải đáp.

Tôi lướt qua nhiều trang báo, trang thông tin, và cả những forum, diễn đàn khác nhau trên mạng xã hội để tìm hiểu nguyên nhân tại sao cá Sài Gòn nuôi chưa kịp lớn đã kéo nhau chầu trời. Nguyên nhân đầu tiên mà người ta thường nghĩ đến (ở Việt Nam) khi nói về ô nhiễm nguồn nước chính là xả thải từ các nhà máy, xí nghiệp. Vụ cá biển chết đến đến mức khủng khiếp tại miền trung Việt Nam khiến người ta nghĩ ngay đến tập đoàn Formosa với đường ống xả thải khủng được đặt dưới lòng biển. Mặc dù theo chính quyền Việt Nam thì vẫn chưa có đủ cơ sở để quy trách nhiệm cho Formosa, tập đoàn đầy tai tiếng này vẫn là nghi can số một.

Tuy nhiên, với trường hợp Nhiêu Lộc-Thị Nghè thì lại khác. Theo quan sát của tôi qua báo đài, nghi vấn xả thải dường như không hiện hữu, bởi Sài Gòn hiện được quy hoạch, các vùng lân cận khu kênh nước chủ yếu là nhà ở của người dân và các cơ sở kinh doanh, du lịch, dịch vụ, giáo dục.

Như vậy sẽ khó có một nhà máy hay xí nghiệp nào đáng bị tình nghi như Formosa, mà cái chính đó là nguồn rác thải, xả thải từ chính các hộ gia đình, của người dân sinh sống khu vực lân cận những con kênh nước.

Cá nhân tôi vẫn nghĩ, qua nhiều năm, cái yếu kém lớn nhất của Sài Gòn là chưa cương quyết thực thi kỷ cương, phép nước đối với những hành động vi phạm các chuẩn mực của văn minh xã hội. Ngay như trong vấn đề môi trường, chính quyền cũng chưa quyết tâm áp dụng luật lệ với những người thích xả rác, xả nước thải bừa bãi. Nên nhớ rằng Sài Gòn đang nuôi hàng chục triệu con người, mỗi người một vài món rác, vài ba lít nước bẩn thì Sài Gòn không còn là Sài Gòn nữa. Nên nhớ rằng, chỉ cần bỏ một cái vỏ kẹo không đúng nơi quy định, tại Úc sẽ bị phạt vài triệu đồng tiền Việt, tại Singapore ngoài chịu phạt tiền còn phải lao động công ích.

Nhiều nước khác cũng ban hành những quy định tương tự. Việc xây dựng những luật lệ nghiêm khắc không có nghĩa là cứ nói là làm được ngay, nhưng nếu không làm sẽ không bao giờ dạt được mục đích mong muốn.

Chính quyền phải đưa dự thảo luật, phải có quá trình áp dụng như cái cách mà Việt Nam áp dụng quy định đội mũ bảo hiểm đối với người dân. Phải chấn chỉnh lối sống chỉ biết sạch cho bản thân mà sẵn sàng để xã hội phải lãnh những hậu quả nặng nề, bao gồm cả vụ cá chết trắng kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè. Phải áp dụng các hình phạt với mức độ tăng dần trong một khung quy định để người dân dần dần tập được thói quen sống sạch sẽ, không xả rác và xả thải bừa bãi, từ đó lâu ngày sẽ hình thành lối sống văn minh và không cần đến sự điều chỉnh của luật.

Tôi biết khi ra các dự luật xử lý các cá nhân xả bã chewing gum, hay đổ vài ba thau nước giặt đồ ra nơi công cộng sẽ gây ra nhiều tranh cãi, thậm chí thi hành cũng không phải dễ. Tuy nhiên, hãy nhìn Singapore hay như các nước châu Âu, họ cũng cần thực hiện từng bước một, một cách kiên trì và quyết tâm trong nhiều năm mới đạt được thành quả như ngày nay. Người phương tây vốn nổi tiếng văn minh, có ý thức, không phải hoàn toàn vì họ sinh ra như vậy, mà còn vì họ sống trong một môi trường pháp lý rõ ràng, chặt chẽ và nghiêm ngặt.

Những người bạn Sài Gòn thường than phiền về người dân hai bên Nhiêu Lộc-Thị Nghè. Sài Gòn treo bảng cấm câu cá, nhưng họ vẫn cứ câu. Dẫu biết rằng xả rác xuống sông là sai trái, là thiếu văn hóa, là làm ảnh hưởng môi trường sống chung, nhưng một bộ phận không nhỏ người dân vì tiết kiệm chút chi phí đổ rác, hay chỉ vì sự ích kỷ của bản thân mà sẵn sàng đổ mọi thứ xấu xí, dơ bẩn, hôi thối xuống con kênh bằng cách này hay cách khác. Những cơn mưa khiến mực nước dâng cao cũng như “cháy nhà mới ra mặt chuột”, mọi thứ được phơi bày, rác và chất thải ùa vào nguồn nước khiến cá tôm đang khỏe mạnh cũng mắc bệnh rồi chết đột ngột.

Tôi nghe Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng vừa về nhận nhiệm vụ và tiến hành hàng loạt các hoạt động thực tiễn. Thiết nghĩ ông cũng nên bỏ ra chút thời gian để đi khảo sát chuyện cá tôm ngoài kênh, nơi không chỉ là bộ mặt của Sài Gòn mà còn là nơi ông sẽ gắn bó trong nhiều năm tới. Chuyện cá chết trắng kênh, là chuyện quan trọng mà chính quyền Sài Gòn nên nhìn nhận ở góc độ pháp luật, chứ không phải theo kiểu tùy hỷ, kêu gọi ý thức người dân một cách vô thưởng vô phạt như thời gian qua.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét