Thứ Hai, 23 tháng 5, 2016

‘Tự do tôn giáo’: Việt Nam có ‘được’ vào Danh sách CPC lần thứ hai?

Phạm Chí Dũng


 Linh mục Nguyễn Văn Lý được phóng thích từ nhà tù về Tòa Tổng Giám mục Huế ngày 20/5/2016. Ảnh: Website Tòa Tổng Giám mục Huế.

Những tin tức gần nhất từ Quốc hội và cả Bộ Ngoại giao Mỹ đều khẳng định nhân quyền mới là ưu tiên hàng đầu trong chuyến công du Việt Nam tháng Năm này của Tổng thống Obama. Trong đó, tự do tôn giáo được đặt lên đầu bảng của nhân quyền.

Đối mặt CPC

Khác hẳn “tư thế” năm 2007, Nhà nước Việt Nam đang phải đối diện với nguy cơ bị “tái hội nhập” Danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo (CPC - Countries of Particular Concern) lần thứ hai vào năm 2016 này. Từ vài năm qua, một cuộc vận động rộng rãi đã được Ủy ban tự do tôn giáo quốc tế của Hoa Kỳ và các nước Tây Âu tiến hành, dẫn đến kết quả là vấn đề đưa Việt Nam vào lại CPC có thể được đặt ra trước Quốc hội Mỹ vào năm 2016.
Năm 2015, lần đầu tiên, giới lập pháp Hoa Kỳ thống nhất cao về việc đưa điều kiện tự do tôn giáo vào TPA (quyền đàm phán nhanh cho TPP).

Cũng vào năm 2015, một nhóm dân biểu thuộc Quốc hội Âu châu đã nhóm họp và cho rằng “Việt Nam xứng đáng nằm trong CPC”. Nếu triển vọng này xảy ra, có thể nói gần như toàn bộ “thành tích nhân quyền” của Nhà nước Việt Nam sẽ tan thành mây khói. Viện trợ và các nguồn tài trợ khác cũng vì thế sẽ sụt giảm đáng kể, mà hình ảnh cắt giảm viện trợ ODA của Chính phủ Úc ngay trong chuyến công du nước này của Thủ tướng Dũng vào đầu năm 2015 là một tiền lệ rất khó chịu.

Tháng 4/2016. Mặc dù ông David Saperstein - Đại sứ lưu động về tự do tôn giáo của Mỹ - đã thông tin về kết quả chuyến đi của ông đến Việt Nam khá thuận lợi cho bộ mặt tự do tôn giáo của chế độ này, nhưng Báo cáo về tự do tôn giáo quốc tế năm 2016 của Ủy ban tự do tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ vẫn tiếp tục xếp Việt Nam vào danh sách các nước chưa có tự do tôn giáo và cần phải được theo dõi sát sao do những hoạt động vi phạm tự do tôn giáo được chính phủ cho phép.

Ngay sau đó, Hội đồng liên tôn Việt Nam - tổ chức phối hợp giữa 5 tôn giáo độc lập trong Công giáo, Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, Tin Lành, Phật giáo Hòa Hảo, Cao Đài - đã gửi thư phản đối. Bức thư khẳng định tình trạng tự do tôn giáo ở Việt Nam vẫn chưa có gì cải thiện, nếu không muốn nói là ngày càng trầm trọng.

Bằng chứng vi phạm nhân quyền rất rõ rệt là ngay trong chuyến thị sát của đại sứ lưu động về tự do tôn giáo của Hoa Kỳ vào đầu tháng 4/2016, nhiều tín đồ Phật giáo Hòa Hảo ở An Giang đã bị công an hành hung dữ dội, thậm chí có người suýt phải tự vẫn để phản đối. Ngay sau đó, giáo xứ Hướng Phương ở Quảng Bình bị công an ném lựu đạn cay khiến một số giáo dân bị thương. Tín đồ Tin lành ở những khu vực khác như Gia Lai, Bình Định cũng bị đàn áp. Vợ của Mục sư Nguyễn Công Chính - bà Trần Thị Hồng - chỉ vì tiếp phái đoàn tự do tôn giáo mà đã bị công an Gia Lai bắt về đồn tra tấn dã man…

CPC và chế tài

Theo Đạo Luật Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế, chính phủ Hoa Kỳ phải đưa vào danh sách CPC các chính quyền nào nhúng tay vào hoặc dung túng cho các vi phạm tự do tôn giáo. Theo định nghĩa trong luật Hoa Kỳ, vi phạm tự do tôn giáo là các hành vi cấm đoán, hạn chế hay trừng phạt việc tụ tập ôn hoà để sinh hoạt tôn giáo, kể cả việc tùy tiện bắt “đăng ký” sinh hoạt tôn giáo; việc tự do phát biểu về tôn giáo của mình; quyền đổi tôn giáo hay tín ngưỡng; quyền dưỡng dục con theo niềm tin tôn giáo riêng. Hiện nay đang có dự thảo tu chính để cộng thêm hành động phá hay xúc phạm các nghĩa trang tôn giáo.

Theo định nghĩa của luật, vi phạm “đặc biệt trầm trọng” có nghĩa là “mang tính hệ thống, đang tiếp diễn, và nghiêm trọng” và bao gồm các hành động như bỏ tù, giam giữ dài hạn mà không quy tội, bắt đi mất tích, đánh đập, tra tấn, hãm hiếp, cưỡng bức tái định cư số đông, hoặc “khước từ trắng trợn quyền được sống, được tự do, hoặc được an toàn bản thân”.

Theo luật Hoa Kỳ, quốc gia trong danh sách CPC phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt leo thang: phản đối; cảnh cáo; hoãn hay đình chỉ các trao đổi văn hoá hay khoa học; hoãn, đình chỉ hay huỷ bỏ các chuyến công du; chấm dứt, hạn chế hay đình chỉ các khoản viện trợ; yêu cầu các định chế tài chánh tư và quốc tế hạn chế tiền cho vay và không tài trợ; cấm bán hay chuyển vũ khí và kỹ thuật cho quốc gia đó; cấm các cơ quan chính quyền Hoa Kỳ không ký các hiệp ước xuất nhập cảng với quốc gia đó.

Đồng thời luật cũng trừng phạt các giới chức chính quyền chịu trách nhiệm về sự đàn áp tôn giáo bằng cách không cấp visa vào Hoa Kỳ cho đương sự và các người trong gia đình.

Tổng thống Mỹ cũng không cứu nổi Việt Nam

Tháng 11/2006, Chính phủ Hoa Kỳ đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách CPC. Đó cũng là thời gian mà Nhà nước Việt Nam thể hiện một số nhân nhượng về nhân quyền và tôn giáo, cũng đồng thời với tương lai tham gia vào WTO mở ra trước mắt họ.

Nhưng vào cuối tháng 7, đầu tháng 8/2014, kết quả sau 11 ngày tận mắt chứng kiến ngay cả bản thân cũng bị giám sát chặt chẽ bởi cơ quan an ninh Việt Nam đã khiến ông Heiner Bielefeldt - Báo Cáo Viên Đặc Biệt của Liên hiệp quốc về tự do tôn giáo - phải tổ chức một cuộc họp báo, công bố về “những sai phạm nghiêm trọng” của nhà cầm quyền Việt Nam đối với điều được nhà nước này gọi là “tự do tôn giáo”.

Ông Bielefeldt đã vạch trần thực trạng khống chế tôn giáo và đàn áp những người hoạt động tôn giáo độc lập. Các hành động theo dõi, nghe lén, thu băng nhắm vào phái đoàn Liên hiệp quốc của ông Bielefeldt, và sự ngăn cản, sách nhiễu, hăm doạ nhắm vào các nhân chứng lại càng cho thấy rõ ràng hơn nữa bản chất của chế độ và thực trạng tôn giáo ở Việt Nam.

Đến năm 2016, Báo cáo về tự do tôn giáo quốc tế của Ủy ban tự do tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ tiếp tục bảo lưu quan điểm: “Chính phủ Việt Nam vẫn tiếp tục coi một số nhóm tôn giáo và các hoạt động của họ là sự đe dọa cho đất nước. Những tổ chức tôn giáo không xin phép chính phủ để hoạt động phải đối mặt với những rủi ro là bị chính quyền địa phương đe dọa và quấy nhiễu” -

Báo cáo cũng cho biết luật tôn giáo mới đang được chính phủ Việt Nam soạn thảo có những thay đổi tích cực liên quan đến việc đối xử công bằng với các nhóm tôn giáo. Tuy nhiên một số ý kiến của các tổ chức tôn giáo trong nước và quốc tế lại cho rằng luật mới nhằm giúp chính phủ gia tăng việc kiểm soát các hoạt động tôn giáo.

Báo cáo cho biết hiện Việt Nam vẫn còn từ khoảng 100 đến 150 tù nhân chính trị đang bị giam giữ, rất nhiều người trong số này bị giam giữ vì lý do đức tin tôn giáo và kêu gọi tự do tôn giáo. Những tù nhân đã được trả tự do hiện vẫn phải đối mặt với những truy bức từ phía chính quyền.

Vụ việc đánh đập tàn bạo nhất vi phạm nhân quyền vừa diễn ra vào hai ngày 1/5 và 8/5 năm 2016 tại Sài Gòn. Khi cuộc biểu tình của dân chúng phản đối vụ “cá chết Formosa” nổ ra, công an nhiều nơi, đặc biệt là Công an TP HCM, đã bắt bớ một loạt nhà hoạt động nhân quyền và đấm đá họ tàn nhẫn. Có người bị đánh đến 4 lần từ ngoài đường vào trong đồn công an. Hình ảnh những phụ nữ hoạt động nhân quyền bị nam công an cộng sản bẻ ngoặt tay và đánh vào đầu vào mặt là chẳng khác mấy thời trại tập trung của chế độ phát xít…

Ủy ban tự do tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ kêu gọi gắn liền vấn đề nhân quyền và tự do tôn giáo với phát triển quan hệ kinh tế an ninh và quân sự giữa Mỹ và Việt Nam, thực hiện các chương trình về tự do Internet và phát triển xã hội dân sự. Ủy ban này cũng kêu gọi chính phủ Mỹ thúc giục Việt Nam ngừng ngay việc bắt giữ và bỏ tù những nhà hoạt động tôn giáo, và nhân quyền, kêu gọi đại sứ quán Mỹ ở Việt Nam tiếp tục gặp gỡ và trao đổi trực tiếp với những người tù lương tâm và gia đình họ ở Việt Nam.

Kiến nghị đáng chú ý nhất của Ủy ban tự do tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ là chính phủ Mỹ sử dụng danh sách các quốc gia được quan tâm đặc biệt của Bộ tài chính và từ chối cấp visa đối với những cá nhân và cơ quan vi phạm quyền con người, bao gồm vi phạm nghiêm trọng tự do tôn giáo.

Kiến nghị trên dựa theo tinh thần của Dự luật chế tài liên quan đến tình hình nhân quyền ở Việt Nam của một số nghị sĩ Mỹ. Những cá nhân lãnh đạo ở Việt Nam và có thể cả thân nhân của họ nếu bị phát hiện vi phạm nhân quyền trầm trọng sẽ bị cấm nhập cảnh vào Mỹ, đồng thời tài khoản và tài sản của họ ở nước ngoài có thể bị phong tỏa.

Ngay cả tổng thống Mỹ cũng không có toàn bộ thẩm quyền để quyết định TPP cho Việt Nam, nếu như Quốc hội Mỹ phát hiện Nhà nước Việt Nam tiếp tục có những hành vi bách hại và đàn áp nặng nề đối với các tôn giáo ở quốc gia này. Khi đó, không loại trừ khả năng cái ghế TPP cho Việt Nam sẽ bị Quốc hội Mỹ thẳng tay bác bỏ, cho dù đã được Chính phủ Mỹ thông qua.

Hiện thực bi đát đang dần lộ diện. Nếu bị đưa vào danh sách CPC trở lại, Việt Nam cũng sẽ hoàn toàn mất triển vọng mua hoặc nhận vũ khí sát thương của Hoa Kỳ. Đó là chưa kể những khoản viện trợ đang nhận sẽ bị cắt giảm hay chấm dứt, và triển vọng vay vốn từ các định chế tài chánh quốc tế sẽ trở nên hết sức khó khăn.

VOA Tiếng Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét