Một người dân cho thấy cá biển chết ông thu thập trên một bãi biển huyện
Phú Lộc, trung tâm tỉnh Thừa Thiên Huế vào ngày 21 tháng 4 năm 2016.
AFP PHOTO.
Cá chết trắng biển miền Trung và cũng trắng cả những trang
blog của người Việt khắp năm châu.
Cảm xúc đã khiến nhạc sĩ, blogger Tuấn Khanh viết liên tục về
những con cá mà ông gọi là đáng thương. Cái chết của chúng vào đúng những ngày
tháng tư lịch sử lại làm ông nhớ cuộc chiến đá kết thúc cách đây 41 năm, nhưng
đồng thời những cuộc chiến khác lại bắt đầu và chưa chấm dứt:
“Những ngày cuối tháng 4/2016, những con cá chết nằm dọc bờ
biển Việt Nam như những xác người, nhắc cho hàng triệu người nhớ về một cuộc
chiến từ năm 1975 đã dừng tiếng súng, nhưng rồi mở ra một cuộc chiến khác khốc
liệt hơn. Cuộc chiến không có tiếng súng, chỉ có tiếng vỗ tay, hoa, hữu nghị và
những mất mát lớn lao không được nhắc tên. Một cuộc chiến mà toàn dân tộc Việt,
đất nước Việt đang là kẻ chiến bại.
Những con cá biển miền Trung đáng thương không có quốc hội để
kêu than. Chúng chết lặng lẽ ngay trên bến bờ của hy vọng. Chúng chết ngay tại
chỗ đã ngàn đời dung thân. Có khác gì những người dân nghèo ven biển, đen đủi
và im lặng cầm trên tay con cá chết nhìn chúng ta như những bóng ma chết oan.”
Phải gần ba tuần lễ sau khi cá bắt đầu chết, người ta mới thấy
được một cuộc họp báo nói về những con cá, và một nhà máy thép bị tình nghi là
gây ra cái chết của chúng. Các quan chức chính phủ kết luận rằng chưa thấy liên
hệ nào giữa những con cá và nhà máy thép, còn nguyên nhân vì sao chúng chết thì
vẫn không biết.
Giới blogger thắc mắc là tại sao với một số lượng tiến sĩ khổng
lồ mà sau một thời gian dài như vậy vẫn chưa đưa ra được câu trả lời.
Tác giả Tịnh Mộc Thường viết rằng:
“Formosa nhập 290 tấn hóa chất để sử dụng cho sản xuất, tẩy
rửa, diệt khuẩn, và xả nước thải ĐẠT TIÊU CHUẨN ra biển. Thật trùng hợp, có hơn
60 tấn cá tự chết dọc khu vực biển này theo dòng hải lưu. Nguyên nhân cá chết
không liên quan đến Formosa. Cơ quan quản lý Nhà Nước vô can. Thật hi hữu nhưng
cũng phải cố mà tin!
Chính sự nhân nhượng của Nhà Nước là nguyên nhân sâu xa gây
ra hậu quả ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở các quốc gia đang phát triển, đặc
biệt nổi bật như Trung Quốc và Việt Nam. Doanh nghiệp nước ngoài chỉ muốn kiếm
tiền, còn Nhà Nước phải biết giúp dân bảo vệ môi trường. Nếu không, thì có Nhà
Nước để làm gì?”
Cũng có thể có câu trả lời rằng cá chết hàng loạt là một hiện
tượng có nguyên nhân rất phức tạp, một quốc gia còn kém phát triển như Việt Nam
không có phương tiện để tìm hiểu và đưa ra kết quả.
Nhưng điều kỳ lạ hơn là các quan chức cũng im hơi lặng tiếng,
và đỉnh cao của sự im lặng đó là chuyến viếng thăm Hà Tĩnh của người đứng đầu đảng
cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng vào đúng thời điểm cá chết nhiều nhất. Ông
Trọng không nói một lời nào, dù đảng của ông cai trị nước Việt Nam hàng chục
năm nay.
Blogger Người Buôn Gió phân tích hành động im lặng của ông
theo hai khả năng. Một là ông giống như cái máy, ông không biết cá chết, ông dự
định đến Hà Tĩnh để nói về những cái khác, và ông chỉ nói những cái đó mà thôi.
Hai là ông nham hiểm, ông đến đó để nói rằng đảng của ông đứng đằng sau những
người gây ra ô nhiễm, và như thế đừng có ai đụng vào họ.
Người Buôn Gió viết tiếp rằng dù trong khả năng nào thì dân
tộc Việt Nam cũng khốn đốn vì có những nhà lãnh đạo như vậy.
Blogger Mạnh Kim nhận xét rằng cơ chế chính trị Việt Nam đã
trở nên một hệ thống bất lực:
“Sau quá nhiều năm cai trị đất nước bằng cơ chế hệ thống đảng
hơn là cơ chế quản trị công, chưa bao giờ sự bất lực của bộ máy công quyền thể
hiện rõ như bây giờ. Sự kém cỏi ấy tệ hại đến mức người ta thậm chí không nghĩ
ra được cách vuốt ve trấn an người dân mà thay vào đó là tát thêm một tát vào mặt
người dân.”
Chuyện không mở lời của giới lãnh đạo Việt Nam khiến Tuấn
Khanh đặt câu hỏi:
“Thật khó để đi đến sự thật và cất lên tiếng nói cho nhân
dân mình, một khi trái tim của mình chỉ còn lại bóng tối. Không thể tin nổi một
thảm họa lớn lao như vậy mà rất ít người có trách nhiệm lên tiếng, hoặc có thì
chỉ nói dối. Sự kiện Formosa chỉ là một phép thử nhỏ về con người, đất nước Việt
Nam. Nếu một mai khi đất nước bị xâm lăng, sẽ có ai là người dám cất lời thề
không phản bội quê hương?”
Chu Xuân Phàm và vũng lầy của đảng
Người phát biểu đầu tiên về cá chết và nhà máy thép là ông
Chu Xuân Phàm người Đài Loan, phụ trách đối ngoại của nhà máy thép. Ông nói rằng
không thể chọn vừa có tôm cá mà vừa có thép được.
Lời nói này cũng lan truyền nhanh chóng trên các trang mạng
như những hình ảnh thê lương của bãi biển Hà Tĩnh đầy cá chết.
Người Việt Nam rất tức giận vì câu nói này. Tiến sĩ Lê Đăng
Doanh gọi câu nói đó là một câu nói thách thức và đầy xúc phạm.
Nhiều blogger cho rằng câu nói của ông Chu chứng tỏ chính
nhà máy thép là nguyên nhân gây ra thảm họa, ngoài ra điều tệ hơn là chính đảng
cộng sản chính là kẻ đứng đằng sau bọn người đang đầu độc biển cả.
Blogger Cánh Cò viết rằng:
“Chỉ bằng ấy chữ, ông Chu Xuân Phàm đã làm rơi chiếc mặt nạ
dày cộm của Đảng Cộng sản Việt Nam, qua đó người dân thấy rằng Formosa là nơi xả
chất thải hủy diệt môi sinh biển là có thật, và cái có thật thứ hai là Đảng
đang âm thầm ra sức bao biện cho sự thật này bằng các công bố lững lờ sai trái.
Đóng bài viết này lại, lần đầu tiên không còn buồn như hàng
trăm bài viết trước đây. Ít ra dân tôi cũng he hé được đôi mắt của họ một chút
để thấy rằng đất nước hôm nay không còn của họ nữa, vậy thì việc gì lại nghe
theo cái Đảng đã dâng hiến chủ quyền quốc gia cho ngoại bang, nhất là trong cái
cảnh mà Vũng Áng đang trở thành vũng lầy của Đảng?”
Blogger Đồng Phụng Việt lại nói rằng mọi người đừng nên mắng
ông Chu, vì thực ra ông Chu và công ty của ông chỉ là khách, còn chủ là những
người Việt Nam, những người Việt Nam đã cho phép những điều tệ hại xảy ra. Đồng
Phụng Việt so sánh tình cảnh của Việt Nam ngày nay với Việt Nam trong tác phẩm
văn học nổi tiếng của nhà văn Nam Cao:
“Cả tôi và bạn, có lúc chúng ta sắm vai Chí Phèo, có lúc
chúng ta thủ vai “dân làng” và xứ sở của chúng ta là một ngôi làng khổng lồ như
làng Vũ Đại mà Nam Cao từng mô tả.
Chẳng phải đợi đến đời con cháu của chúng ta đâu, số phận,
cuộc sống của chúng ta đã là cái lò gạch ở làng Vũ Đại từ lâu rồi.”
Căm giận và tuyệt vọng
Căm giận đã trút lên đảng cộng sản.
Blogger Lang Anh viết rằng:
“Tôi buộc phải nói rằng việc chế độ này tồn tại đang tiếp tục
là đại họa khủng khiếp cho người dân. Khi những kẻ cai trị bằng cách tiếm quyền
và không được dân bầu thì dù không có Formosa cũng sẽ có một thứ quái vật tương
tự khác. Giống như hàng lậu từ Tàu đang giết nền kinh tế và làm giàu cho kẻ xâm
lăng; giống như thực phẩm bẩn đang giết dần người dân; giống như hạn mặn lan
tràn miền Nam trong sự bất lực và bó gối của chính quyền vì đã chẳng làm gì
trong quá khứ để ứng phó vì người dân; giống như tình trạng tham nhũng và trơ
tráo đến vô luân của hầu hết những kẻ nắm quyền; giống như sự bất công lan tràn
trong xã hội; và giờ đây thêm cơn thảm họa biển miền Trung.
Giọt nước đã tràn ly. Tôi thực sự kêu gọi tất cả những người
Việt Nam có hiểu biết và có lương tri, hãy tiến hành những hoạt động bất tuân
dân sự một cách rộng khắp để phản đối sự vô cảm của chính quyền. Chúng ta đóng
thuế làm gì để nuôi một lũ vô luân? Xin hãy cất tiếng nói, xin hãy cùng ký các
đơn từ tập thể, xin các luật sư và các nhà phản biện xã hội hãy vào cuộc, xin
các nhà khoa học có hiểu biết và có lương tâm hãy tiến hành các phân tích độc lập,
xin các đồng bào Việt Nam ở nước ngoài hãy giúp đỡ những người trong nước để
tìm ra sự thật, xin hãy nói giúp với thế giới điều gì đang diễn ra ở đây và xin
toàn bộ người Việt Nam hãy ủng hộ những người dũng cảm dẫn đầu, đừng để họ lẻ
loi và bị khủng bố trong đơn lẻ.”
Cơn giận dữ lan rộng đến mức mà người ta thấy xuất hiện những
người chưa bao giờ lớn tiếng về những vấn đề xã hội.
Một giảng viên đại học buồn bã viết trên mạng xã hội rằng đất
nước đã tan nát hết rồi, và nguyên nhân của nó chính là một chế độ độc tài tập
thể.
Một tác giả cũng rất hiếm khi xuất hiện trên mạng điện tử là
Lữ Thị Tường Uyên viết rằng:
“Đây là một trong những cái giá người dân Việt Nam trong nước
phải trả cho sự câm lặng, giả vờ ngủ trong suốt 41 năm qua. Hỡi những người còn
trái tim Việt Nam, đã đến lúc chúng ta phải hành động! Hãy làm những gì chúng
ta có thể làm. Để đánh thức chính lương tri của chúng ta.”
Bên cạnh nỗi căm giận là một nỗi tuyệt vọng vô bờ bến mà người
ta có thể thấy qua lời nói thảng thốt của nhà văn Phạm Đình Trọng rằng ‘có phải
số phận con cá ở dải biển miền Trung hôm nay là số phận người dân Việt ngày
mai?’
Còn Mạnh Kim thì bảo rằng trong câu chuyện Vũng Áng, Formosa
không phải là quan trọng vì cũng sẽ có những Formosa khác trong tương lai, do bởi
dân tộc này đang mất gốc.
Sự tuyệt vọng của nhà văn, của Mạnh Kim, sự căm giận của Lữ
Thị Tường Uyên cũng được tìm thấy trong lời kết của một bài viết của blogger
Song Chi:
“Trong những ngày này, với những ai còn có lương tri, hiểu
biết, khi nhìn những cánh đồng nứt toác như “đất chết”, lúa chết, nông sản cháy
khô, người nông dân khóc ròng, hoặc những vùng “biển chết”, cá chết dày đặc dạt
vào bờ phơi trắng bụng, ngư dân thơ thẩn đi lượm xác cá… mà chợt nhói lòng vì
viễn cảnh về một tương lai ảm đạm, đói kém đang đến gần… Quả báo chưa bao giờ
rõ đến thế.”
Cùng tắc biến?
Không phải tất cả đều tuyệt vọng.
Blogger Nguyễn Vũ Bình tìm thấy trong cuộc khủng hoảng cá chết
ở Vũng Áng một sự năng nổ của báo chí truyền thông nhà nước, bấy lâu nay vốn nằm
trong vòng kềm tỏa của đảng cộng sản.
Nhà hoạt động dân sự trẻ tuổi Nguyễn Anh Tuấn giải thích tại
sao các tầng lớp lãnh đạo Việt Nam lại im lặng lâu như vậy. Câu trả lời của anh
là vì những người ấy không phải do dân chúng bầu lên, vì vậy họ không đoái hoài
tới quyền lợi của dân chúng. Theo anh ‘nếu có một lối thoát nào đó để giảm thiểu
những bức xúc xã hội về các bất công đang hiện hữu bởi sự bất lực của hệ thống
chính trị, thì đó chính là xã hội dân sự.’
Xã hội dân sự Việt Nam phôi thai đã lên tiếng kêu gọi cuộc
biểu tình bảo vệ môi trường vào ngày 1 tháng 5, thu hút hàng ngàn người tham
gia trong cả nước. Cuộc biểu tình chấm dứt, những dường như chuyện đảng và những
con cá thì chưa chấm dứt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét