Vụ đánh bom hôm thứ ba tại Brussels đánh dấu cuộc tấn công
khủng bố lớn thứ ba trong vòng 15 tháng qua. 5 lý do dưới đây giải thích vì sao
Châu Âu là nạn nhân hàng đầu của khủng bố Hồi giáo.
Khởi điểm
Chuỗi khủng bố bạo lực bắt đầu tại Brussels vào tháng 5 năm
2014, khi một chiến binh người Pháp liên quan tới ISIS nã súng vào một bảo tàng
Do Thái ở Brussels làm thiệt mạng 3 người. Tiếp theo là vụ nổ súng tại tòa soạn
báo Charlie Hebdo ở Paris, rồi một cuộc tấn công vào một diễn đàn tự do tại Đan
Mạch, những cuộc tấn công tại nhà hát Bactaclan và sân vận động Stade de France
tại Paris, và giờ đây là vụ đánh bom ở Brussels.
Hơn 185 người đã thiệt mạng, nhưng trên khắp châu Âu, 500
triệu người đã khiếp sợ. Trong khi ISIS thừa nhận trực tiếp gây ra cuộc đánh
bom ở Brussels, nhiều cuộc tấn công trước đó không kém phần kinh hoàng được cho
là do ISIS kích động. Tóm lại, ISIS đã gây ra hoặc kích động khoảng 75 vụ tấn
công khủng bố ở 20 quốc gia ngoài Iraq và Syria. ISIS đã mở rộng phạm vi hoạt động
trên khắp thế giới: từ hoạt động thuần
túy trong vùng kiểm soát của chúng sang một chiến lược nhắm vào người nước
ngoài ở những nơi khác. Trong khi ISIS ngày càng thất thế ở Trung Đông – mất
22% lãnh địa của chúng ở Syria và Iraq kể từ tháng 1 năm 2015 và 8% trong riêng
3 tháng vừa qua, thế giới cần phải sẵn sàng đối phó với những đòn đánh bất ngờ
của tổ chức thánh chiến ngày càng hung hăng này.
Căn cứ chiêu mộ ở
Châu Âu
Trong khi những địa điểm tấn công khủng bố có vẻ như tương đối
ngẫu nhiên, những thành phố mà chúng nhắm vào không hề ngẫu nhiên chút nào. Từ
năm 2012 đến 2015, hơn 400 người rời Bỉ để tới các vùng đất Iraq và Syria do
ISIS kiểm soát, khiến Bỉ trở thành thủ đô của những chiến binh jihad ngoại quốc
tại EU nếu xét về tỉ lệ trên dân số. Danh hiệu này thuộc về Pháp nếu xét tổng số
tuyệt đối các chiến binh. Trong khoảng thời gian tương tự, gần 1.200 người đã rời
Pháp sang Iraq và Syria để gia nhập tổ chức thánh chiến.
Không phải ngẫu nhiên mà hai quốc gia này là nơi nuôi dưỡng
chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo. Cả Bỉ và Pháp đều là nơi cư ngụ của một số khu dân
cư Hồi giáo cực đoan nhất và bị tẩy chay nhiều nhất ở châu lục: Molenbeek ở Brussels, và ngoại ô Paris. Khi
các chiến binh nước ngoài này trở về (các quan chức Bỉ ước tính rằng có tới 117
người rời Bỉ đến Trung Đông đã quay về) chúng thường có mạng lưới bạn bè và đồng
bọn tại chỗ để giúp chúng trú ẩn, lẩn tránh các cơ quan pháp luật. Khi Salah
Abdeslam, kẻ sống sót duy nhất trong nhóm khủng bố 10 tên tấn công Paris hồi
tháng 11 bị bắt tuần trước, hắn đã ẩn náu tại Molenbeek hơn 4 tháng.
Cuộc khủng hoảng tị
nạn tiếp diễn ở châu Âu
ISIS không những chỉ tìm thấy một vùng đất màu mỡ tuyển dụng
những thành phần bất mãn nhất trong xã hội châu Âu mà còn lợi dụng tình hình địa
chính trị chúng đã góp phần gây ra ở Syria. Vấn đề nan giải nhất ở châu Âu
trong 18 tháng vừa qua là cuộc khủng hoảng người tị nạn, khi có tới hàng triệu
người ồ ạt vào châu lục này để chạy trốn khỏi các cuộc chiến tranh Trung Đông.
Trong năm 2015, hơn 1,1 triệu người di cư vào châu Âu; hầu như không dấu hiệu
suy giảm trong năm 2016 khi đến nay đã có 135.000 người đến châu Âu bằng đường
biển.
Trong cuộc khủng hoảng người tị nạn, ISIS đã nhận thấy cơ hội
vàng để tiếp tục luận điệu về cuộc chiến tranh giữa các nền văn minh giữa Hồi
giáo và phương Tây – và nhiều nhà lãnh đạo châu Âu đã “dọn đường” cho chính tổ
chức khủng bố này. Khi Thủ tướng Ba Lan và Bulgaria nói rằng họ chỉ sẵn sàng tiếp
nhận người tị nạn Kitô giáo, ISIS càng có cớ để tuyển mộ thêm những kẻ cuồng
tín. Một trong những kẻ tấn công sân vận động Pháp Stade de France mang hộ chiếu
giả từ Syria. ISIS rõ ràng muốn người châu Âu gắn vấn đề người tị nạn với khủng
bố, và đáng lo ngại thay, chúng ít nhiều cũng đã đạt được mục tiêu này.
Sự thống nhất châu
Âu đang rạn nứt
Còn quá sớm để đánh giá mức độ hiệu quả của ISIS trong việc
lợi dụng phản ứng của châu Âu với người tị nạn Hồi giáo để làm công cụ tuyển mộ
chiến binh, nhưng nó đã phần nào thành công trong việc bẻ gãy sự thống nhất
chính trị của châu Âu. Thủ tướng Đức Angela Merkel, nhà lãnh đạo châu Âu trên
thực tế, đang ở thời điểm uy tín chính trị thấp nhất thậm chí sau khi đã dàn xếp
xong một thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vận động quốc gia này tiếp tục tiếp nhận
người tị nạn Syria bên ngoài Liên minh châu Âu. Thỏa thuận này, vốn xoay quanh
việc cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ đi lại miễn thị thực ở khắp châu Âu, rất khó thực
hiện. Sau các cuộc tấn công hôm nay, người châu Âu sẽ còn kinh hãi hơn về việc
cho 76 triệu người nữa đến từ một nước đa phần là dân Hồi giáo tự do đi lại
trên khắp Châu Âu.
Trung tâm của dự án cộng đồng châu Âu là thỏa thuận Schengen,
cho phép người, hàng hóa và dịch vụ di chuyển tự do trên 26 quốc gia châu Âu.
Và trong khi một số quốc gia đã bắt đầu lập nên những hàng rào mùa hè vừa qua
nhằm ngăn chặn dòng người tị nạn, tình hình trở nên bi quan hơn nhiều sau các
cuộc tấn công Paris tháng 11 và nhất là quyết định kiểm soát biên giới của Pháp
– một thành viên sáng lập EU. Việc tiến hành kiểm soát biên giới không còn được
xem đơn thuần là để xử lý các luồng di cư, mà còn là vấn đề về sự sống còn của
cả châu Âu. Đó là tin không mấy tốt lành đối với dự án chính trị đầy tham vọng
nhất của thế kỷ qua.
Cuộc trưng cầu dân
ý đang cận kề
Và liên minh chính trị EU sẽ còn phải đối mặt với thử thách
lớn nhất của nó: cuộc trưng cầu dân ý về việc ra đi hay ở lại EU của Vương quốc
Anh. Bóng ma của một quốc gia tự nguyện rời khỏi E.U, đặc biệt là một cường quốc
có ảnh hưởng như Anh, sẽ khiến người ta không khỏi hoài nghi về tương lai của cộng
đồng này. Hiện tại, 53 % người Pháp và hơn 45 % người Đức, Tây Ban Nha và Thụy
Điển muốn tiếp bước Anh và chuẩn bị trưng cầu dân ý về việc có nên tiếp tục làm
thành viên EU hay không ở chính quốc gia của họ. Hãy tưởng tượng những gì sẽ xảy
ra nếu có một cuộc tấn công khủng bố ở Anh trước khi cuộc trưng cầu dân ý diễn
ra. Những kẻ cầm đầu ISIS sẽ được tiếp thêm động lực để làm mất ổn định châu lục
này hơn nữa, và chúng sẽ có rất nhiều cơ hội để làm như vậy. Chính điều này khiến
châu Âu trở thành mục tiêu then chốt để ISIS tiếp tục tung hoành.
Nguồn: “These 5 Facts Explain Why Europe Is Ground Zero for
Terrorism“, Time Magazine, 22/03/2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét