Đi qua các huyện Bố Trạch, thị xã Ba Đồn Quảng Bình trong những
ngày này, đi đâu cũng cảm giác bất an. Tiếng hụ còi xe cảnh sát, xe từ Hà Nội
vào, xe chuyên dụng từ Quảng Trị, bà con ngư dân đang biểu tình để đòi nhà cầm
quyền đưa ra câu trả lời và giải pháp cho hiện trạng cá chết đồng loạt ngoài biển.
Điều làm tôi hết sức bất ngờ là trên đường, một số cô cậu đang tuổi học trò vô
tư lạng lách, quẹt chân chống xe hay bỏ mũ bảo hiểm, thả chân xuống xe và đang
làm động tác Titanic, ở bờ biển hay khi đang ngồi trên xe, họ đang phượt 30
tháng 4. Ông tài xế buộc miệng: “Tuổi trẻ bây giờ sướng quá hóa cuồng”.
Câu nói của bác tài làm tôi nghĩ đến hiện tình của tuổi trẻ
Việt Nam. Phải chăng đúng là sướng quá hóa cuồng? Để trả lời vấn đề này, cần dựa
trên bốn yếu tố: giáo dục, chính trị, kinh tế và văn hóa xã hội.
Về giáo dục, không thể nói rằng thanh niên Việt Nam được hưởng
sung sướng, bởi lẽ sướng hay không phụ thuộc một phần vào tầm mức văn hóa của
anh. Một đất nước mà nền giáo dục chỉ dạy cho học sinh: đất nước ta rừng vàng
biển bạc, đất nước ta có truyền thống anh hùng. Thì vô hình trung tuổi trẻ
không cần học, chỉ cần vác búa, vác bẫy lên rừng là có vàng, vác lưới ra biển
là có bạc. Họ không cần nghĩ đến việc phải bảo vệ hay duy trì đến nguồn của cải
kia. Không có đất nước nào mà tỷ lệ các vụ tai tiếng về vấn đề chạy điểm, mua bằng,
ngoại tình, dùng tình mua chức hay bằng giả cao như Việt Nam. Có một anh học
trò cười nói với thầy cô giáo của mình rằng: “Em chẳng cần học cũng có sẵn một
công ty, một cái ghế cho em ngồi rồi, vậy học làm gì?”. Cũng có không ít học
trò nhận được lời mời từ thầy giáo: “Chỉ cần đi chơi với thầy là em được điểm
cao. Hay cũng chẳng cần thi cuối kì…”. Để cuối cùng, người trong cuộc một lần
suy nghĩ chỉ cần thốt lên: “Muôn kiểu giáo dục xã hội chủ nghĩa!”. Kết quả của
hệ thống giáo dục này là muốn sung sướng, anh phải vừa hồng mà lại vừa chuyên.
Một môi trường giáo dục như thế liệu có mang lại cho tuổi trẻ
Việt Nam sự sung sướng? Không, nếu thực sự sung sướng, hạnh phúc, điều đầu tiên
là anh/chị được giáo dưỡng trong tình yêu thương đồng loại, quý trọng những gì
anh có, biết phấn đấu để đạt những mục tiêu anh/chị mong muốn bằng nỗ lực của
chính mình. Giáo dục phải cung cấp cho anh/chị nền tảng tri thức để bước vào đời
cũng như sức mạnh yêu thương để tồn tại cùng thế giới, vũ trụ.
Ba mươi tháng tư năm 1975, những dòng người phải bỏ trốn khỏi
quê hương của mình. Những chiếc thuyền lênh đênh trên biển, bao nhiêu con người
phải bỏ mình dưới biển, dưới tay hải tặc. Bốn mươi mốt năm sau, người Việt Nam
cũng chưa hết trốn chạy khỏi quê hương mình. Rừng bị khai phá, gỗ và tiền tuồng
vào túi các quan chức. Biển không còn bởi hệ thống quản lý tồi tệ, để người
Trung Quốc làm dơ bẩn. Thủy điện ngăn dòng, làm sông nhiễm mặn. Cộng sản Việt
Nam một lần nữa trải thảm mời Trung Cộng vào giết biển quê hương.
Một môi trường chính trị ngột ngạt bởi nhà phải có đảng mới
được tiến danh. 44% người dân muốn làm sổ đỏ phải nộp tiền bôi trơn ít nhất 8
triệu đồng (theo số liệu PAPI 2015). Muốn ra công chứng một giấy tờ gì đó phải
đợi quan chức đi nhậu hoặc đến cơ quan mới giải quyết, mặc dù vẫn đang trong giờ
làm việc. Nền chính trị Việt Nam hiện tại chỉ thể hiện sự độc tài, độc trị đối
với người Việt Nam.
Đơn cử, vào hôm 1 tháng 5, nhiều tỉnh thành trên cả nước đã
diễn ra biểu tình để kêu gọi bảo vệ môi trường, yêu cầu nhà cầm quyền làm rõ
trách nhiệm của Formosa Hà Tĩnh, họ nêu rõ khẩu hiệu “Tôi chọn tôm cá”. Lý ra ở
một đất nước tiến bộ, nhà cầm quyền phải bảo vệ cho người dân nói lên tiếng nói
của họ thì ở Việt Nam, chưa bao giờ có chuyện đó. Còn nhớ năm 2011, nhà cầm quyền
Việt Nam đã thẳng tay đàn áp, bắt bớ và đánh đập những người tham gia biểu tình
phản đối Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam mặc cho mọi người tham gia biểu
tình trong ôn hòa. Năm năm sau, lịch sử lặp lại. Nhà cầm quyền bóp nghẹt tiếng
nói của dân. Công an, cơ động, dân phòng và dư luận viên có mặt khắp mọi nơi để
ngăn cản biểu tình, một số người tham gia biểu tình cũng bị bắt bớ và đánh đập.
Trước đó, hôm 30 tháng 4, ông phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng
đã hứa rằng chính phủ sẽ thu mua toàn bộ cá cũng như các loại hải sản khác được
đánh bắt xa bờ cho ngư dân. Liệu chính phủ Việt Nam có thể mua được bao nhiêu
tàu cá đánh bắt về của ngư dân đánh bắt xa bờ? Và việc này sẽ tiếp diễn được
bao lâu? Tuyên bố này thể hiện sự ngu dốt của nhà cầm quyền Việt Nam khi nghĩ rằng
giải quyết nguồn hải sản đánh bắt xa bờ là giải quyết tất cả hay thể hiện sự
tráo trở của họ, để đánh lừa những ngư dân bản chất hiền lành? Nguồn vốn ở đâu
để chính phủ thu mua toàn bộ hải sản của ngư dân. Khi toàn bộ nguồn thu để duy
trì chế độ này là từ thuế của dân. Đặt giả thiết, họ dám hứa vì đã có một nước
lạ rót tiền vào để lấy toàn bộ hải sản ngon về mình. Và nguồn tiền nước lạ từ
đâu ra, có phải thu từ những giấy phép thông hành họ bán cho ngư dân Việt Nam
khi muốn khai thác trên chính vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam?
Thử hỏi, với nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông ngư nghiệp,
khi nông nghiệp thì bị mất mùa, hạn, mặn khắp vựa lúa chính ở đồng bẳng Sông Cửu
Long, ngư nghiệp gác lưới vì biển nhiễm độc, lâm nghiệp tàn tạ vì toàn bộ gỗ
quý đã được chia chác, khai thác và làm biệt điện cho các quan… Rồi đây dân Việt
Nam sẽ sống sao?
Những đứa trẻ vẫn nghênh ngang ngoài đường, không phải vì
chúng sướng, mà là thừa vật chất? Những bậc làm cha mẹ bận đút trong lót ngoài,
bận mở đường để làm ăn hoặc cuống cuồng trong công việc và rót cho con cái mình
một khoản tiền. Chúng tha hồ mặc sức chơi, phá, việc nữ sinh bị đánh hội đồng
hoặc giật hết áo quần trên đường diễn ra như cơm bữa. Khổ thay, một bé con vừa
lọt lòng mẹ đã phải gánh trên lưng khoản nợ công hơn 1000 đô la. Một người vừa
từ trần cũng đã để lại khoản nợ trên cho gần 100 triệu người còn lại trên dải đất
chữ S này.
Vậy thử hỏi có đúng là ‘thế hệ trẻ sướng quá hóa cuồng’ như
câu cửa miệng của người Việt Nam? Hay là sau bốn mươi mốt năm gọi là ‘thống nhất
đất nước’, tuổi trẻ ngày càng trở nên lạc lỏng, vô hồn và có dấu hiện ốp đồng tập
thể? Đương nhiên, vẫn còn một bộ phận không nhỏ những bạn trẻ luôn suy tư về hiện
tình đất nước và cố gắng, nỗ lực tìm ra giải pháp đưa đất nước đến tự do, tiến
bộ. Nhưng, họ lẻ loi quá!
Nguồn: Dân Luận
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét