Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2016

238 linh mục Giáo Phận Vinh gởi kiến nghị về vụ cá



VINH (NV) - Ngày 20 tháng 5, linh mục Đoàn Giáo Phận Vinh gửi một kiến nghị đến Nhà Cầm Quyền Hà Nội kêu gọi điều tra nhanh chóng và minh bạch với dân về biển bị đầu độc làm cá chết.

 
Giáo Dân Giáo Xứ Song Ngọc, Giáo Phận Vinh, biểu tình tuần hành ngày 15 tháng 5, 2016

Bản kiến nghị viết ngày 15 tháng 5, 2016, trong đó 238 linh mục trong Linh Mục Đoàn thuộc Giáo Phận Vinh ký tên, gởi đến Nhà Cầm Quyền Trung Ương tại Hà Nội, kêu gọi hành xử có trách nhiệm khi điều tra, giải quyết và đối phó với thảm họa biển bị đầu độc. Thủ phạm, cho tới giờ này, có những dấu hiệu khó chối cãi là từ chất xả thải độc hại từ nhà máy gang thép Formosa tại Vũng Áng, Hà Tĩnh, xả trực tiếp ra biển.

Hàng triệu cá các loại và các sinh vật biển đã bị hóa chất đầu độc chết. Những con cá và một số tôm cua, sò ốc dạt vào bờ mà mọi người nhìn thấy chỉ là phần nổi của một thảm họa hiện đang còn chìm sâu dưới lòng biển, có thể kéo dài nhiều thế hệ.

Cho đến nay, Nhà Cầm Quyền Hà Nội loan báo đã mời cả các chuyên viên ngoại quốc đến để giúp điều tra về nguyên nhân cá biển chết dạt vào trắng các bãi biển từ Hà Tĩnh vào đến Thừa Thiên-Huế. Các bè nuôi cá trên biển của ngư dân cũng bị chết vì nước biển độc hại làm họ bị trắng tay.

Từ đầu tháng 4 đến nay, người ta chỉ thấy chế độ Hà Nội hứa suông mà không hề thấy loan báo công khai và minh bạch về nguyên nhân cá chết và biển bị đầu độc. Người ta có cảm tưởng Nhà Cầm Quyền CSVN đang cố gắng “câu giờ” để tìm cách trả lời dối trá, lươn lẹo cho người dân, thay vì tuyên bố công khai và minh bạch lý do cá biển chết mà dư luận chung cho là do nhà máy Formosa xả chất thải độc hại.

Trong bản kiến nghị, các linh mục Giáo Phận Vinh kêu gọi chế độ Hà Nội: “Minh bạch trong việc điều tra và nhanh chóng công bố nguyên nhân gây ra thảm họa dựa trên cơ sở khoa học,” cũng như “Làm rõ và truy cứu trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến thảm họa này.”

Giáo Dân Giáo Xứ Xuân Kiều thuộc Giáo Phận Vinh thắp nến cầu nguyện “cho nỗi đau của dân tộc”
buổi tối 15 tháng 5, 2016 vì thảm họa xả chất độc hại hủy diệt môi trường biển Việt Nam. (Hình: TNCG)

Bản kiến nghị đòi hỏi “Thanh tra, kiểm tra cách khách quan công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh trong việc sử dụng các hóa chất độc hại và việc xả thải ra môi trường.” Nếu công ty này là thủ phạm thì “đề nghị dừng hẳn mọi hoạt động của công ty này, vì lợi ích lâu dài của dân tộc.”

Trước thảm họa biển bị đầu độc ảnh hưởng trực tiếp bây giờ đến hàng triệu người về mọi mặt và cả các thế hệ kế tiếp, người dân tại Việt Nam đã đi biểu tình một cách ôn hòa đòi nhà cầm quyền phải công khai minh bạch nhưng đã bị đàn áp, thay vì biểu đồng tình. Bản kiến nghị khuyến cáo chế độ Hà Nội “cần tôn trọng và lắng nghe họ.”

Cũng như không được lạm dụng các phương tiện truyền thông độc quyền để “bôi nhọ, xuyên tạc các ý kiến của các tổ chức, cá nhân thiện chí đóng góp cho việc bảo vệ môi trường, quê hương đất nước.”

Linh mục Đoàn Giáo Phận Vinh kêu gọi chế độ Hà Nội “cần có những giải pháp thiết thực để ổn định cuộc sống của người dân đang phải gánh chịu những hậu quả do thảm họa môi trường, đồng thời, có những chính sách đứng đắn cho sự phát triển đất nước cách bền vững.”

Giáo Phận Vinh gồm 3 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình với số giáo dân là 523,046 người, chiếm 10% dân số toàn vùng, theo thống kê năm 2014. Cai quản giáo phận là Giám Mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp, và Giám Mục Phụ Tá Phêrô Nguyễn Văn Viên. Giáo Phận Vinh có 22 giáo hạt, 195 giáo xứ.

Giám Mục Nguyễn Thái Hợp ngày 13 tháng 5, 2016 cũng đã gửi một “thư chung” đến các linh mục, tu sĩ và giáo dân trong giáo phận, kêu gọi họ “thể hiện căn tính Ki-tô hữu của mình, có trách nhiệm với quê hương đất nước và các thế hệ tương lai, đồng thời hiệp thông chia sẻ với những người đang là nạn nhân của thảm họa môi trường.”

Ngày 15 tháng 5, 2016, trong khi các cuộc biểu tình vì môi trường ở Sài Gòn và Hà Nội đã bị ngăn chặn tối đa và đàn áp mạnh mẽ, tại Giáo Phận Vinh, hàng ngàn người tại đây đã biểu tình tuần hành trên đường tại Giáo Xứ Song Ngọc.

Buổi tối cùng ngày, giáo dân cũng đã về các nhà thờ tham dự thánh lễ và đốt nến cầu nguyện, cảm thông với nỗi đau của ngư dân và “cầu nguyện cho môi sinh, cho các nhà lãnh đạo biết tôn trọng quyền lợi căn bản của người dân.” (TN)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét