Thứ Bảy, 21 tháng 10, 2017

Phiếm và biếm: Chân dung kẻ bán nước

Thạch Đạt Lang



Hắn ngồi trên lề đường Lê Thánh Tôn, trước cửa tiệm bánh tây đối diện với cửa Bắc chợ Bến Thành. Dòng người qua lại trên đường vẫn hối hả, tấp nập nhưng ít người để ý đến hắn. Thỉnh thoảng mới có một hai người quay lại nhìn hắn với vẻ tò mò, họ dừng lại một vài giây rồi tiếp tục bước đi, họ nghĩ có lẽ hắn khùng hoặc nếu không thì cũng niểng niểng. Cũng có người nhìn hắn ái ngại, móc trong túi ra ít tiền đưa cho hắn.

Tôi để ý đến hắn vào một buổi sáng thứ hai. Lúc đó đang đi bộ dọc theo đường Lê Thánh Tôn, bước tránh một người bán hàng rong, không để ý, tôi vấp phải một vỏ chuối trơn trượt của ai đó vứt trên lề đường, thế là té nhào vào hắn.

Chưa kịp đứng dậy, xin lỗi, phần trần thì đã nghe chửi té tát:

– Có mù không đấy? Đi ăn cướp hay sao mà nhào vào cả mả cha mày vậy?

Tôi chống tay đứng lên, mặt đỏ bừng nhìn hắn, biết mình trái, tôi nhỏ nhẹ:

– Xin lỗi ông! Tại tôi vô ý, xin ông bỏ qua!

Hắn ngồi dậy, lườm tôi một cái, giọng dịu lại:

– Lần sau đi đứng nhớ cẩn thận! May mà ta mua bán các thứ vô hình, không sắc, không mùi… nên cũng không mất mát gì, chứ nếu té vào hàng cháo gà hay hàng chè đậu thì không phỏng, cũng mất tiền đền. Cái thứ trông nghèo xác xơ, khố rách áo ôm như ngươi thì lấy cái gì để bồi thường, hả?

Bấy giờ tôi mới để ý nhìn hắn. Hắn ngồi sát bức tường, trong khoảng cách tương đối rộng giữa hai cửa tiệm, một bán trái cây, một bán đủ các loại bánh ngọt. Chỗ hắn ngồi không cản trở, gây phiền toái cho ai, kể cả chủ nhân của hai cửa tiệm nên cũng không ai để ý đến hắn.

Trước mặt hắn là một tấm bảng bằng carton được bọc kín bởi plastic, dài khoảng 60cm, rộng 35- 40 cm, kẻ chữ đen khá đẹp và ngay ngắn:

– Kim Tiền: Chuyên mua bán, trao đổi, kinh doanh giá cao các loại Nước, Biển, Đảo, Liêm Sỉ, Lòng Tự Trọng, Lòng Yêu Nước…

– Thương vụ thanh toán bằng đô la, vàng, kiều hối… trong vòng 24 giờ, không hóa đơn rắc rối.

Tôi thât sự ngạc nhiên nhưng không nói gì thêm, tiếp tục bước, vừa đi vừa suy nghĩ. Chỉ khoảng hơn trăm thước, tôi đã quên mất khuôn mặt hắn ra sao, nhưng những giòng chữ kẻ trên tấm quảng cáo bằng carton vẫn in đậm trong đầu.

Cố gắng vận dụng trí nhớ, hình dung lại khuôn mặt hắn, tôi ngờ ngợ như mình đã gặp đâu đó nhiều lần, không rõ nét nhưng chắc chắn đã phải thấy.

Ngang qua một tiệm bán tranh, ảnh, vật dụng kỷ niệm… khuôn mặt của gã kinh doanh bán nước, liêm sỉ, lòng tự trọng…hiện lên mờ ảo trong một vài bức tranh, tượng bán thân…, nó thấp thoáng đâu đó như mặt của một ông già khoảng 65- 70 tuổi, tóc bạc, chòm râu cằm dài như râu dê, thoạt mới nhìn có vẻ phúc hậu với nụ cười nhẹ, tiên phong đạo cốt nhưng nếu nhìn kỹ thì nhận ra nét giảo hoạt, láu cá, gian ác, hiểm độc ẩn tiềm trong ánh mắt, nụ cười.

Những hình ảnh đó kéo dài không lâu, nó bất chợt thay đổi không có dấu hiệu báo trước. Đó là khuôn mặt của một người đàn ông, trán cao, rộng, mặt xương xẩu, tóc hơi dựng chải ngược ra sau, miệng rộng, môi vều, thâm đen, răng hơi hô, nụ cười luôn có vẻ… cầu tài, chịu đựng.

Lắc đầu xua đuổi những hình ảnh chập chờn trong đầu, mắt tôi chợt nhìn thấy một tấm ảnh, mà không phải ảnh, nó giống như một cái văn bản ngoại giao giữa hai nước.

Những giòng chữ hiện lên lúc rõ, lúc mờ, tôi phải tập trung, chăm chú mới đọc được. Thì ra đó là công hàm do Phạm Văn Đồng, Thủ tướng nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ký công nhận những tuyên bố về lãnh hải của Trung cộng vào năm 1958.

Tôi giật mình, cái công hàm này được dấu nhẹm nhiều năm. Nó mới được tiết lộ vì những đụng độ xẩy ra trong lúc tranh chấp chủ quyền 2 quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa giữa Việt Nam và Trung cộng. Nó bất ngờ xuất hiện trước mắt tôi, nhắc nhở đến chuyện giàn khoan HY 981 di chuyển vào thềm lục địa Việt Nam tháng 5/2014.

Đưa tay lên dụi mắt cả phút, tôi mới nhìn lại. Tờ công hàm đã biến mất. Tôi bước đi thêm vài bước thì tới đường Phan Chu Trinh cũ, phía cửa Tây chợ. Bụng đói, đang băn khoăn, suy nghĩ nên tìm ăn món gì lót dạ cho buổi sáng thì thấy một bà bán bún riêu bầy hàng trên một khoảng trống dành cho người bán hàng rong.

Quầy bún riêu của bà khá tươm tất với một nồi nước riêu khá lớn, màu cam chen lẫn những sợi vàng óng ánh đang sôi nhẹ. Phía bên phải là một rổ bún to, một rổ đầy các thứ rau và một rổ đậu hũ chiên.

Tôi ngồi xuống một trong 4 chiếc ghế đẩu trống đặt quanh một cái bàn gỗ thông, được lót bằng một khăn trải bàn bằng nhựa dẻo màu đỏ, giữa có một ngôi sao vàng lớn và nhiều hàng chữ nổi.

Gọi một tô bún riêu đặc biệt thêm đậu hũ chiên, xin bà bán bún cho thêm muỗng mắm tôm. Trong lúc chờ đợi tôi nhìn xuống những hàng chữ đen, nhỏ trên tấm nhựa trải bàn màu hồng nhạt, lẩm nhẩm đọc từ trên xuống dưới: Ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô và Trung Quốc, Dẫu có phải đốt cháy cả dẫy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập…

Trời chưa nóng lắm nhưng mồ hôi rịn ra trên trán khi tôi nhớ lại cuộc chiến Nam – Bắc kéo dài 21 năm, với khoảng gần 4 triệu người Việt Nam của cả 2 miền đã chết cho cuộc chiến vô nghĩa vì một chủ thuyết ngoại lai, một tham vọng bá quyền.

Dù đang đói bụng và tô bún thật thơm ngon với đầy đủ các thứ rau thơm như dấp cá, tía tô, húng quế… tôi cũng chỉ ăn được khoảng non nửa vì một cảm giác bực bội chẹn ngang cổ. Vừa trả tiền, đứng dậy thì một người đàn ông trạc khoảng 60 tuổi, khuôn mặt đen xạm, khắc khổ ngồi trên một cái xe lăn cũ kỹ chạy tới sát bên, chìa ra một tờ báo, nói:

– Cậu ơi! Mua giúp tôi tờ báo đi cậu! Có tin mới về Formosa!

Mấy tiếng Formosa khiến tôi chợt nhớ đến thảm họa cá chết hàng loạt, kéo dài trên 200 km, dọc theo 4 tỉnh miền Trung Việt Nam gây ồn ào, sôi động trong nhiều ngày qua. Nhìn hai chân cụt quá đầu gối của người đàn ông thò ra bên ngoài cái quần ka- ki ngắn cũ kĩ cùng giọng nói miền Nam, tôi đoán có lẽ ông là một thương phế binh VNCH. Cầm lấy tờ báo, đưa luôn cho ông tờ giấy 100.000, tôi nói nhỏ:

– Tặng anh chỗ tiền còn thừa.

Ông ta nhìn tôi, ánh mắt sáng lên một niềm vui, nở nụ cười thật tươi: Cám ơn cậu!

Cầm tờ báo Tuổi Trẻ, rời khỏi chợ Bến Thành, đi theo đường Lê Lợi đến quán cà phê Les Midas nằm ở lầu 1, bên trên tiệm buôn bán vàng, góc đường Lê Lợi – Nguyễn Trung Trực, gọi ly cà phê sữa, vừa uống vừa nhìn xuống đường ngắm ông đi qua, bà đi lại.

Chỉ được vài phút yên tĩnh, khung cảnh tấp nập người và xe của Sàigòn buổi sáng chợt mờ đi trước mắt tôi. Thay vào đó là gương mặt của người đàn ông bán nước cửa Bắc chợ Bến Thành lại hiện ra. Nhưng lần này khá rõ ràng với cặp kính lão, mái tóc bạc trắng được cắt, tỉa gọn gàng, bộ quần áo veston, áo trắng, cravatte đỏ của Hermes sang trọng, đắt tiền, đứng nói chuyện trên một cái bục, trước mặt là một lẵng hoa lớn, thật sặc sỡ nhưng phù phiếm. Loáng thoáng tôi nghe được mấy câu: Tổng bí thư phải là người miền Bắc, phải có lý luận… Là đại biểu quốc hội, tôi có dịp gần gủi, học nhân dân nhiều hơn, lắng nghe nhiều hơn…

Tuy nhiên cùng lúc đó, hình ảnh khác của người này mặc áo sơ mi bỏ ngoài quần đi cùng một đoàn tùy tùng – kẻ đội, người không cái nón bảo hộ lao động màu vàng – thăm viếng nhà máy luyện thép Hưng Nghiệp Formosa ở thị xã Kỳ Anh chen lẫn cảnh tượng bãi biển ngập đầy cá chết trải dài nhiều nơi – phủ lấp những hình ảnh ông ta ngồi nói chuyện sau lẳng hoa.

Trời bắt đầu nóng hơn khi tôi rời khỏi tiệm cà phê Les Midas, ngồi trong quán có máy lạnh, không cảm nhận được cái nóng của Sàigòn vào những ngày hè. Đi bộ về hướng đường Đồng Khởi tức Tự Do cũ, ngang qua một Kiosk, chợt nhớ đến tờ báo chẳng biết tên gì, Tuổi Trẻ hay Thanh Niên thì phải, chưa đọc, bỏ quên nơi tiệm Les Midas, tôi mua tờ báo khác mở ra coi khi đứng chở đèn giao thông.

Ngay trang nhất là tin tức lũ lụt miền Bắc với hình ảnh những con heo phơi bụng, chết nổi lềnh bềnh, những đồng ruộng, nhà cửa ngập nước với những cặp mắt thất thần trên các khuôn mặt tuyệt vọng của người dân ở Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An… Bên cạnh đó là khuôn mặt tươi cười, hớn hở, hả hê, của ông giáo làng tóc bạc đi nói chuyện với đám cử tri già khú như ông về chuyện “Nhìn tổng quát, đất nước ta chưa bao giờ được như thế này” cũng như nụ cười hân hoan, sáng rỡ trên cặp mắt lá răm của người phụ nữ hất nguyên xô thức ăn cho cá xuống hồ trước mặt quốc khách.

Hình ảnh trên tờ báo hòa nhập, trộn lẫn vào nhau, khi quay trở lại đường Lê Thánh Tôn, tôi thấy mắt mình mờ đi, chân vẫn bước nhưng bụng chợt quặn đau cùng với cảm giác buồn nôn. Giòng người, xe cộ hối hả qua lại trên đường càng lúc càng đông, mọi người vẫn tiếp tục sống một cách vội vã, mặt mày người nào cũng có vẻ căng thẳng, tràn ngập lo âu, suy nghĩ nhưng đồng thời dường như cũng rất thờ ơ, ít quan tâm đến những biến động xã hội quanh mình.

Lụt lội ở đâu, biển chết như thế nào, đồng bằng sông Cửu Long khô cạn, môi trường bị hủy hoại ra sao, mỗi năm có bao nhiêu người chết vì ung thư do thực phẩm bẩn, nhiễm hóa chất độc hại, tai nạn xe cộ vì đường xá hư hại, xuống cấp, giao thông không luật lệ…, người thành phố không mấy ai quan tâm, họ còn phải đối mặt, vật lộn với những vấn đề như cơm áo, gạo tiền, chi phí hàng ngày… không còn thì giờ đâu để suy nghĩ đến những chuyện thiết thực nhưng chưa đụng chạm trực tiếp đến bản thân, gia đình mình.

Ai chết cứ chết, chết vì bất cứ lý do nào, chết trong đồn công an, chết vì uống phải thuốc giả, chích thuốc quá hạn, chết vì tai nạn giao thông xẩy ra hàng ngày, chết vì ra khơi đánh cá bị tông chìm tàu hay bị bắn …cùng lắm cũng chỉ có môt cái chép miệng, môt ánh mắt ái ngại hay môt lời nguyền rủa…, ai bệnh cứ bệnh, đất nước này cũng chẳng còn gì để phải quan tâm, suy nghĩ.

Trở lại cửa Bắc chợ Bến Thành, không còn người đàn ông với tấm bảng bằng plastic ngồi mua bán những món hàng vô hình nữa. Chỗ anh ta ngồi chỉ có một tấm tranh trắng đen vẽ chân dung dựng vào vách, tôi đứng lại nhìn tấm tranh mất mấy phút đồng hồ nhưng quả thật không nhận ra rõ ràng họa sĩ muốn vẽ ai.

Tấm chân dung đó có những đường nét thật ma quái, dường như uốn éo, chuyển động liên tục như loại tranh có hình ảnh chuyển động thỉnh thoảng vẫn thấy trên internet khiến người nhìn nhận ra rất nhiều gương mặt trong một thời gian ngắn chừng vài phút. Có lúc nó giống như mặt một anh công nhân bẻ ghi đường sắt rồi nhanh chóng chuyển thành một anh cai đồn điền cao su, nhưng chỉ vài giây đồng hồ nó lại khiến tôi nhận ra mặt của gã thiến heo mỗi buổi trưa thường dắt xe đạp đi hành nghề trong các xóm lao động có người nuôi heo rồi sau đó thật nhanh nó lại biến thành bộ mặt nhăn nhở của người y tá chích dạo trong hẻm chợ năm xưa ở Kiên Giang…

Nhìn xuống dưới tấm chân dung, tôi chỉ thấy ghi mấy chữ: Chân dung kẻ bán nước. Không thấy tên họa sĩ và ngày hoàn thành tấm tranh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét