Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng
41 năm trước, ngày mùng 9 tháng 9
năm 1976, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Mao Trạch Đông qua đời ở tuổi
82. Bốn thập niên sau, Trung Quốc đã trở thành một đất nước mà Mao sẽ không thể
nhận ra. Được giải phóng bởi chính sách “cải cách và mở cửa” của Đặng Tiểu
Bình, người dân Trung Quốc đã biến một đất nước nông nghiệp thành nền kinh tế lớn
thứ 2 toàn cầu cũng như công xưởng của thế giới. Ngày nay, hàng trăm triệu người
Trung Quốc đã trở nên rất giàu có, nhiều người trong số họ còn trở thành tỉ
phú. Việc hàn gắn mối quan hệ Trung-Mỹ được bắt đầu bởi Mao và Richard Nixon
vào năm 1972 đã gắn kết hai quốc gia vào tất cả các tầng nấc quan hệ: chính thức
và bình dân, kinh tế và giáo dục, chính trị và quân sự.
Trung Quốc thực sự đã trở thành một
siêu cường được công nhận bởi tất cả, đặc biệt là các quốc gia láng giềng. Mao
chắc hẳn sẽ rất thích thú trước quyền lực này. Nhưng còn giấc mơ về sự công bằng
và chủ nghĩa tập thể của Mao khi ông tiến hành Cách mạng Văn hóa? Tư tưởng Mao
Trạch Đông có liên quan như thế nào đến mức độ bất bình đẳng cao của Trung Quốc
hiện nay? Liệu chân dung của Mao tại Quảng trường Thiên An Môn và tại Lăng Mao
Trạch Đông có còn chút ý nghĩa chính trị nào không? Liệu Mao có còn quan trọng?
Không ai ý thức được tầm quan trọng
của những câu hỏi trên rõ hơn người lãnh đạo đương nhiệm của Trung Quốc, Tập Cận
Bình. Chủ tịch Tập không ngừng nhắc nhở người dân Trung Quốc không chia lịch sử
nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thành thời kỳ Mao Trạch Đông và thời kỳ cải
cách. Đối với ông, việc phân chia như vậy hàm ý rằng có một thời kỳ tồi tệ và một
thời kỳ tốt đẹp, giống như thời Stalin và hậu Stalin (sau bài “diễn văn bí mật”
lên án Stalin vào năm 1956 của Khrushchev) trong lịch sử Xô viết. Tập đánh giá
cao những yếu tố cơ bản của một nhà nước theo chủ nghĩa Lenin mà Mao thành lập
vào năm 1949, bởi ông hiểu rõ những yếu tố đó là cách duy nhất để bảo toàn quyền
cai trị của Đảng Cộng sản trong tương lai.
Vậy những yếu tố đó là gì? Trước
hết là bản thân Mao, vị lãnh đạo tối cao đội trên đầu vòng nguyệt quế của vinh
quang cách mạng. Ông đã giành quyền lãnh đạo sau khi các đối thủ khác thất bại.
Với sự trợ giúp của các cộng sự, ông đã đưa Đảng Cộng sản và quân đội của Đảng
vào kỷ luật thép, huấn luyện ý chí chiến đấu cao, nhờ đó giành thắng lợi trong
cuộc nội chiến với Quốc Dân Đảng và sau đó giành quyền lãnh đạo Trung Quốc. Chủ
nghĩa Marx-Lenin trở thành hệ tư tưởng mới của nhà nước, nhưng quan điểm của
Mao về chiến tranh và hòa bình, được hệ thống hóa trong Tư tưởng Mao Trạch
Đông, mới là nguyên tắc cốt lõi điều hành đất nước.
Mao đã giám sát các phong trào lớn
trong đầu những 1950, đưa chế độ cai trị Cộng sản đi sâu vào các tầng lớp nhân
dân trên khắp Trung Quốc, và cũng chính ông là người đã hoạch định các chính
sách quan trọng trong 27 năm mà ông còn sống sau khi cuộc cách mạng thành công.
Mao khởi xướng bác bỏ “Dân chủ Mới” để ủng hộ tiến nhanh lên chủ nghĩa xã hội;
sau chiến thắng của kế hoạch tập thể hóa nông thôn, Mao đã khởi xướng cái trở
thành thời kỳ “Trăm hoa đua nở” tương đối tự do, và cũng chính ông sau này đã đảo
ngược nó thành phong trào Phản hữu Vận động. Trong giai đoạn cánh tả sau đó của
ông, Mao đã phát động Chiến dịch Đại nhảy vọt, Phong trào Giáo dục Chủ nghĩa Xã
hội, và cuối cùng là Đại Cách mạng Văn hóa giai cấp vô sản. Bất chấp những thảm
họa này, cho đến tận những ngày cuối cùng của Mao, vẫn không một ai dám thách
thức ông. Dù kết quả có như thế nào, phải công nhận một điều rằng nhân cách của
Mao là một nhân cách lớn lấn át tất cả các cộng sự, đứng trước đất nước như một
người khổng lồ vĩ đại mà mọi người dân Trung Quốc đều thấm nhuần tư tưởng phải
phục tùng. Có những dấu hiệu cho thấy Tập Cận Bình mong muốn có được vai trò
tương tự như Mao.
Đối lập hoàn toàn với hai người
tiền nhiệm Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, Tập không ủng hộ quyền lãnh đạo tập
thể mà thẳng thắn thể hiện rằng ông là người lãnh đạo tối cao. Có hai chứng cứ
rõ ràng nhất như sau. Thứ nhất, ngoài những chức vụ gắn liền với chức danh Tổng
Bí thư – lãnh đạo Quân ủy Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (MAC) và Chủ tịch
nước – Tập Cận Bình còn là lãnh đạo của những ủy ban trọng yếu khác: Ủy ban An
ninh Quốc gia mới, cơ quan có thẩm quyền đối với quân đội, lực lượng cảnh sát,
và tất cả các cơ quan an ninh quốc gia có yếu tố nước ngoài; Nhóm lãnh đạo
Trung ương về Cải tổ sâu Toàn diện – có vị trí cao hơn Quốc vụ viện (đứng đầu
là Thủ tướng Lý Khắc Cường, nhân vật đứng thứ hai trong Ban thường vụ Bộ Chính
trị Đảng Cộng sản Trung Quốc), chịu trách nhiệm điều hành các công việc về kinh
tế; và các nhóm lãnh đạo trung ương về đối ngoại, an ninh mạng, và công nghệ
thông tin.
Bằng chứng thứ hai cho thấy Tập
quyết tâm trở thành một lãnh tụ tối cao của Trung Quốc giống như Mao chính là sự
sùng bái nhân cách cá nhân sớm được xây dựng quanh ông. Những tác phẩm của ông
được xuất bản rộng rãi, đặc biệt cuốn Governance of China còn được dịch ra nhiều
thứ tiếng và xuất hiện ở các hiệu sách phương Tây. (Như một phần trong kế hoạch
ghi dấu ấn tại Trung Quốc của Facebook, Mark Zuckerberg đã mua một vài ấn bản của
cuốn này để nhân viên của mình tìm hiểu thêm về “chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc
Trung Quốc.”) Cách gọi thân mật Xi Dada (Tập Đại Đại, hay Bác Tập) giúp Chủ tịch
Tập trở nên gần gũi hơn với người dân Trung Quốc, trong khi đó những người quan
tâm đến chính trị cũng có thể thường xuyên thấy cái tên Tập Cận Bình xuất hiện
trong rất nhiều tít báo trên tờ Nhân dân Nhật báo. Phu nhân của ông, bà Bành Lệ
Viện (Bành Ma Ma), một ca sĩ dân ca nổi tiếng và cũng đồng thời là một Thiếu tướng,
càng làm nổi bật hình ảnh một cặp đôi quyền lực cai trị Trung Quốc. Ở thời kỳ hậu
Mao Trạch Đông, chưa một vị Đệ nhất phu nhân Trung Quốc nào có được sự nổi tiếng
như vậy. Sự sùng bái cá nhân đối với Tập sẽ không bao giờ chạm đến đỉnh cao như
Mao trong suốt thời kỳ Cách mạng Văn hóa; 35 năm cải tổ và mở cửa chắc chắn đã
khiến người dân Trung Quốc miễn nhiễm với việc tôn thờ một cách mù quáng bất cứ
một vị lãnh đạo nào. Nhưng có thể Chủ tịch Tập cũng đã đủ hài lòng với sự phục
tùng vô điều kiện xuất phát từ nỗi sợ hãi.
Thành tố trọng yếu thứ hai trong
nhà nước theo chủ nghĩa Mao đương nhiên là Đảng Cộng sản mà thông qua đó Mao
cùng các cộng sự đã cai trị Trung Quốc. Tại thánh địa cách mạng Diên An, trước
khi nhậm chức, các cán bộ nguồn đều được giáo dục để trở thành những người Cộng
sản tốt bởi người lãnh đạo dày dặn kinh nghiệm (và sau này là chủ tịch nước)
Lưu Thiếu Kỳ, với khẩu hiệu “phục vụ nhân dân,” mục tiêu cuối cùng là noi gương
“chiếc đinh ốc không hoen gỉ” của bộ máy Đảng, người lính anh hùng những năm
1960 Lôi Phong. Tham nhũng chắc chắn có tồn tại dưới thời Mao, nhưng tệ nạn này
đã được kiểm soát bởi các chiến dịch và có lẽ không ảnh hưởng đến các nhà lãnh
đạo. Là thành viên của cái mà nhà lý luận bất đồng chính kiến người Nam Tư
Milovan Djilas gọi là “giai cấp mới,” các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể có bất
cứ sự xa hoa nào mà họ muốn. Sự tha hóa của bộ máy Đảng, và những đòn roi cả về
thể xác và tinh thần mà các Đảng viên phải trải qua trong suốt Cách mạng Văn
hóa đã khiến tư tưởng được đào tạo trước đây bởi Lưu Thiếu Kỳ bị mai một. Tại
sao phải phục vụ nhân dân nếu chỉ một người được hưởng? Thế thì tốt hơn là áp dụng
khẩu hiệu của thời kỳ cải cách: “Làm giàu là vinh quang.” Hậu quả, theo những
người đã dẫn dắt Đảng Cộng sản trong thời kỳ cải cách, là nạn tham nhũng trở
nên nặng nề và phổ biến trong bộ máy quan liêu, làm tổn hại danh tiếng và tính
chính danh của Đảng Cộng sản trong mắt người dân Trung Quốc, những người phải đối
phó với tham nhũng mỗi ngày. Mục tiêu của chiến dịch chống tham nhũng do Chủ tịch
Tập Cận Bình phát động là phục hồi thanh danh cho Đảng Cộng sản, giành lại sự ủng
hộ của người dân, và chống lại bất cứ mối đe dọa nào đối với sự cai trị tiếp tục
không bị kiểm soát của Đảng.
Nhưng chiến dịch chống tham nhũng
cũng lại là một con dao hai lưỡi, gợi nhớ đến câu nói thường lan truyền ở Trung
Quốc: “Nếu không xóa bỏ nạn tham nhũng thì Trung Quốc sẽ xong đời, nhưng nếu
xóa bỏ nạn tham nhũng thì Đảng sẽ đi tong.” Nếu chiến dịch này vẫn tiếp tục nhắm
đến những “con hổ” như Chu Vĩnh Khang, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị chịu trách
nhiệm về an ninh trong nước, Chủ tịch Tập có thể bị đe dọa bởi sự chống đối của
giới chóp bu, những kẻ không muốn thanh danh hay gia đình họ bị quẳng vào sọt
rác của lịch sử, hay thậm chí bị tống giam hay tịch biên tài sản phi pháp. Còn
với những cán bộ cấp dưới của Đảng, những “con ruồi” của chiến dịch này, cũng
đã có những dấu hiệu trơ lỳ, bởi các cán bộ này đã tránh những hành động có thể
châm ngòi những cáo buộc tham nhũng. Liệu việc gia nhập Đảng có còn được duy
trì nếu như những lợi ích tài chính của tư cách Đảng viên không còn nữa?
Thành tố thứ ba của nhà nước theo
chủ nghĩa Mao, gắn kết lãnh đạo, đảng, và nhân dân, là hệ tư tưởng: Chủ nghĩa
Marx-Lenin, được bổ sung bởi Tư tưởng Mao Trạch Đông. Không có dấu hiệu nào cho
thấy Tập muốn bắt chước Mao bằng việc biến Trung Quốc thành một cột mốc cách mạng
sáng chói trên ngọn đồi. Trong những bài nói chuyện về giấc mơ Trung Hoa, ông
cũng không nhắc đến sự hồi sinh của Khổng giáo. Thay vào đó, ông nhấn mạnh mô tả
của Đặng về Chủ nghĩa Marx-Lenin và Tư tưởng Mao Trạch Đông như những thành tố
trong “Bốn nguyên tắc cơ bản” không được phép tranh luận của đất nước. Trong
khi dưới thời của Đặng điều này về cơ bản là bỏ hệ tư tưởng sang một bên thì Tập
lại thấy cần phải tái sinh hệ tư tưởng Cộng sản như một bức tường vững chắc của
chủ nghĩa biệt lệ Trung Quốc, và để ngăn người dân ngả theo những tư tưởng dân
chủ phương Tây. Mùa thu năm 2015, có lẽ để đáp lại những mối quan tâm của Chủ tịch
Tập, Đại học Bắc Kinh đã tổ chức một buổi hội thảo về Chủ nghĩa Marx, mời khoảng
70 nhà Marxist nước ngoài (và ít nhất một người nước ngoài không theo chủ nghĩa
Marx, tác giả chương sách này) tham gia. Tiền quỹ cũng đã có đủ để tổ chức một
buổi hội thảo tiếp theo. Song, như một người tham gia đã hạ giọng thì thầm thổ
lộ, “Chủ nghĩa Marx sẽ không làm được gì cho người Trung Quốc, nhưng họ cứ bám
lấy nó.”
Quả thật, Tập Cận Bình đang có một
nhiệm vụ hết sức khó khăn. Năm 1949, người Trung Quốc có thể không “nhất cùng nhị
bạch” (một nghèo hai trắng) như Mao Trạch Đông từng miêu tả, nhưng với một chế
độ mới có quyền lực vững chắc, ít nhất họ cũng bị thuyết phục rằng hệ tư tưởng
của chế độ đó cần được tôn trọng. Tuy nhiên, sau đó, người dân Trung Quốc lại
phải trải qua thời kỳ Cách mạng Văn hóa khi mà việc nghiên cứu Tư tưởng Mao Trạch
Đông được nhấn mạnh, chỉ để chứng kiến sự xuống cấp của hệ tư tưởng khi Đặng Tiểu
Bình tuyên bố “thực tiễn là tiêu chuẩn duy nhất để kiểm chứng sự thật,” mở cửa
đất nước trước mọi kiểu tư tưởng ngoại lai. Thời kỳ cải cách đến giờ đã kéo dài
gần 40 năm, hơn gần một thập niên so với thời kỳ Mao Trạch Đông. Ảnh hưởng của
nó lên giới trẻ Trung Quốc là rất sâu rộng.
Đặc biệt, nhu cầu được giáo dục ở
phương Tây đã tăng chóng mặt. Chỉ riêng trong năm 2005–2006, số lượng học sinh
Trung Quốc học tập ở Mỹ đã là hơn 62.500; đến năm 2015–2016, con số này lên đến
hơn 328.000. Hàng nghìn học sinh khác đang học tập tại cơ sở của các trường đại
học quốc tế trên đất Trung Quốc. Hầu hết các gia đình Trung Quốc cho con đi du
học đều có thể tự chủ về tài chính và vì thế không phụ thuộc vào học bổng chính
phủ. Chủ tịch Tập sẽ giải quyết xu hướng xa rời giáo dục trong nước này như thế
nào? Mấy năm trước, ông đã yêu cầu các quan chức chính phủ không cho con cái học
trường nước ngoài. Lúc đó, chính con gái ông cũng đang học đại học ở Harvard.
Cô bé đã không thôi học. Đây là tấm gương gì cho các gia đình quan chức khác,
nói gì đến các gia đình Trung Quốc không có liên hệ gì đến nhà nước?
Dĩ nhiên, sinh viên Trung Quốc
ngày nay rất khác những người tiên phong du học sau Cách mạng Văn hóa, khi một
số sinh viên đến các nước phương Tây để tìm kiếm những ý tưởng quản trị mới để
giúp kéo Trung Quốc ra khỏi đống hỗn độn trong những năm cuối đời của Mao. Ngày
nay, sinh viên Trung Quốc đến từ một quốc gia mới hồi sinh đầy tự hào, ý thức rất
rõ về ảnh hưởng kinh tế và ngoại giao của đất nước mình. Phần lớn đều là những
người ái quốc và có lẽ nhìn nhận nền giáo dục phương Tây như một nền tảng tốt đẹp
cho sự nghiệp, hơn là sự tiếp cận đối với những tư tưởng dân chủ. Tuy nhiên, tại
Trung Quốc, rất có thể họ sẽ không chấp nhận tín ngưỡng của một triết gia người
Đức thế kỷ thứ 19, theo một phân tích về nước Anh thời kỳ mới bắt đầu cách mạng
công nghiệp. Trung Quốc của Tập có thể loan báo chủ nghĩa Marx như là hệ tư tưởng
thống nhất, nhưng đó thực chất chỉ là vỏ bọc. Tư tưởng của Tổng Bí thư Tập sẽ
có được vị trí của mình, như Tư tưởng Mao Trạch Đông từng có dưới thời Mao.
Thành tố cuối cùng của nhà nước
theo chủ nghĩa Mao là Quân Giải phóng Nhân dân (PLA). Mao luôn chú ý đảm bảo phần
lớn các tướng lĩnh ủng hộ mình, đặc biệt là khi ông có xung đột với những anh
hùng cách mạng như các guyên soái Bành Đức Hoài và Lâm Bưu. Rõ ràng Tập không
thể có vinh hiển cách mạng như Mao, vì vậy ông đã dùng nhiều biện pháp công
khai để có được sự ủng hộ của PLA. Khi mới nhậm chức, Chủ tịch Tập đã thuyết phục
18 tướng lĩnh viết những bài báo ngắn đăng trên Nhân dân Nhật báo để cam kết
lòng trung thành. Gần đây hơn, ông đã đảm nhận một chức vụ quân sự mới: Tổng tư
lệnh Trung tâm Chỉ huy Chiến đấu Chung của Quân Ủy Trung ương. Chủ tịch Tập xuất
hiện trong bộ quân phục tại buổi thông báo chức vụ mới này, gợi ý rằng không giống
như bất cứ người tiền nhiệm nào, ông sẽ đích thân đóng vai trò là chỉ huy chiến
trường nếu có biến cố xảy ra. Nhưng các tướng lĩnh PLA có sẵn sàng cứu Tập Cận
Bình trong một cuộc khủng hoảng chính trị như họ đã làm cho Mao trong Cách mạng
Văn hóa hay Đặng Tiểu Bình trong vụ Thiên An Môn hay không thì còn phải xem
xét.
Tập Cận Bình đã cải tổ Trung Quốc
với một tốc độ đáng kinh ngạc. Các thể chế và giá trị chủ nghĩa Mao đã được phục
hồi dù, về mặt nào đó, chính trị của Chủ tịch Tập đánh dấu một sự xa rời tách bạch
với chủ nghĩa Mao quá cố. Trong khi Mao chủ đích giải phóng giới trẻ Trung Quốc
vì cách mạng thì ở Trung Quốc của Tập, không đội dân phòng tự phát nào được hoạt
động, kể cả là chống tham nhũng. Những người bắn tin rất có thể sẽ phải ngồi
tù. Tuy nhiên, Mao là vẫn viên đá nam châm của chế độ Tập, là nguồn chính danh
tối hậu của các chính sách cũng như vai trò cá nhân trong nhà nước và xã hội của
Tập. Vậy nên chân dung Chủ tịch Mao sẽ vẫn được treo tại Thiên An Môn, và người
dân vẫn sẽ được dẫn vào thăm lăng. Mao vẫn còn quan trọng.
***
Roderick Macfarquhar là giáo sư
nghiên cứu ngành lịch sử và khoa học chính trị tại Đại học Harvard và nguyên là
giám đốc Trung tâm Fairbank về Nghiên cứu Trung Quốc. Bài viết này được trích từ
cuốn The China Questions: Critical Insights into a Rising Power, biên tập bởi
Jennifer Rudolph & Michael Szonyi (Harvard University Press, 2018).
Nguồn: Roderick Macfarquhar, “Searching for Mao in Xi Jinping’s China,” Boston Review, 08/09/2017.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét