Thứ Ba, 31 tháng 10, 2017

Người đấu tranh dân chủ đừng chờ đợi gì nhiều ở ông Trump...

Mai Tú Ân (VNTB)
 

Sự kiện tổng thống Mỹ Donalp Trump sẽ đến Đà Nẵng để tham dự Hội Nghị APEC và sau đó là cuộc thăm viếng chớp nhoáng các đầu lĩnh CS ở Hà Nội đã gây ra một tâm lý phấn khởi nhất định trong giới đấu tranh nước nhà. Đó là điều dễ hiểu khi chúng ta có được tâm lý ấm lòng khi có một tổng thống của một quốc gia dân chủ bậc nhất thế giới đến thăm một quốc gia đàn áp dân chủ bậc nhất thế giới.

Nhưng để chờ đợi một sự đột phá về nhân quyền, hay một vài tù nhân lương tâm được phóng thích nhân sự kiện này là điều không tưởng. Chúng ta chỉ mong tổng thống Mỹ Donalp Trump, với vai trò quan trọng của mình có một vài lời nói, vài hành động coi được về vấn đề nhân quyền cũng như về việc bắt người vô tội vạ của nước chủ nhà APEC lần này. Một vấn đề hoàn toàn nằm trong tầm tay của tổng thống Mỹ, nếu ông quyết định ra roi. Nhưng đó cũng là điều không tưởng nốt của những người đấu tranh dân chủ nước nhà.

Mọi người chúng ta đều biết chính phủ Mỹ với truyền thống luôn đưa bàn tay bao dung về dân chủ đến mọi quốc gia độc tài, nhưng khi công nhận quốc gia ấy như một quốc gia có chủ quyền thì họ rụt bàn tay bao dung ấy lại. Không phải họ không muốn giúp đỡ mà vì có những điều kiện ràng buộc khắt khe ở quê nhà ngăn cấm họ làm điều đó. Đó là một thực tế mà chúng ta có thể kiểm nghiệm qua các đời tổng thống Mỹ kể từ khi bãi bỏ cấm vận Việt Nam. Suốt hơn 20 năm qua thì có được bao nhiêu TNLT Việt Nam được phóng thích khỏi các nhà tù Việt Nam. Nỗ lực nhân quyền của chính phủ Mỹ đã khiến cho bao nhiêu người được xuất khỏi nhà giam để đến Mỹ. Chỉ là những con số nhỏ bé đến thảm hại, và không xứng tầm với những nỗ lực của một quốc gia dân chủ hàng đầu như nước Mỹ.

Nhưng như đã nói thì đó là những khó khăn không thể vượt qua khi nước Mỹ đang làm bạn, làm ăn với chính quyền Hà Nội. Có lẽ những hội đoàn phi chính phủ Mỹ hay các ông nghị ở Quốc Hội Mỹ còn giúp ích cho các hội đoàn, các cá nhân đấu tranh trong nước nhiều hơn là chính quyền hành pháp Mỹ, nếu chúng ta biết vận động (lobby). Chưa kể ta có thể nói vui nhưng hoàn toàn thực tế rằng, nước Mỹ là kẻ đầu bảng nuôi sống chế độ CSVN bằng thâm thủng mậu dịch mỗi năm gần 30 tỷ đô la chảy vào guồng máy Nhà Nước Việt Nam.

Trở lại với chuyến thăm Việt Nam để dự APEC của tổng thống Donalp Trump thì hai bên lợi gì, thiệt gì ? Trước hết đây chỉ là hoạt động thường kỳ của khối APEC gồm 21 quốc gia, và Việt Nam đứng ra đăng cai như đã từng đăng cai vào năm 2006. Nước Mỹ là trung tâm nên đương nhiên tổng thống của họ phải tham dự. Bao năm nay lịch trình như vậy và họ thực hiện các chuyến đi như vậy. Tổng thống Mỹ thì cũng chỉ là người Mỹ có 4 năm làm tổng thống rồi cũng về vườn chăn vịt, có ma nào mời tung tăng khắp thế giới đâu nên cứ có cơ hội là phượt liền. Ông Trump thì còn đi mau lẹ đến bất cứ đâu hoành tráng vì ông vốn là một người dẫn dắt truyền hình thực tế, một tay chơi của những ánh đèn xa hoa rực rỡ.

Sở dĩ MTA phải nói vui như thế bởi chuyến đi này của ông Trump hoàn toàn là một chuyến đi hình thức, chả có lợi ích bao nhiêu cho các bên. Nói như nhà báo Ngô Kỷ trong cuộc hội thảo Phố Bolsai là : "Hoa Lá Cành, trình diễn..." Hoàn toàn đúng. Vì mọi công cuộc làm ăn ký kết hợp đồng thì các công ty đã ký kết rồi. Cần gì phải kéo đoàn kéo lũ đến Việt Nam để làm màu mè gì nữa. Có chăng là chuyến đi này của ông Trump có liên quan đến tình hình căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên. Nhưng điều đó cũng chẳng ảnh hưởng gì đến xứ Giao Chỉ của ta, và chắc chắn cũng chẳng hề có hồ sơ nhân quyền nào của Việt Nam được ông Trump đưa ra cho Hà Nội đâu. Cũng có thể có vài câu cho có về nhân quyền, hay về việc bắt giữ những người đấu tranh dân chủ từ đầu năm đến giờ nhưng cũng chỉ là "trình diễn, hoa lá cành" thôi, theo lời anh Ngô Kỷ...

Ngoài nhân quyền là đề tài không có trong chuyến sang Việt Nam lần này thì chúng ta chờ đón gì nữa ? Chắc chắn chẳng có gì đáng giá so với tầm mức. Bởi lẽ thường tình trong các quan hệ quốc tế thì các cuộc gặp gỡ song phương mới là quan trọng chớ gặp đa phương, mà lại là hội nghị 21 phương APEC này thì chả có gì để nói, để bàn. Điều này cũng giống như có gần 200 các ông tổng thống, thủ tướng hay vua chúa của các nước và lãnh thổ trên khắp thế giới mỗi tháng 9 hàng năm thì tề tựu hoành tráng tại New Work, Mỹ, tòa nhà của LHQ để dự Đại Hội Đồng LHQ. Mấy trăm ông lãnh đạo có bàn bạc gì đâu. Chỉ say "Helo, goodbye" thì cũng hết thời gian rồi. Các vị chỉ ngồi cho có tụ, rồi đeo tai nghe vào và ngủ gật.

Thế còn Việt Nam ta thì có lợi ích gì khi đăng cai một cuộc chơi quá tầm của các ông lớn này. Cần phải nhìn nhận rằng trong xu hướng thế giới như một cái làng này thì chẳng có gì nhiều để làm ăn cả. Chắc chắn Việt Nam sẽ làm đẹp lòng ông Trump bằng cách cố gắng ký kết vài hợp đồng khủng tỷ đô la nào đó với phía Mỹ nhưng đó cũng chỉ là những hợp đồng ghi nhớ chứ không phải hợp đồng kinh doanh. Phía Mỹ có lẽ cũng lại quả cho chú em Việt Nam vài con tàu cũ, hay vài cái máy bay cũ. Việt Nam nên nhớ tổ chức hội nghị này thì cũng như có mở cái quán cóc đầu làng cho các cụ tiên chỉ làng xách đít ra ngồi đấu láo nhau một chốc thôi. Dĩ nhiên cũng là để khẳng định tên tuổi trong chốn võ lâm giang hồ quốc tế, vang danh Cái Bang Việt Nam đã nghèo nhưng chơi sang không thua kém thằng nào hết. Cũng có một cái lợi nữa là Việt Nam ta được đứng dựa hơi gần các ông lớn như kiểu thằng trẻ trâu đứng dựa hơi ông nhà giàu. Tứ trụ nhà ta được đứng cạnh ông Trump cùng các ông lớn khác trên thế giới thì không bổ dọc cũng bổ ngang. Tha hồ mà ngúng nguẩy hoặc đi dây hai hàng...

Hơn nữa các thủ lĩnh CSVN cũng không phải tầm thường đâu. Họ đã biết cách để trị những ông tổng thống Mỹ sang thăm VN rồi. Chúng ta hẳn còn nhớ đến chuyến thăm của tổng thống Obama khi chuyến chuyên cơ của tổng thống, vì sợ hạ cánh vào lúc đông người dân ra đón nên phải lùi thời hạn đến nửa đêm vắng người mới dám hạ cánh cho an toàn theo yêu cầu của phía Việt Nam. Và phái đoàn của ông tổng thống Obama phải ở đâu đó chờ đến đêm mới ra mặt trong cuộc tiếp đón lần thứ hai của chủ nhà. Chưa hết cũng trong chuyến đi ấy thì cuộc gặp gỡ giữa tổng thống Mỹ và một số nhà đấu tranh dân chủ đã không thành bởi khách của tổng thống Mỹ là tiến sĩ Nguyễn Quang A và nhà báo Phạm Đoan Trang đã ngang nhiên bị CA bắt cóc. Hai vị khách quí này của tổng thống Mỹ bị đưa đi cất giấu ở đâu đó trước buổi họp, và chỉ được trả về khi cuộc họp kết thúc. Ta có thể nhìn thấy sự thất vọng, buồn bã của ông tổng Đen trước sự táo tợn ấy của chính quyền chủ nhà Hà Nội...

Người Mỹ có câu :"Không có bữa trưa miễn phí". Và với ông Trùm Sò Donalp Trump của khẩu hiệu "Nước Mỹ trên hết" thì có lẽ chẳng có cả bữa chiều miễn phí nữa. Thôi thì những con người đấu tranh chúng ta hãy cắn răng lại và đón ông ta như đón chào vị tổng thống Mỹ với niềm tin chắc chắn rằng, dù có thế nào đi nữa thì tổng thống Mỹ và những người dân Mỹ yêu tự do luôn là kẻ thù đương nhiên và không thay đổi của mọi chế độ độc tài chuyên chế trên khắp thế giới này...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét