Thứ Ba, 31 tháng 10, 2017

Ba bài học từ một nước Mỹ do Donald Trump cầm quyền






media
Tổng thống Mỹ Donald Trump và đệ nhất phu nhân Melania Trump tổ chức hội Halloween cho trẻ em ở Nhà Trắng, Washington, ngày 30/10/2017. REUTERS/Carlos Barria


Gần tròn một năm sau khi được bầu làm tổng thống Mỹ và 9 tháng chính thức lên nắm quyền, ông Donald Trump chưa thực hiện được bất kỳ thay đổi quan trọng nào. Một số biện pháp được thông qua đều phải sử dụng đến sắc lệnh. Theo tác giả Jean-Marc Victori trong mục « Ý kiến & Thảo luận » của nhật báo kinh tế Les Echos (31/12/2017), ngoài cách làm việc thiếu chuyên nghiệp, nền dân chủ Mỹ cũng đang bị tác động.

Tổng thống Trump, được coi là một « Tweetomane », để lại dấu ấn rõ nét trong không gian truyền thông hơn bất kỳ người tiền nhiệm nào. Nhưng ông khó khăn khẳng định về mặt chính trị và dấu ấn của ông về mặt kinh tế còn hiếm hoi hơn. Theo tác giả bài viết, sự bất lực này có thể đưa ra ba bài học nên chú ý.

Thứ nhất là một năm « nói nhiều làm chẳng được bao nhiêu ». Nhà tỉ phú địa ốc New York đã vận động tranh cử tổng thống dựa trên những lời hứa hùng hồn : Cân đối lại ngân sách, bãi bỏ chính sách bảo hiểm y tế phổ cập Obamacare, đánh thuế 35% hàng nhập khẩu Mêhicô và 45% hàng Trung Quốc, trục xuất hàng triệu người nhập cư bất hợp pháp, bỏ các hạn chế tài chính, khuyến khích than đá, đầu tư 1.000 tỉ đô la vào các công trình lớn, hạ thuế doanh nghiệp xuống còn 15%...

Hiện còn quá sớm để biết liệu các dự án ngân sách của tổng thống Mỹ có được thông qua hay không. Nhưng một điều chắc chắn là mọi đề xuất lên Nghị Viện đều ở dưới ngưỡng trong các lời hứa tranh cử của ông, từ giảm thuế đến cân đối thâm hụt ngân sách.

Ngược lại, trong lĩnh vực thương mại quốc tế, ông Trump tỏ ra « hữu hiệu » : Bãi bỏ thỏa thuận tự do trao đổi mậu dịch xuyên Thái Bình Dương (TPP), thể hiện lập trường cứng rắn trong việc đàm phán lại thỏa thuận thương mại với Mêhicô và Canada (NAFTA). Tổng thống Mỹ cũng cho điều tra về nhập khẩu thép, nhưng rồi chuyện đánh thuế cao vào các mặt hàng này cũng rơi vào quên lãng....

Trên lĩnh vực y tế, Donald Trump cũng chưa đạt được thành công nào. Việc bãi bỏ Obamacare, ban đầu tưởng chừng là việc dễ làm vì bảo hiểm y tế là chủ đề bất đồng tại Nghị Viện giữa hai phe Cộng Hòa và Dân Chủ từ hơn 20 năm nay. Tuy nhiên, dự thảo bãi bỏ Obamacare đã bốn lần bị thất bại ở Quốc Hội. Tổng thống Mỹ quyết định dùng sắc lệnh hạn chế chương trình bảo hiểm y tế và xóa trợ cấp của nhà nước cho hệ thống này. Khi không bị các nghị sĩ « cản đường », sắc lệnh của tổng thống Mỹ lại bị các thẩm phán bác bỏ.

Trong lĩnh vực di dân, sắc lệnh cấm công dân 7 nước Hồi Giáo nhập cư vào Mỹ cũng bị hai thẩm phán ở Hawaii và Maryland bác bỏ. Trong lĩnh vực tài chính, ông Donald Trump đã bổ nhiệm nhiều nhân vật ủng hộ nới lỏng các hạn chế tài chính, như Jay Clayton, tân lãnh đạo SEC (cơ quan giám sát thị trường), nhưng Cơ quan Bảo vệ tài chính Người tiêu dùng (CFPB) lại vừa thắt chặt quy định của người vay dựa trên thu nhập. Trên lĩnh vực môi trường, dường như tổng thống Mỹ có vẻ « thắng thế », nhưng các bang và thành phố chống lại quyết định của liên trong lĩnh vực này.

Tác giả Jean-Marc Victori đi xa hơn khi đánh giá, năm đầu tiên cầm quyền của Donald Trump có thể được tóm gọn là tổng thống Mỹ hiện nay gàn gàn và cỗ máy đối trọng quyền lực ở Mỹ đang hoạt động tuyệt vời.

Bài học thứ hai là khả năng tự huyễn hoặc. Đây là trường hợp của các nhà đầu tư, những người đã mua một chính sách chưa được hình thành, và tự vẽ cho mình những câu chuyện khác để rồi luôn phải trả giá đắt hơn. Đây cũng là trường hợp cử tri của Trump, rất nhiều người tiếp tục tin tưởng vào vị tổng thống dù ông không có khả năng hành động. Đây cũng là trường hợp của Trump và các cố vấn của mình, vẫn muốn tin rằng giảm thuế sẽ làm thất thu nguồn thuế.

Bài học cuối cùng có vẻ đáng ngại hơn. Các đời tổng thống Mỹ thường xuyên tìm cách « lách » các quyết định ngăn chặn của Nghị Viện. Với Trump, ông sử dụng triệt để cách này (từ y tế đến thương mại, từ tài chính đến nhập cư…). Đây không chỉ còn là câu hỏi về hiệu quả, mà trở thành vấn đề tôn trọng hay không tôn trọng nền dân chủ. Thế giới tự do không hẳn còn như trước nữa.

Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ : Ba người thân cận của Trump bị buộc tội

Sắp kỷ niệm một năm được bầu làm tổng thống Mỹ, ông Donald Trump cũng nhận được món quà « đặc biệt » : Cựu giám đốc chiến dịch tranh cử Paul Manafort bị công tố viên đặc biệt Robert Mueller cáo buộc 12 tội danh, trong đó có tội chống lại đất nước và rửa tiền.

Sự kiện này đều được các nhật báo Pháp đưa tin, dù không hẳn trên trang nhất. Trang nhất của Le Figaro là hình ảnh của Paul Manafort với hàng tựa : « Nhiệm kỳ Trump bị tư pháp « rờ » đến vì quan hệ với Nga ». Trang nhất của Les Echos là hàng tựa « Cựu giám đốc vận động tranh cử của Donald Trump bị kết tội ». Libération đưa tin : « Một số người thân cận của Trump bị cáo buộc « âm mưu chống Hoa Kỳ » ». Riêng Le Monde, ra từ chiều hôm trước, đưa tin : « Trump giận dữ vì những tiến bộ trong cuộc điều tra liên quan đến Nga ».

Tất cả các nhật báo Pháp đều nhấn mạnh đây là những cáo buộc đầu tiên trong cuộc điều tra, cho đến giờ được giữ bí mật hoàn toàn. Theo Les Echos, cuộc điều tra tiến triển nhanh, bỗng làm xáo trộn tuần chính trị quan trọng của tổng thống Mỹ : Thứ Tư 01/11, dự án cải cách thuế của tổng thống sẽ được trình bày ở nghị Viện, tiếp theo là tiết lộ danh tính tân thống đốc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) và chuyến công du châu Á từ thứ Sáu 03/11.

Le Figaro đưa tin, hai cựu cộng sự, có lẽ đã nộp tiền bảo lãnh từ 5 đến 10 triệu đô, nên được tại ngoại. Cả hai có nguy cơ lĩnh án đến 20 năm tù chỉ riêng tội danh trốn thuế. Dĩ nhiên là cả hai cùng khẳng định vô tội.

Về phần mình, những người thân cận của ông Donald Trump tỏ ra « bình thản », theo Libération, sau khi luật sư của Nhà Trắng Ty Cobb khẳng định với New York Times là cả Manafort lẫn Micheal Flynn không có những thông tin bất lợi cho tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, trước khi Paul Manafort bị buộc tội, tổng thống Trump đã không ngần ngại bày tỏ phẫn nộ trên mạng Twitter, theo nhật báo Le Monde.

Sáng thứ Hai 30/10, ông viết : « Xin lỗi, nhưng chuyện này xảy ra cách đây vài năm, trước khi cả Paul Manafort tham gia vào nhóm vận động tranh cử của Trump. Tại sao lại không phải là bà gàn Hillary và phe Dân Chủ… Không hề có sự thông đồng nào hết ».

Tây Ban Nha : Catalunya nằm trong tay « người đàn bà quyền lực »


Ngày đầu tiên vùng Catalunya nằm dưới sự điều hành trực tiếp của Madrid tiếp tục là chủ đề bình luận của các nhật báo Pháp.

Le Monde trở lại cuộc tuần hành của phe phản đối Catalunya độc lập, với khoảng 300.000 tham gia theo cảnh sát Catalunya, 1 triệu người theo chính quyền Tây Ban Nha, để hy vọng cuộc bầu cử ngày 21/12 sẽ cho phép vùng Catalunya « lập lại cuộc sống chung ». Thủ lĩnh của phe ly khai, không xuất hiện trước công chúng từ Chủ Nhật 29/11 chỉ đưa ra lời kêu gọi « phản đối ôn hòa » quyết định áp dụng điều khoản 155 tước quyền tự trị của vùng Catalunya.

Vậy cựu chủ tịch vùng Catalunya ở đâu ? Le Figaro khẳng định : « Puigdemont đang nương náu tại Bỉ ». Ông bất ngờ xuất hiện ở Bruxelles hôm thứ Hai, cùng với 5 thành viên của chính phủ vùng Catalunya và xin tị nạn chính trị. Theo nhật báo El Periodico de Catalunya, ông đã đi xe hơi sang Marseille và từ đó đáp máy bay đến thủ đô của Bỉ. Nếu bị truy tố, ông có thể bị kết án đến 15 năm tù, song hiện tại ông vẫn có thể tự do đi lại ở Tây Ban Nha và châu Âu.

Trong khi đó, « cuộc sống tại Barcelona đã lấy lại nhịp điệu thường nhật từ thứ Hai » kể từ khi « Catalunya nằm dưới quyền của Madrid » như nhận định của Les Echos. Vẫn theo nhật báo kinh tế, thái độ cứng rắn của thủ tướng Tây Ban Nha, Mariano Rajoy, dường như được bù đắp. Các đảng ly khai đã quyết định tham gia cuộc bầu cử ngày 21/12.

Chính quyền Catalunya nằm trong tay nhân vật số hai của chính phủ, bà Soraya Saénz de Santamaria, nhân vật thân cận của thủ tướng Rajoy. Nhật báo La Croix phác họa chân dung của người phụ nữ quyền lực, 46 tuổi, « kín đáo nhưng hiệu quả » và sự nghiệp chính trị không chút sai sót.

Pháp : Bỏ rút thăm, hồ sơ đại học được xét theo « điều kiện mong muốn »

Cải cách đầu vào đại học là chủ đề thời sự Pháp được chú ý trên trang nhất của các nhật báo. Ngày 30/10/2017, thủ tướng Edouard Philippe và bộ trưởng Đại Học Frédérique Vidal, đã giới thiệu một số biện pháp sẽ được áp dụng ngay từ năm học 2018 sau nhiều bất cập xảy ra trong năm 2017.

Trả lời phỏng vấn của Le Monde, cả thủ tướng và bộ trưởng Đại Học không sử dụng từ « lựa chọn », mà chỉ nhắc đến hệ thống « điều kiện tiên quyết », giờ được gọi là « điều kiện mong muốn »; « Đối với mỗi bằng đại học, những điều kiện mong muốn sẽ được xác định ».

Trang nhất của Libération là hàng tựa : « Trò chơi may rủi vào đại học, thế là chấm hết ». « Đầu vào đại học được cải cách sâu sắc » là hàng tựa của La Croix. Năm 2017, các ngành đào tạo nhận được nhiều hồ sơ tuyển sinh nhất đã phải rút thăm ; Thí sinh hồi hộp chờ đợi như chơi sổ xố. Và kết quả là tỉ lệ sinh viên thất bại cũng tăng trong năm qua.

Cách lựa chọn này sẽ bị bãi bỏ từ mùa khai giảng 2018. Như vậy, mỗi trường đại học sẽ tự xử lý hồ sơ đăng ký của mỗi cá nhân. Câu trả lời của trường được dựa trên những « điều kiện mong muốn » để tránh cho các tân sinh viên chọn ngành học không phù hợp với khả năng.

Ngay từ năm nay, đi kèm với dự thảo này là một số biện pháp được áp dụng ngay tại trường cấp 3 để cải thiện định hướng cho học sinh cuối cấp. Chính phủ đã tháo khoán 500 triệu euro để thực hiện « cải cách sâu rộng » trong vòng 5 năm, có nghĩa là 100 triệu euro mỗi năm, vẫn chưa thỏa mãn yêu cầu 2 tỉ đô la mỗi năm của Hội Liên Hiệp Sinh Viên Pháp (Unef).

Châu Âu : Chủ nghĩa dân túy gia tăng

Cuộc khủng hoảng di dân liệu đảng đẩy châu Âu vào tình trạng chia rẽ ? Nhật báo Le Figaro nhận định « Làn sóng dân túy mới này đang làm chao đảo châu Âu », mà gần đây nhất làsự trỗi dậy của đảng AfD tại Đức, theo bài xã luận của Le Figaro.

Mang những giá trị châu Âu, nền dân chủ tự do đang phải hứng chịu các cuộc tấn công ngay trong lòng các nước thuộc khối Visegrad (CH Séc, Hungary, Ba Lan và Slovakia), được thành lập nhằm mục đích tạo điều kiện hòa nhập vào Liên Hiệp Châu Âu. Lo sợ về bùng nổ dân số đi kèm theo với lo lắng về bất ổn, tấn công khủng bố hay quyết tâm bài trừ xã hội đa văn hóa, đang tác động đến cách sống của người dân và làm trỗi dậy tinh thần dân túy.

Tại Áo, tân thủ tướng bảo thủ được bầu nhờ chiêu bài nỗi sợ di dân. Tuy nhiên, cội rễ của sự bất bình tại Áo, Đức, Pháp, Anh hay các nước Bắc Âu xảy ra trước khi cuộc khủng hoảng di dân diễn ra. Đó chính là sự thất vọng của tầng lớp trung lưu và bình dân sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Vì cố làm công chúng bớt chú ý, hoặc tìm cách giảm thiểu tình trạng, các đảng phái truyền thống lại tạo cảm giác họ bất lực. Bài xã luận của Le Figaro cho rằng, nếu muốn xóa bỏ sự chia rẽ này, đã đến lúc châu Âu phải thức tỉnh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét