Thứ Ba, 31 tháng 10, 2017

Người Mỹ đã ‘ác quỷ hóa’ nước Nga như thế nào?

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng


Biên tập: Lê Hồng Hiệp



 
  Hình: George Kennan trong trang phục người Cossack Gruzia cuối thể kỷ 19. Nguồn: NYT.



George Kennan luôn biết cách khiến cử tọa phấn khích. Đầu tiên, các khán giả của ông hoài nghi về việc liệu người Nga có thực sự muốn cải cách dựa vào mô hình của Mỹ hay không. Sau đó, ông nói với họ về các tù nhân chính trị Nga, những người đã dành nhiều tuần lễ trước ngày 04/07 (Quốc khánh Mỹ) để tìm kiếm những mảnh vải màu đỏ, trắng và xanh lam. Khi ngày lễ đến, họ chào những người quản ngục bằng cách vẫy một biển khổng lồ những lá cờ “Sao và Sọc” (Quốc kỳ Mỹ) được khâu tay qua chấn song sắt.

Nghe tựa như một câu chuyện tuyên truyền Chiến tranh Lạnh hoàn hảo. Nhưng ngày 04/07 mà Kennan đề cập đến không thuộc về những năm 1950 – mà là vào năm 1876. Và George Kennan kể câu chuyện này cũng không phải là nhà ngoại giao nổi tiếng thời Chiến tranh Lạnh, mà là một người họ hàng xa trùng tên với ông, một nhà báo đã dành thời gian sinh sống ở Nga trước khi đi thuyết giảng vào thập niên 1880.

Câu chuyện của người Mỹ rằng Chiến tranh Lạnh là một trận chiến vì số phận của nhân loại là một câu chuyện thật quen thuộc. Kể từ khi Học thuyết Truman ra đời vào năm 1947 cho đến khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, người Mỹ luôn miêu tả Liên Xô không đơn thuần chỉ là một đối thủ địa chính trị, mà còn là một kẻ thù tinh thần. Các nhà báo và các nhà hoạch định chính sách đã quay đi quay lại giữa việc “quỷ dữ hóa” đất nước này và việc theo đuổi những ảo vọng mang tính “cứu thế” rằng sẽ xây dựng lại Liên Xô theo hình ảnh của nước Mỹ. Nhưng điều đáng ngạc nhiên là phương cách tiếp cận “truyền giáo hoá” của Mỹ đối với Liên Xô đã tiến xa đến đâu – và làm thế nào nó tiếp tục bóp méo suy nghĩ của chúng ta ngày nay.

Trong cuốn sách của mình, The American Mission and the ‘Evil Empire’ (tạm dịch: Sứ mệnh Mỹ và ‘Đế chế Ác quỷ’), nhà sử học David Foglesong đã mô tả chi tiết cách mà các nhà tư tưởng hàng đầu nước Mỹ đã đưa Nga vào vai “phản diện” đối đầu với Mỹ trong hơn một thế kỷ như thế nào. Cuốn sách này giờ đây càng trở nên cần thiết; nó giúp người Mỹ hiểu chúng ta đã xem Nga, hoặc như một quốc gia hăng hái mong muốn trở thành một nước Mỹ thứ hai, hoặc một con quái vật suy đồi mà tội lỗi của nó khiến người Mỹ nguôi ngoai khi nhớ tới tội lỗi của chính mình.

Mẫu hình này bắt đầu trong những thập niên cuối của thế kỷ 19, khi mà Mỹ đang phải đối mặt với một sự suy giảm đức tin tôn giáo, cùng một làn sóng khủng bố chủng tộc chống lại người Mỹ gốc Phi và những điều kiện làm việc tàn bạo đối với công nhân công nghiệp. Với bầu không khí khủng hoảng trong nước, nhiều người Mỹ nhận thấy chủ nghĩa lý tưởng của họ đã được làm mới nhờ chiến dịch của George Kennan nhằm giải phóng người Nga khỏi chế độ độc tài.

Kennan đã sáng tác và thuyết giảng say mê để thay đổi nhận thức của người Mỹ về nước Nga Sa hoàng, từ hiền lành sang man rợ. Thời ấy, Nga đã từng được miêu tả như là một “người bạn xa xôi” của Mỹ, một cường quốc đã giúp ngăn chặn sự ủng hộ của Pháp và Anh đối với phe Hợp bang miền Nam (Confederacy) bằng cách gửi các tàu của họ tới các cảng của Mỹ trong thời kỳ Nội chiến. Nhưng bản báo cáo của Kennan về “địa ngục tột cùng của đau khổ” (perfect hell of misery) của các tù nhân chính trị Nga – một phần được thêu dệt thêm – đã làm đảo chiều suy nghĩ ấy. Kennan được thúc đẩy bởi tiếp xúc của ông với những người Nga bị lưu đày ở Siberia, những người đã kích thích tâm trí ông. Đến lượt mình, ông đã giúp những người chống chế độ nô lệ Mỹ tìm ra mục đích mới trong cuộc thập tự chinh chống chính phủ Sa hoàng.

Chiến dịch của Kennan diễn ra trùng hợp với nhận thức ngày càng gia tăng rằng nước Nga là một vùng đất hứa cho các nhà truyền giáo Tin Lành và các nhà sản xuất Mỹ. Cả hai nhóm đều hoan nghênh thông điệp rằng người Nga muốn đổi chế độ chuyên quyền Sa hoàng để lấy tự do của Mỹ. Giai thoại những lá cờ vào ngày 04/07 đã khiến cho các cử tọa của Kennan thích thú – nhưng nó lại dựa trên sự tưởng tượng. Những nhà cách mạng chống Sa hoàng ở Nga phần lớn đều hoài nghi về mô hình của Mỹ và nhìn thấy nhiều hứa hẹn hơn ở chủ nghĩa xã hội.

Tuy nhiên, cái mà một tờ báo Mỹ thời đó gọi là “phúc âm theo Kennan” (the gospel according to Kennan) nhanh chóng trở thành một suy nghĩ phổ biến: Nga là một vùng đất hoang dã đã sẵn sàng để được xây dựng lại bằng lý tưởng, đức tin và sản phẩm của Mỹ.

Một minh họa của tạp chí Life về cuộc Cách mạng Tháng Hai năm 1917 đã mô tả một cách hoàn hảo viễn cảnh này. Tượng Nữ thần Tự do đứng trên lưng gấu, chiếu rọi ánh sáng tự do trên những nông dân Nga đang có vẻ mặt kinh hoàng. Tấm bảng trên tay Nữ thần có ghi hai năm: 1776 và 1917. Người Mỹ chào mừng Cách mạng Tháng Hai như một sự mở rộng cuộc cách mạng của họ. Trong bài phát biểu tại Quốc Hội vào tháng 04/1917, Tổng thống Woodrow Wilson hoan nghênh “uy quyền chân thật” của “nhân dân Nga vĩ đại, hào phóng,” những người “luôn dân chủ trong tim mình.”

Sự trỗi dậy của phe Bolshevik đã làm cho quan điểm của Mỹ bị thay đổi, chuyển từ những ảo vọng phi lý sang những lời cáo buộc “ác quỷ hóa” đầy cay đắng. Năm 1919, George A. Simons, một nhà truyền giáo Methodist (một nhánh của Tin Lành), đã trở về từ Petrograd để cảnh báo Thượng viện về chế độ “độc ác,” “quỷ dữ,” “ác thần” và “chống lại Thiên Chúa Giáo” (Antichrist), đứng đầu bởi nhóm làm loạn gốc Do Thái với mối liên hệ đáng ngại với những người Do Thái cực đoan sống ở New York.

Con lắc thời gian quay ngược lại vào những năm 1920, khi những người Bolshevik mở cửa cho những người cứu trợ nạn đói đến từ Mỹ và các nhà truyền giáo Tin Lành. Giám đốc Cơ quan Quản lý Cứu trợ Hoa Kỳ (American Relief Administration), một cơ quan chuyên cứu trợ lương thực do Quốc Hội tài trợ, tuyên bố rằng người Nga xem tổ chức của ông là “phép lạ của Đức Chúa đã đến với họ trong thời kỳ đen tối nhất, dưới những lá cờ sao và sọc.” Các nhà truyền giáo người Mỹ, nhóm mà Bolshevik cho là hữu ích trong việc phá hoại Giáo hội Chính thống giáo Nga, thì tuyên bố rằng nước Nga là “cơ hội truyền giáo vĩ đại nhất trong thời đại chúng ta,” nơi mà “hàng triệu người da trắng đang chờ đợi thông điệp của cuộc sống.”

Nhưng khi chế độ Liên Xô trục xuất các nhà truyền giáo nước ngoài vào thập niên 1930, các nhà truyền giáo người Mỹ đã gọi Nga là “vùng đất Magog” của quỷ Satan, được tiên báo trong Sách Ngôn sứ Ezekiel (Chương 38-39) – vùng đất sẽ chiến đấu với Israel vào ngày tận thế. Cách mô tả Nga như là “ác quỷ” xuất hiện ngày một nhiều cùng với ảnh hưởng của các nhà truyền giáo trong đời sống chính trị Mỹ vào thời Chiến tranh Lạnh.

Đối đầu hạt nhân xảy ra sau Thế chiến II đã làm Mỹ tiêu tan hi vọng về việc “giải phóng” Nga trong tương lai gần. Nhưng sự hoảng loạn về mặt đạo đức vẫn tiếp diễn mà không suy giảm, và lại tìm ra các mục tiêu ở trong nước. Những “thợ săn phù thủy” chống Cộng của những năm 1950 đã minh chứng cho điều mà nhà sử học Richard Hofstadter gọi là “phong cách hoang tưởng trong chính trị Mỹ” (the paranoid style in American politics). Những người Mỹ theo chủ nghĩa bảo thủ phản ứng bằng sự giận dữ đặc biệt khi những lời chỉ trích Mỹ của Liên Xô cũng giống với lời lẽ của nhóm cánh tả tại Mỹ, dù là về vấn đề phân chia chủng tộc hoặc việc tiến hành chiến tranh ở Việt Nam. Tờ báo bảo thủ Chicago Tribune khẳng định trong một bài xã luận năm 1968, Liberty Prostrate (tạm dịch: Tự do Suy nhược), rằng “sự suy đồi đạo đức quốc tế chính là độc quyền của Cộng sản”.

Điểm nổi bật của những luận điệu luân lý xuất hiện trong cuộc họp năm 1983 của Hiệp hội Các Nhà Truyền giáo Quốc gia (National Association of Evangelicals), nơi Tổng thống Ronald Reagan gọi Liên Xô là “trọng tâm của cái ác trong thế giới hiện đại”. Reagan đã sử dụng bóng ma của “nhân vật phản diện” để biến chính sách leo thang hạt nhân của mình thành một mệnh lệnh đạo đức.

Chắc chắn, sự sụp đổ của “Đế chế Ác quỷ” đã mang lại những lời tuyên bố về chiến thắng vĩ đại – và cùng với đó, là những chính sách tệ hại. Những người tân bảo thủ tuyên bố trật tự kinh tế và chính trị Mỹ là điểm tận cùng của lịch sử nhân loại. Tư duy đắc thắng này, vốn dẫn đến các chính sách của Mỹ đối với nước Nga vào thập niên 1990, đã mở đường cho sự quay lại của chế độ chuyên chế: “liệu pháp sốc” kinh tế khiến hàng chục triệu người Liên Xô rơi vào cảnh nghèo khổ, việc ủng hộ các kế hoạch tư nhân hóa đầy tham nhũng và việc kết nạp các nước thuộc Liên Xô cũ vào NATO. George F. Kennan, nhà ngoại giao thế kỷ 20 và nhà hoạch định chính sách đối ngoại “khôn ngoan,” là một trong nhiều người cảnh báo rằng sự mở rộng NATO là “một sai lầm thảm khốc” gây ra “một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.”

Ngày nay, các nhà bình luận Mỹ một lần nữa bị mắc kẹt trong diễn ngôn về thiên thần và ác quỷ, với việc Tổng thống Vladimir V. Putin bị biến thành con Quỷ Mephistopheles mới nhất của chúng ta. Các nỗ lực diễn giải thuyết âm mưu về mối liên hệ giữa chiến dịch tranh cử của Trump và tình báo của Nga – đến nay vẫn không có bằng chứng nào xác thực  – đã đạt đến một đỉnh điểm mà ngay cả những người chỉ trích Putin như nhà báo Masha Gessen và cựu đại sứ Mỹ tại Nga, Michael McFaul, cũng phải kêu gọi những cái đầu lạnh hơn.

Nga đã tạo ra những thách thức rõ ràng đối với lợi ích và lý tưởng của Mỹ. Nhưng những thách thức này đòi hỏi phải phân tích thấu đáo và những góc nhìn mới – chứ không phải là những tưởng tượng dài hàng thiên niên kỷ về một cuộc chiến cho số phận “tâm linh” của nhân loại.

Người Mỹ cũng nên nhớ rằng “sức nóng” trong cuộc thảo luận về Nga của chúng ta luôn phản ánh những lo lắng về “sức khoẻ” của nền dân chủ của chính chúng ta. Những thách thức sâu sắc nhất mà người Mỹ đối mặt không phải là từ Kremlin, mà chúng đến từ chủ nghĩa độc đoán sinh sôi trong nước, sự bất bình đẳng ăn sâu tận gốc rễ, việc các tập đoàn lớn nắm giữ nền chính trị và sự sụp đổ của khế ước xã hội thế kỷ 20. Cách chúng ta giải quyết những vấn đề này chủ yếu sẽ quyết định tương lai của nước Mỹ – và vai trò của nước Mỹ ở nước ngoài – hơn là quyết định tất cả các biểu tượng chống Nga trên thế giới.

*

Stephen Boykewich là một nhà biên kịch và nhà báo sinh sống tại Moskva từ năm 2004 đến năm 2007.

 Nguồn: Stephen Boykewich, “Angels and Demons in the Cold War and Today”, The New York Times, 13/03/2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét