Hình ảnh đồng Bitcoin và đồng đô
la Mỹ được chiếu trên màn hình khi các đại biểu lắng nghe các diễn giả tại Hội
nghị Interpol Quốc tế tổ chức ở Singapore hôm 4/7/2017. AFP
Tuần qua tại Việt Nam, ngoài chuyện
tuần lễ cấp cao APEC sắp diễn ra tại thành phố biển Đà Nẵng được nhiều giới
quan tâm, chuyện đồng Bitcoin bị cấm lưu hành tại Việt Nam và lời đồn thổi sắp
có đổi tiền tại Việt Nam cũng là một trong các thông tin gây sóng dư luận. Như
vậy, vấn đề cần đặt ra ở đây là tại sao Việt Nam không cho dùng đồng Bitcoin?
Và khả năng đổi tiền có thật hay không?
Ở vấn đề thứ nhất, vì sao Bitcoin
không được dùng tại Việt Nam? Điều này không khó hiểu, bởi chỉ trong vòng chưa
đầy mười lăm năm, kể từ khi đồng đô la Mỹ xuất hiện trên thị trường Việt Nam một
cách rộng rãi thì tuy bản thân đồng đô la không hề có cuộc cạnh tranh nào với đồng
Hồ Chí Minh nhưng đồng Hồ Chí Minh ngày càng rớt giá và khả năng tích lũy bằng
đồng Hồ Chí Minh nhét ống tre, cất trong tủ, ký gởi ngân hàng đều bị thay thế bằng
việc tích lũy vàng và đô la. Điều này nhanh chóng đẩy chính phủ xuống chỗ không
còn uy tín trong nhân dân.
Cũng xin nhấn mạnh là ở đây, đồng
đô la Mỹ phát triển một cách bình thường trong rổ tiền tệ quốc tế, thậm chí có
phần tuột dốc trong giai đoạn 2009 – 2010 khi nền kinh tế Mỹ bị khủng hoảng.
Nhưng tại Việt Nam, nó vẫn đủ khả năng “dìm hàng” đồng Hồ Chí Minh. Vì sao?
Vì bản thân đồng Hồ Chí Minh (còn
gọi là Việt Nam đồng) là một đồng tiền độc tài. Sự độc tài của nó nằm ở sự liên
tục rớt giá một cách có chủ ý. Và mỗi lần đồng Hồ Chí Minh rớt giá là một lần đảng
và chính phủ CSVN tự xóa bỏ một đống nợ đối với nhân dân. Ví dụ, những năm đầu
sau 30 tháng 4 năm 1975, đồng tiền Việt Nam Cộng Hòa là đồng tiền có định giá
quốc tế, chính quyền Cộng sản Việt Nam đã cho đổi với tỉ lệ 1 đồng Hồ Chí Minh
lúc đó lấy 500 đồng Việt Nam Cộng Hòa. Nghĩa là một đồng Hồ Chí Minh tương
đương 1 đô la Mỹ. Với số lượng tiền thu về, khi mà ngân hàng Việt Nam Cộng Hòa
vẫn còn hữu dụng ở một số quốc gia, nhà nước Cộng sản có thể thương lượng, đổi
chác, mang về một số tư bản không hề nhỏ.
Và để có một đồng Hồ Chí Minh,
người ta mất ít nhất một chỉ vàng. Nhưng đến năm 1985, thêm một lần đổi tiền mới,
tỉ lệ 10 đồng cũ ăn 1 đồng mới. Sau khi đổi tiền, nếu hoán đổi ra vàng, trước
đây người ta bán 1 lượng vàng để có chừng 10 đồng, sau vài năm, 10 đồng mua chưa
được một chỉ vàng. Cứ như vậy, đến thời điểm hiện tại, tờ bạc mệnh giá lớn nhất
là 500,000 đồng chưa mua được 1/6 chỉ vàng. Giả sử lúc mới đổi tiền, người ta
bán hàng chục lượng vàng để gởi tiết kiệm, mua công trái, trái phiếu chính phủ,
thì hiện tại, số tiền cả lãi lẫn gốc của công trái, trái phiếu cũng chừng
500,000 đồng và mua chưa được 1/6 chỉ vàng. Cũng xin nói thêm, điểm cuối mà
vàng trong nhân dân phải về chính là cái nơi phát hành tờ giấy bạc, không ai
khác ngoài kho bạc nhà nước và ngân hàng nhà nước.
Chỉ bằng một động tác đơn giản,
thả rông đồng tiền trượt giá, chính phủ và đảng Cộng sản Việt Nam đã quỵt được
hàng khối nợ với nhân dân. Bởi bản chất của tiền tệ là nhà nước nợ nhân dân,
nhà nước in ra một tờ giấy nợ gọi là tiền và áp đặt người dân phải dùng tờ giấy
nợ đó để trao đổi, giao thương. Để có tờ giấy nợ đó, người dân phải bỏ ra tài sản
từ vàng bạc đến heo gà, trâu bò… và cả sức lao động. Nhưng muốn xóa nợ, nhà nước
chỉ cần thu hẹp giá trị của nó lại là xong. Chính vì bản chất quỵt nợ của dân
mà ngân hàng và kho bạc nhà nước rất sợ những đồng tiền mang giá trị phổ quát.
Đồng Bitcoin là một ví dụ.
Bởi một khi các trường học, xí
nghiệp, công sở chấp nhận dùng đồng Bitcoin để thanh toán, điều đó cũng đồng
nghĩa với các luồng thanh khoản tự linh động và nới rộng biên độ, thanh khoản
Việt Nam sẽ bước vào sân chơi lớn của thanh khoản quốc tế, ngân hàng nhà nước
và kho bạc nhà nước không còn giữ được vai trò độc quyền quản lý (mà có muốn quản
lý cũng không được nữa), trở thành cơ quan đổi tiền lẻ để mua bán trên thị thị
trường nhỏ lẻ. Ví dụ như người ta đổi từ Bitcoin hay USD ra tiền Việt để mua cá
ngoài chợ, mua con vịt, con gà ở quê. Hệ quả của việc này là nhà nước, đảng Cộng
sản Việt Nam sẽ đánh mất quyền lực độc tài. Bởi một khi không làm chủ, khộng kiểm
soát và điều tiết được dòng chảy tiền tệ thì chắc chắn sẽ rất khó để nắm vững
quyền lực chính trị.
Nhìn thì đơn giản như vậy nhưng
thực tế, đồng Bitcoin và đồng USD đang lấy dần quyền lực độc tài của đảng Cộng
sản. Chính vì thấy được điều này nên nhà nước Cộng sản Việt Nam buộc phải cấm cửa
tuyệt đối đồng Bitcoin như họ từng cấm tư nhân mua bán, trao đổi đồng USD cách
đây vài năm. Nhưng có một sai lầm mà đảng Cộng sản, chính phủ Cộng sản mắc phải,
đó là thay vì đổi mới bản thân, đổi mới cơ chế để đuổi kịp dòng chảy thời đại
thì người ta lại đắp đập, ngăn dòng chảy thời đại để nó ngưng tụ trong cái ao
cơ chế của họ. Liệu họ đắp đập, ngăn dòng chảy này được bao lâu? Và khi đập bị
vỡ thì họ sẽ ứng xử như thế nào? Thật khó để đoán định được hậu quả của hành vi
này!
Và cuộc chơi này, rất có thể đảng
và chính phủ Cộng sản sẽ thua nếu họ tiếp tục chọn cách chơi đắp đập, ngăn chặn
trong khi còn nhiều cách chơi khác vừa có lợi cho đảng, chính phủ Cộng sản lại
vừa có lợi, tạo lực đẩy cho dân tộc. Chặn đồng Bitcoin là một lựa chọn sai lầm
mà Thống đốc ngân hàng Việt Nam cùng với bộ sậu của ông ta đã quyết định bởi
không nghĩ ra được cách gì hay hơn. Và giả sử tiếp tục chọn đổi tiền, thì không
ai khác, chính đội ngũ các chuyên gia của chính quyền Cộng sản đã phản phé, đã
đánh úp chủ nhân của họ. Nhưng mọi việc cũng còn quá sớm để đoán định bất kỳ
chuyện gì.
Nhưng có một thực tế mà đảng Cộng
sản Việt Nam đang mắc phải, đó là quá trình phát triển đất nước, phát triển sức
mạnh của đảng lại gắn liền với quá trình trương nở những kẻ ăn hại. Thường thì
những kẻ ăn hại bao giờ cũng tỏ ra năng nỗ, nhiệt tình, trung thành, vì cái
chung… Họ tìm cách thể hiện mọi cái tốt để chờ thời cơ. Khi thời cơ đến, họ sẵn
sàng đánh úp và trở cờ, miễn sao có lợi nhất cho họ. Và những biểu hiện đấu tố,
hung hăng của các đội cờ đỏ, dư luận viên trong lúc nhà nước ra sức kêu gọi hòa
giải hòa hợp dân tộc hoặc những chuyên gia cổ xúy độc quyền, độc tài tiền tệ
trong lúc nhà nước, chính phủ đang cố gắng bước vào sân chơi thương mại khu vực
và quốc tế… Đó không phải là lũ ăn hại của đảng, của chính phủ thì chẳng biết gọi
chúng là gì?!
Rất tiếc là đám ăn hại này lại
đang lớn mạnh đến mức có thể tấn công vào hệ thống chính trị Cộng sản Việt Nam
bằng những mũi dùi kinh tế chính trị có bọc kẹo đường “bảo vệ đảng, bảo vệ chế
độ”. Và những viên kẹo cũng đang ngấm dần vào cơ thể đảng, nhà nước Cộng sản.
Điều này hoàn toàn bất lợi cho quốc gia, dân tộc. Bởi một khi chúng đủ lớn mạnh
và lật đổ chế độ, sẽ có một loại độc tài mới, gian manh và độc ác gấp nhiều lần
những gì đang nhìn thấy, đang có.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét