Sự kiện trạm thu phí BOT dự án đường
tránh thị xã Cai Lậy buộc phải tạm dừng hoạt động từ ngày 15/8 là một chuyện hy
hữu từ trước tới nay ở Việt Nam, khiến dư luận xôn xao bàn tán. Giới truyền
thông trong nước thậm chí còn đặt cho nó một cái tên đầy ấn tượng: “Cai Lậy thất
thủ!”
Mặc dù không phải là dự án BOT
giao thông đầu tiên bị công chúng phản đối gay gắt (trước đó là dự án BOT Bến
Thuỷ từ tháng 12/2016 đến tháng 4/2017), nhưng thắng lợi của giới tài xế đi qua
trạm BOT Cai Lậy đã thực sự châm ngòi cho làn sóng phản đối các dự án BOT giao
thông trên toàn quốc.
Sau sự kiện “Cai Lậy thất thủ”, dự
án BOT tuyến đường tránh thành phố Biên Hoà trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý
của dư luận. Trong 4 ngày liên tiếp, bắt đầu từ ngày 2/10, nhiều tài xế đã dùng
tiền lẻ mệnh giá 200-500VNĐ để mua vé qua trạm thu phí BOT Biên Hòa khiến giao
thông khu vực bị ùn ứ, tắc nghẽn nghiêm trọng, kéo dài trên 5km. Cuối cùng, đến
ngày 5/10, chủ đầu tư đã buộc phải cho trạm thu phí BOT Biên Hoà tạm ngừng hoạt
động.
BOT đang làm giàu cho người giàu
và khốn cùng hóa người nghèo?
BOT Biên Hoà được cộng đồng mạng
ví như một BOT Cai Lậy thứ hai. Quả vậy, không chỉ sự phản đối mạnh mẽ cộng với
chiến thuật thông minh và bền bỉ của giới tài xế cuối cùng đã dẫn đến sự kiện
“Biên Hoà thất thủ”, mà sai phạm của dự án BOT giao thông này cũng y chang dự
án BOT đường tránh Cai Lậy.
Dự án BOT Cai Lậy bao gồm hai hợp
phần là đầu tư xây dựng công trình quốc lộ 1A qua đoạn tránh thị xã Cai Lậy
(dài 12km) và tăng cường mặt đường đoạn Km 1987+560 - Km 2014+000 (dài 26km,
trong đó khoảng 1/3 tuyến đi qua TX Cai Lậy). Dự án BOT Biên Hoà cũng bao gồm
hai hợp phần: (i) đầu tư xây dựng tuyến đường tránh TP Biên Hoà từ Km 1851+714
QL1 đến Km 5+000 QL51 (dài 12km), và (ii) tăng cường mặt đường 10km quốc lộ 1A
đoạn từ Km1841+000 đến Km1851+714.
Cả hai dự án BOT giao thông ở Cai
Lậy và Biên Hoà đều lấy lý do là dự án có hợp phần tăng cường mặt đường quốc lộ
1A để thu phí tất cả các phương tiện lưu thông trên quốc lộ, thay vì lẽ ra chỉ
được thu phí các phương tiện đi vào tuyến đường tránh.
Tuy nhiên, các tài xế qua hai trạm
thu phí BOT này lại không chấp nhận sự áp đặt phi lý đó, vì hai lý do: (i) họ
không đi vào tuyến đường tránh (hoặc nếu đi vào thì mức phí cũng không cao như
hiện tại, bởi không tương xứng với chi phí mà chủ đầu tư đã bỏ ra để xây dựng
nó), và (ii) họ đã đều đặn nộp phí bảo trì đường bộ hàng năm nên không thể bắt
họ phải trả thêm phí cho cái gọi là “tăng cường mặt đường” kia được. Yêu cầu của
giới tài xế là chủ đầu tư phải di dời các trạm thu phí BOT này đến tuyến đường
tránh, chứ không được đặt trên quốc lộ 1A.
Sai phạm ở BOT Cai Lậy và BOT
Biên Hoà không phải là cá biệt. Ngược lại, đây là thủ đoạn “trấn lột” dân công
khai và trắng trợn của nhóm lợi ích giao thông tại một loạt dự án BOT giao
thông trên cả nước.
Dưới đây là một vài “thành quả”
điển hình khác từ công cuộc “hợp tác” giữa đám tham quan nhũng lại và các tập
đoàn mafia kinh tế.
Dự án BOT đường tránh TP Phủ Lý,
gồm 2 hợp phần: phần tuyến tránh TP Phủ Lý (điểm đầu tại Km216+874, QL1; điểm
cuối tại Km235+885, QL1) và phần “tăng cường mặt đường” (điểm đầu tại
Km215+775, QL1; điểm cuối tại Km235+885, QL1). Với lý do là dự án có hợp phần
tăng cường mặt đường quốc lộ 1A, chủ đầu tư đã đặt trạm thu phí BOT dự án ngay
trên quốc lộ 1 (trạm thu phí Nam Cầu Giẽ, km216+600 quốc lộ 1A), bất kể phương
tiện lưu thông bị thu phí có đi vào đường tránh TP Phủ Lý hay không. Dự án khởi
công ngày 12/10/2014 và bắt đầu thu phí từ ngày 24/11/2016.
Dự án BOT đường tránh TP Sóc
Trăng, tổng chiều dài 16,22 km, gồm 2 hợp phần, trong đó hợp phần xây dựng tuyến
tránh dài 7,68km và hợp phần cải tạo, mở rộng quốc lộ 1A dài 8,54 km. Dự án khởi
công ngày 7/2/2015 và bắt đầu thu phí từ ngày 1/6/2017 trong 18 năm 9 tháng. Vị
trí đặt trạm thu phí tại đặt tại số 78 quốc lộ 1A, ấp An Trạch, xã An Hiệp, huyện
Châu Thành.
Dự án BOT đường tránh TP Hà Tĩnh,
mặc dù khởi công ngày 19/1/2015 và hoàn thành ngày 4/12/2015, nhưng chủ đầu tư
là Tổng Cty Sông Đà đã thu phí từ ngày… 1/1/2009, còn địa điểm đặt trạm thu phí
thì cách dự án đến 30km, dĩ nhiên là trên quốc lộ 1A (trạm thu phí Cầu Rác).
Theo tạp chí Nhà Đầu Tư, dự án
BOT tuyến tránh TP Biên Hoà được đánh giá là “con gà đẻ trứng vàng” của chủ đầu
tư. Năm 2016, Cường Thuận IDICO đạt doanh thu thu phí 293 tỷ VNĐ; trừ đi chi
phí hoạt động (103 tỷ VNĐ), doanh nghiệp này ghi nhận lợi nhuận ròng 190 tỷ VNĐ
từ trạm BOT tuyến tránh TP Biên Hoà, tăng 31% so với năm 2015. Tổng cộng, kể từ
khi đi vào vận hành giữa năm 2014 cho đến cuối tháng 6/2017, trạm BOT tuyến
tránh TP Biên Hoà đã mang về cho Cường Thuận IDICO 730 tỷ VNĐ doanh thu và gần
500 tỷ VNĐ lãi ròng. (Theo “thông lệ Việt Nam”, con số thực tế nằm ngoài sổ
sách chắc chắn không chỉ dừng ở mức “khiêm tốn” như thế.)
Khi dự án BOT tuyến tránh Biên
Hoà tạm ngưng thu phí, một bài báo trên trang Zing News đã chạy hàng tít “Cuộc
sống bình yên đến lạ khi BOT tuyến tránh Biên Hòa xả trạm”.
Đúng vậy, không chỉ cư dân thành
phố Biên Hoà và vùng phụ cận, mà hàng triệu người dân xung quanh vô số trạm thu
phí BOT giao thông trên khắp cả nước vẫn đang từng ngày từng giờ bị đám đạo tặc
đội lốt “đầy tớ nhân dân” và “doanh nhân” ngang nhiên tước đoạt cả tiền bạc lẫn
cuộc sống bình yên của họ.
Họ đã nghèo, mà nào đâu có được
bình yên!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét