Trạm thu phí BOT Biên Hòa, Đồng
Nai. Photo: RFA
Chính quyền địa phương “bảo kê”?
Vấn đề trạm thu phí BOT tiếp tục
gây bất bình trong dư luận và vị tân Bộ trưởng Giao thông-Vận tải có thể giải
quyết tình trạng bất cập trong lĩnh vực trạm thu phí BOT hay không?
Trạm BOT Biên Hòa bắt đầu thu phí
trở lại vào ngày 26 tháng 10 với lực lượng công an và cảnh sát cơ động dày đặc,
làm dấy lên sự phẫn nộ không chỉ của những người lưu hành qua trạm BOT Biên Hòa
mà dư luận cho rằng chính quyền địa phương “bảo kê” cho việc làm sai trái của
trạm thu phí này.
Một người dân đi qua trạm BOT
Biên Hòa vào sáng ngày 26 tháng 10 cho biết:
“Có xe tất cả ban ngành đầy đủ.
Có xe thông tin. Xe chữa cháy cũng rất nhiều. Xe cứu hộ có 4-5 chiếc luôn. Có cả
bác sĩ và thanh tra giao thông. Có xe cẩu loại đặc biệt nữa. Bốn bên đều có nhiều
xe công an và họ đã bảo vệ cho trạm BOT này một cách tối đa.”
Báo giới trong nước cũng đồng loạt
đưa tin an ninh được thắt chặt tại trạm BOT Biên Hòa với sự hiện diện đông đảo
của cảnh sát cơ động, cảnh sát giao thông và cảnh sát phòng cháy chữa cháy tỉnh
Đồng Nai vào ngày đầu tiên thu phí trở lại, sau 20 ngày tạm ngừng hoạt động do
tài xế phản đối mức giá và vị trí đặt trạm; đồng thời trạm BOT Biên Hòa cũng bố
trí điểm riêng để thu tiền lẻ. Theo truyền thông của Nhà nước thì tình hình
giao thông tại khu vực trạm BOT Biên Hòa ngày đầu tiên thu phí trở lại được ghi
nhận diễn ra bình thường, không tài xế nào trả tiền lẻ trong buổi sáng.
Thế nhưng, trên trang fanpage của
các tờ báo mạng như VnExpress.net hay Báo Người Lao Động Online và cộng đồng mạng
xã hội lại dậy sóng vì sự phẫn nộ đối với chính quyền tỉnh Đồng Nai chọn lựa giải
pháp dùng công an để bảo vệ việc làm sai trái của trạm BOT Biên Hòa, mà không
giải quyết những bất cập qua phản ánh của giới tài xế liên quan mức phí cao và
trạm đặt không đúng vị trí.
Trước những thông tin truyền
thông trong nước loan tải về Thượng tá Võ Đình Thường, Phó trưởng phòng Cảnh
sát giao thông, thuộc Công an tỉnh Đồng Nai gả con gái cho thân nhân của lãnh đạo
Công ty Cường Thuận IDICO, là chủ đầu tư trạm BOT Biên Hòa và ông Thượng tá Võ
Đình Thường ký giấy mời một số tài xế trả liền lẻ qua trạm BOT Biên Hòa làm việc
do có hành vi gây cản trở giao thông, tạo nên sự cố quốc lộ bị tê liệt, cũng
như lãnh đạo tỉnh Đồng Nai dọa khởi tố tài xế dùng tiền lẻ và lực lượng cảnh
sát giao thông-cơ động xuất hiện trong ngày đầu tiên trạm BOT Biên Hòa thu phí
trở lại khiến cho nhiều người cho rằng có sự móc ngoặc của nhóm lợi ích với
chính quyền địa phương.
Qua các nghi vấn như thế, Đài RFA
liên lạc với Công ty Cường Thuận IDICO vào sáng ngày 27 tháng 10 để tìm hiểu
công ty này sắp tới sẽ giải quyết như thế nào liên quan hoạt động minh bạch của
trạm BOT Biên Hòa, chúng tôi được cho biết người chịu trách nhiệm quản lý trạm
BOT Biên Hòa không có mặt tại công ty:
“Bây giờ hiện tại anh đó đã đi họp,
không có trong công ty.”
Chúng tôi cũng liên lạc với một
vài tài xế đi qua tuyến đường có trạm BOT Biên Hòa và họ nói rằng sẽ tiếp tục
trả tiền lẻ dù lực lượng cảnh sát hiện diện ở đó. Các tài xế chúng tôi tiếp xúc
khẳng định việc làm này là thể hiện quyền của một công dân để phản đối những
sai trái mà họ mong muốn chính quyền cần phải nhanh chóng giải quyết dứt điểm,
chứ họ không gây rối trật tự. Một tài xế nói với RFA:
“Bên Công an Đồng Nai muốn làm gì
thì người ta làm. Riêng các xe thuộc doanh nghiệp của tôi vẫn đi qua đưa tiền lẻ
vì trong xe không có tiền chẵn để trả. Tôi nói với công an rằng ‘Tôi đi con đường
này thì tôi trả tiền. Tiền lẻ tôi trả nếu anh thu được thì thu, còn anh dời xe
của tôi qua chỗ khác để thu thì tôi làm theo yêu cầu của các anh thôi, chứ tôi
không gây ùn tắc giao thông gì hết’. Mấy người đó muốn sao thì chúng tôi làm
theo vậy.”
Giải quyết bất cập BOT vì lợi ích chung?
Người dân biểu tình phản đối tại trạm thu phí Bến Thủy. Courtesy:
Screen capture
Tình trạng người dân mang
băng-rôn, kéo xe hàng ngang và dùng tiền lẻ trả phí để phản đối trạm BOT đặt
sai địa điểm hay giá cao từng diễn ra khắp nơi, từ Bắc đến Nam; có thể kể đến
các trạm BOT như Cầu Rác-Hà Tĩnh, Tam Nông-Phú Thọ, Quán Hàu-Quảng Bình, Bờ Đậu-Thái
Nguyên, Bến Thủy-Nghệ An, Cai Lậy-Tiền Giang, Biên Hòa-Đồng Nai…
Cách thức giải quyết của chính
quyền địa phương lên tới cấp trung ương là đùn đẩy trách nhiệm lẫn nhau, mà
công luận gọi là “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Chính Thứ trưởng Bộ Kế Hoạch-Đầu
Tư Đặng Huy Đông lên tiếng rằng “Các dự án giao thông BOT là nơi có nhiều rủi
ro tham nhũng nhất”.
Đài Á Châu Tự Do ghi nhận trong
cùng ngày trạm BOT Biên Hòa thu phí trở lại vào ngày 26 tháng 10, Quốc Hội Việt
Nam phê chuẩn ông Nguyễn Văn Thể, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng giữ chức Bộ trưởng
Giao Thông-Vận Tải. Vị tân Bộ trưởng Bộ Giao Thông-Vận Tải cho biết một trong
những nhiệm vụ hàng đầu mà ông phải tập trung là giải quyết tồn tại của các dự
án BOT, chú trọng vào lợi ích chung và không tư túi cũng như không vì lợi ích
nhóm.
Mặc dù ông tân Bộ trưởng Bộ Giao
Thông-Vận Tải tuyên bố khẳng khái như vừa nêu, nhưng giới quan sát tình hình Việt
Nam tỏ ra không lấy làm lạc quan rằng ông tân Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể sẽ giải
quyết được vấn đề bất cập của BOT tại Việt Nam. Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nêu lên
quan điểm của ông với RFA:
“Tân Bộ trưởng Giao thông nào
cũng nói chuyện này và nói mãi nói suốt rồi. Nhưng cuối cùng các trạm BOT vẫn đẻ
ra. Ví dụ như thời Đinh La Thăng cũng nói về chuyện này. Thời Trương Quang
Nghĩa cũng vậy. Tuy nhiên, cứ mỗi lần mỗi người nói xong thì có thêm cả chục trạm
BOT mọc lên nữa. Cho nên, tôi không tin vào chuyện ông tân Bộ trưởng Giao thông
bây giờ hứa hẹn này kia mà có thể tạo ra được gì đó mới mẻ, thậm chí là ông
chưa chắc đủ sức để có thể dẹp đi 1 đến 2 trạm BOT.”
Ông tân Bộ trưởng Bộ Giao Thông-Vận
Tải nhìn nhận rõ ràng các dự án BOT đã tạo nên một diện mạo mới cho cả nước,
song vẫn còn nhiều hạn chế. Trong khi đó, dân chúng khắp nơi phản đối quyền lợi
của họ bị xâm phạm vì các trạm BOT này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét