Nhà nghiên cứu đặt
câu hỏi về điều gì đã xảy ra với phán quyết của Tòa trọng tài Thường trực Quốc
tế (PCA) sau những chiến dịch ngoại giao được cho là 'hữu hiệu' của Trung Quốc
với Philippines và khu vực. Hình ảnh Pool/Getty
Hành xử của Trung Quốc sau khi
thua kiện Philippines ở tòa án quốc tế (PCA) liên quan tranh chấp chủ quyền
trên Biển Đông giữa hai nước đang đặt ra câu hỏi liệu ngoại giao của một nước lớn
có thể thay thế được một phán quyết của luật pháp quốc tế gây bất lợi cho họ, một
nhà nghiên cứu về chính trị và bang giao quốc tế từ Đại học SOAS, Anh nói với
BBC hạ tuần tháng này.
Trao đổi với BBC Tiếng Việt bên lề
một hội thảo về xung đột Biển Đông và giải pháp mới tại một đại học ở Oxford
hôm 20/10/2017, Tiến sỹ Yuka Kobayashi, nhà nghiên cứu thuộc Viện Trung Quốc học,
Trung tâm Đông Á và Khoa Chính trị và Quan hệ Quốc tế của Đại học phương Đông
và châu Phi học (SOAS), trước hết nêu quan điểm về vấn đề Biển Đông: "Tôi nghĩ tranh chấp Biển
Đông là thứ gì đó là xung đột khu vực nhưng lại có tác động toàn cầu," bà
Kobayashi nói, trong lúc trả lời câu hỏi vì sao giới nghiên cứu quốc tế quan
tâm tới xung đột ở khu vực này.
Dẫn ra ví dụ về vụ kiện của
Philippines và phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) xử Philippines thắng
kiện Trung Quốc hơn một năm về trước và diễn biến hậu vụ kiện hiện nay nhất là
với xử lý của Trung Quốc, bên thua kiện, trong quan hệ với Philippines, bên thắng
kiện, Tiến sỹ Kobayashi nhận xét:
"Phán quyết trong vụ việc xảy
ra giữa Trung Quốc và Philippines liên quan hai quốc gia, nhưng là những nước rất
quan trọng ở khu vực, cũng như trên toàn cầu và kết quả khá thú vị nếu quí vị
nhìn vào đó theo ý nghĩa phán quyết đã đặt Trung Quốc vào phía rất bất lợi.
"Tuy nhiên, Trung Quốc đã có
thể vượt qua điều đó bằng ngoại giao, do đó điều này đặt ra một câu hỏi lôgíc với
quốc tế về trung gian trọng tài của Tòa án quốc tế là gì, tính hữu ích của Công
ước Quốc tế về Luật Biển là thế nào, nếu ngoại giao lại có tác dụng hơn là luật
pháp?"
Biển Đông với 'Vành đai, Con đường'
Tiến sĩ Yuka
Kobayashi (phải) cho rằng có mối quan hệ giữa sáng kiến 'Một vành đai, một con
đường' của Trung Quốc với chiến lược của đại cường này trên tuyến đường biển ở
Biển Đông.
Bình luận về thực chất chiến lược
và tham vọng mà Trung Quốc muốn thực thi ở khu vực và quốc tế, thông qua sáng kiến
'một vành đai, một con đường', qua việc tự tuyên bố một 'bản đồ đường chín đoạn'
gây tranh cãi ở khu vực Biển Đông đang có xung đột, tranh chấp, bên cạnh nhiều
bước đi chiến lược khác, nhà nghiên cứu người Nhật Bản đang làm việc cho Đại học
SOAS của Anh quốc, nói:
"Tôi nghĩ hiện đang ở trong
một vị trí rất thú vị, nhất là trong diễn biến tháng này [Đại hội Đảng CSTQ lần
thứ 19], do đó nếu quí vị nhìn vào vị trí mà họ đang có hiện nay, dân số 1,3 tỷ
người.
"Về cơ bản phải nuôi sống số
dân đó và một số trong số đó vẫn còn sống ở dưới ngưỡng nghèo khó và nếu quí vị
nhìn vào thời điểm rất thú vị về mặt kinh tế mà Trung Quốc đang thực sự có, vượt
trên khả năng của họ, thì làm thế nào? Do vậy, để có được một lối ra cho những
vấn đề như vậy, vươn ra bên ngoài biên giới, là điều mà Trung Quốc thực sự rất
quan tâm.
"Do đó sáng kiến 'một vành
đai, một con đường' là một chiến lược thực sự là rất then chốt để giúp Trung Quốc
để tiếp tục phát triển và đạt được sự phát triển kinh tế cao như thế này và vì
điều đó, vùng châu Á, Biển Đông là then chốt về mặt ý nghĩa, chúng ta đã biết
là sáng kiến 'nhất đới, nhất lộ' được tạo thành từ kinh tế của vành đai và cũng
của kinh tế của đường hàng hải.
"Và đường hàng hải có ý
nghĩa rất nhiều là Biển Đông và đó là ý nghĩa rất then chốt để đảm bảo sự thành
công của sáng kiến 'một vành đai, một con đường' và việc Trung Quốc sẽ chơi các
quân bài như thế nào ở đó sẽ là rất then chốt cho sự phát triển của Trung Quốc
và cũng của khu vực, bởi vì sự tương thuộc là rất quan trọng giữa hai điều
đó," nhà nghiên cứu nói với Quốc Phương của BBC từ Oxford.
Tiến sỹ Yuka Kobayashi, người tốt
nghiệp Đại học Kyoto, Nhật Bản, từng giảng dạy về Chính trị Quốc tế và là nhà
nghiên cứu ở Đại học Nam Khai, Thiên Tân, Trung Quốc.
Trước khi làm việc cho Đại học
SOAH, bà có thời gian là nhà nghiên cứu ở Đại học Oxford, nơi bà đã lấy bằng Tiến
sỹ. Các lĩnh vực nghiên cứu của Kobayashi bao gồm quan hệ quốc tế và luật của
Trung Quốc, chính trị và quan hệ quốc tế ở Đông Á cũng như luật quốc tế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét