Thứ Ba, 31 tháng 10, 2017

Ngày 31/10/1517: Martin Luther công bố 95 Luận Đề

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng



 


Vào ngày này năm 1517, linh mục và học giả Martin Luther đã đến gần cánh cửa nhà thờ Castle ở Wittenberg, Đức, và đóng vào đó một mảnh giấy chứa 95  ý kiến mang tính cách mạng vốn sẽ là khởi nguồn của Phong trào Kháng Cách.

Trong các luận đề của mình, Luther lên án sự quá đà và tham nhũng của Giáo hội Công giáo La Mã, đặc biệt là việc Giáo hoàng đòi hỏi phải được trả tiền mua “giấy xá tội” (indulgence) để tha thứ tội lỗi cho kẻ khác. Lúc bấy giờ, một linh mục dòng Thánh Dominique tên là Johann Tetzel, được ủy nhiệm bởi Tổng Giám mục Mainz và Giáo hoàng Leo X, đang tiến hành một chiến dịch gây quỹ lớn ở Đức để tài trợ cho việc tu bổ Nhà thờ Thánh Peter ở Rome. Mặc dù hoàng tử Frederick III the Wise (Frederick Khôn ngoan) đã cấm mua bán “giấy xá tội” ở Wittenberg, nhiều thành viên nhà thờ vẫn lặn lội đi mua chúng. Khi họ trở về, họ đưa những giấy xá tội mình đã mua cho Luther, tuyên bố họ không còn phải hối cải vì tội lỗi của mình nữa.

Sự thất vọng của Luther đối với hành động này khiến ông viết 95 Luận Đề, vốn được nhanh chóng tìm đọc, được dịch từ tiếng Latinh sang tiếng Đức và được phát tán rộng rãi. Một bản sao được chuyển đến Rome, và bắt đầu xuất hiện những nỗ lực thuyết phục Luther thay đổi giọng điệu của mình. Tuy nhiên, ông từ chối giữ im lặng, và năm 1521, Giáo hoàng Leo X đã chính thức khai trừ Luther khỏi Giáo hội Công giáo. Cùng năm đó, Luther lại từ chối rút lại các bài viết của mình trước Hoàng đế La Mã Thần Thánh Charles V của Đức, người đã ban hành Edict of Worms (Sắc lệnh Worms) nổi tiếng tuyên bố Luther là một kẻ phạm tội và là một kẻ dị giáo, đồng thời cho phép bất cứ ai giết ông mà không bị phạt tội. Được bảo vệ bởi Hoàng tử Frederick, Luther bắt đầu việc dịch Kinh Thánh sang tiếng Đức, nhiệm vụ mất 10 năm để hoàn thành.

Thuật ngữ Protestant (Tin Lành/Kháng Cách) xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1529, khi Charles V bác bỏ một điều khoản cho phép nhà vua của mỗi quốc gia thuộc đế chế La Mã Thần Thánh lựa chọn liệu họ có thực thi Edict of Worms hay không. Một số hoàng tử và những người ủng hộ khác của Luther đã đưa ra một tuyên bố phản đối (protest), nói rằng họ đặt lòng trung thành với Thiên Chúa cao hơn lòng trung thành với Hoàng đế. Những người chống đối nhóm này bắt đầu gọi họ là những người phản kháng (Protestants); dần dần tên này được áp dụng cho tất cả những ai tin rằng Giáo hội phải được cải cách, ngay cả những người bên ngoài nước Đức.

Tính đến thời điểm Luther qua đời, do nguyên nhân tự nhiên, vào năm 1546, niềm tin cách mạng của ông đã hình thành cơ sở cho Cải cách Tin Lành, vốn sẽ kéo dài trong ba thế kỷ tiếp theo nhằm cách mạng hóa nền văn minh phương Tây.



Nguồn: Martin Luther posts 95 theses, History.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét