Ông Phạm Sỹ Quý- Giám đốc Sở Tài nguyên- Môi trường tỉnh Yên Bái.
Quyền lực chính trị cũng giống
như con đập tích nước, nếu người ta xây đập càng cao, chứa nước càng nhiều
nhưng bản vẽ và chất liệu để xây đập quá kém, dẫn đến tức nước, vỡ đập, tai họa
sẽ khó mà lường. Tình trạng quyền lực chính trị Việt Nam là tình trạng của một
con đập chứa nước quá đầy nhưng thân đập lại quá yếu, chẳng biết nó sẽ thành
trái bom nước giờ nào. Sở dĩ có chuyện này là do khả năng hiểu biết pháp luật của
đại bộ phận người Việt Nam vẫn còn rất lạc hậu, mặc dù đang sống trong thế kỉ
21 nhưng người ta lại hành xử, đối đãi với nhau dựa trên tinh thần cổ luật.
Nói người Việt quen dùng cổ luật
không phải là không có cơ sở. Nhưng người Việt quen dùng cổ luật như thế nào?
Và nó có liên quan gì đến nạn tham nhũng của giới quan chức cũng như nạn độc
tài, toàn trị?
Ở vấn đề thứ nhất, người Việt
quen dùng luật cổ. Điều này rất dễ nhận biết và hết sức khôi hài ở chỗ mặc dù hệ
thống luật của nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một hệ thống luật
đã quá lạc hậu, thiếu khoa học, có nhiều kẽ hở và nhiều dấu chấm lửng. Đó là
chưa muốn nói hệ thống tư tưởng chi phối hệ thống luật này cũng đã bị vứt sọt
rác nhân loại từ rất lâu. Nhưng nghiệt nỗi, với một hệ thống luật cũ kĩ, lạc hậu
như vậy mà với người dân, nó vẫn hết sức mới mẽ, lạ lẫm, thậm chí nói ra nghe
như từ trên trời rơi xuống.
Chỉ riêng bộ luật dân sự, đây là
bộ luật phổ biến và ai cũng cần phải biết, phải nắm những qui định cơ bản của
nó. Nhưng hỏi một trăm người, e rằng chín mươi chín người không biết và vẫn
đang sử dụng luật nhà Nguyễn trong ứng xử gia đình, họ hàng, bà con. Điều này rất
dễ thấy trong quan niệm con trai mới là con của mình, con gái là con nhà người
ta, rồi trưởng nam, đức tôn… Mọi thứ quyền lợi, ưu đãi trong một gia đình, cha
mẹ đều dành cho con trai nhiều hơn con gái, ngay cả việc sinh đẻ cũng chọn đẻ
con trai, đẻ ra con gái thì cứ như gia đình sắp vỡ không bằng. Rồi thêm chuyện
ông Trưởng tộc quyết định mọi chuyện, phải tôn vinh dòng tộc, phải làm gì đó để
dòng tộc được sáng mặt với xã hội…
Tất cả những quan niệm và hành xử
trên, nếu nhìn theo góc độ dòng tộc, hiếu để hay nhìn qua lăng kính Khổng Giáo
thì thấy nó hay. Nhưng kỳ thực, đây là thứ quan niệm lạc hậu và làm hỏng xã hội
nặng nề mà người ta không nhìn thấy. Một khi coi trọng con trai, xem thường con
gái thì nhất định phải có tình trạng gia trưởng, đàn ông là ông trời trong gia
đình, một khi quá xem trọng dòng tộc, nghĩ quá nhiều đến dòng tộc thì xã hội sẽ
có chuyện gia đình trị, tộc trị, những người không phải là thành viên trong gia
đình, dòng tộc thì cho dù có giỏi giang, có năng lực cũng bị xếp ra ngoài hệ thống.
Một khi tính gia trưởng còn tồn tại,
tính gia đình trị, tộc trị còn tồn tại thì nhất định sẽ dẫn đến hệ quả bành trướng
xã hội, dẫn đến tình trạng một người làm quan cả họ được nhờ. Và chuyện Nguyễn
Xuân Anh, Nguyễn Bá Thanh, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Sinh Hùng, Nông Đức Mạnh… Và
hàng loạt quan chức trung ương Cộng sản sống như ông vua, dòng họ, gia đình họ
như hoàng tộc, nhà thờ tộc của họ còn lớn hơn cả lăng mộ vua chúa ngày xưa cũng
là chuyện dễ hiểu. Bởi người ta đã khéo vận dụng gia đình trị, tộc trị vào xã hội
và biến nó thành một điều hiển nhiên.
Gia trưởng, gia đình trị, tộc trị
trở thành đương nhiên trong xã hội, tính phong kiến nhuộm màu sắc xã hội mặc dù
đã bước sang giữa thế kỉ 21 bởi vì cái nếp gia trưởng, nếp suy nghĩ của đại bộ
phận người Việt Nam vẫn còn ở giai đoạn luật nhà Nguyễn, vẫn còn xem chuyện đức
tôn, trưởng nam, sự bề thế của dòng tộc là tiêu chí, mục tiêu phấn đấu trong xã
hội. Bởi chính cái nếp nghĩ vừa lạc hậu vừa cổ hủ này có mặt khắp mọi nơi nên
người ta dễ dàng chấp nhận và hành xử theo lối phong kiến.
Điều này giải thích vì sao Phạm
Sĩ Quí, một quan chức cấp tỉnh, chỉ mới là Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường
đã dám sống như một ông vua, tráo trở, lươn lẹo, đạp qua dư luận… Bởi ông ta thừa
biết cái quyền lực dòng tộc của mình là hợp lý trong nếp nghĩ, trong sự cam chịu
và mặc nhiên thừa nhận của đại bộ phận nhân dân, bởi nhân dân biết ông ta tham
nhũng là phạm luật nhưng đứng trên góc độ gia đình trị và tộc trị thì Phạm Sĩ
Quí lại có cái “danh dự” của kẻ làm cho dòng tộc mát mặt, thể hiện sự bề thế của
dòng tộc.
Nói cho cùng, mối nguy của dân tộc
luôn đến từ hai chiều, từ phía nhân dân và từ phía quan chức, đảng cầm quyền. Bởi
nếu như nhân dân chịu khó, chịu đọc, chịu lấy bớt tiền mua rượu gạo, mua bia
hơi để mua sách báo, mua cuốn luật về đọc, để cải thiện bớt tư duy, giảm bớt lạc
hậu và đừng thả mặc cho số phận thì chắc rằng những kẻ làm quan cũng không đến
nỗi tác oai tác quái như hiện tại. Đám quan lại nắm quyền bao giờ cũng muốn
nhân dân là một lũ ngốc, lạc hậu, hũ nút, bởi dân càng mụ mị bao nhiêu, kẻ cầm
quyền càng dễ sai bảo và củng cố thế lực bấy nhiêu.
Hiện tại, có thể nói rằng quyền lực
của giới quan chức Cộng sản Việt Nam cũng mạnh như một con đập báo động đỏ,
nghĩa là nước đã tràn đê, tích tụ quá nhiều. Mà kẻ xây đập, tích tụ nước không
ai khác ngoài nhân dân. Nhân dân đã xây con đập quyền lực Cộng sản bằng những
viên gạch thuế, những mẻ bê tông công trái, những ngày công xã hội chủ nghĩa thụ
động và nhiều viên gạch, vữa hồ khác. Nhưng cái bản thiết kế của con đập lại
thiếu những cây trụ bê tông dân chủ, nhân quyền, tính đa nguyên, tính cởi mở
chính trị, tính nhân bản… Và nhân dân vẫn cứ xây miệt mài, xây mà quên mất mình
đang xây, bởi việc xây dựng này đã bị cưỡng bức, đánh tráo với nhịp điệu sống
thường nhật.
Chính vì nhiệt tình xây, miệt mài
xây nhưng lại không có thiết kế, không có kết cấu vững chãi nên con đập quyền lực
Cộng sản tích tụ rất lớn mà lại không có khả năng chịu lực để tránh vỡ. Và vô
hình trung, nhân dân đã tự xây dựng một quả bom nước treo lơ lửng trên sinh mệnh
của mình. Sở dĩ có chuyện tréo ngoe này là vì cho đến bây giờ, số đông, rất
đông người Việt Nam vẫn tư duy về gia đình, xã hội theo lối phong kiến, vẫn ứng
xử theo cung cách gia trưởng, gia đình trị, tộc trị. Từ chỗ những tế bào gia
đình lan ra cơ thể xã hội, một cơ thể sống ở thế kỉ 21 nhưng tư duy và hành xử
vẫn còn ở thế kỉ 19.
Vì nếp gia trưởng đã ăn mòn nên
người ta dễ dàng chấp nhận gia trưởng, chấp nhận gia đình trị, dẫn đến dễ dàng
chấp nhận làng trị, xã trị, huyện trị, tỉnh trị và cuối cùng là trung ương trị,
đảng trị, độc tài, độc đoán. Bởi điều này phù hợp với vô thức tập thể của một
dân tộc. Và một khi người Việt không thay đổi tư duy, không đuổi bắt kịp nhân
loại chí ít về mặt hiểu biết pháp luật, nhân quyền, tự do, công ước quốc tế về
quyền con người… Thì hệ quả tất yếu là sự cam chịu tập thể, là hàng hàng lớp lớp
các Phạm Sĩ Quí khác sẽ ung dung hưởng lạc trên mồ hôi, xương máu của đại bộ phận
dân đen.
Mọi thứ nên trở lại và bắt đầu bằng
tư duy về pháp luật, đừng để mọi thứ đang chạy trong thế kỉ 21 mà nếp nghĩ,
quan niệm về xã hội vẫn còn đậm chất cổ luật. Bởi cái giá phải trả cho điều này
không hề nhỏ!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét