Chủ Nhật, 29 tháng 10, 2017

Liên minh Mỹ-Israel và bài học cho quan hệ quân sự Việt-Mỹ

Tác giả: Ngô Di Lân



 


Mặc dù tranh chấp Biển Đông trong thời gian gần đây dường như đã “nguội đi” ít nhiều so với những năm trước, việc đạt được một thoả thuận nhằm giải quyết toàn bộ tranh chấp hết sức phức tạp tại thời điểm này vẫn chưa khả thi. Xung đột vũ trang ở điểm nóng này vẫn có thể xảy ra bất cứ lúc nào, và vì một cuộc chiến tranh sẽ dẫn đến một kết cục “cùng thua” cho tất cả các bên, các nhà hoạch định chính sách cần chuẩn bị mọi phương án để ngăn ngừa nguy cơ này xảy ra.

Đối với các nước nhỏ phải đối mặt với thách thức an ninh lớn như Việt Nam, việc tìm kiếm đồng minh quân sự thường được xem là một lựa chọn hấp dẫn. Nếu thành công, việc thiết lập liên minh quân sự có thể thay đổi cán cân quyền lực một cách đáng kể gần như ngay tức khắc. Vì lẽ đó, với những bước tiến lớn mà quan hệ Việt-Mỹ đã đạt được trong những năm gần đây, một số học giả và chuyên gia đã kêu gọi xây dựng một liên minh Việt-Mỹ để thúc đẩy hoà bình, ổn định trong khu vực và kiềm chế sự bành trướng của Trung Quốc.

Những diễn biến gần đây cho thấy những luận điểm kêu gọi thiết lập liên minh Việt-Mỹ không phải không có cơ sở. Tại cuộc gặp bên lề Hội nghị các Bộ trưởng Quốc phòng Đông Nam Á (ADMM) với Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch vào ngày 24/10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã “tái khẳng định mong muốn phát triển sâu rộng quan hệ quốc phòng song phương giữa hai nước, đặc biệt là ở lĩnh vực an ninh hàng hải”. Đáng chú ý hơn, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh mới đây đã đến thăm tàu sân bay USS Carl Vinson trong khuôn khổ chuyến công du tới Mỹ. Chuyến thăm tàu sân bay USS Carl Vinson của tướng Vịnh có ý nghĩa hết sức quan trọng bởi nó biểu trưng cho những bước phát triển rõ rệt trong quan hệ quốc phòng Việt – Mỹ và sự tin cậy lẫn nhau ngày một lớn hơn. Một điểm đáng chú ý nữa là tàu sân bay USS Carl Vinson đã được điều đến Biển Đông vào đầu năm nay để thực hiện nhiệm vụ tuần tra đảm bảo tự do hàng hải tại khu vực này. Do đó, chuyến thăm của ông Vịnh trên con tàu này gửi đi tín hiệu không thể rõ ràng hơn tới Bắc Kinh rằng quan hệ Việt-Mỹ đang tốt hơn bao giờ hết và các nhà lãnh đạo Trung Quốc cần suy nghĩ kĩ lưỡng trước khi có những bước đi mạo hiểm ở Biển Đông.

Dù vậy, những diễn biến này không đồng nghĩa với việc lãnh đạo hai bên đang rục rịch chuẩn bị thiết lập liên minh quân sự Việt-Mỹ. Theo nhận định của tác giả thì trừ khi Trung Quốc đột ngột thay đổi chính sách đối ngoại theo hướng hiếu chiến hơn một cách rõ rệt, hay có những động thái quân sự trực tiếp ảnh hưởng tới an ninh của Việt Nam như chủ động sử dụng vũ lực ở Biển Đông thì nhiều khả năng liên minh Việt-Mỹ vẫn sẽ chỉ là một viễn cảnh trong tương lai xa. Tuy nhiên, trong trường hợp hai bên cảm thấy cần lập liên minh quân sự thì theo tác giả, mô hình liên minh phi chính thức (informal alliance) như liên minh Mỹ-Israel sẽ là mô hình có giá trị lớn hơn đối với Việt Nam thay vì mô hình liên minh hiệp ước như liên minh Mỹ-Nhật hay Mỹ-Philippines.

Liên minh quân sự và các hình thái liên minh quân sự

Khái niệm “liên minh” (alliance) thường được các học giả và các chính khách sử dụng một cách tương đối linh hoạt trong nhiều hoàn cảnh khác nhau nên ý nghĩa của nó cũng thay đổi tuỳ theo hoàn cảnh. Tuy nhiên, nếu đúng theo nghĩa gốc thì liên minh nên được hiểu là liên minh quân sự, tức một dạng thoả thuận hợp tác về mặt quốc phòng giữa ít nhất hai quốc gia. Thoả thuận hợp tác này có hai hình thái cơ bản: chính thức (formal alliance) và phi chính thức (informal alliance). Điểm khác biệt lớn nhất giữa hai hình thái liên minh này là chỉ có các điều khoản của một liên minh chính thức mới được soạn thảo thành một bản hiệp ước (treaty) có giá trị ràng buộc về mặt pháp lý.

Việc phản bội một đồng minh hiệp ước thường mang lại hậu quả lớn hơn vì vi phạm các điều khoản có tính ràng buộc pháp lý của một hiệp ước quốc tế đồng nghĩa với việc vi phạm luật quốc tế một cách rõ rệt, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của nước vi phạm. Hơn nữa, điều này rất có thể dẫn đến sự sụp đổ theo phản ứng dây chuyền của toàn bộ hệ thống liên minh của nước này do các đồng minh khác mất niềm tin vào cam kết của một nước sẵn sàng phản bội đồng minh hiệp ước. Bên cạnh đó, một số nghiên cứu cũng cho thấy các nước từng phản bội đồng minh khó tìm được đồng minh hơn trong tương lai.

Có lẽ những điều này sẽ không mấy quan trọng nếu như tất cả các liên minh trên thế giới đều là liên minh hiệp ước nhưng trên thực tế, một quốc gia như Mỹ tuy coi nhiều nước là đồng minh nhưng trong số đó, chỉ một số nhỏ là đồng minh hiệp ước. Nói cách khác, Mỹ chỉ có nghĩa vụ phải hỗ trợ về mặt quốc phòng cho những nước này còn đối với những nước đồng minh không chính thức thì Mỹ không chịu bất kì sự ràng buộc nào phải hỗ trợ. Đây là một điểm quan trọng vì rõ ràng các quốc gia lựa chọn đồng minh và hình thái liên minh một cách có chủ đích.

Trước khi Mỹ chính thức bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc vào năm 1979, Mỹ và Đài Loan là hai đồng minh hiệp ước nhưng kể từ thời điểm đó đến giờ, tuy Mỹ vẫn coi Đài Loan là “đồng minh” nhưng thực chất mối quan hệ này đã thay đổi đáng kể sau khi Mỹ chơi “lá bài Trung Quốc”. Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Đài Loan (1955) có điều khoản yêu cầu hai bên cam kết hỗ trợ lẫn nhau trong trường hợp một trong hai bị tấn công. Trong thời gian hiệp ước này còn hiệu lực, nếu như Trung Quốc hay bất kì nước nào khác tấn công Đài Loan thì Mỹ bắt buộc phải can thiệp để bảo vệ Đài Loan nếu như không muốn vi phạm hiệp ước quốc tế này. Tuy nhiên sau khi Nixon quyết định bắt tay với Mao để chống Liên Xô, Mỹ về cơ bản đã đồng ý sẽ cắt đứt quan hệ ngoại giao và chấm dứt mối quan hệ đồng minh với Đài Loan, dẫn đến việc hiệp ước liên minh Mỹ-Đài bị chấm dứt sau năm 1978.

Để ngăn Trung Quốc lợi dụng việc Mỹ cắt đứt quan hệ với Đài Loan nhằm tấn công chiếm đóng hòn đảo này, Quốc hội Mỹ ngay sau đó ban hành Đạo luật Quan hệ Đài Loan (1979). Tuy đạo luật này có giá trị pháp lý ràng buộc đối với Mỹ nhưng nếu xem kĩ các điều khoản thì sẽ không có điều khoản nào nêu rõ rằng Mỹ sẽ can thiệp để bảo vệ Đài Loan trong trường hợp Đài Loan bị tấn công. Điều khoản 2.2.4 đạo luật này chỉ nêu rằng Mỹ sẽ coi bất kì hành động nào đe dọa tương lai của Đài Loan bằng các biện pháp không hòa bình là mối đe dọa tới hòa bình và an ninh của khu vực Tây Thái Bình Dương và là mối lo ngại sâu sắc đối với Mỹ. Do đó, có thể thấy rõ rằng Đạo luật Quan hệ Đài Loan không có giá trị bằng một cam kết an ninh tuyệt đối của Mỹ dành cho Đài Loan thông qua một hiệp ước phòng thủ chung. Quan trọng hơn hết, điều đó cho thấy các quốc gia chủ đích xây dựng các hình thái liên minh khác nhau để phục vụ với những ý đồ khác nhau. Như chúng ta có thể thấy trong những phần kế tiếp, mỗi hình thái liên minh sẽ có những điểm mạnh, điểm yếu riêng, và sẽ phù hợp từng hoàn cảnh khác nhau.

Liên minh Mỹ-Israel: điểm mạnh và điểm yếu

Mặc dù các quan chức Mỹ thường nhắc đến Israel như một “đồng minh” và Israel lâu nay luôn là nước được hưởng khoản viện trợ quân sự lớn nhất của Mỹ nhưng trên thực tế, Mỹ và Israel chưa bao giờ có bất kì hiệp ước phòng thủ chung (mutual defense treaty) nào. Điều này đồng nghĩa với việc Mỹ không có ràng buộc về mặt pháp lý phải bảo vệ Israel khi nước này bị tấn công bởi một nước khác.

Trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Israel đã nhiều lần bày tỏ mong muốn trở thành đồng minh quân sự của Mỹ. Israel thậm chí đã nộp đơn xin gia nhập khối NATO vào những năm 1950 nhưng bị từ chối. Lý do Mỹ không muốn có liên minh chính thức với Israel là bởi Mỹ không muốn tỏ ra thiên vị Israel trong con mắt các quốc gia Ả Rập. Trong bối cảnh Mỹ-Xô cạnh tranh gay gắt ở khu vực Trung Đông và Israel vẫn đang là kẻ thù không đội trời chung của thế giới Ả Rập thì việc Mỹ lập liên minh chính thức với Israel gần như đảm bảo rằng các nước Ả Rập sẽ ngả theo Liên Xô và giúp siêu cường này làm chủ khu vực Trung Đông. Do đó tuy Mỹ dưới thời Tổng thống Truman là nước đầu tiên công nhận Israel về mặt ngoại giao nhưng mãi đến thời Tổng thống Kennedy Mỹ mới bắt đầu bán một số loại vũ khí “nhạy cảm” để Israel để nâng cao năng lực quốc phòng.

Quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Mỹ và Israel bắt đầu có những bước tiến lớn hơn kể từ thời điểm đó nhưng một “liên minh” Mỹ-Israel chỉ thật sự hình thành sau khi hai bên ký kết một loạt các Biên bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng dưới thời Tổng thống Reagan. Những biên bản ghi nhớ (Memorandum of Understanding – MOU) này vô hình chung đóng vai trò thay thế cho một bản hiệp ước chính thức giữa Mỹ và Israel. Nó tạo cơ sở pháp lý để Mỹ chuyển giao các vũ khí cùng công nghệ quân sự nhạy cảm cho Israel và tạo điều kiện để lực lượng an ninh – quốc phòng hai bên chia sẻ thông tin và phối hợp một cách chặt chẽ.

Tuy nhiên những biên bản ghi nhớ không có giá trị pháp lý tương đương một bản hiệp ước bởi nó không có sự phê chuẩn bởi Quốc hội Mỹ. Việc đơn phương ký kết những thỏa thuận “phi chính thức” như này là một đặc quyền của Tổng thống Mỹ, không cần có sự cho phép của Quốc hội. Điều này có nghĩa là về mặt thủ tục, việc thiết lập một liên minh phi chính thức đơn giản hơn thiết lập liên minh hiệp ước rất nhiều. Bất kì hiệp ước phòng thủ chung nào đều phải được Thượng viện Mỹ phê duyệt với ít nhất 2/3 số phiếu, đồng nghĩa với việc nó gần như buộc phải nhận được sự ủng hộ của cả hai đảng. Quá trình phê chuẩn các hiệp ước quốc tế này của Mỹ khiến cho việc thiết lập liên minh chính thức giữa Mỹ và một số các quốc gia hết sức khó khăn, nếu không phải bất khả thi.

Điểm mạnh của một hiệp ước liên minh đấy là nếu nó được thông qua thì rất khó để một chính quyền mới có thể xóa bỏ. Vì vậy, sự linh hoạt của các biên bản ghi nhớ hợp tác cũng là một điểm yếu bởi nếu nó dễ dàng được ký kết thì cũng có thể dễ dàng bị hủy khi một chính quyền khác lên nắm quyền. Bên cạnh đó, vì các biên bản ghi nhớ không có tính ràng buộc pháp lý nên về lý thuyết, các “đồng minh” phi chính thức không thực sự có nghĩa vụ phải bảo vệ lẫn nhau khi chiến tranh xảy ra.

Thế nhưng các liên minh phi chính thức cũng có những điểm mạnh rõ rệt. Thứ nhất, nó cho phép cả hai bên có một sự linh hoạt nhất định trong chính sách. Vì các thành viên của một liên minh phi chính thức không có nghĩa vụ phải bảo vệ lẫn nhau nên các nước cũng chủ động và độc lập hơn trong việc thi hành những chính sách và biện pháp an ninh để tự bảo vệ mình trước các mối đe dọa. Israel có thể chủ động tấn công phủ đầu các quốc gia láng giềng khi họ không phải là đồng minh chính thức của Mỹ nhưng điều này chắc chắn sẽ không được phép xảy ra khi hai bên đã là đồng minh chính thức bởi việc Israel lâm vào một cuộc chiến tranh với nước khác sẽ gây liên lụy trực tiếp đến hình ảnh và an ninh của Mỹ.

Thứ hai, một liên minh phi chính thức sẽ dễ chấp nhận hơn đối với những “đối tượng” của những liên minh này. Các quốc gia Ả Rập có thể nhắm mắt làm ngơ đối với việc Mỹ có quan hệ đồng minh không chính thức với Israel nhưng họ không thể làm điều này nếu như Mỹ và Israel thiết lập một liên minh hiệp ước. Các nhà lãnh đạo dù ở bất kì nơi nào đều cần duy trì sự ủng hộ của cử tri trong nước. Nếu như Israel bị coi là kẻ thù một mất một còn của thế giới Ả Rập mà nước này lại có liên minh chính thức với Mỹ thì việc các nhà lãnh đạo Ả Rập Saudi, Qatar hay Jordan tiếp tục hợp tác với Mỹ sẽ bị coi là một sự phản bội đối với người dân của mình và cả thế giới Ả Rập. Trong bối cảnh khó khăn đó thì một liên minh phi chính thức gần như là một giải pháp hoàn hảo bởi nó vừa đáp ứng được nhu cầu quốc phòng của Israel, vừa cho phép Mỹ tiếp tục duy trì quan hệ tương đối hữu hảo với các đối tác quan trọng khác ở khu vực Trung Đông.

Liên minh quân sự ở Biển Đông và giải pháp cho Việt Nam

Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức lớn ở Biển Đông, bao gồm cả nguy cơ Trung Quốc sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp lẫn việc nước này sử dụng chiến lược “cắt lát salami” để từng bước mở rộng sự kiểm soát của mình đối với các đảo và đá ở Biển Đông. Một liên minh quân sự với Mỹ chưa chắc là giải pháp hữu hiệu nhất cho Việt Nam vào lúc này nhưng chắc chắn là một giải pháp chúng ta buộc phải tính đến.

Liệu một liên minh quân sự chính thức với Mỹ có phải là lựa chọn thích hợp nhất nếu hai bên đi đến việc thiết lập liên minh? Theo tác giả thì liên minh chính thức không phải là giải pháp tốt nhất cho Việt Nam ở Biển Đông vì những lý do sau. Thứ nhất, có thể Bắc Kinh sẽ xem Việt Nam thiết lập liên minh với Mỹ là một hành động khiêu khích, gây đe dọa an ninh của Trung Quốc. Nếu như Trung Quốc cảm thấy việc Việt Nam theo đuổi liên minh chính thức với Mỹ đồng nghĩa với việc lính Mỹ sẽ có thể tiến sát đến biên giới đất liền của Trung Quốc thì không thể loại trừ khả năng nước này sẽ phát động chiến tranh tấn công ngăn ngừa để “dạy cho Việt Nam một bài học” như họ đã từng làm trước đây. Nên nhớ rằng quá trình thiết lập liên minh sẽ mất thời gian và Trung Quốc hoàn toàn có thể tận dụng thời cơ đó, khi mà hiệp ước phòng thủ chung Việt-Mỹ chưa chính thức có hiệu lực, để tấn công Việt Nam. Đây chắc chắn là điều chúng ta không mong muốn xảy ra.

Thứ hai, mặc dù chúng ta không thể loại trừ khả năng Trung Quốc chủ động sử dụng vũ lực ở Biển Đông trong bất kì trường hợp nào nhưng lịch sử cho thấy Trung Quốc thường hạn chế sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp. Nghiên cứu của Gs. Taylor Fravel (ĐH MIT) – một trong những chuyên gia hàng đầu về Trung Quốc cho thấy rằng trong quá khứ, Trung Quốc đã nhượng bộ trong đa số các tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng. Điều này không có nghĩa là Trung Quốc sẽ chấp nhận thỏa hiệp ở Biển Đông nhưng nó cho thấy các nhà lãnh đạo Trung Quốc không phải luôn là những kẻ hiếu chiến, luôn sẵn sàng phát động chiến tranh để chiếm lãnh thổ của nước khác. Do đó, nhiều khả năng mối lo ngại về việc Trung Quốc tấn công Việt Nam có lẽ chưa phải là mối lo hàng đầu của chúng ta tại thời điểm này.

Vấn đề lớn nhất mà tất cả các nước trong khu vực phải đối mặt vào lúc này là việc Trung Quốc sử dụng chiến lược “gặm nhấm” để mở rộng quyền kiểm soát thông qua việc cải tạo đất và quấy nhiễu tàu bè đánh cá và các giàn khoan dầu của các nước khác. Như tác giả đã phân tích trong một bài viết khác, một liên minh chính thức không có tác dụng chống lại chiến lược này. Mỹ và Philippines là đồng minh hiệp ước nhưng Trung Quốc vẫn lấn lướt Philippines ở Biển Đông, như thể nước này không phải là đồng minh của Mỹ. Điều này được thể hiện một cách rõ nét qua cuộc đụng độ ở Bãi cạn Scarborough vào năm 2012. Khi đó Mỹ gần như đã khoanh tay đứng nhìn Trung Quốc bao vây bãi cạn này và chiếm quyền kiểm soát từ tay của Philippines.

Vì những lý do trên, có thể thấy rằng một liên minh quân sự chính thức không phải là lựa chọn tốt nhất cho Việt Nam. Trong bối cảnh Biển Đông, nếu như Việt Nam chọn theo đuổi liên minh với Mỹ thì một liên minh phi chính thức như mô hình Mỹ-Israel có lẽ sẽ hợp lý hơn. Thay vì ký kết một bản hiệp ước chính thức, liên minh này sẽ được thiết lập qua các hành động hợp tác của quân đội hai nước trên thực địa và các biên bản ghi nhớ hợp tác quốc phòng. Quan trọng hơn hết, Mỹ sẽ cung cấp các loại vũ khí thiết yếu để Việt Nam có thể duy trì một mức độ răn đe tối thiểu đối với Trung Quốc, vừa đủ để ngăn không cho hải quân Trung Quốc chiếm đóng các đảo của Việt Nam tại Trường Sa.

Một liên minh phi chính thức giữa Việt Nam và Mỹ chắc chắn sẽ làm phật ý Bắc Kinh nhưng điều này dễ chấp nhận hơn một liên minh chính thức rất nhiều bởi gần như chắc chắn một liên minh phi chính thức sẽ không cho phép Mỹ đồn trú quân ở Việt Nam. Do đó, liên minh phi chính thức Việt-Mỹ sẽ ít đe dọa an ninh của Trung Quốc ở một mức độ thấp hơn đáng kể. Bên cạnh đó, vì liên minh phi chính thức Việt-Mỹ sẽ không bao gồm cam kết hai bên can thiệp quân sự để bảo vệ lẫn nhau trong trường hợp một trong hai bị tấn công nên sẽ giảm thiểu rủi ro Trung Quốc có những nước đi mạo hiểm để “thử” độ vững vàng của liên minh. Nếu như Mỹ-Việt trở thành đồng minh chính thức và Trung Quốc không thấy cam kết an ninh của Mỹ đủ tin cậy (credible) thì rất có thể họ sẽ phát động xung đột vũ trang với Việt Nam ở cấp độ thấp để thử phản ứng của phía Mỹ. Nếu Mỹ phản ứng mạnh, răn đe có thể thành công nhưng cũng có khả năng đại chiến giữa hai siêu cường xảy ra. Nếu Mỹ không phản ứng hoặc phản ứng một cách thụ động và yếu ớt trước những hành động khiêu khích của Trung Quốc thì sẽ gửi đi tín hiệu rằng liên minh này hoàn toàn trống rỗng và vô giá trị. Trong cả hai trường hợp, Việt Nam sẽ luôn bị rơi vào thế khó. Quan trọng hơn hết, ngày nào Việt Nam còn không phải là đồng minh chính thức của Mỹ thì chúng ta vẫn có thể theo đuổi một chính sách đối ngoại thực sự độc lập và duy trì một quan hệ tương đối hữu hảo với Trung Quốc. Một khi Việt Nam đã cho thấy rõ ý đồ chống Trung Quốc qua việc trở thành đồng minh hiệp ước của Mỹ thì rất khó có thể đảm bảo được quan hệ tốt với Trung Quốc.

Có thể giờ vẫn còn quá sớm để bàn đến một liên minh quân sự Việt – Mỹ và có thể viễn cảnh này sẽ không bao giờ xảy ra. Tuy nhiên chính trị quốc tế vốn khó lường và trong bối cảnh diễn biến hết sức phức tạp hiện nay, không có gì là không thể. Không có lý do gì có thể loại trừ khả năng hai cựu thù Việt – Mỹ bắt tay nhau và trở thành đồng minh trong ngày mai hoặc 10, 20 năm nữa. Nếu viễn cảnh đó trở thành hiện thực, một liên minh phi chính thức sẽ là lựa chọn tốt hơn cho cả Việt Nam và Mỹ.

 *

Ngô Di Lân là Nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại ĐH Brandeis, Hoa Kỳ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét