Đến với Paris, du khách thường bị choáng ngợp trước những công trình kiến trúc hoành tráng, lộng lẫy như tháp Eiffel, nhà thờ Đức Bà Paris, nhà thờ Sacré-Coeur trên đồi Monmartre, Khải Hoàn Môn, bảo tàng Louvre, điện Panthéon… hay các cảnh quan thơ mộng bên dòng sông Seine. Nhưng không mấy ai biết được trong lòng đất Paris ẩn chứa một bí mật lớn. Đó là Catacombes de Paris - hầm mộ Paris.
Catacombes là một
hầm xương cốt, một nghĩa trang khổng lồ, nơi chứa hơn 6 triệu bộ hài
cốt. Nhìn rộng ra, Catacombes là một hệ thống chằng chịt các đường hầm
sâu vài chục mét dưới lòng đất, dài tổng cộng gần 350km, sâu trung bình
20m dưới lòng đất, nhưng có những đoạn đường hầm sâu tới 60m, có những
khu vực hầm được chia thành nhiều tầng. Catacombes là một mê cung trong
lòng đất, phần lớn nằm ở vùng tả ngạn sông Seine (từ Odéon đến công viên
Montsouris) và một số khu vực ở hữu ngạn sông Seine (Montmartre,
Belleville và Ménilmontant).
Từ nghĩa trang Những người vô tội với hầm mộ Catacombes
Ngược
dòng thời gian, vào ngày 09/11/1785, Tham Chính Viện Pháp quyết định
đóng cửa nghĩa trang Cimetière des Innocents, tạm dịch là nghĩa trang
Những người vô tội, nghĩa trang lớn nhất Paris thời đó. Nghĩa trang
Innoncents nằm ở khu Chatelet, Paris. Sau 10 thế kỷ tồn tại, nghĩa trang
đã trở nên quá tải sau nhiều cuộc chiến tranh, dịch bệnh, đặc biệt là
đại dịch tả hồi thế kỷ XIV, thêm vào đó, nghĩa trang gây nhiều vấn đề vệ
sinh cho cư dân xung quanh. Tham Chính Viện quyết định cải tạo khu mỏ
đá cũ bỏ hoang ở ngoại ô Paris thành hầm chứa xương cốt « Catacombes »
và chuyển về đó toàn bộ hài cốt ở nghĩa trang Innocents. Tên gọi
Catacombes de Paris được đặt dựa theo tên Catacombes của Roma, Ý, vốn là
từ dùng để chỉ một nghĩa trang thời cổ đại ở Roma. Phải mất hai năm,
chính quyền thành phố Paris mới chuyển hết được số hài cốt từ nghĩa
trang Innocents về Catacombes.
Từ năm 1787 đến năm 1814, nhiều
nghĩa trang khác ở Paris cũng bị dẹp bỏ, và xương cốt những người quá cố
đều được chuyển về hầm xương cốt của thành phố, từ dân thường tới các
nhân vật nổi tiếng trong lịch sử như nhà văn Rabelais thời Phục Hưng,
nhà soạn kịch vĩ đại Racine thế kỷ 17, bộ trưởng tài chính Pháp Colbert
dưới thời dưới thời vua Louis XIV, nhà văn - nhà triết học, tư tưởng
chính trị - xã hội Montesquieu, người nổi tiếng với tác phẩm De l’esprit des lois
(Tinh thần pháp luật) và học thuyết chính trị tam quyền phân lập, tách
biệt quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp ; nhiều lãnh đạo cuộc Cách
mạng tư sản Pháp như Danton, Robespierre… Những người lính thiệt mạng
trong các cuộc chiến thời Cách Mạng Tư Sản Pháp cũng được chôn cất tại
hầm mộ này.
Vốn là một mỏ đá cũ, Catacombes có nhiều nhánh, nhiều
lối vào, và thêm nhiều đường hầm bí mật được đào từ các nhà thờ và bệnh
viện ở Paris, tạo thành một mê cung chằng chịt dưới lòng đất.
Xương cốt
được vứt chồng đống sát tường, chất cao từ nền tới tận trần hầm. Các bộ
xương được xếp ngay ngắn hơn, thành hàng, thành lối, thành tầng, thành
lớp. Xương còn được dùng để trang trí các phòng trong hầm mộ, nhiều
xương chày, xương đùi và xương sọ được xếp thành các bức tranh, chữ
thập, đường viền…
Xương cốt từ nghĩa trang Madeleine cũ, trong hầm mộ Catacombes, Paris.CC/Vlastula
Ngay
từ khi được hình thành, Catacombes de Paris đã thu hút sự tò mò, hiếu
kỳ của nhiều người, kể cả các nhân vật nổi tiếng như bá tước xứ Artois,
sau này là vua Charles X của Pháp trị vì giai đoạn 1824-1830, Hoàng đế
Áo François I, Hoàng đế Pháp Napoléon III…
Là một mê cung khổng
lồ, đã có nhiều người bị lạc, thậm chí là thiệt mạng trong Catacombes.
Được lưu truyền nhiều nhất là câu chuyện về Philibert Aspairt, vốn là
người gác cổng tu viện Val-de-Garde thời Cách Mạng Tư Sản Pháp. Vào
tháng 11/1793, ông Philibert Aspairt chui xuống đường hầm Catacombes
theo một lối đi trong vườn tu viện. Nhưng rồi người ta không thấy ông
trở lại. Theo nhiều phỏng đoán, Philibert Aspairt xuống Catacombes để đi
tìm một loại rượu ngon hảo hạng do các tu sĩ của tu viện Chartreux sản
xuất và bảo quản trong hầm của tu viện, nhưng ông đi lạc và không thể
tìm được lối lên mặt đất.
Phải đến 11 năm sau, người ta mới xác
định được, ở đường hầm chạy dưới con phố ngày xưa gọi là phố Địa Ngục
(rue d’Enfer), thi thể của người đàn ông xấu số đó nhờ bộ chìa khóa bên
hài cốt. Ông Philibert Aspairt được an táng ngay tại chỗ, trên bia mộ có
khắc hàng chữ : « Tưởng nhớ Philibert Aspairt, người đi
lạc ngày 03/11/1793, thi thể được tìm thấy 11 năm sau và được an táng
ngay tại chỗ, vào ngày 30/04/1804 ».
Các bộ hài cốt được đưa
xuống Catacombes lần cuối cùng vào năm 1859, khi bá tước Haussmann quy
hoạch lại thành phố Paris. Từ những năm 1990, để tránh sự cố cho những
người hiếu kỳ, mạo hiểm, sở Cảnh Sát Paris đã cho lấp các lối vào hầm
mộ. Một khu vực đường hầm Catacombes dài 1,5 km, trong đó khu vực có xếp
xương cốt kéo dài 800m, gần quảng trường Denfert-Rochereau, quận 14,
được mở cửa chính thức cho khách tham quan. Mỗi chuyến thăm kéo dài 45
phút, nhưng du khách thường phải xếp hàng khá lâu, thậm chí tới vài
tiếng đồng hồ, do lượng khách tham quan khá đông và theo quy định, chỉ
được tối đa 200 người có mặt trong hầm mộ cùng lúc.
Nhằm đảm bảo
an toàn cho du khách và tránh tình trạng lấy trộm xương trong hầm mộ làm
đồ lưu niệm, ban quản lý Catacombes quy định du khách chỉ được mang túi
có kích thước tối đa 40x30cm. Để xuống hầm mộ, du khách phải trèo bộ
130 bậc thang còn lối lên có 83 bậc. Nhiệt độ trong hầm mộ thường ổn
định vào khoảng 14 độ C. Ngay ở phía trên lối vào hầm mộ, có dòng chữ
khắc được trên đá : « Hãy dừng chân ! Nơi đây là vương quốc của người chết ».
Cataphile và khu vực cấm trong hầm mộ Catacombes
Ngoài
khu vực chính thức tại khu phố Denfert-Rochereau, vẫn có rất nhiều
người ưa thích các chuyến phiêu lưu, thám hiểm, cảm giác mạnh, đặc biệt
là giới trẻ, tự đi khám phá mê cung Catacombes. Anh Mạnh Hà, người đã
từng có một chuyến đi như vậy chia sẻ :
« Có rất nhiều người,
hay được gọi là cataphile, thường xuyên đi khám phá và vẽ bản đồ của các
khu vực cấm này. Bởi vì nó rất rộng, như một cái mê cung lớn. Nếu không
có bản đồ thì rất nguy hiểm. Tôi có may mắn được tham quan cái khu vực
cấm này cùng với một cataphile. Anh ấy là người Pháp, đồng nghiệp của
một người bạn. Ban ngày anh ấy là một kĩ sư tin học, ban đêm là nhà thám
hiểm.
Để tham quan thì cần mang theo đèn pin, đi ủng, vì
nhiều đoạn đường hầm bị ngập nước, và chắc chắn là không nên mặc quần áo
đẹp rồi. Chúng tôi có khoảng hơn 10 người, hẹn gặp nhau ở trên một
đường tàu bỏ hoang. Lối vào rất bé và khá sâu. Nhưng khi vào trong thì
lại tương đối cao, rộng, không đến mức phải cúi gập người để đi lại. Nếu
tôi nhớ không lầm thì chuyến đi kéo dài khoảng 8 tiếng, từ 9h tối đến
5h sáng hôm sau.
Có khá nhiều điều thú vị trong chuyến đi.
Ví dụ, tôi rất ngạc nhiên vì có nhiều người như thế ở dưới đó, cứ 15 -
30 phút là chúng tôi lại gặp một nhóm người cũng đang đi thăm quan ở
dưới đó. Thỉnh thoảng lại thấy một nhóm đang bật nhạc, ngồi uống bia,
như trên mặt đất vậy. Trong lúc đi thì có nhiều đoạn đường hầm bị sạt
lở, do nước mưa ngấm vào. Nhiều đoạn bị lụt đến ngang người, cần phải
bám vào cạnh tường để đi qua. Tôi vẫn còn hình dung ra đoạn này vì hình
như có 1 bạn trong đoàn bị ngã, ướt gần hết ở đó.
Tất
nhiên, phần chúng tôi chờ đợi nhất là khu hài cốt. Trước khi đi, tôi
tưởng tượng là sẽ có một khu được xây dựng khang trang để chứa hài cốt.
Nhưng thực ra thì hoàn toàn ngược lại. Xương người được đặt vào trong
những cái hang, la liệt khắp nơi, trên nền đất, trên cạnh tường, xếp
thành đống. Mỗi cái hang như vậy chứa khoảng vài ngàn bộ hài cốt. Bọn
tôi cũng đã dừng lại ngồi trong một số các phòng như vậy, ngồi tâm sự và
kể chuyện "ma”. Có bạn cầm khúc xương, hoặc đầu lâu để nhìn hoặc chụp
ảnh. Phần lớn các bộ hài cốt đã khô và giữ nguyên hình dạng, ngoại trừ
có một phòng là vẫn còn mùi. Tổng cộng là bọn tôi tham quan khoảng 4, 5
phòng như thế ».
Trả lời câu hỏi của RFI tiếng Việt về cảm giác khi đi lang thang, khám phá Catacombes, anh Hà cho biết :
«
Trước khi đi thì tôi có cảm giác hơi sợ sợ, vì tín ngưỡng người Việt
của chúng ta phần lớn là tôn trọng, thậm chí là sợ người đã khuất. Nhưng
thực tế khi tôi tiếp xúc thật, nhìn, sờ, ngồi cạnh nhiều bộ hài cốt như
thế, thì cũng không đáng sợ lắm. Tôi dần có cảm giác là xương cốt người
chết cũng rất là bình thường, như mọi thứ mà mình thấy nhìn hàng ngày
vậy. Chuyến đi đã cho tôi một trải nghiệm rất tuyệt vời mà không phải dễ
có được. Một chuyến du lịch trong lòng đất, như trong truyện của Jules
Verne, ở ngay nơi mình đang sống cho tôi thêm những hiểu biết về lịch sử
thành phố Paris ».
Khách du lịch chờ tham quan hầm mộ Catacombes, quận 14, Paris.CC/Roman SUZUKI
Catacombes, điểm đến trong mùa lễ hội Halloween
Từ
vài năm nay, có khoảng 500.000 du khách tới thăm Catacombes mỗi năm,
trong đó hơn một nửa là du khách nước ngoài. Vào dịp lễ hội Halloween
2015, chính quyền thành phố Paris đã quyết định giao cho trang Airbnb
tìm 1 cặp khách nghỉ qua đêm 31/10 trong hầm mộ Catacombes. Đổi lại,
trang Airbnb trả cho Paris số tiền 300.000 euro, để thành phố có thêm
kinh phí tu sửa hầm mộ. Ý tưởng của thành phố Paris đã bị nhiều đảng
phái chính trị, nhất là đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa (LR) phản
đối.
Còn Airbnb hứa hẹn hai du khách ưa cảm giác mạnh sẽ có một « trải nghiệm độc nhất vô nhị », một đêm ngủ bên 6 triệu hồn ma, một đêm mà theo như Airbnb là « Quý vị sẽ là người duy nhất còn sống và thức dậy trong hầm mộ Paris ». Để
được tuyển chọn và không phải trả tiền phòng, kèm theo một bữa ăn tối
dưới ánh nến và một buổi hòa nhạc cổ điển ngay trong hầm mộ, các ứng
viên phải viết thư trả lời câu hỏi : « Tại sao quý vị nghĩ rằng có đủ can đảm để ngủ trong hầm mộ? » Người thắng cuộc năm 2015 là một luật sư người Brazil và mẹ của anh.
Catacombes
đặc biệt đông khách vào dịp lễ hội Halloween. Theo một thăm dò ý kiến
năm 2016 trên trang mạng Lastminute.com chuyên về du lịch, hầm mộ Paris
là điểm đến hấp dẫn thứ ba tại châu Âu vào mùa Halloween, chỉ sau lâu
đài Dracula ở Transylvania và tháp Luân Đôn ở Anh Quốc.
Nếu có dịp tới Paris, mời quý vị xuống lòng đất, thăm « Vương quốc của người chết » trong lòng kinh đô hoa lệ, để cảm nhận, để hiểu thêm một phần lịch sử Paris, nơi vẫn còn nhiều bí mật đang chờ được khám phá.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét