Thứ Bảy, 21 tháng 10, 2017

Bí quyết thịnh vượng của châu Á: Người cày có ruộng

Trâm Huyền



Một cánh đồng thực phẩm hữu cơ (organic) ở tỉnh Hualien, Đài Loan. Ảnh: Taiwan Panorama.



Bàn về tầm quan trọng cốt yếu của chính sách ruộng đất nông nghiệp công bằng đối với thịnh vượng tại châu Á.

Có một thứ cũng gây ấn tượng mạnh gần như tính năng động của khu vực châu Á, chính là việc các nước trong khu vực này thịnh vượng theo một cách rất không đồng đều, tới mức tương phản với các khu vực châu Phi, Mỹ La Tinh, hay châu Âu. Nhật Bản thuộc nhóm những nước giàu (GDP đầu người khoảng $38,000) về mặt thực tế địa lý nằm trên cùng một nhóm quần đảo bao gồm cả Philippines (GDP đầu người $2,950). Singapore giàu có ($53,000) chỉ cách Myanmar ($1,275) có một giờ bay.

Trên bán đảo Triều Tiên, mức độ tương phản còn sắc nét hơn nữa. Hai nền kinh tế có khởi đầu trong những hoàn cảnh tương đồng bây giờ đã phát triển theo hai hướng riêng rẽ tới mức đáng ngạc nhiên: người Hàn Quốc bây giờ trung bình cao hơn người Bắc Triều Tiên từ 3 đến 8cm, tùy thuộc vào độ tuổi, nhưng đều nhờ vào việc người Hàn Quốc có chế độ dinh dưỡng tốt hơn.

Nhân loại đã tốn rất nhiều bút mực bàn luận về các nguyên do của hiện tượng “Đông Á thần kỳ” (East Asian miracle). Trong hiện tượng đó, đầu tiên là Nhật Bản, tiếp theo sau là bốn “con hổ châu Á” đầu tiên – Hong Kong, Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan – và sau nữa là Trung Quốc, đều đã duy trì được mức tăng trưởng chắc chắn trong hàng thập niên.

Phần lớn các nghiên cứu chỉ ra các chính sách theo hướng thân thiện với kinh tế thị trường, vốn đã khuyến khích xuất khẩu hàng hóa sản xuất trong nước và tạo điều kiện cho việc tích lũy vốn tư bản nhanh chóng, bao gồm cả vốn con người. Một số các nghiên cứu khác đặt nặng tầm quan trọng của các thiết chế chính trị. Tuy nhiên, một yếu tố vẫn thường tương đối bị xem nhẹ: tái cấu trúc nền nông nghiệp nội địa.

“Cải cách đất đai” (land reform), nghe vô thưởng vô phạt, nhưng bao gồm một công tác “kinh thiên động địa”: tịch thu đất từ những ai sở hữu đất và trao đất đó cho những ai không có sở hữu đất. Nghe ghê gớm như vậy, tuy nhiên những hành động triệt để đó có lẽ là cần thiết ở những quốc gia có phần đông dân số là người nghèo sống ở nông thôn.

Như Joe Studwell đã giải thích trong cuốn sách “Châu Á vận hành như thế nào” (How Asia Works), sản lượng nông nghiệp tại những quốc gia như thế thường bị đình trệ. Dân số càng tăng, đất ruộng càng hiếm, còn địa chủ thì tăng tiền thuê đất và cho vay nặng lãi. Tất cả những thứ đó dẫn đến tình trạng nhiều nông dân thuê đất ruộng nghèo nàn phải ngập chìm trong nợ nần và không có phương tiện để đầu tư làm ăn.

Trung Quốc là một ví dụ rõ nét. Vào những năm 1920, 1/10 dân số nước này sở hữu trên 7/10 đất đai trồng trọt được. 3/4 các gia đình làm ruộng có ít hơn một héc-ta đất. Lực lượng cộng sản của Mao Zedong (Mao Trạch Đông) đã tái phân bố sở hữu đất đai trên mọi khu vực họ chiếm được. Sau khi đánh bại phe Quốc Dân đảng vào năm 1949, phe cộng sản tiến hành cải cách ruộng đất trên toàn quốc.

Giới địa chủ Trung Quốc, ngay cả một số trong đó không có nhiều đất hơn nhiều người khác, đã bị đem ra làm dê tế thần. Trong thập niên sau năm 1945, hàng triệu địa chủ đã bị đánh đến chết hoặc xử bắn, hay bị bỏ đói. Cách mạng, Mao nói, không phải là một bữa yến tiệc.


Một người Trung Quốc bị cáo buộc là “địa chủ” đang bị xét xử trước một “toà án nhân dân” ở Quảng Đông vào tháng 7/1952 trong phong trào “Cải cách ruộng đất” do đảng Cộng sản Trung Quốc tiến hành. Ảnh: Bettmann/Corbis/AP Images.


Ảnh hưởng của cải cách ruộng đất đến ngay lập tức. Sản lượng thóc tăng có lẽ vào khoảng 70% trong thập niên sau cuộc nội chiến Trung Quốc. Khi nông dân có thể tận dụng được phần lớn giá trị đất đai của họ, họ có một động lực lớn để sản xuất. Và trong khi nông nghiệp quy mô nhỏ lẻ luôn thuộc dạng cần rất nhiều nhân công, việc đó lại hoàn toàn có lý trong bối cảnh nhân công thừa mứa. (Phải vài năm sau đó thì những người cộng sản Trung Quốc mới bắt đầu cái trò tập thể hóa sản xuất điên rồ. Trung Quốc cuối cùng vượt qua thảm họa đó năm 1978, sau khi Mao chết. Bắc Triều Tiên thì chỉ mới bắt đầu thoát khỏi công cuộc tập thể hóa gần đây.)

Thành công sớm của Trung Quốc thách thức Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Những quốc gia này đồng thời cũng chịu sức ép từ Hoa Kỳ phải tiến hành cải cách ruộng đất. Tuy nhiên, họ đã cho thấy rằng việc cải cách này không cần phải giết người hàng loạt.

Cho tới Thế chiến thứ Hai, một nửa đất trồng trọt của Nhật Bản đang được các nông dân thuê đất sử dụng, và tiền thuê chưa bao giờ dưới một nửa sản lượng thu hoạch. Sau chiến tranh, kích cỡ mỗi nông trại được giới hạn xuống còn ba héc-ta. Các ủy ban đất đai được thiết lập mà trong đó số lượng nông dân thuê đất luôn nhiều hơn số địa chủ. Các ủy ban này giám sát một tiến trình tái phân chia đất đai có tác dụng đưa đất đai từ hai triệu hộ dân sang cho bốn triệu hộ dân khác.

Công tác đền bù địa chủ không thỏa đáng (và tiền đền bù bị ảnh hưởng nặng bởi lạm phát), tuy nhiên đã có rất ít bạo lực diễn ra giữa những người nông dân Nhật Bản. Có thể lý do là vì việc chiếm lấy đất ruộng của ai đó có thể diễn ra đơn giản và lịch sự hơn, nếu bạn luôn có thể đổ lỗi cho chính sách do những kẻ chiếm đóng người Mỹ đem đến. Dù là gì, nông nghiệp Nhật Bản đã phát triển bùng nổ.

Hàn Quốc thì có sở hữu ruộng đất không đồng đều nhất trong khu vực, và mức độ phản kháng từ giới tinh hoa nắm quyền cũng mạnh mẽ nhất. Một số địa chủ đã phải chịu mất đến 90% đất đai của họ.

Tuy nhiên Đài Loan dưới chế độ Quốc Dân đảng cho thấy những lợi ích rõ ràng nhất của việc cải cách ruộng đất bằng một cách:

Bắt đầu với kiểm soát giá thuê đất và cải cách chế độ thuê mướn đất. Sau đó là công tác bán lại đất do Nhật Bản sở hữu tại Đài Loan. Sau đó, năm 1953, mới có công tác phân bổ sở hữu.

Phần đất do nông dân sở hữu và canh tác tăng từ 30% năm 1945 lên 64% năm 1960. Sản lượng mía đường và gạo tăng mạnh. Các thị trường mới cho trái cây ngoại lai và rau quả được thiết lập. Xuất khẩu nông nghiệp các giai đoạn đầu phần lớn là từ các hộ nông dân nhỏ lẻ.

Cốt yếu nữa là, chênh lệch thu nhập tại Đài Loan giảm nhờ vào lực lượng nông dân có tư bản mới ra đời. Càng phải chi ít tiền nhập khẩu thức ăn, càng có nhiều tiền vào túi người dân Đài Loan, và một tinh thần kinh doanh làm chủ mới được khai sinh: nông nghiệp chính là điểm khởi đầu của sự phát triển kinh tế kỳ diệu của Đài Loan.

Cải cách ruộng đất thành công và không đổ máu, Đài Loan giờ đây là một trong những xã hội thịnh vượng và tự do nhất châu Á. Ảnh: travel.taipei.

Rẻ bằng nửa giá

Indonesia, Malaysia và Thái Lan đều đã có thể noi gương Đài Loan, nhưng họ đã không làm.

Nền kinh tế của họ đều đang trong tình trạng tệ hơn. Với khoảng 25% (tại Malaysia) và 48% (tại Thái Lan) dân số các nước này đang sống tại các khu vực nông thôn, phân bổ đất đai là một công tác quan trọng. Các chính quyền các nước này thì lại ưu tiên doanh nghiệp nông nghiệp và đồn điền, hơn là giới nông dân nhỏ lẻ. Luôn có một mức chênh lệch lớn về thu nhập giữa nông thôn và thành thị tại các nước này.

Tình hình ở Philippines còn tệ hơn, cho dù nước này có mức thu nhập bình quân đầu người sau Thế chiến thứ Hai ngang bằng với Đài Loan cùng thời kỳ.

Trước khi trao trả độc lập cho Philippines năm 1946, Hoa Kỳ đã cho bán đấu giá một lượng đất đai lớn của giáo hội Thiên Chúa giáo nước này. Chỉ có giới tinh hoa địa phương là có đủ tiền để mua đất. Chính giới tinh hoa mua đất này trở thành giai cấp sở hữu đồn điền vốn đang ‘làm mưa làm gió’ thời nay. Giai cấp đó chính là nền tảng cho các đại gia đình chính trị tại Philippines.

Thực tế là, sau cuộc Cách mạng Quyền lực Nhân dân (the People Power revolution) – vốn do Cory Aquino, con gái một gia đình địa chủ và kết hôn với chồng từ một gia đình địa chủ khác – áp lực chính trị đòi tái phân bổ đất đai đã góp phần dẫn đến một đạo luật cải cách được thông qua năm 1988.

Sau 30 năm, đạo luật đầy những lỗ hổng pháp lý đó vẫn đang được triển khai. Hoạt động của các khối bất động sản ruộng đất lớn vẫn không bị ảnh hưởng mấy, trong khi các hộ nông dân nhỏ lẻ thì vẫn thiếu thốn các trợ giúp kỹ thuật và tài chính. Nhiều hộ nông dân được giao đất đã phải cho các doanh nghiệp nông nghiệp lớn thuê lại đất này ở mức giá rẻ mạt. Theo đó, những hộ nông dân này trở thành những người làm công ăn lương ngay trên đất đai họ sở hữu.

Ở đây có cả những hệ quả chính trị. Tình trạng phát triển nông nghiệp có tính dung nạp (inclusive agricultural growth) tại các quốc gia như Hàn Quốc và Đài Loan đã dẫn dắt các nước này đến việc có được chính trị mang tính dung nạp (inclusive politics) trong các nền dân chủ đang phát triển mạnh tại các nước này.

Tại Đông Nam Á, trái ngược lại, chủ nghĩa bè phái thân hữu và tính trì trệ là những hệ quả của một nền kinh tế không công bằng với những ai nằm dưới đáy của nó. Philippines và Thái Lan rõ ràng đều đã và đang phải trả giá cho việc không giúp đỡ người nghèo vươn lên: tình trạng phiến quân nổi loạn và bạo động tại các khu vực nông thôn.

Khi chúng ta cân đong chi phí và lợi ích, cải cách ruộng đất, nếu làm tốt, bắt đầu trông có vẻ bổ và rẻ.

 Lược dịch từ bài báo “Land To The Tiller” của tạp chí The Economist đăng bản in giấy ngày 14/10/2017. Cách dòng do người dịch.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét