Bà Aung San Suu Kyi, với các dân
biểu Quân Đội Miến Điện, tháng 3/2016. REUTERS/Ye Aung Thu
Sau trưng cầu dân ý Catalunya, e
rằng Tây Ban Nha sẽ đi vào con đường đẫm máu. Thủ tướng Anh có nguy cơ « ra đi
» trước Brexit. Vì sao lãnh đạo Miến Điện Aung San Suu Kyi vô cảm với thảm nạn
của người Rohingya? Trên đây là những chủ đề quốc tế trên báo Pháp ngày
02/10/2017.
« Tôi không phải là Margaret
Thacher (người đàn bà thép) nhưng tôi cũng không phải là Mẹ Theresa. Tôi cũng
không phải là thần tượng, tôi là nhà chính trị ». Khôi nguyên Nobel Hoà Bình
1991, nay là người nắm thực quyền dân sự ở Miến Điện, đã dùng lời đanh thép này
để giải thích vì sao bà không lên tiếng bênh vực cộng đồng Rohingya đã làm cho
nhiều người từng mến mộ Aung San Suu Kyi thất vọng não nề. Đặc phái viên Bruno
Philip của Le Monde nhắc lại tuyên bố này không phải để chỉ trích nhân vật « có
quyền cao hơn tổng thống », nhưng để giúp độc giả tìm hiểu « phần tối » của nhà
lãnh đạo, một thời được thế giới xem là « thần tượng ».
« Nobel Hoà Bình 1991 : trước sau
như một ? »
Vào lúc công luận quốc tế bất
bình bà Aung San Suu Kyi, tại Rangoon nhiều người cho rằng Tây phương hiểu lầm.
Ko Jimmy, cựu phát ngôn viên phong trào sinh viên « Thế hệ 88 », cựu tù chính
trị trong chế độ quân phiệt khẳng định : « Aung San Suu Kyi không hề thay lòng
đổi dạ. Bà làm hết sức mình để bảo vệ nhân quyền và dân chủ ».
Thế thì tại sao hơn nửa triệu người
Rohingya phải bỏ nước ra đi ? Nhà báo Sit Thu Aung Mynt, trước đây là chiến
binh của đảng Cộng Sản Miến Điện, nay đã giải thể, phân tích : Tây phương không
hiểu là ở Miến Điện có hai chính phủ : chính phủ Aung San Suu Kyi và chính phủ
của... quân đội. Bà ấy không thể công khai lên án quân đội mà phải chỉ trích một
cách tế nhị. Trong thông điệp ngày 19/09 vừa qua, khi tuyên bố « những ai phạm
tội chà đạp nhân quyền thì dù ở chức vụ nào, theo tôn giáo nào » cũng sẽ bị trừng
phạt đích đáng. Aung San Suu Kyi đã đi tới mức giới hạn có thể, vì quân đội nắm
hết các bộ then chốt – Nội Vụ, Quốc Phòng và Biên Giới và nắm quyền phủ quyết ở
hai viện Quốc Hội.
Còn theo Tin Maung Than, tổng thư
ký Hội Đồng Hồi Giáo, thì cho dù bà Aung San Suu Kyi có phê phán hành động cực
đoan của giới Phật tử kỳ thị tôn giáo, đồng minh của quân đội, thì phe quân đội
cũng bất chấp.
« Chính trị gia thiền sinh »
Tuy nhiên, theo Le Monde, nguyên
nhân sâu xa làm giới trí thức ở Rangoon bất bình và thất vọng là bà Aung San
Suu Kyi « đã chọn chính trị thay vì đạo lý » làm kim chỉ nam.
Câu hỏi mà Le Monde đặt ra là «
quyền lực đã làm cho người cựu sinh viên đại học Oxford, từng can đảm hy sinh hạnh
phúc riêng tư để thực hiện hoài bão của người cha mất sớm, thay đổi đến mức độ
nào ?».
Theo Le Monde, « mảng tối » của
Aung San Suu Kyi, một phần là do liên hệ huyết thống với người cha anh hùng dân
tộc Aung San, bị đối thủ chính trị ám sát vài tháng trước khi Miến Điện được
Anh Quốc trao trả độc lập. Làm thế nào bà có thể bài bác quân đội do chính thân
phụ thành lập ? Bà chỉ dành « sấm sét » cho những tướng lãnh thiếu trách nhiệm.
Aung San Suu Kyi, theo lời kể của
Leon De Riedmatten, một nhà họat động Thụy Sĩ trong Hội Hồng Thập Tự Quốc Tế,
là một người vừa cứng cỏi vừa vui tính. Năm 2002, bà từ chối đề nghị thỏa hiệp
với quân đội đổi lấy tự do mà không có đối thoại chính trị. Thuyết phục mãi,
sau cùng bà nhận lời với một điều kiện làm « ấm lòng » một người Thụy Sĩ : nếu
tôi đồng ý, bạn làm cho tôi món pho mát « nướng ».
Trên thực tế, Aung San Suu Kyi
không phải là con người tình cảm vụn vặt. Bà cảm thấy có một sứ mệnh linh
thiêng phải theo đuổi. Thiên hướng này được bà giải thích vào năm 2013 tại
Tokyo : Tôi cảm thấy ái ngại khi được khen là đã chịu nhiều hy sinh. Tôi không
cảm thấy hy sinh gì cả. Tôi chọn con đường phải đi và đi đến cùng với sự tỉnh
thức.
Theo Le Monde, Aung San Suu Kyi
chỉ có một cuộc tranh đấu : tranh đấu cho một nước Miến Điện dân chủ. Danh tiếng
ở nước ngoài chỉ là thứ yếu. Kết quả nhiều năm dài thiền quán theo pháp môn
Vipassana, bà thấu rõ cũng như biết giữ khoảng cách với thăng trầm của cuộc đời.
Catalunya : cạm bẫy nội chiến
Tây Ban Nha trong ngõ cụt. Bạo lực
đào thêm hố chia rẽ giữa Madrid và Catalunya. Nhìn chung báo chí Pháp lo ngại
quốc gia láng giềng rơi vào vòng nội chiến máu lửa.
Trong bài xã luận « Dưới chân tường
», nhật báo Công giáo La Croix tiếc rẻ : Thoát khỏi chế độ độc tài của Franco
(1978), Tây Ban Nha theo sáng kiến một nước tản quyền. Một số cộng đồng tự trị
được Madrid cho thêm thẩm quyền nhiều hơn cộng đồng khác.
Thế nhưng người dân Catalunya đã
không ý thức được là họ bị một nhóm thiểu số yêu sách phi lý khuynh đảo, các kết
quả thăm dò ý kiến xác nhận điều này. Chính thái độ cực đoan này đã tạo ra phản
ứng mạnh từ chính quyền trung ương có bổn phận bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Tại
sao dân Catalunya lại muốn ly khai với một nước dân chủ ? Tây Ban Nha có áp bức
họ đâu ?
Về phần chính quyền trung ương,
La Croix kêu gọi Madrid phải biết sáng tạo một chính sách mới, như liên bang chẳng
hạn.
Libération trách chính quyền cánh
hữu hiện nay là thiếu mềm dẻo trong một thế giới có xu hướng « chọn một phe »
khi thấy tình hình phức tạp. Thủ tướng Rajoy đã chọn bạo lực Nhà nước để đối
phó với Catalunya bất tuân dân sự. Dùng đạn cao su và cảnh sát đàn áp chỉ tạo
ra thêm một phong trào đối lập cực đoan. Cả nước Tây Ban Nha không nên theo con
đường nội chiến đẫm máu mà họ đã nếm trải trong thập niên 1930.
Liên Hiệp Châu Âu nhiều rối ren
Nếu Le Monde tập trung vào lý do
địa chính trị và kinh tế khiến Madrid không để cho Barcelona ly khai,
Libération dành nhiều trang báo để phân tích thái độ tắc trách, thiếu tầm nhìn
của giới chính trị Tây Ban Nha từ nhiều chục năm nay. Nhật báo cánh tả kêu gọi
Liên Hiệp Châu Âu nhắc nhở thủ tướng Tây Ban Nha nền tảng của Liên Hiệp Châu Âu
là « hoà bình, thịnh vượng và tiến bộ ». Vấn đề là trong một bài phân tích «
Châu Âu bối rối, giữ im lặng », Libération cho rằng Bruxelles khoanh tay đứng
ngoài vì Berlin, ủng hộ Madrid, để cho Tây Ban Nha tự lo, theo nguyên tắc không
can thiệp vào nội bộ của nhau. Nguyên tắc này có giá trị đến bao giờ ?
Libération tự trả lời : cho đến khi có máu đổ.
Đối với Les Echos, Tây Ban Nha
khó có thể quay lui. Thủ tướng Mariano Rajoy rơi vào chiếc bẫy Catalunya. Chủ tịch
vùng tự trị này chơi đòn cân não với lời đe dọa « tuyên bố nước cộng hoà
Catalunya độc lập ». Giải pháp tương đối khả thi, do phe tả đề nghị, là tu
chính Hiến Pháp.
Nội tình nước Đức cũng rối ren vì
phong trào cực hữu. Đối với Les Echos, nét son thống nhất đất nước đã bị đảng
AfD làm nhơ nhuốc. Trong phần lãnh thổ Đông Đức cũ, có vài nơi đảng bài ngoại
chiếm được 32 % phiếu bầu. Kết quả này buộc nước Đức phải xem xét lại con đường
trải qua từ năm 1990. Một trong những điểm đen làm người dân phàn nàn là thu nhập
bên phía đông thấp hơn phía tây. Tiền hưu trí cũng thế cho dù Berlin đã nhiều lần
gia tăng phụ cấp.
Theresa May bị nội bộ đe dọa
Trong bối cảnh phe cực hữu Đức muốn
ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, Catalunya muốn độc lập với Tây Ban Nha, Luân Đôn
thương lượng ly hôn với Bruxelles, thì đảng bảo thủ của Anh đứng trước cơn bão
chính trị : Thủ tướng Theresa May, vị thế đang suy yếu vì kinh tế Anh trì trệ,
vì thái độ khiêu khích của ngoại trưởng Boris Johnson, có nguy cơ « ra đi » trước
« Brexit », tựa của Libération.
Tin xấu đến hàng loạt : Kinh tế
Anh bị cơ quan thẩm định tài chính Moody’s hạ điểm, tỷ lệ tăng trưởng rơi xuống
mức thấp nhất so với các nước G7. Trong khi đó, ngoại trưởng Boris Johnson công
khai nhắm chiếc ghế thủ tướng Anh.
Cuối cùng, nhìn từ Matxcơva, Le
Monde mượn tựa câu chuyện cổ tích « Alibaba và 40 tên cướp » để nói về một
trong những chuẩn bị tái tranh cử của tổng thống Nga : Vladimir Putin và 40 đại
gia. 40 tỷ phú và triệu phú doanh nhân của Nga được triệu mời vào điện Kremlin
ngày 21/09 vừa qua. Cuộc gặp gỡ mang danh nghĩa tổng kết tình hình kinh tế « phấn
khởi » theo chủ nhân điện Kremlin, nhưng có thể xem là chiến dịch tái tranh cử
vào tháng 03/2018 đã khai màn.
Y tế : Tin xấu, tin vui
Về y tế, Le Monde đưa một tin xấu.
Tin xấu là giới chuyên gia bị phân hóa, không kết luận dứt khoát có cần cấm triệt
để hay không hóa chất phtalates cho dù có nhiều nghiên cứu nghi ngờ hóa chất diệt
cỏ sử dụng đại trà trong nông nghiệp có phương hại cho hệ thống thần kinh và nội
tiết của trẻ em trai.
Le Figaro thì đưa tin vui : giới
y khoa đã nhận diện ra nguyên nhân chính gây ung thư bàng quang : đó là thuốc
lá, và tìm ra một phương cách trị liệu ung thư bàng quang đáng khích lệ bằng liệu
pháp miễn dịch.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét