Việc tác phẩm A Taxi Driver (Người
lái taxi) trở thành bộ phim “hot” nhất Hàn Quốc năm nay khiến cho người ta ngạc
nhiên, vì nó không có các diễn viên xinh đẹp, trẻ tuổi với những câu chuyện
tình diễm lệ. Mà đây là tác phẩm điện ảnh vinh danh những hy sinh thầm lặng của
rất nhiều người dân Nam Hàn trong công cuộc dân chủ hóa đất nước những năm đầu
thập niên 1980 – qua hình ảnh một người đàn ông lái taxi trung niên họ Kim.
Nhưng cũng từ đó, chúng ta có thể
nhìn được một khía cạnh khác của xã hội Hàn Quốc, để không thể dễ dàng kết luận
là người dân tại đây – đặc biệt là người trẻ – vô cảm với chính trị.
Dựa trên một số tư liệu có thật từ
nhà báo Đức Jürgen Hinzpeter, bộ phim xoay quanh cuộc đàn áp sinh viên và người
dân đòi hỏi dân chủ hoá trong thảm sát đẫm máu ở Gwangju. Tính đến đầu tháng
9/2017, A Taxi Driver đã đạt được doanh thu cao nhất phòng vé tại Hàn Quốc. Bộ
phim này hiện còn là đề cử chính thức của Nam Hàn cho giải Oscar Phim nước
ngoài hay nhất 2017.
Năm 2017, Hàn Quốc chứng kiến
thành tựu của một cuộc cách mạng dân chủ mới
Thảm sát Gwangju xảy ra vào tháng
5/1980, khi quân đội của chính phủ độc tài Chun Doo-hwan thẳng tay đàn áp sinh
viên và người dân ủng hộ dân chủ hóa, gây ra cái chết cho 150 người, làm bị
thương và bỏ tù hàng nghìn người – theo thống kê từ phía quân đội. Người dân
Gwangju thì cho rằng con số người chết và mất tích sau sự kiện này có thể lên đến
2.000 người.
Tuy nhiên, tất cả những chết
chóc, đàn áp, và bắt bớ không hề làm nản lòng người dân Hàn Quốc, và công cuộc
dân chủ hóa đất nước vẫn tiếp tục. Năm 1987, Hàn Quốc chính thức chuyển đổi
sang thể chế dân chủ. Nhưng nền dân chủ tại đây vốn vẫn luôn đối đầu với nhiều
thử thách từ các phe nhóm bảo thủ mang hơi hướm của chế độ độc tài năm xưa, đặc
biệt là trong thời gian 10 năm vừa qua.
Nếu các nhà nghiên cứu Khoa học
Chính trị trên thế giới đã từng quan ngại về một nền dân chủ thoái trào tại Nam
Hàn trong thập niên qua, thì cũng chính người dân tại đây lại làm ra một cuộc
cách mạng dân chủ mới cuối năm 2016.
Vào tháng 12/2016, với hàng triệu
người xuống đường biểu tình, người dân Hàn Quốc đã thành công yêu cầu phế truất
tổng thống Park Geun-hye và tổ chức bầu cử trong ôn hòa. Hành động của họ là
minh chứng cho việc thay đổi lãnh đạo đất nước có thể tiến hành trong hòa bình
và ổn định bằng các thiết chế dân chủ, bác bỏ hoàn toàn những lập luận là dân
chủ hóa dẫn đến bất ổn và bạo động.
Tổng thống được bầu lên sau đó,
Moon Jae-in còn là một luật sư nhân quyền và là một nhà hoạt động trong thời kỳ
chuyển đổi dân chủ. Tỉnh Gwangju cũng là căn cứ địa của tổng thống Moon trong
chiến dịch tranh cử 2016-2017.
Kể từ khi tổng thống Moon Jae-in
đăng nhiệm vào tháng 5/2017, chính phủ mới đã có nhiều hành động kỷ niệm những
gì đã xảy ra ở Gwangju 37 năm trước, cũng như khẳng định ý chí tiếp tục chọn lựa
thể chế dân chủ cho đất nước mình.
Đích thân tổng thống Moon đã đến
Gwangju ngày 18/5/2017 để tham gia lễ tưởng niệm các nạn nhân của cuộc thảm
sát. Ngoài ra, một trong những sắc lệnh đầu tiên được ông ban hành đã cho phép
bài quốc ca của phong trào dân chủ – A March for My Beloved – được trở thành
bài hát chính thức của buổi lễ đó – sau nhiều năm bị phe bảo thủ cấm đoán.
Tuy nhiên, phải nói là đến khi chứng
kiến cơn bão phòng vé dành cho bộ phim A Taxi Driver, chúng ta mới càng thấy rõ
rằng, người dân Hàn Quốc không chỉ chọn mỹ phẩm, thời trang, hay các nhóm nhạc
thịnh hành làm giá trị đại chúng. Mà trên tất cả, người dân tại đây hiểu được,
xã hội tốt đẹp và thịnh vượng mà họ đang có chính là đến từ sự hy sinh quên
mình của những người đấu tranh cho công cuộc dân chủ hóa của đất nước.
Và vì thế, người dân Hàn Quốc vẫn
một lần nữa lựa chọn dân chủ.
Diễn viên Song Kang-ho trong vai
Kim Sa-bok, nhân vật chính, bác tài xế taxi. Ảnh: Hollywoodreporter.
Vì sao tác phẩm tái thể hiện cuộc
đấu tranh chống độc tài 37 năm trước được người dân đón nhận?
Một nhân vật quan trọng của bộ
phim A Taxi Driver là nhà báo Đức Jürgen Hinzpeter. Ông là một trong những người
nước ngoài hiếm hoi đã tiến vào được Tỉnh Gwangju tháng 5/1980, khi lệnh đàn áp
các cuộc biểu tình của người dân tại đây được chính quyền Chun Doo-hwan ban bố,
và những người ngoài tỉnh đều bị cách li.
Hinzpeter đã tìm cách len lỏi vào
Gwangju để đưa tin, và ông đã được một người lái taxi họ Kim giúp đỡ. Cũng
chính bác tài xế taxi này lại tiếp tục giúp phóng viên Hinzpeter rời khỏi
Gwangju. Nhờ vậy, ông có thể đưa các thước phim của mình về cuộc thảm sát công
bố đến với thế giới vào ngày 22/5/19980 – chỉ bốn ngày sau khi vụ thảm sát xảy
ra.
Vì thế, tài xế Kim là một nhân vật
có thật, nhưng tên của ông có thể là Kim Sa-bok (tên nhân vật chính của bộ phim
A Taxi Driver), mà cũng có thể là không phải. Bởi vì sau khi Hàn Quốc trở thành
một nước dân chủ, phóng viên Hinzpeter đã không cách nào kiếm lại được tài xế
Kim, dù đã bỏ ra rất nhiều năm tìm kiếm.
Phóng viên Hinzpeter qua đời vào
năm 2016. Trước khi mất, ông bày tỏ nguyện vọng được án táng tại Gwangju, và đã
được chính quyền cũng như người dân giúp tại đây thực hiện vào tháng 5/2016.
Bia tưởng niệm phóng viên Jürgen
Hinzpeter ở nơi an nghỉ cuối cùng của ông tại Gwangju, Hàn Quốc. Ảnh: May 18
Memorial Foundation.
Jürgen Hinzpeter là một người được
mến mộ tại Nam Hàn bởi chính những thước phim lịch sử về thảm sát Gwangju của
ông đã vạch trần những điều dối trá của chính quyền Chun Doo-hwan.
Tháng 5/1980, Chun Doo-hwan đã ra
lệnh phong tỏa toàn bộ tin tức về những gì xảy ra ở Gwangju để có thể vu khống
những người dân tham gia biểu tình là những kẻ gây rối và nổi loạn. Thế nhưng,
chính nhờ ông Hinzpeter mà người dân Nam Hàn biết rõ được vụ việc, cũng như
không tin tưởng vào những lời tuyên truyền của chính quyền nữa.
Thảm sát Gwangju trở thành cột mốc
lịch sử vì nó đánh dấu giai đoạn người dân Nam Hàn đứng lên đối đầu trực diện với
chế độ độc tài, và họ đã vùng lên sau khi sự thật được báo chí quốc tế – đặc biệt
là ông Hinzpeter – phơi bày.
Các nhà làm phim A Taxi Driver đã
bỏ ra rất nhiều công sức để tìm kiếm ông Kim Sa-bok từ những thông tin mà phóng
viên Hinzpeter lưu trữ lại, nhưng họ cũng không thể tìm thấy. Sau khi bộ phim
được công chiếu, nhân vật người lái taxi họ Kim do nam tài tử nổi tiếng Song
Kang-ho thể hiện đã được công chúng hết sức yêu mến. Thế nhưng, cho đến tận bây
giờ, vẫn không có thêm thông tin về nhân vật này ngoài đời.
Trước đây, người dân luôn biết rằng
những gì phóng viên Hinzpeter làm, đã đóng góp vào việc vạch trần sự thật ở
Gwangju năm 1980. Nhưng bây giờ, bộ phim A Taxi Driver còn mang đến một cái
nhìn khác về cuộc đấu tranh cho dân chủ ở Hàn Quốc. Đó là, những người đã hy
sinh và đóng góp vào công cuộc dân chủ hóa vốn còn là những người dân bình thường,
như ông lái taxi Kim Sa-bok – nhân vật chính của bộ phim.
Trả lời phỏng vấn báo New York
Times, em Kim Ju-sung, một học sinh trung học cho biết, “đến tận bây giờ tôi mới
bết được còn có một nhân vật là bác lái taxi trong câu chuyện tuyệt vời về
phóng viên Hinzpeter. Tôi cảm thấy tự hào về những hành động của hai ông Kim và
Hinzpeter”.
Một chính quyền độc tài
(authoritarian regime) – bất kể là họ tự xưng là đi theo thể chế hay mô hình
nhà nước gì – luôn sử dụng cùng một
phương pháp cai trị. Đó là họ yêu cầu người dân phải trung thành mù
quáng vào giai cấp lãnh đạo, thay vì tôn trọng các giá trị tự do cá nhân và quyền
con người.
Và vì vậy, họ cũng dùng những
phương pháp để cai trị tương tự nhau – như ban hành những đạo luật mơ hồ và tùy
tiện để trấn áp, hay tìm mọi cách bóp nghẹt thông tin được truyền đạt đến công
chúng. Để từ đó, họ có thể độc quyền thêu dệt bất cứ sản phẩm tuyên truyền nào
nhằm củng cố quyền lực cho giai cấp lãnh đạo.
Câu chuyện mà bộ phim A Taxi
Driver kể lại đã nhắc nhở chúng ta về các giá trị mà những người đấu tranh cho
tự do và dân chủ ở khắp nơi luôn theo đuổi. Họ có cùng một ước mơ đấu tranh cho
một xã hội minh bạch, nơi mà người dân sẽ không bị bưng bít bởi những điều dối
trá từ chính quyền.
Người dân cần biết sự thật và
thông tin luôn cần được truyền đạt đến họ một cách trung thực nhất. Để từ đó,
chính người dân sẽ có quyền đưa ra những quyết định về các vấn đề chính sách của
xã hội và quốc gia.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét