Nguyên Tổng Giám đốc ngân hàng Đại
Dương Nguyễn Xuân Sơn (ở giữa) đang bị dẫn giải ra tòa trong ngày cuối phiên
tòa hôm 29/9/2017-AFP
Thời gian gần đây thêm một số viên
chức doanh nghiệp và quan chức trong bộ máy Nhà nước bị kết án hay kỷ luật với
cáo buộc sai phạm trong quá trình quản lý, trách nhiệm điều hành.
Phe nhóm bài trừ nhau?
Viên chức cấp cao doanh nghiệp bị
kết án gần đây nhất là ông Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN, nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng Đại dương (Ocean
Bank) với mức án án tử hình và Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị
Ocean Bank án chung thân.
Cuối tháng 9 vừa qua, Kế toán trưởng
của PVN là ông Lê Đình Mậu cũng bị bắt vì tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước
về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Trong một đại án ngân hàng khác,
ông Trầm Bê, nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị, kiêm Chủ tịch Hội
đồng tín dụng của ngân hàng Sacombank, bị truy tố vì đã làm thất thoát 1835 tỉ
đồng.
Ngay trước đó, hai nhân vật đứng
đầu Thành phố Đà Nẵng là ông Chủ tịch Thành phố Huỳnh Đức Thơ và ông Bí thư
Thành ủy Nguyễn Xuân Anh cũng bị cáo buộc mắc nhiều sai phạm trong điều hành,
quản lý.
Từ Đà Nẵng, blogger Trương Duy Nhất,
một người theo dõi sát tình hình chính trị của Việt Nam, cho rằng những vụ kết
án, kỷ luật các cán bộ Nhà nước và doanh nghiệp gần đây thể hiện một cuộc đấu
đá giữa các phe nhóm trong Đảng để dàn xếp nhân sự trước thềm Hội nghị Trung
ương 6 và xa hơn nữa là sau nhiệm kỳ Đảng lần này:
Việc đó có hai luồng ý kiến. Thứ
nhất, bây giờ Nhà nước gọi đó là cuộc đấu tranh chống tham nhũng do Tổng Bí thư
Nguyễn Phú Trọng. Những vụ như Ocean bank, Tổng công ty Dầu khí Việt Nam hay những
vụ việc như ở Đà Nẵng.
Nhưng các nhà quan sát lại cho rằng
đây là cuộc thanh trừng phe phái trong nội bộ Đảng chứ không chỉ đơn thuần là
công cuộc đấu tranh chống tham nhũng.
Bởi vì thực tế hàng loạt vụ việc
được khui ra nhưng không phải vụ việc nào cũng được xử lý.
Ông lấy ví dụ về những vụ việc
mang tính chất rất nghiêm trọng nhưng không được xử lý đến nơi đến chốn. Một
trường hợp được nêu ra là việc công bố kết
luận thanh tra tài sản ông Phạm Sỹ Qúy, giám đốc sở Tài nguyên – Môi trường Yên
Bái bị trì hoãn hết lần này tới lần khác. Hay các sai phạm của Bí thư Thành ủy
Hà Giang Triệu Tài Vinh và Bí thư Tỉnh Uỷ Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến,…
Một số trường hợp sai phạm nghiêm
trọng nhưng được tạo điều kiện cho “hạ cánh an toàn” chẳng hạn như ông Võ Kim Cự,
người mắc nhiều sai phạm liên quan đến thảm họa môi trường Formosa năm ngoái,
nhưng đã được cho về hưu cuối tháng 9 vừa qua.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện
trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển cũng đồng tình với quan điểm rằng đây là dấu
hiệu của một cuộc chiến phe phái rất gay gắt trong nội bộ Đảng. Ông giải thích:
Những vụ án liên quan đến ngân
hàng, một bị cáo họ chẻ làm ba, bốn tội. Nhiều khi một tội hàng chục người mắc
phải, là tội mà trên thế giới không có một nơi nào có cả. Và bản thân luật hình
sự của Việt Nam cũng đã dẹp tội đó đi rồi. Nhưng để phục vụ cho mục đích của
mình, họ hoãn thi hành luật đã được thông qua và tiếp tục theo luật cũ.
Chuyện ở Đà Nẵng, những tội của
hai ông trùm này so với những ông khác còn phạm tội nặng hơn vậy nhiều. Nhưng
nó lại thuộc phe mình chẳng hạn, thì mình hơi đâu đánh những người đấy.
Giáo sư Zachary Abuza thuộc
National War College ở Washington từng nói với hãng tin AFP rằng ông Trọng
không thể truy ông Dũng, nhưng trả thù mạng lưới tay chân của ông Dũng, cho
truy các đệ tử của ông này.
Vào tháng 5 vừa qua, một nhân vật
thân cận của ông Dũng là ông Đinh La Thăng bị kỷ luật mất chức bí thư thành ủy
thành phố Hồ Chí Minh, với những cáo buộc sai phạm khi lãnh đạo Tập Đoàn Dầu
Khí Việt Nam trước đây.
Tiếp đến là vụ ông Trịnh Xuân
Thanh trốn sang Đức xin tỵ nạn nhưng xuất hiện trên truyền hình Nhà nước ở Hà Nội
với lời tự thú. Chính phủ Đức nói Hà Nội cho người sang bắt cóc ông này đưa về
Việt Nam.
Trong một buổi phỏng vấn với báo
chí trong nước hôm 2/10, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nói rằng việc kỷ luật
cán bộ đã và đang diễn ra nói lên quyết tâm chống tham nhũng “không có vùng cấm
“ của Đảng. Ông nói rằng đây là một bước đi tốt cần được duy trì. Nhận xét về
chiến dịch chống tham nhũng “lò nóng củi tươi cũng cháy” của ông Nguyễn Phú Trọng,
ông Lê Khả Phiêu nói rằng thời kỳ này ta dám làm, kiên quyết làm, không chỉ dừng
lại ở cấp bộ trưởng mà còn cao hơn nữa.
Hình minh họa ông Nguyễn Xuân Anh
(trái), ông Huỳnh Đức Thơ (phải) trên báo Dân Trí. Dantri.com
Cuộc chiến "lò nóng, củi
tươi"
Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên
Phó Chủ Nhiệm Văn phòng Quốc hội lại có cái nhìn khác. Theo ông, hàng loạt các
vụ án doanh nghiệp hay kỷ luật quan chức được giải quyết “thẳng tay” là kết quả
của chiến dịch chống tham nhũng quyết liệt bấy lâu nay:
Câu chuyện chống tham nhũng ở Việt
Nam kéo dài mấy chục năm nay rồi. Đại hội lần thứ XI đã đẩy mạnh và Đại hội XII
khẳng định phải chồng tham nhũng từ trên xuống.
Tham nhũng thì ta phải chống và
khi có dấu hiệu tội phạm ta phải xử. Trong những vụ án gần đây, tội như vậy và
người ta xử như thế tôi cho rằng cũng phù hợp với pháp luật và nguyện vọng của
nhân dân.
Luật sư Trần Quốc Thuận cũng
không phủ nhận chuyện các phe nhóm nội bộ đấu đá nhau. Ông cho rằng đó là hai
phe chống tham nhũng và không muốn chống tham nhũng:
Trước kia người ta nói đến nhóm lợi
ích, đồng chí X, đồng chí Y gì đó. Nhưng giờ thất thế thì phải xử theo pháp luật.
Tôi cho rằng chuyện xử là cần thiết.
Nhưng nhìn ra thì đây là cuộc đấu
tranh diện rất rộng, và tập trung kỷ luật từ trên xuống. Đó cũng là một điều đặc
biệt, ít có và đang diễn ra rất ác liệt. Tôi cho rằng nếu kiểm soát được chuyện
tham nhũng này, thì có thể tạo niềm tin cho nhân dân.
Ông Trương Duy Nhất lại bày tỏ lo
ngại về chiến dịch chống tham nhũng này, bởi vì ông cho rằng nó luôn ẩn lấp đằng
sau là sự đấu đá quyền lực giữa các phe chứ không phải là một cuộc chống tham
nhũng thuần túy:
Đó có phải là công cuộc chống
tham nhũng đến nơi đến chốn để dân người ta tin hay không thì vẫn là câu hỏi. Bởi
vì thực tế ở một chế độ độc tài như vậy thì diệt bè phái này sẽ sinh ra bè phái
khác thôi.
Điều quan trọng là bây giờ tạo ra
một cơ chế thế nào để hạn chế quan chức tham nhũng thì vẫn chưa thấy đề cập đến,
mà chủ yếu vẫn là diệt cánh này, phe kia.
Luật sư Trần Quốc Thuận cho rằng
nếu Việt Nam cương quyết thì trong thời gian tới sẽ có nhiều vụ đại án nữa được
phanh phui, trong đó có cả dự án BOT.
Việt Nam chưa bao giờ thừa nhận
chuyện phe phái nội bộ đấu đá nhau nhưng đã nhiều lần công khai thảo luận về vấn
đề nhóm lợi ích. Trung tuần tháng 9 vừa qua, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội kết luận
rằng “nói nhóm lợi ích hay sân sau” là có căn cứ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét