Thứ Tư, 18 tháng 10, 2017

Hà Tĩnh: Một người bị bắt vì Điều 79

BBC Tiếng Việt



Bà Trần Thị Xuân được cho là tham gia các hoạt động xã hội cùng các linh mục ở miền TrungBản - Ảnh Fb Nguyen Van Hieu
 

Thông cáo của Công an tỉnh Hà Tĩnh nói bà Trần Thị Xuân bị bắt ngày 17/10 vì hành vi "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân". Theo văn bản của Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Hà Tĩnh, bà Trần Thị Xuân, 41 tuổi, "bị bắt khẩn cấp theo Điều 79, Bộ luật Hình sự."

"Việc tổ chức và thi hành lệnh bắt khẩn cấp bà Xuân đảm bảo đúng trình tự, quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự Việt Nam."

Một nguồn tin của BBC cho hay bà Xuân thường tham gia hoạt động của các linh mục ở miền Trung và có tham gia vụ biểu tình hàng ngàn người tại Ủy Ban Nhân Dân huyện Lộc Hà ở Hà Tĩnh hôm 3/4.

 Image may contain: text

Sức nóng?

Hôm 18/10, trả lời BBC, một người quan sát, luật gia Nguyễn Đình Hà, thừa nhận ông không biết bà Trần Thị Xuân.

Tuy vậy, ông Hà cho rằng: "Thời gian gần đây, nhiều người liên tiếp bị bắt cũng với cáo buộc tương tự. Tôi cảm nhận thấy sức nóng của cuộc trấn áp của chính quyền đối với giới đối lập ngày càng gia tăng và chưa có dấu hiệu dừng lại."

"Nếu bắt những cá nhân hay đè bẹp các hội, nhóm có tiếng nói đối lập, phản biện, thúc đẩy dân chủ - nhân quyền, hay chỉ vì họ thực hiện đúng quyền hiến định thì chính quyền Việt Nam tiếp tục đi ngược lại cam kết, công ước quốc tế và Hiến pháp Việt Nam."

Hôm 17/10, Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) phát đi thông cáo nói họ mở chiến dịch StopTheCrackdownVN (Chấm dứt đàn áp quyền tự do thông tin tại Việt Nam) cùng với chín nhóm nhân quyền quốc tế khác.

Văn bản của tổ chức này đề cập đến trường hợp của sinh viên Phan Kim Khánh, 24 tuổi - người phải ra tòa hôm 25/10 và phải đối mặt với bản án lên đến 20 năm tù, theo Điều 88. Ngoài ra, hai trường hợp khác bị bắt gần đây là blogger Bùi Hiếu Võ và Đào Quang Thực (theo Điều 79).

Daniel Bastard, trưởng ban Châu Á-Thái Bình Dương của RSF tuyên bố: "Tại một quốc gia mà chính phủ đưa ra các chính sách kiểm duyệt các cơ quan truyền thông nhà nước, thông tin do Khánh, Võ và Thực cung cấp rõ ràng là vì lợi ích công chúng."

"Việc cố gắng điều tra tham nhũng hoặc sai phạm môi trường không có nghĩa là họ đang tìm cách lật đổ chính phủ. Bộ Chính trị cần nhận ra điều đó. Với việc truy tố những người kể trên, Việt Nam đang mất dần uy tín, cả trong mắt của xã hội dân sự và trên trường quốc tế. "

Hồi tháng 10/2016, Cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc kêu gọi chính phủ Việt Nam xóa bỏ Điều 88, và các Điều 79, 87, 245 và 258 Bộ luật hình sự mà họ nói là "vi phạm tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế".

Thông cáo của Cao ủy nhân quyền cũng yêu cầu Việt Nam trả tự do cho "toàn bộ các cá nhân bị giam giữ liên quan các điều luật này".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét