Tăng trưởng là do in tiền ồ ạt?
Ngay trước thời điểm diễn ra hội
nghị trung ương 6 của đảng cầm quyền vào đầu tháng 10/2017, phía chính phủ của
ông Nguyễn Xuân Phúc đã tung ra bản báo cáo với thành tích tăng trưởng kinh tế
quý 3/2017 lên đến 7,46%, và còn dự kiến quý 4/2017 sẽ đạt tỷ lệ tăng trưởng
7,31%, để tính chung cả năm 2017 có mức tăng trưởng là 6,7%.
Trong bài diễn văn của mình, ông
Nguyễn Phú Trọng lặp lại những tỷ lệ trên với thái độ có vẻ hài lòng.
Ứng cử viên tổng bí thư
Sau vụ cả hai ông Đinh Thế Huynh
và Trần Đại Quang đều thình lình “bị bệnh”, danh sách ứng cử viên cho chức vụ tổng
bí thư một khi Nguyễn Phú Trọng nghỉ đã rút ngắn hẳn. Theo đó, Nguyễn Xuân Phúc
vẫn giữ vị trí cố định và được xem là “đầy tiềm năng”. Năng lực của ông Phúc
còn trở nên “đặc thù” hơn nữa khi ông là một trong số hiếm hoi ủy viên bộ chính
trị được xem là “có chuyên môn và kinh nghiệm điều hành kinh tế”, dù rằng thành
tích điều hành vẫn còn lạc nhịp xa với thực tế của một nền kinh tế đầy rẫy nạn
tham nhũng, thất thoát và suy thoái đến năm thứ 9 liên tiếp tính từ 2008.
Không biết vô tình hay hữu ý, từ
tháng Bảy năm 2017 khi có tin “Trịnh Xuân Thanh về”, sự xuất hiện của Nguyễn
Xuân Phúc trên mặt báo chí nhà nước là dày đặc hơn hẳn, không mấy kém thua “hiện
tượng ồn ào Đinh La Thăng” vào năm 2016. Một trong những xuất hiện dày nhất của
ông Phúc là đi thăm các tỉnh thành cùng phát ngôn lặp đi lặp lại về “đầu tàu
kinh tế” dành cho nhiều địa phương.
Thời Nguyễn Tấn Dũng không mấy
sính dùng “đầu tàu kinh tế” mà là “quả đấm thép”, cho dù rất nhiều “quả đấm
thép” như Vinashin Vinalines cùng ít nhất 12 dự án ngàn tỷ đã trở nên mục rữa
cho tới giờ.
Hẳn nhiên có thể nhận ra rằng ông
Nguyễn Xuân Phúc đang rất cần những thành tích kinh tế để tôn tạo vai trò không
chỉ thủ tướng mà còn ứng cử viên tổng bí thư.
Tuy nhiên, ngày càng dày đặc dấu
hiệu cho thấy ông Phúc đang sa vào lối mòn về chủ nghĩa cường điệu và khoe
khoang thành tích không biết chán của Nguyễn Tấn Dũng.
Quốc hội cũng phản ứng
Nhiều con số mà ông Phúc “đọc” từ
báo cáo của các cơ quan tham mưu như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân
hàng nhà nước… đã chẳng mấy thuyết phục về tính cơ sở khoa học của nó.
Đến nỗi, tại phiên họp của Ủy ban
thường vụ quốc hội vào giữa tháng 10/2017, Chủ tịch quốc hội là bà Nguyễn Thị
Kim Ngân đã phải đặt ra hàng loạt câu hỏi: “Tăng trưởng GDP 6,7% nhưng tăng thu
ngân sách so với dự toán chỉ 2,3%? Giải ngân vốn đầu tư thì chậm mà tăng trưởng
lại cao, điều này nghe có mâu thuẫn?...”.
Quả thực, số thu ngân sách trong
10 tháng đầu năm 2017 đã bị hụt thu so với dự toán đầu năm ít nhất 7-8%. Nhiều
địa phương không đạt kế hoạch thu ngân sách như những năm trước, phản ánh một
thực trạng ngày càng đen tối là tình hình sản xuất và kinh doanh của nhiều
doanh nghiệp đang rất khó khăn và bế tắc đầu ra.
Tỷ lệ số doanh nghiệp phải ngừng
hoạt động và phá sản vẫn tăng so với cùng kỳ năm 2016. Trong khi đó, con số mà
cuối cùng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phải thừa nhận là có đến hơn
200.000 cử nhân, thạc sĩ ra trường bị thất nghiệp. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp
chung là cao hơn rất nhiều mức công bố chỉ có hơn 2%: đến hơn 20% - theo đánh
giá của những nhà phân tích và phản biện độc lập.
Nhiều phân tích độc lập cũng đánh
giá GDP thực chất của Việt Nam chỉ vào khoảng 1-2%.
Vậy làm thế nào để GDP trong báo
cáo của Thủ tướng Phúc có thể vọt đến 6 - 7%?
In tiền và đẩy tiền ồ ạt ra thị trường?
Hãy nhìn vào công thức tính GDP của
một nền kinh tế:
GDP = C + G + I + NX
Trong đó, C (tiêu dùng) là tất cả
chi tiêu hoặc tiêu dùng cá nhân trong nền kinh tế của một quốc gia; G là chi
tiêu chính phủ; I (đầu tư) là tổng số lượng đầu tư vốn kinh doanh của một quốc
gia; NX (xuất khẩu ròng) là tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của quốc
gia trừ đi tổng giá trị nhập khẩu.
Về tiêu dùng, đã từ lâu C - tức
người dân - phải thắt lưng buộc bụng trong bối cảnh nền kinh tế đã suy thoái đến
năm thứ 9 liên tiếp. Còn G, từ năm 2015 đến nay, đã phải cắt giảm ngày càng mạnh,
nếu không muốn rơi vào tình cảnh không còn tiền trả lương công chức viên chức.
Trong khi đó, NX trong 3 quý đầu
năm 2017 là gần như bằng 0, nghĩa là giá trị xuất khẩu bằng giá trị nhập khẩu.
Chỉ còn lại phần đầu tư I thì may
ra mới có thể khiến “tăng trưởng GDP 7,46%”.
Liên quan đến I, cần tham khảo một
hiện tượng tài chính và tín dụng: chưa bao giờ ngân hàng nhà nước và các ngân
hàng thương mại ngập tiền như hiện thời!
Bởi dư nợ cho vay của khối ngân
hàng vào cuối năm 2016 đã lên tới 6 triệu tỷ đồng, gấp hơn hai lần so với 6-7
năm trước.
Và “để hoàn thành kế hoạch tăng
trưởng 6,7% như mục tiêu đề ra” cùng “Thủ tướng chính phủ đã giao nhiệm vụ cho
ngân hàng nhà nước cố gắng nâng mức tăng trưởng tín dụng năm 2017 lên 21%-22%
thay vì mức 18% như kế hoạch đề ra từ đầu năm,” khối ngân hàng thương mại đang
mang trên mình sứ mệnh phải cấp tốc đẩy ra thị trường một lượng tiền khổng lồ
lên tới 1,2 triệu tỷ đồng trong năm 2017.
Có một nguồn cơn - rất có thể
mang tính quyết định - mà đã khiến cho hệ thống ngân hàng không cách nào tránh
được tình trạng tràn ứ tiền đồng: in tiền.
Vào năm 2008, tổng dư nợ cho vay
của khối ngân hàng là 2,3 triệu tỷ đồng, nhưng đến cuối năm 2016 đã lên đến hơn
6 triệu tỷ đồng, chưa kể tồn khoảng 1,2 triệu tỷ đồng. Phải chăng một cách
tương ứng, lượng tiền được Ngân hàng nhà nước cho in và bổ sung vào lưu thông
đã có thể vào khoảng 500.000 tỷ đồng mỗi năm, tức phần “lạm phát in tiền” đã
chiếm đến 10 - 15% hàng năm – một tỉ lệ in tiền rất cao so với tỉ lệ in tiền
bình quân của các nước phương Tây?
Tốc độ in tiền bất chấp lạm phát
cũng lý giải việc tại sao trong những năm qua và đặc biệt trong mấy năm gần
đây, giới cán bộ hưu trí lại thường phản ánh nhận được lương hưu với nhiều tờ
tiền có mệnh giá 200.000 đồng và 500.000 đồng, mới cứng và chắc chắn chưa được
lưu hành ngoài thị trường.
Gần đây, Ngân hàng thế giới (WB),
một trong những chủ nợ lớn nhất của Việt Nam, đã phải cảnh báo Việt Nam không
nên in tiền quá nhiều.
Nếu khả năng in tiền ồ ạ là có cơ
sở, lẽ đương nhiên thị trường tín dụng phải tràn ngập tiền, để nguồn tiền quá
dư dả nhưng khó có lối thoát này lại trở thành “động lực kiến tạo” khiến GDP quốc
gia tăng vọt trong các báo cáo của chính phủ, dẫn đến phản ứng của chính Quốc hội.
Trong thời gian gần đây, có những
biểu hiện cho thấy bà Kim Ngân và một phần trong giới quan chức lãnh đạo của Quốc
hội có hơi hướng muốn “tách khỏi chính phủ”, thay cho tư thế quá phụ thuộc và
chỉ biết “gật” thời chủ tịch quốc hội cũ là Nguyễn Sinh Hùng trước thủ tướng cũ
là Nguyễn Tấn Dũng.
Biểu hiện “độc lập tương đối” mới
nhất của Quốc hội là đã đủ can đảm lắc đầu trước tờ trình của Chính phủ về tăng
thuế bảo vệ môi trường từ 3.000 đồng vọt đến 8.000 đồng mỗi lít xăng. Hẳn là bà
Kim Ngân đã hiểu quá rõ là phía chính phủ muốn đá quả bóng vào chân Quốc hội và
cột chặt trách nhiệm của Quốc hội vào Luật thuế Bảo vệ môi trường, để nếu thông
qua luật này thì chính bà Kim Ngân và dàn lãnh đạo Quốc hội sẽ trở thành tâm điểm
bị hàng chục triệu dân Việt cùng báo chí cả “lề phải” lẫn “lề trái” công kích lẫn
lên án, trong khi nhóm lợi ích xăng dầu vừa cười cợt vừa ung dung móc sạch túi
dân chúng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét