Thứ Tư, 18 tháng 10, 2017

Những điều cần biết về sự kiện chính trị lớn nhất trong năm ở Trung Quốc


Một đêm về khuya, cuối tháng trước, người ta tiến hành thay thế bức chân dung cực kì lớn của Mao Trạch Đông, người sáng lập Đảng cộng sản Trung Quốc, trên Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh. Một chiếc cần trục màu vàng lén lút thay bức hình ông ta bằng một bản sao giống hệt như thế, nhưng mới hơn. Thứ tư này, trên Quảng trường Thiên An Môn rộng lớn, dưới ánh mắt của ông ta, nhà lãnh đạo “cốt cán” hiện nay của Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình, sẽ vươn lên vị trí chưa ai đạt được kể từ khi Mao rời vũ đài chính trị.

Trong khi Trung Quốc không có các cuộc bầu cử dân chủ theo kiểu phương Tây, Đảng Cộng sản Trung Quốc đang cầm quyền của ông ta lại có những nghi lễ để đưa người vào các vị trí lãnh đạo, với sự kiện cứ 5 năm mới xảy ra một lần và sẽ khởi sự vào 18 tháng 10. Đại hội lần thứ XIX của ĐCSTQ với khoảng 2.000 đại biểu ở Đại sảnh đường nhân dân ở Bắc Kinh. Họ sẽ bầu Ủy ban Trung ương, gồm 200 thành viên, cũng như Bộ Chính trị, 25 thành viên. Nhưng cơ quan ra quyết định chủ yếu là Thường vụ Bộ Chính trị, thường có từ 5 đến 9 người, trong số những nhân vật có quyền lực nhất của Trung Quốc.

Tất nhiên, hầu hết các quyết định quan trọng đều được thực hiện trong bóng tối, trước khi đại hội diễn ra. Tuy nhiên, sẽ có nhiều phe khác nhau đang tìm cách thúc đẩy chương trình nghị sự của mình, và ai thắng thì cũng đều sẽ có ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong 5 năm tiếp theo và hơn thế nữa. Tất nhiên, Tập sẽ là trung tâm của tất cả các phe phái.

Và đây là những điều bạn cần biết:

Chúng ta chờ đợi điều gì? 

Không nghi ngờ gì về việc Tập Cận Bình sẽ được tái khẳng định là Tổng bí thư ĐCSTQ trong nhiệm kỳ 5 năm lần thứ hai và do đó sẽ là Chủ tịch Trung Quốc. Câu hỏi thực sự là ai sẽ có chân cùng với ông ta trong Thường vụ Bộ Chính trị. Có tin đồn rằng Tập có thể chọn Thường vụ Bộ Chính trị nhỏ hơn, chỉ có 5 người, là những người trung thành với mình, mặc dù có thể gây ra oán hận trong đảng. Hầu hết đều kì vọng rằng Tập sẽ giữ Thường vụ với 7 thành viên như hiện nay, nhưng có lẽ với vài người ủng hộ nhiệt tình nhằm củng cố vị trí của ông ta. Kerry Brown, giáo sư nghiên cứu Trung Quốc tại King's College ở London, nói: “Nếu ông ta chọn Thường vụ gồm 5 người thì chúng ta sẽ thấy một nhà độc tài thực sự”.

Đây không phải theo kịch bản có sẵn?

Nói chung là thế, mặc dù có thể có một vài rắc rối. Mặc dù các quy định thành văn về việc phân phối quyền lực của ĐCSTQ là khá lỏng lẻo, có nhiều thỏa thuận ngầm khác nhau. Một, các quan chức cao cấp nhất trên 68 tuổi đều phải nghỉ hưu. Tuy nhiên, đồng minh quan trọng của Tập, Vương Kỳ Sơn (Wang Qishan), lãnh đạo cuộc thanh trừng chống tham nhũng của chính phủ đã 69 tuổi. Tập có thể phá phá bỏ quy định về tuổi để cho Vương tiếp tục ở lại làm thành viên Thường vụ Bộ chính trị.  Nhưng, làm như vậy sẽ cản trở việc thiết chế hoá, mà thiết chế hóa chính là cách thức chặn đứng những cáo buộc về nạn độc tài, chưa nói tới những cán bộ trẻ tuổi hơn - những người sẽ thấy cơ hội thăng tiến của mình giảm đi. Có tin đồn rằng Tập thậm chí có thể để Vương thế chỗ của Thủ tướng Lý Khắc Cường (Li Keqiang), vì Vương có thể giúp thúc đẩy chương trình cải cách kinh tế của ông ta. Nhưng những việc mà Tập muốn làm so với những việc mà ông cảm thấy có thể thành công, bị lắng bớt bởi những tính toán chính trị, cũng như những yếu tố bên ngoài, như đề xuất nói rằng sức khoẻ của Vương có thể xấu đi. Giáo sư Steve Tsang, Giám đốc Viện Trung Quốc tại SOAS (nghiên cứu phương Đông và châu Phi) ở London, nói: “Tập Cận Bình cần Vương Kỳ Sơn đến lúc này là để giữ cho đảng đi đúng đường. Nếu Tập Cận Bình không cảm thấy đủ tự tin để cho ông ta nghỉ thì phá bỏ quy tắc về hưu trí sẽ là cái giá phải trả”.

Cần quan tâm tới những cán bộ nào?

Theo thỏa thuận về tuổi tác, 5 trong số 7 thành viên Thường vụ Bộ chính trị sẽ được thay thế. Người ra chú ý nhiều nhất đến những người trẻ tuổi được bổ sung, truyền thống nói rằng hai hoặc ba ứng cử viên có thể vẫn là thành viên ban Thường vụ trong ba Đại hội tiếp theo - vì vậy, những người này phải ở tuổi vừa chớm 50 - đang sung sức. Đây là những người thừa kế hiển nhiên, họ sẽ giữ chức Tổng bí thư và Thủ tướng trong cuộc chuyển đổi lãnh đạo ở Đại hội lần thứ XX vào năm 2023. (Tại Đại hội XVII, năm 2007, Tập và Lý được đưa và Thường vụ). Người được nhắc đến nhiều nhất là Trương Xuân Hoa (Hu Chunhua), bí thư Quảng Đông, được đưa vào Bộ Chính trị năm 2012. Tôn Chính Tài (Sun Zhengcai), từng là bí thư Trùng Khánh, là nhân vật hàng đầu khác, cho đến khi ông ta bị thanh trừng hồi tháng trước. Người thay thế ông ta ở Trùng Khánh là Trần Mẫn Nhĩ (Chen Min'er), 56 tuổi, trước đây là lãnh đạo đảng ở Quý Châu. Trần Mẫn Nhĩ, là người ủng hộ Tập trong suốt nhiều năm qua, có cơ hội được đưa vào là Bộ Chính trị đầy quyền lực gồm 25 người, nhưng do Tôn Chính Tài mất chức mà có thể được đưa thẳng vào Thường vụ Bộ chính trị. “Tôn Chính Tài không công khai, không nhấn mạnh rằng ông ta ủng hộ Tập”, Steve Tsang nói. “Ông ta chỉ đãi bôi mà thôi. Và [loại bỏ] ông ta đưa ra một tín hiệu rất rõ ràng cho những người trong cuộc: “Cùng chúng tôi hay chống lại chúng tôi”.

Điều đó có ý nghĩa gì đối với Trung Quốc?

Những sự kiện diễn ra ở Đại hội XIX sẽ ảnh hưởng đến cách thức Tập tiến hành chương trình cải cách. Nhiệm kỳ đầu tiên của ông ta chủ yếu là cải cách chính trị - chiến dịch chống tham nhũng, cơ quan giám sát chống tham nhũng của nước này nói rằng đã trừng phạt 1,34 triệu quan chức cấp thấp - và chính sách đối ngoại. Trong đó có khuếch trương các yêu sách ở Biển Đông và tăng cường sự hiện diện trên toàn cầu của Trung Quốc bằng sang kiến Một Vành Đai, Một Con Đường: Tái khởi động con đường tơ lụa cổ xưa thông qua mạng lưới thương mại và cơ sở hạ tầng xuyên qua lục địa Á-Âu và Châu Phi. Nhưng cần phải tự do hoá kinh tế hơn nữa thì mới đẩy được Trung Quốc tiến lên phía trước và tránh được “bẫy thu nhập trung bình”, đang đe dọa những nền kinh tế mới nổi. Điều đó có nghĩa là giảm sự phụ thuộc vào các doanh nghiệp nhà nước cồng kềnh và là nguồn gốc của nhiều thảm họa môi trường ở Trung Quốc. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đó đã chứng minh là công cụ tăng trưởng chính trong vài thập kỷ qua và đã giúp Trung Quốc vượt qua những tàn phá tồi tệ nhất trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008. Như vậy, nhiều nhân vật chính sẽ tiếp tục kháng cự, nhất là những người bên phe của Thủ tướng Lý Khắc Cường. “Chính sách cơ bản là vai trò của thị trường”, Brown nói. “Vấn đề quan trọng cần lưu ý khi các nhà lãnh đạo mới xuất hiện là liệu họ ủng hộ hay là phản đối thị trường”.

Điều đó có ý nghĩa gì đối với thế giới?

Cho đến nay, Tập vẫn dành cho ĐCSTQ và cho các công ty quốc doanh vai trò rất mạnh mẽ. Đã có một số tiến bộ trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài, nhưng các nhà đầu tư muốn thấy các lĩnh vực do nhà nước chi phối mở cửa cho doanh nghiệp tư nhân, tư nhân hoá các công ty quốc doanh nhỏ hơn và cải cách hoạt động của các doanh nghiệp lớn hơn, cùng với cạnh tranh nước ngoài mạnh hơn trong lĩnh vực dịch vụ được nhà nước bảo hộ. Nicholas Consonery, lãnh đạo cơ quan tình báo địa chính trị của công ty tư vấn kinh doanh FTI Consulting, khu vực châu Á nói: “Điều thú vị là liệu chúng ta có thể thấy chuyển động dứt khoát theo hướng này hay hướng khác hay không”. Tập cũng đã tìm cách nâng cao địa vị cá nhân bằng cách kêu gọi các chính sách dân tộc chủ nghĩa ở trong nước. Tuy nhiên, những hành động này đi ngược lại những mục đích mà ông tìm cách giành được trên trường quốc tế, đặc biệt là xây dựng thiện ý cho sáng kiến Một Vành Đai, Một Con Đường. Có thể là một Tập Cận Bình nhiều quyền lực hơn có thể làm giảm bớt những quá lạm của tinh dân tộc của chính quyền, tạo điều kiện cho họ tận dụng nguồn lực cho các mục tiêu địa chính trị. Tuy nhiên, phần lớn sẽ phụ thuộc vào việc liệu Tập có thể thực hiện được những cuộc cải cách lực lượng vũ trang quá cồng kềnh của Trung Quốc hay không.

Cá nhân tập thì sao?

Năm 2016, Tập được chính thức công nhận là nhà lãnh đạo “nòng cốt” của đảng và “chỉ huy tối cao” của các lực lượng vũ trang, đưa ông ta lên một tầm cao ngang với Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình. Bước tiếp theo sẽ là đưa triết lý chính trị của ông ta vào hiến pháp, gọi là “Tư tưởng Tập Cận Bình”. Chỉ có Mao trước đây mới có vinh dự này mà thôi. (“Lý thuyết Đặng Tiểu Bình”, bị coi là kém hơn, được đưa vào hiến pháp, trong khi Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào cũng có triết lý, nhưng tên của họ không được đưa vào)”. Tư tưởng Tập Cận Bình là câu hỏi rất lớn. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là cá nhân Tập càng có quyền lực thì ông ta càng dễ thực hiện những cuộc cải cách tối cần cho sức khoẻ của đất nước và, suy ra, cho sức khỏe của đảng, cơ quan quan trọng nhất của chính phủ. “Có rất nhiều cuộc cải cách hành chính cần phải thực hiện để làm cho “giấc mơ Trung Hoa” của tầng lớp trung lưu trở thành hiện thực, sẽ có bất mãn lớn nếu những việc này không được thực hiện”, Brown nói. “Nếu tầng lớp trung lưu xuống đường thì một số thứ [ĐCSTQ] có thể không sống nổi”. 

Kịch bản khó đoán là gì?

Có những tin đồn dai dẳng rằng Tập đang tìm cách ở lại sau nhiệm kì 10 năm, và do đó, không thể chỉ định bất kỳ nhà lãnh đạo trẻ nào vào Thường vụ Bộ chính trị. Đây sẽ là sự lệch hướng rất lớn khỏi qui định đã có, làm gia tăng những cáo buộc rằng đất nước đang trượt nhanh sang chế độ độc tài, và làm tổn hại tới những tuyên bố về thiết chế hóa của Đảng cộng sản Trung Quốc. Nhiều thứ phụ thuộc vào cách Tập - và Trung Quốc - làm trong 5 năm tới. Một loạt các cuộc khủng hoảng trong bối cảnh kinh tế ngày càng xấu đi sẽ làm cho bước đi ban đầu như thế trở thành bất khả thi. Nhưng nếu Tập có thể tiến hành các cuộc cải cách và làm cho con tàu trở thành vững vàng hơn thì điều đó có thể không phải là quá cường điệu. “Tập là người có nhiều tham vọng, ông nhận thấy giá trị lớn lao trong chính con người mình”, Tsang nói. “Hầu như chắc chắn là ông ta có kế hoạch ở lại sau 10 năm, nhưng câu hỏi đặt ra là: Làm thế nào?”

*

Charlie Campbell là phóng viên thường trú của Time ở Bắc Kinh 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét