Thứ Năm, 19 tháng 10, 2017

Bộ Ngoại giao ở đâu trong cán cân quyền lực chính trị Việt Nam

Kính Hòa



 Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. 22/9/2017.
Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. 22/9/2017. AFP 

Nghi ngại về tương lai chính trị của Bộ trưởng Bộ ngoại giao

Trong Hội nghị trung ương đảng cộng sản Việt Nam lần thứ Sáu vừa diễn ra vào đầu tháng 10, 2017, Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh đọc một báo cáo về dân số. Sau khi hội nghị này kết thúc người ta lại thấy ông Phạm Bình Minh đi thị sát đê điều ở tỉnh Thanh Hóa, một việc không có liên quan gì tới ngành ngoại giao.

Theo dõi diễn tiến Hội nghị trung ương đảng lần thứ Sáu từ Pháp, ông Bùi Tín, cựu Đại tá quân đội nhân dân Việt Nam, cho rằng cái cách Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam xuất hiện trong hội nghị này là một việc rất trái khoáy:

“Chuyện trái khoáy, lẽ ra ông ấy là Bộ trưởng Bộ ngoại giao, ông ấy phải báo cáo những vấn đề nổi cộm nhất về ngoại giao, đó là mối quan hệ giữa Cộng hòa Liên bang Đức với Việt Nam. Không được báo cáo về ngoại giao nên giao cho ông ấy việc này để ông ấy có xuất hiện, có báo cáo chút ít.”

Ông Bùi Tín từng làm đến Phó Tổng biên tập báo Nhân dân, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Việt Nam, ông đào thoát sang Pháp vào năm 1990, và sống lưu vong ở đó cho đến nay. Quan hệ ngoại giao Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức mà ông Bùi Tín đề cập chính là việc nước Đức cáo buộc Việt Nam sang Đức bắt cóc một nghi phạm tham nhũng là ông Trịnh Xuân Thanh, đang xin qui chế tị nạn tại đây. Chính phủ Đức đã tuyên bố dừng lại những quan hệ chiến lược giữa hai quốc gia.

Một nhà quan sát trong nước là Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, sống tại Sài Gòn lại thấy hình ảnh ông Phạm Bình Minh đọc báo cáo về dân số, giống với hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp mấy chục năm về trước:

“Cách đây 40 năm, ông Võ Nguyên Giáp, ủy viên Bộ chính trị và cũng được coi là một vị tướng lẫy lừng, đã bị Bộ chính trị phân công phụ trách kế hoạch hóa gia đình. Hai sự kiện, một là của ông Võ Nguyên Giáp cách đây 40 năm, và ông Phạm Bình Minh hiện nay, làm cho tôi có cảm giác là nghi ngờ vai trò của ông Phạm Bình Minh trong thời gian tới, thậm chí nghi ngờ tương lai và vận mệnh chính trị của cá nhân ông.”

Ông Bùi Tín cũng đồng ý với nhận xét này, và ông còn đưa ra một lý do khác là ông Phạm Bình Minh là con trai của cựu Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, người có quan niệm cứng rắn trong các quan hệ với Trung Quốc, không giống với một số người có quyền lực trong đảng.

Một nền ngoại giao trong cái bóng của đảng

Ông Phạm Bình Minh hiện là Ủy viên Bộ chính trị, cơ quan quyền lực cao nhất của nước Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên ông được vào cơ quan này chỉ mới từ khi Đại hội đảng toàn quốc lần thứ 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam, tháng Hai năm 2016. Trước đó, năm 2011, ông bắt đầu đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Ngoại giao khi mới chỉ là Ủy viên Trung ương Đảng, cơ quan bên dưới của Bộ chính trị.

Vào năm 2014, Giáo sư Vũ Tường, giảng dạy khoa chính trị tại Đại học Oregon ở Mỹ, có nhận xét với đài RFA về vị thế của ông Phạm Bình Minh nếu ông được vào Bộ Chính trị.

“Hơn một chút, nhưng ông Phạm Bình Minh vẫn cô thế trong bộ chính trị. Bộ chính trị họ vẫn theo nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số, mà đa số vẫn là những người bên công an, quân đội, đảng. Ông Phạm Bình Minh mà có vào được bộ chính trị thì có thể là có thêm một tiếng nói tốt nhưng mà cũng chưa đủ so với phía bên kia.”

Sau Đại hội đảng lần thứ 12, diễn ra đầu năm 2016, rất nhiều viên chức cao cấp của ngành công an và quân đội lên nắm quyền trong trung ương đảng lẫn bộ chính trị.

Trong thực tế cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhiều lần vai trò của Bộ Ngoại giao trở nên mờ nhạt bên cạnh các viên chức Đảng.

Trong thời gian đàm phán tại Paris để kết thúc chiến tranh Việt Nam, vào năm 1972, 1973, ông Xuân Thủy là Bộ trưởng Ngoại giao của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa lúc bấy giờ, nhưng mọi quyết định ngoại giao đều nằm trong tay ông Lê Đức Thọ, Trưởng Ban tổ chức trung ương Đảng.

Trong hai năm 2015, 2016, các viên chức đảng liên tục thực hiện những chuyến đi ngoại giao, đó là các ông Phạm Quang Nghị, Nguyễn Phú Trọng, Đinh Thế Huynh, đến Hoa Kỳ.

Trong năm 2017, một viên chức cao cấp khác của đảng là ông Hoàng Bình Quân lại đến Hoa Kỳ nêu ra những vấn đề thương mại song phương. Ông Hoàng Bình Quân hiện phụ trách cơ quan đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Giải thích với chúng tôi về cơ quan này, ông Đặng Xương Hùng, một cựu viên chức Bộ Ngoại giao Việt Nam, hiện đang tị nạn chính trị tại Thụy Sĩ nói rằng cũng giống như tất cả các cơ quan khác trong hệ thống song trùng Đảng-Nhà nước, lĩnh vực ngoại giao có Bộ ngoại giao của chính phủ và Ban đối ngoại trung ương của đảng. Theo ông Hùng cơ quan đối ngoại này, về nguyên tắc là trông coi mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với các đảng cộng sản khác, chứ không hẳn là thay cho Bộ ngoại giao, nhưng vì cơ quan này trực thuộc trực tiếp vào Bộ chính trị, cơ quan quyền lực nhất đất nước, cho nên những người trong ban này cũng có thể xen vào công việc đối ngoại của quốc gia.

“Cán bộ tầm trung trong Trung ương đảng cũng tỏ ra có vai trò trong việc có ý kiến bởi vì họ được xem, được nhìn những tài liệu mà bên ngoại giao chỉ có các quan chức cấp vụ mới biết.”

Ông Đặng Xương Hùng và ông Bùi Tín đều cho rằng đã có những lúc Bộ ngoại giao Việt Nam rất mạnh trong cán cân quyền lực nội bộ của đảng cộng sản, như là dưới thời các ông Nguyễn Duy Trinh và Nguyễn Cơ Thạch. Nhưng, theo ông Hùng, kể từ khi ông Nguyễn Cơ Thạch bị thất sủng vì nêu ý kiến cứng rắn trong việc nối lại quan hệ với Trung Quốc trước Hội nghị Thành Đô, năm 1995, vai trò của Bộ Ngoại giao trở nên yếu đi so với các viên chức đảng.

Theo ông Đặng Xương Hùng, các viên chức ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài thường không dám đưa ra những quyết định độc lập trong các vấn đề ngoại giao:

“Đánh một cái điện về trong nước, nói: đấy chuyện nó thế này, hướng xử lý thế nào. Có thể các ông ấy cũng gợi ra một vài ý cho trong nước. Rồi các ông ấy đợi ý kiến trong nước, khi có ý kiến trong nước rồi thì các ông ấy cứ rập khuôn mà nói. Không dại gì mà tỏ ra cầm đèn chạy trước ô tô trong các vấn đề đó. Những kinh nghiệm cầm đèn chạy trước ô tô, đối với cộng sản, đều là không phù hợp.”

Ông Hùng nói tiếp là dù sao các cơ quan ngoại giao Việt Nam cũng là nơi có thể có những ý tưởng mới, vì các viên chức ngoại giao là những người có tiếp xúc với những người khác nhau trên thế giới, với tầm nhìn không bị bó buộc.

Thực tế cho thấy là trong những thập niên gần đây, nhiều viên chức ngoại giao Việt Nam, từ cấp bộ trưởng cho đến các vị đại sứ được đào tạo từ các trường ngoại giao chuyên nghiệp của phương Tây, trong đó, con số tốt nghiệp từ các trường của Hoa Kỳ không phải là nhỏ. Nhưng, theo nhận xét của ông Đặng Xương Hùng, hiện tượng đó chưa hẳn là một chủ trương của đảng cộng sản, mà chỉ là nổ lực thăng tiến của bản thân những viên chức ngoại giao đó mà thôi.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét