Cao Huy Huân
Miền Trung Việt Nam lại chìm trong nước lũ. Cách đây hai năm
báo đài cũng đưa tin miền Trung bị lũ lịch sử, và năm nay không chỉ báo đài Việt
Nam mà báo chí quốc tế cũng đưa tin tương tự. Những mái nhà, trường học... chìm
trong dòng nước đục ngầu. Không khí tang thương làm người ta ngán ngẫm chẳng
còn muốn bật tivi lên để rồi xót xa.
Những mạnh thường quân, kiều bào mỗi người một tiếng nói
giúp gây quỹ góp nhằm xoa dịu nỗi đau của miền Trung ruột thịt. Hằng năm, mỗi
khi lũ về thì miền Trung lại bị thiệt hại ghê gớm. Thế nhưng trong khi người ta
đu trên mái nhà chờ nước rút trong vô vọng, trong khi gia súc chết trương nổi lềnh
bềnh, trong khi lòng người vừa thương vừa tức thì trên mạng xã hội lại xuất hiện
không ít những luận điểm khiến ai nghe cũng đỏ mặt tía tai.
Luận điểm đầu tiên chính là luận điểm “đúng quy trình” được
lặp lại. Trong cơn lũ năm 2014, người ta cũng bảo đúng quy trình xả lũ của hồ
thủy điện. Thật ra từ năm 2011 – 2012, các vụ bê bối về Thủy điện Sông Tranh 2
và hàng loạt các vụ vỡ đập thủy điện, đã làm nảy sinh cái cụm từ “đúng quy
trình” có giá trị còn hơn cả những chiếc bia chống đạn, mà phía sau đó là câu hỏi
nhức nhối: “Đúng quy trình, nhưng quy trình đó có đúng hay không?” thì chưa thấy
ai mạnh dạn lên tiếng giải đáp, để người dân tin rằng họ bị thiên tai chứ không
phải gánh chịu hậu quả của cái quy trình đó. Lần này, vẫn là “đúng quy trình”
và đổi lại là mạng người và tài sản, đạp đổ luôn cả niềm tin và khẳng định sự
hoài nghi về tính đúng đắn của quy trình quản lý thủy điện hiện nay là có vấn đề.
Xin thưa với tất cả các ngài quản lý thủy điện, tôi thấu hiểu
nhu cầu của hàng triệu người dân vùng khó cần đến ánh sáng của điện. Tôi hiểu một
đất nước thiếu điện sẽ là một đất nước nghèo nàn và không thể phát triển. Nhưng
xin các ngài hãy xem xét và chấn chỉnh cái quy trình mà cứ hễ mưa lớn kéo về là
có hàng trăm ngàn người dân bị khốn khổ vì lũ như đã xảy ra trong nhiều năm
qua. Các ngài có thể mang điện đến để người dân sinh hoạt, sản xuất, xây dựng hạ
tầng trong 11 tháng, nhưng để rồi cũng chính các hồ thủy điện góp sức nhận chìm
tất cả những thành quả của người dân, thậm chí cuốn luôn đời sống vốn đã đói
rách với niềm hy vọng mong manh về sự ấm no, sung túc. Thế có công bằng cho
nhân dân không thưa các ngài quản lý? Tôi lại phải định nghĩa lại cho các ngài
rằng nếu làm sai một quy trình đúng là tội không thể tha thứ, và nếu làm đúng một
quy trình sai thì tội này càng phải truy cứu đến cùng. Nhiệm vụ của các ngài
khi phục vụ nhân dân là phải làm đúng một quy trình chuẩn mực
Thế nào là làm đúng một quy trình chuẩn mực? Trong câu chuyện
thủy điện, việc xây hồ tích nước là vô cùng quan trọng. Các dự án thủy điện có
trữ nước yêu cầu phải đảm bảo lượng nước về hạ nguồn đảm bảo vào mùa khô phục vụ
tưới tiêu. Đó là nghĩa vụ, chứ không phải sự ban phát nước, vì nếu không có thủy
điện thì không ai ngăn dòng nước về với hạ nguồn. Trong mùa mưa, không phải chờ
lũ về các hồ thủy điện mới xả nước. Thế chẳng khác nào tiếp tay với ông trời nhận
chìm nhân dân ở hạ nguồn. Hồ thủy điện phải tính toán lượng nước dựa trên dự
báo khí tượng thủy văn, có kế hoạch xả nước ngay khi mùa mưa bão chưa đến để hồ
có thời gian chứa nước và xả nước chậm rãi khi mưa lớn kéo về.
Một điều quan trọng nhất, trong những trường hợp bất khả
kháng trong việc ngăn lũ, thì việc xả lũ của hồ thủy điện phải được cảnh báo từ
rất sớm dựa vào các thông tin dự báo khí tượng thủy văn. Cảnh báo sớm để dân biết
mà di chuyển đến các vùng an toàn, đảm bảo người và tài sản không bị thiệt hại
đến mức cao nhất. Nói một cách ngắn gọn, lũ do thủy điện sẽ không là vấn đề nếu
các ngài quản lý có quy trình tiếp nhận thông tin về mưa bão, thông báo, cảnh
báo kịp thời để người dân không bị động trong việc tránh lũ, chứ không phải báo
xả lũ trước... 1 tiếng để rồi cả người cả vật đều chìm nghỉm. Hãy nhìn bức ảnh
châm biếm trên Tuổi Trẻ Cười sẽ thấm thía hoàn cảnh nước ngập lên tới mái nhà
thì thông báo xả lũ của hồ thủy điện mới đến tai dân, và mọi thứ cũng đã bị nhận
chìm.
Chuyện tàn nhẫn thứ hai mà tôi thấy là không ít người dân Việt
Nam trên mạng xã hội lên tiếng cho rằng không có thủy điện thì vẫn có lũ, trong
khi đó thiếu thủy điện thì dân sẽ không có điện để xài. Họ lập luận theo cái kiểu
có điện thì có lũ, dân chọn điện thì phải học cách sống chung với lũ. Trên thực
tế, trường phái duy lý này không phải hiếm. Thậm chí họ còn thản nhiên cho rằng
chuyện một vài người chết vì lũ hay thiệt hại tài sản vì lũ cũng là bình thường
vì chọn lấy ánh sáng điện luôn tốn kém và phải trả giá.
Tôi không cho như vậy, với tôi một mạng người chết vì thủy
điện cũng không đáng đừng nói chi miền Trung bị nhận chìm. Tôi không phủ nhận
vai trò quan trọng của thủy điện, và càng không nhắm vào cái hồ thủy điện kia để
chỉ trích. Tôi nhấn mạnh vai trò của người quản lý thủy điện và cái quy trình
mà họ thực hiện. Vị bí thư huyện hỏi rất hay: “13MW thủy điện hơn sinh mạng
dân?” Đừng bảo xả lũ cứu nhà máy, mà dù một mạng người đổi lấy cả nhà máy cũng
phải đổi huống chi cả miền Trung. Con người có thể làm nên hàng triệu nhà máy
nhưng ngược lại thì không. Đừng cho rằng nhà máy thủy điện đóng vai trò ban
phát ánh sáng văn minh cho người dân, mà phải nghĩ đây là một công việc có nhận
có trả: các ngài thủy điện nhận lợi nhuận từ việc mua bán điện, thì đổi lại các
ngài phải đảm bảo lợi ích và sự sống còn của người dân trong vùng bị ảnh hưởng.
Cứ ngỡ trong cơn lũ người ta tìm thấy tình yêu thương, nhưng rồi lại thấy không
ít sự tàn nhẫn, nó kéo dài và gặm nhấm đạo đức của hàng tá người Việt
Nguồn:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét