Điền Phương Thảo
Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2015 có hơn 1 triệu người kê khai tài sản và không phát hiện ra người vi phạm dù xác minh hơn 400 trường hợp (1).
Quả là một tín hiệu đáng mừng (?) cho
đất nước trong công tác thẩm tra phòng chống tham nhũng. Vậy mà ai đó
nói rằng “tham nhũng đã trở thành quốc nạn” , “vì giờ nó liên quan đến
hầu hết mọi người làm việc cho nhà nước”, nào là “ra ngõ đã thấy tham
nhũng” và nó đã “như con rắn 100 đầu, đập đầu này nó có đầu kia”.
Trong bộ phim Ván Bài Lật Ngửa, cố vấn
Ngô Đình Nhu đã đánh giá bản khai lý lịch của chiến sĩ tình báo Nguyễn
Thành Luân “chỉ là một tờ giấy trắng” với “hai nghĩa: nó quá thật, quá
đủ dẫn tới nghĩa thứ hai là chưa có chữ nào cả”. Nghĩa là “nó thật đến
mức nó nói láo”.
Để có thể hoạt động tốt trong lòng địch,
tất nhiên chiến sĩ tình báo Luân phải chuẩn bị cho mình một bản lý lịch
rất minh bạch, không để lộ một sơ hở nào. Cũng vậy, khi kê khai tài
sản, các cán bộ, công chức, đảng viên cũng phải kê khai sao cho tài sản
của mình “trắng trẻo không tì vết” là điều dễ hiểu.
Thiết nghĩ, điều xã hội và người dân cần ở đây là tính trung thực của
các cán bộ, công chức, đảng viên chứ không phải là có bao nhiêu đầy tớ
nhân dân kê khai tài sản, thu nhập. Nếu các giao dịch bằng tiền
mặt không qua ngân hàng thì làm sao kiểm tra? Chưa kể từ xưa đến nay,
nhà nước không quản lý nguồn gốc đồng tiền từ đâu có và nó sẽ di chuyển
đi đâu, giờ mới thực hiện việc kê khai, thử hỏi làm sao phân biệt được
tiền nào là do cha mẹ để lại, tiền nào là do cán bộ làm ra ?
Theo một bài viết đăng trên trang báo
Vietnamnet.vn vào ngày 24/07/2014 cho biết “chỉ đến khi bị trộm viếng
thăm, khối tài sản khủng trị giá hàng chục, hàng trăm cây vàng, hàng tỷ
đồng hay vài chục nghìn đôla… được giấu kín của nhiều quan chức mới bị
lộ”.Thậm chí một “ siêu trộm” còn thừa nhận tại tòa án rằng “vào nhà đại
gia, quan chức lắm tiền nhiều của chứ nhà dân thường lấy đâu ra tiền mà
đột nhập vào cho mất công ?”
Vậy ra “cháy nhà mới ra mặt chuột”. Nên
chăng ban thẩm tra phòng chống tham nhũng cứ lấy số liệu từ những vụ
trộm này, có khi xã hội sẽ biết tài sản thật của các đầy tớ nhân dân mà
không cần tốn giấy mực, công sức để thực hiện bảng kê khai?
Nguồn:
http://www.tinmungchonguoingheo.com/blog/2016/10/30/chi-co-trom-moi-biet-tai-san-nha-quan-chuc/
Nguồn:
http://www.tinmungchonguoingheo.com/blog/2016/10/30/chi-co-trom-moi-biet-tai-san-nha-quan-chuc/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét