Lê Ngọc Sơn
Sau khi cơn mưa lũ miền Trung đã rút, có lẽ một cơn lũ khác
cần được đề cập... mà tên gọi của nó khó thể nào khác hơn là “cơn lũ đạo đức”. Vì sao một nhà máy thủy điện có thể tự tung tự tác bất chấp
mọi quy định, quy chuẩn, bất chấp tính mạng của người dân? Hành động xả nước
như vừa qua cần được xem là một hành vi giết người, nếu nhìn ở góc độ pháp lý,
và tổ chức và cá nhân liên quan cần bị truy tố để làm gương. Về bản chất, đó là
một cơn lũ về đạo đức. Họ không phải xả lũ, họ xả thảm họa cho người dân.
Sự trừng phạt những kẻ gây ra hậu quả cực kỳ nghiêm trọng và
không thể cứu vãn trên là rất cần thiết, song song với việc cứu trợ đồng bào.
Có nhiều lý do để thấy cần thiết phải có hình phạt đích đáng cho những kẻ gây
ra sự cố này.
Trước hết, trừng phạt tổ chức và cá nhân để xảy ra sự cố, một
mặt là sự nghiêm minh và công bằng của luật pháp đối với bất cứ ai; mặt khác,
nó giúp xóa tan sự nghi kỵ đang có ưu tiên nào đó cho nhóm lợi ích trong ngành
điện lực. Có nhóm quyền lợi nào có thể lớn hơn tính mạng người dân? Một nhà máy
thủy điện lấy quyền gì để xem thường tính mạng và tài sản người dân như thế?
Họ, những nhà máy thủy điện nhân danh điều tiết lũ, giúp dân
chống hạn, nhưng thử hỏi những ngày đại hạn của miền Trung, họ có để rò bất cứ
hạt nước nào cứu những người nông dân lam lũ? Và khi mưa lũ có nguy cơ ảnh hưởng
đến tài sản của họ, họ đã không ngại ngần để tuôn tất cả nước lũ “tặng” người dân?
Khoảng 17g45 ngày 14.10, nhà máy thủy điện Hố Hô (giáp ranh
giữa Quảng Bình - Hà Tĩnh) bất ngờ xả lũ ồ ạt khiến hàng nghìn hộ dân huyện
Hương Khê ngập sâu. Ảnh TL
Rừng đầu nguồn bị phá. Lợi ích từ thủy điện vào túi những
ai? Chỉ biết rằng thảm họa ở lại cùng người dân sở tại. Phải sòng phẳng rằng,
những nhóm lợi ích về điện lực là quá lớn. Hãy thử xem người dân bản địa được
hưởng lợi gì từ các công trình đó? Không thể nhân danh “lợi ích chung” một cách
chung chung, để hy sinh quyền lợi và tính mạng người dân địa phương.
Thứ hai, trừng phạt như là một biện pháp để tu chỉnh đạo đức
và kỷ luật công vụ. Làm việc trong những lĩnh vực trọng yếu, có tính an nguy đến
sinh mạng số đông, an ninh quốc gia, mà tắc trách là không thể chấp nhận được,
dù có bất cứ lý do nào được đưa ra. Tư duy kém cỏi, đạo đức công vụ què quặt và
kỷ luật lao động lởm kiểu này sẽ gây ra những thảm họa quốc gia, thậm chí quốc
tế. Hãy thử tưởng tượng, những nhà máy điện hạt nhân trong tương lai gần được vận
hành bởi những cán bộ ngành điện lực như thế, chắc thảm họa lớn hơn là điều khó
tránh khỏi.
Đã đến lúc ngành điện lực, mà cụ thể là Bộ Công Thương,
không thể chăm chăm vào việc kinh doanh điện (vốn về bản chất, chức năng không
nên thuộc bộ này). Hãy tự vấn năng lực cải thiện chất lượng dịch vụ công, thay
vì đi kinh doanh điện.
Thứ ba, cần cân nhắc sự tồn tại của nhà máy thủy điện Hố Hô
- quả bom khổng lồ được treo trên đầu những những dân vùng thượng Hà Tĩnh.
Cách đây 14 năm, khi còn là một nhà báo, tôi có dịp đi thực
tế các xã bị ảnh hưởng nặng nề của cơn lũ lịch sử năm đó tại các huyện Vũ
Quang, Hương Sơn, Hương Khê. Lúc ấy, những cây cổ thụ bị lũ cuốn từ thượng nguồn
về, vẫn nằm chỏng chơ trên những cánh đồng. Những bờ xôi ruộng mật bị cát lấp
trên diện rộng, dân không còn đất để cấy trồng, sinh sống. Sông bị nắn chệch hẳn
dòng. Việc phá rừng thượng nguồn để xây thủy điện Hố Hô được cho là nguyên nhân
làm nên sự cuồng nộ của thiên nhiên. Theo số liệu, những đóng góp từ thủy điện
Hố Hô so với những nguy cơ và thiệt hại mà nó mang đến, tính về mặt hiệu số, là
quá nhỏ. Chúng ta có thể không cần thủy điện Hố Hô, nhưng chúng ta cần người
dân.
Từ đầu năm đến nay, người dân Hà Tĩnh, Quảng Bình đã oằn
mình vì thảm họa do Formosa gây ra, giờ đây lại cùng kiệt vì tai ương đến từ những
kẻ vô trách nhiệm. Người dân miền Hà Tĩnh, Quảng Bình không ngán gì thiên tai,
thứ vốn là “đặc sản” của vùng này. Cái họ ngán hơn, đến tận cổ, hẳn là nhân
tai.
Cần nhớ rằng, tính mạng và sự yên ổn của người dân lớn hơn tất
cả những sự hứa hẹn hay nhân danh huyễn hoặc.
Nguồn:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét