Ông Đinh Thế Huynh, Thường trực Ban bí thư, Ủy
viên Bộ Chính trị Đảng CSVN họp báo chung với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm
25/10/2016 tại Washington D.C
Đảng cộng sản Việt Nam lựa chọn Trung Quốc là đối tác chính
trị, trong khi Hoa Kỳ là đối tác an ninh và sự lựa chọn này là 'khôn ngoan',
theo bình luận của nhà phân tích chính trị Việt Nam về các chuyến thăm Mỹ và
Trung Quốc cùng trong tháng 10/2016 của Ủy viên Bộ chính trị, Thường trực Ban
bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Đinh Thế Huynh.
Trao đổi với bàn tròn của BBC tuần này về chuyến thăm của
chính khách cao cấp của Đảng CSVN tới Mỹ, nhà nghiên cứu Vũ Cao Phan, nguyên
Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội hữu nghị Việt - Trung, nói:
"Nếu Trung Quốc là lựa chọn chính trị của Việt Nam như
lời tuyên bố của ông Huynh, thì Hoa Kỳ là lựa chọn an ninh của Việt Nam, đó là
cái mà tôi có thể nhận xét, đánh giá qua chuyến đi của ông Đinh Thế Huynh thăm
Mỹ."
Khi được hỏi liệu các 'lựa chọn' chiến lược trên là mâu thuẫn
hay thống nhất, biện chứng với nhau, nhà nghiên cứu chính trị và bang giao quốc
tế từ Đại học Bình Dương nói:
"Tôi nghĩ là hoàn toàn thống nhất... Tôi cho rằng lựa
chọn của Việt Nam là khôn ngoan và chuyến đi thăm Trung Quốc (của ông Đinh Thế
Huynh) ngắn ngày hơn chuyến thăm Mỹ. Và tất cả những gì có thể truyền tải được
đã thông qua bản thân thời hạn của chuyến đi thăm này.
"Nó không có gì mâu thuẫn cả và nhất là đối với phía Việt
Nam xưa nay ta vẫn nói là Việt Nam thực hiện khá tốt chuyện cân bằng giữa các
nước lớn, thì chuyến đi này cũng thể hiện điều đó. Tôi nghĩ rằng cả hai phía Mỹ
và Trung Quốc nếu có bình luận gì, thì (chỉ) có thể bình luận tích cực mà
thôi."
Về ý nghĩa và mục đích chuyến thăm Mỹ của ông Đinh Thế
Huynh, Tiến sỹ Vũ Cao Phan nhân dịp này đưa ra nhận xét:
"Đối với ông Đinh Thế Huynh, chuyến đi này có nhiều ý
nghĩa, tôi có cảm giác nó khá giống với trường hợp của ông Phạm Quang Nghị, Bí
thư Thành ủy Hà Nội trước đây, cũng như với ông Phạm Quang Nghị, ông Đinh Thế
Huynh là người được dư luận cho là được Tổng bí thư bảo trợ, nâng đỡ và lựa chọn.
"Cho nên chuyến đi này của ông ấy chắc chắn có hai mục
đích, một là giới thiệu với các giới chức Mỹ và mục đích thứ hai là cơ hội ông
tìm hiểu xã hội Mỹ và tôi nghĩ tất cả những điều này là rất quan trọng, ngoài
mang tính chất nghi thức, nhất là thời gian kéo dài cả một tuần.
"Chuyến đi có thể nói là một công việc tích cực từ phía
Việt Nam, nó cũng có thể trấn an với Mỹ sau những rắc rối do Tổng thống
Philippines, những lời tuyên bố của Tổng thống Philippines làm Mỹ lúng túng,
liên quan đến (chiến lược) châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ.
"Nhất là có thể kết nối với lời tuyên bố của Tướng Nguyễn
Chí Vịnh, Tướng Nguyễn Chí Vịnh là một người có vai trò quan trọng trong nền
ngoại giao của Việt Nam, là 'Việt Nam cam kết hỗ trợ Mỹ và đồng minh can thiệp
vào tình hình khu vực, miễn sao điều đó mang lại hòa bình, ổn định và thịnh vượng.
"Tiếp nối với tuyên bố của Tướng Nguyễn Chí Vịnh, tôi
cho với phía Việt Nam, chuyến đi của ông Đinh Thế Huynh có những ý nghĩa như thế.
Thứ hai với phía Mỹ, Mỹ cũng mong mỏi chuyến đi này, chỉ cần suy luận thôi, chứ
không cần nhìn vào tính chất đón tiếp có thể nói là chính thức và trọng thị của
Mỹ," Tiến sỹ Vũ Cao Phan nói với Bàn tròn Thứ Năm của BBC hôm 27/10.
Quá nhiều lựa chọn?
Từ Sài Gòn, Tiến sỹ Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội nhà báo Độc
lập Việt Nam (IJAVN) đưa ra bình luận về lựa chọn đối tác chiến lược của Việt
Nam, ông nói:
"Trở lại vấn đề lựa chọn như thế nào mà chúng ta (Bàn
tròn Thứ Năm) vừa nêu, ông Đinh Thế Huynh nói rằng 'Trung Quốc là 'lựa chọn
chính trị' của Việt Nam, còn Tiến sỹ Vũ Cao Phan... có nêu như vậy Hoa Kỳ có thể
là 'lựa chọn an ninh' của Việt Nam, tôi cảm thấy là có nhiều quá, có vô số lựa
chọn.
"Lựa chọn nhiều đến nỗi mà năm 2014, chúng ta (Việt
Nam) nhớ lại, đau đớn vô cùng là khi nổ ra vụ Giàn khoan HD-981 của Trung Quốc...,
khi đó Việt Nam thủ trong túi một chục đối tác chiến lược, trừ Hoa Kỳ, một chục
đối tác chiến lược trong đó có Nga, trong đó có Trung Quốc và không một ai chìa
tay ra cho Việt Nam.
"Đó là lựa chọn của Việt Nam ư? Việt Nam muốn làm bạn với
tất cả các nước như vậy à? Nhiều quá và cuối cùng là không có gì cả. Đó là một
triết lý sống còn đối với giới lãnh đạo Việt Nam và với dân tộc Việt Nam, tôi
xin nhắc lại điều đó...
"Liên quan chuyến đi của ông Đinh Thế Huynh..., tôi cho
rằng có một điều gì đó liên quan tới chuyến đi của ông Phạm Quang Nghị vào năm
2014, năm 2014, ông Nghị được ông (Nguyễn Phú) Trọng cử đi một cách thầm kín và
sau đó khi về, ông Nghị phải chịu một đợt tấn công trong nội bộ và sau đó ông Nghị
'biến mất'.
"Không biết là lịch sử có lặp lại đối với ông Đinh Thế
Huynh hay không? Và nếu như lặp lại với ông Đinh Thế Huynh thì coi chừng kỳ
này, sau khi đi Mỹ về ông Huynh cũng phải chịu những 'chỉ trích' là nhẹ nhàng
nhất ở trong nội bộ hay là một cuộc tấn công nào đó và sau đó cũng có một khả
năng là ông Huynh "biến mất" trong ngoặc kép, đó là một.
"Vấn đề thứ hai nữa là nếu như lịch sử lặp lại, chúng
ta nhớ là cuối tháng 7/2015, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đi Mỹ và sau khi đi Mỹ
về xảy ra một 'cuộc chiến quyền lực' đặc biệt giữa ông Nguyễn Phú Trọng và ông
Nguyễn Tấn Dũng. Như vậy tôi tự hỏi là liệu sau chuyến đi của ông Đinh Thế
Huynh đi Hoa Kỳ, lần này có xảy ra một cuộc chiến quy lực nào không.
"Và nếu có xảy ra thì giữa ông Huynh với ai? Đó là một
vấn đề mà chúng ta cũng cần nêu lại và có thể chờ xem nếu độ trễ trong cuộc chiến
quyền lực của ông Nguyễn Phú Trọng là khoảng sáu tháng sắp tới Đại hội 12, thì
cuộc chiến quyền lực của ông Huynh, nếu có, sắp tới, nó phải nằm ở khoảng giữa
năm 2017.
"Và giữa năm 2017, tôi nghe thông tin cũng là thời điểm,
khoảng thời gian quan trọng để gút những vấn đề nhân sự then chốt để chuẩn bị
cho Đại hội giữa nhiệm kỳ và nếu như đúng cam kết, ông Trọng sẽ nghỉ sau hai
năm tại vị," Tiến sỹ Phạm Chí Dũng nói với BBC.
Nguồn:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét