Phạm Chí Dũng
Trường Sa và Cam Ranh: Những biểu hiện phân hóa giữa ‘thân Trung’ và ‘hướng Mỹ’?
Vào những ngày này, Đinh Thế Huynh - nhân vật thứ 5 trong Bộ
chính trị nhưng lại là số 2 trong đảng CSVN - đang bất ngờ “có mặt” ở
Washington. Chính trường và giới quốc phòng Việt Nam lại đang diễn ra những động
thái “lạ”. Nếu chưa thể thừa nhận về một lực lượng chính trị “thân Mỹ” ở Việt
Nam, bạn có thể đặt cho lực lượng này cái tên gì?
‘Hướng Mỹ’
Lịch sử chính trị cận đại ở Việt Nam đã có một lần được đánh
bóng đặc biệt với cái tên Nguyễn Tấn Dũng - thủ tướng trước Đại hội XII. Trong
cuộc chạy đua giành ghế tổng bí thư với Nguyễn Phú Trọng, ông Dũng được một số
“chuyên gia cận thần”, vài ba trang blog tiếm danh lề trái, kể cả một số trí thức
có khuynh hướng dân chủ thổi bùng niềm kỳ vọng vào ông như một “Gorbachev” của
những năm 80 thế kỷ XX, hay “Putin” những năm 90 của thế kỷ trước, hoặc “thân Mỹ”
của thế kỷ này.
Tuy thế, lịch sử lại tréo ngoe ở chỗ chưa bao giờ người Mỹ cảm
thấy vui mừng vì sự hiện diện của một “lực lượng thân Mỹ” ở Việt Nam, và cũng
chưa bao giờ chính phủ hay bất kỳ một cơ quan có trách nhiệm nào của Mỹ xác nhận,
dù là một cách hết sức không chính thức, về bất kỳ một lực lượng chính trị nào ở
Việt Nam được Mỹ ủng hộ.
Đơn giản là “Dũng không theo ai, Dũng chỉ theo Dũng” - như một
chân lý mà những người tỉnh táo đã rút ra trước và sau Đại hội XII để khỏi ôm nỗi
thất vọng không thể có cơ hội sửa sai.
Và nếu Nguyễn Tấn Dũng mà còn bị nhận chân là không đủ “theo
Mỹ” để “cứu nước”, sau ông ta lại không có một gương mặt chính khách nào có thể
được liệt vào loại “thân Mỹ”.
Vì thế, một cái tên có lẽ vẫn khiên cưỡng, nhưng có thể tạm
thời chấp nhận, được dùng để chỉ một nhóm, hoặc cao hơn là một thế lực chính trị
đang thành hình có khuynh hướng tìm cách dựa dẫm vào sức mạnh quân sự và kinh tế
của người Mỹ để mưu đồ cho cuộc tranh giành sống mái về quyền lực cho nhóm lợi
ích của mình trên mảnh đất Việt ngày càng tan hoang, có thể là “Hướng Mỹ”.
Những động thái ‘lạ’
Khác với thế thúc thủ vào năm 2015 và khác hẳn thế tủi nhục
vào năm 2014, từ đầu năm 2016 đến nay đã xuất hiện một số chỉ dấu cho thấy giới
quân sự và có thể cả giới ngoại giao Việt Nam đã tìm cách đi trước gã khổng lồ
phương Bắc.
Tháng 2/2016, Việt Nam lần đầu tiên trở thành “quan sát
viên” trong một cuộc tập trận có tên là Hổ Mang Vàng của Mỹ và các nước đồng
minh. Sau đó lần đầu tiên đã diễn ra cuộc diễn tập quân sự chung giữa Nhật Bản
và hải quân Việt Nam tại Đà Nẵng. Cũng sau đó, trước sự kiện một tàu quân sự Mỹ
áp sát đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa và bị phía Trung Quốc công kích dữ dội,
phía ngoại giao Việt Nam cũng lần đầu tiên tỏ ra “can đảm” khi dè dặt tuyên bố
“tàu Mỹ đi qua vô hại”.
Tuy nhiên, hành động tỏ ra có “dũng khí” nhất là lần đầu
tiên sau nhiều năm, vào đầu năm 2016 hải quân Việt Nam đã dám bắt giữ một tàu của
Trung Quốc, dù đây chỉ là tàu chở dầu để tiếp vận cho hàng trăm tàu đánh cá
Trung Hoa xâm phạm một cách có chủ ý và có hệ thống vùng biển Việt Nam.
Đến tháng 8/2016, hãng tin Anh Reuters đã trở thành cơ quan
thông tấn đầu tiên bật mí một sự kiện mà có thể làm Tập Cận Bình sôi máu: quân
đội Việt Nam âm thầm đưa tên lửa ra quần đảo Trường Sa như một cách để đối
kháng với tên lửa của Trung Quốc đưa ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa. Sự
thể càng đáng ngạc nhiên hơn khi trong một cuộc trả lời phỏng vấn của Reuters,
thứ trưởng quốc phòng hiện thời là Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã không bác bỏ
thông tin tuyệt mật này mà lại úp mở: “Di chuyển bất kỳ loại vũ khí nào đến bất
kỳ khu vực vào bất kỳ lúc nào trong vùng lãnh thổ có chủ quyền của chúng tôi là
quyền hợp pháp của chúng tôi”.
Chỉ ít ngày trước chuyến đi Trung Quốc của ông Đinh Thế
Huynh, Thường trực Ban bí thư, vào tháng 10/2016, ông Nguyễn Chí Vịnh cũng phát
ngôn rất đáng chú ý: “Việt Nam cam kết hỗ trợ Mỹ và đồng minh can thiệp vào
tình hình khu vực, miễn sao điều đó mang lại hòa bình, ổn định và thịnh vượng”.
Phát ngôn này được đưa ra trong cuộc trao đổi với bà Cara Abercrombie, Trợ lý Bộ
trưởng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ phụ trách vấn đề Nam và Đông Nam Á.
Hoàn toàn dễ dàng nhận ra sự khác biệt về “bản lĩnh Nguyễn
Chí Vịnh” của năm nay với những năm trước. Khi nổ ra vụ giàn khoan Hải Dương
981 ngự trị ngay trước mũi chính thể Hà Nội vào năm 2014, tướng Vịnh đã không một
lời phản kháng. Và ông ta cũng chẳng làm khác hơn khi hàng chục lần tàu cá, tàu
hải giám Trung Quốc tấn công tàu cá và giết hại ngư dân Việt.
Còn giờ đây, tướng Vịnh bất thần trở nên có “dũng khí” hơn,
dù chỉ đôi chút. Lời lẽ và quan điểm đối ngoại của ông cũng quyết đoán hơn, dù
vẫn còn quá nhiều từ ngữ mập mờ mà muốn hiểu sao cũng được.
Chuyện gì đang xảy ra?
Có vẻ đang diễn ra những động thái “lạ” trong chính trường
Việt Nam, đặc biệt liên quan đến mảng đối ngoại con thoi và phòng thủ quân sự.
Và dường như giữa các động thái đối ngoại giữa một số nhân vật chính trị lại
không ăn khớp với nhau, nếu không nói là ngược chiều nhau.
Bí ẩn Cam Ranh
Cam Ranh có thể được xem là một hình mẫu cho quan điểm “Việt
Nam muốn làm bạn với tất cả các nước”, nhưng cũng rất có thể đang ẩn giấu một
cuộc so kè giữa hai thế lực “thân Trung” và “hướng Mỹ” trong nội bộ đảng CSVN.
Tháng 10/2016, chỉ ít ngày sau khi 2 tàu khu trục Mỹ cập cảng
Cam Ranh. Đây là sự kiện lần đầu tiên kể từ năm 1975, một sự kiện khác cũng
mang tính lần đầu tiên và được quan tâm không kém là 3 tàu chiến Trung Quốc
cũng cập cảng Cam Ranh.
Thậm chí, giới phân tích còn cho biết 3 tàu chiến của Trung
Quốc ghé thăm cảng Cam Ranh thuộc hạm đội Đông Hải, hạm đội đã từng tham gia
vào vụ thảm sát Gạc Ma năm 1988. Một cách nào đó, đây là sự xúc phạm đến oan hồn
của 64 binh sĩ Việt Nam bị phía Trung Quốc tàn sát năm 1988.
Sự kiện tàu chiến Trung Quốc cập cảng Cam Ranh lại được báo
chí nhà nước thông tin cùng thời điểm với một chuyến công du đặc biệt: Thường
trực Ban bí thư Đinh Thế Huynh, nhân vật số 2 trong đảng, đến Bắc Kinh và đặc
biệt có một cuộc gặp với Tập Cận Bình. Khoảng thời gian mà ông Huynh ở Trung Quốc
lại trùng với thời gian mà Tổng thống Philippines Duterte cũng đến quốc gia này
và đưa ra một tuyên bố khó có thể đồng bóng hơn: Philippines quyết định chia
tay với Mỹ.
Câu hỏi rất cần được giải đáp là có phải “tập thể Bộ Chính
trị” đã cùng lúc quyết định cho cả tàu chiến Mỹ lẫn Trung Quốc được cập cảng
Cam Ranh theo sách lược “đu dây” truyền thống, hay còn nhân tố nào khác? Nếu
không phải là Bộ Chính trị quyết định việc này thì ai đã bật đèn xanh cho tàu Mỹ
và ai mời tàu Trung Quốc vào Cam Ranh?
Lối thoát thời tao loạn
Trên bề mặt, tư thế đu dây đối ngoại vẫn là chủ đạo của giới
lãnh đạo Việt Nam. Một trong vài bằng chứng mới nhất là Cam Ranh đón cả tàu Mỹ
lẫn tàu Trung Quốc để bảo đảm “không liên minh với một nước nhằm chống lại nước
thứ ba”.
Bằng chứng gần nhất là ngay sau khi đi Bắc Kinh “thỉnh kiến”
Tập Cận Bình, ông Đinh Thế Huynh lập tức “diện kiến” ở Washington. Chuyến công
du liên cường quốc của nhân vật thứ 5 trong Bộ Chính trị nhưng lại là số 2
trong đảng này có thể mang hơi hướng nào đó của chuyến công du đột ngột và âm
thầm của nhân vật Phạm Quang Nghị, Bí thư thành ủy Hà Nội, đến Washington vào
tháng 7/2014. Khi đó, ông Nghị còn được Nguyễn Phú Trọng “chấm” như một ứng cử
viên sáng giá cho chức vụ tổng bí thư tại Đại hội XII. Hiện nay, ông Huynh cũng
nằm trong tình trạng của ông Nghị quá khứ và có lẽ nhu cầu “đối ngoại” của ông
Huynh là lớn chưa từng thấy…
Nhưng sau tất cả những màn trình diễn qua lại trên, câu hỏi
cốt yếu vẫn là ai là người quyết định đưa tên lửa ra Trường Sa - một biểu hiện
được đánh giá là nếu không có một sự hậu thuẫn đủ mạnh của một thế lực đủ đối
trọng với Trung Quốc thì khó lòng xảy ra vào thời gian này?
Trong khi đó, vẫn đang xuất hiện những tin tức ngoài lề cho
biết sau phán quyết về đường lưỡi bò của Tòa án quốc tế, Trung Quốc “sẽ hành động”
vào một thời điểm nào đó.
Không phải ngẫu nhiên mà giới chóp bu Việt Nam thỉnh thoảng
vẫn nhắc lại khẩu hiệu “không để bị động bất ngờ” trong các cuộc thăm viếng các
quân khu và đơn vị bộ đội.
Hẳn là trên bình diện tương quan về thế chứ không phải là lực,
Việt Nam vẫn đang duy trì xu hướng cậy nhờ lực lượng hải quân Hoa Kỳ, cho dù xu
hướng này tiến triển một cách chậm chạp.
Tựu trung những biểu hiện từ đầu năm 2016 đến nay, có vẻ như
chính trường Việt Nam đang dần tách thành hai khối chuyên biệt: “thân Trung” và
“hướng Mỹ”, bất chấp Tổng Bí thư Trọng cứ mãi rao giảng về “chống tự diễn biến,
tự chuyển hóa”.
Lịch sử nước Việt là thế, cứ vào thời tao loạn, mỗi người lại
phải tự tìm lối thoát cho riêng mình.
Không chỉ cố gắng tìm kiếm một thế “chống lưng” mới về kinh
tế và cả quân sự, mỗi nhân vật chính trị còn phải cố làm sao để bảo đảm cho “hậu
vận” của mình không bị mệnh hệ gì nếu nội tình quốc gia “có biến”.
Chỉ có điều, dư luận trong nước và quốc tế cho tới giờ vẫn
không hết ngạc nhiên về tính ù lì chậm chạp của giới chính khách nửa mùa ở Việt
Nam. Trong khi bài học dân chủ hóa và chuyển giao quyền lực êm ả đã được thực
hiện ở Myanmar suốt từ năm 2012 đến nay, những chính khách “muốn thay đổi” ở Việt
Nam vẫn như tê cứng bởi nỗi sợ hãi kỷ luật đảng mỗi khi muốn nhúc nhích khỏi quỹ
đạo ý thức hệ giáo điều.
Nguồn:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét