An Tôn - VOA
Nhà báo Võ Văn Tạo nói, ở Việt Nam, những đề tài rất quan trọng,
người dân rất quan tâm thì báo chí lại không được đụng tới.
Trong một cuộc phỏng vấn được nhiều báo Việt Nam đăng hôm
31/10, ông Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, nói chính quyền
“không ngăn cản tự do ngôn luận”, và các tác phẩm báo chí không thu hút bạn đọc
là “do trình độ và tài nghệ của người làm báo”. Nhà báo kỳ cựu Võ Văn Tạo không
đồng tình với phát biểu này của bộ trưởng.
Hồi cuối tháng 6, báo điện tử Infonet trực thuộc bộ của ông
Tuấn đã đăng một bài viết về khó khăn trong nghề báo ở Việt Nam.
Bài viết trích ý kiến của Tổng Biên tập Infonet, ông Võ Đăng
Thiên, cho rằng: "Một trong những khó khăn, thách thức lớn nhất hiện nay đối
với người làm báo … là làm sao vừa thực hiện đúng chỉ đạo, pháp luật, định hướng
của cơ quan chỉ đạo, … lại vừa thu hút được bạn đọc, hấp dẫn được bạn đọc. Vì nếu
làm sai chỉ đạo sẽ bị xử lý, nhưng nếu không thuyết phục được bạn đọc thì không
có nguồn thu. Đây thường xuyên là thách thức hàng ngày đối với chúng tôi".
Đáp lại nhận xét kể trên của ông Thiên, trong bài phỏng vấn
đăng hôm 31/10, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông nói “đó là sự ngụy biện”.
Ông Trương Minh Tuấn khẳng định rằng: “Không thuyết phục được bạn đọc là do
trình độ và tài nghệ của người làm báo. Tài nghệ kém cỏi, làm ra những tác phẩm
báo chí kém cỏi, không thu hút được người đọc rồi quay ra đổ lỗi cho định hướng
của Đảng, thậm chí còn đổ lỗi cho việc tuân theo pháp luật. … đổ lỗi cho pháp
luật quả là chuyện nực cười. Sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối
với báo chí không hề ngăn cản tự do ngôn luận, không hề ngăn cản thông tin đa
chiều, càng không hề làm mất cá tính, phong cách và tài năng của những người
làm báo”.
Trước đó, hôm 19/10, ông Võ Đăng Thiên và một phó tổng biên
tập của Infonet bị đình chỉ chức vụ 15 ngày do dẫn lời Chủ tịch Quốc hội để rút
tít một bài viết là “Tôi thất vọng khi đọc dự thảo luật Chính phủ trình”. Bộ
trưởng Tuấn cho rằng “Tiêu đề này nói không đúng bản chất nội dung phát biểu của
Chủ tịch Quốc hội, khiến cho dư luận hiểu sai về mối quan hệ giữa Quốc hội và
Chính phủ”.
Cuộc phỏng vấn ông Tuấn diễn ra trong bối cảnh gần đây nhà
chức trách Việt Nam đã “kỷ luật” một loạt lãnh đạo báo chí và cơ quan báo chí.
Gần đây nhất là vụ đình bản báo Tầm Nhìn trong 3 tháng.
VN đình bản báo Tầm Nhìn trong 3 tháng
Từ Nha Trang, nhà báo có hàng chục năm kinh nghiệm Võ Văn Tạo
phân tích với VOA về những điểm ông không đồng tình với phát biểu của Bộ trưởng
Trương Minh Tuấn. Ông Tạo nói:
“Ở Việt Nam có những đề tài rất quan trọng, người dân rất
quan tâm thì báo chí lại không được đụng tới. Cái đó là hàng tuần đều có sự
giao ban báo chí hết. Do Ban Tuyên giáo Trung ương người ta giao ban. Họ sẽ nói
nội dung cụ thể trong tuần tới, trong thời gian tới phải tập trung đưa về cái
gì. Tức là tiết chế hoạt động báo chí một cách rất là khắt khe. Báo chí không
có tự do. Có những đề tài công chúng rất thích lại bị cấm đoán thì làm sao mà
hay. Báo chí không như văn chương. Cái hay của báo chí là vấn đề thời sự, phản
ánh tính thời sự, cái nóng bỏng, cái kịp thời mà phần lớn xã hội, công chúng
người ta quan tâm. Đấy mới là cái hay của báo chí. Thế thì ở Việt Nam bị dẹp
cái đó. Thế thì khó lòng có được cái hay”.
Nhà báo Võ Văn Tạo cho biết thêm trong vài năm gần đây, nhà
chức trách đã thay đổi “chiến thuật” chỉ đạo báo chí nhằm tránh “để lại dấu vết”
về kiểm duyệt báo chí. Hai cơ quan quản lý báo chí hàng đầu của Việt Nam là Ban
Tuyên giáo của Đảng Cộng sản và Bộ Thông tin và Truyền thông của chính phủ. Ông
Tạo nói:
“Bộ Thông tin Truyền thông và Tuyên giáo là họ hay làm thế
này: giao ban nói mồm, không kịp giao ban thì họ nhắn tin, họ gọi điện thoại.
Hãn hữu lắm họ mới gửi văn bản. Họ sợ rằng trong đội ngũ báo chí vẫn có người
có lương tâm, những người tử tế, họ sẽ truyền cái đó ra ngoài để đưa lên truyền
thông lề dân. Nó lộ tẩy cái bộ mặt xấu xa của việc thò tay can thiệp vào báo
chí một cách thô bạo”.
Trong khi đó, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương
Minh Tuấn nói trong cuộc phỏng vấn mới đây rằng tuy có một số quan chức ở các
cơ quan lãnh đạo và quản lý báo chí đưa ra “những lời khuyên nên thông tin điều
này, không nên thông tin điều kia”, song “đó chỉ là sự khuyến nghị, nhắc nhở”.
Bộ trưởng Tuấn nói nếu báo chí “thấy sự khuyến nghị, nhắc nhở đó là cứng nhắc,
không phù hợp với thực tế cuộc sống” thì lãnh đạo cơ quan báo chí “hoàn toàn có
thể phản hồi, tranh biện để đi đến chân lý”.
Tuy nhiên, trên mạng xã hội và Facebook cá nhân, nhiều nhà
báo cho rằng phản hồi, tranh biện với nhà chức trách chỉ mang lại thêm rắc rối
cho họ.
Nguồn:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét