Nam Nguyên – RFA
Thủy điện Hố Hô xả lũ hôm 17/10/2016, góp phần gây lũ lớn tại
vùng hạ du Hương Khê, Hà Tĩnh.
“Phát triển thủy điện ồ ạt là một sai lầm lớn,” báo chí
chính thức của Việt Nam dẫn lời các chuyên gia đã mô tả mặt trái đen tối của
hàng trăm dự án thủy điện trên cả nước. Thủy điện Hố Hô, một công trình nhỏ với tên gọi khó đọc nằm
trên địa bàn hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh, đã trở thành giọt nước tràn ly gây
bất bình trong công luận.
Nhà máy thủy điện này đã bất ngờ xả lũ với lưu lượng
lớn chiều tối 13/10/2016 trong bối cảnh chính quyền địa phương huyện Hương Khê
tỉnh Hà Tĩnh và người dân của 11 xã thuộc huyện này không được báo trước. Hậu
quả là cơn lũ chồng lũ vừa thiên tai vừa nhân họa đã nhấn nhấn chìm nhà cửa,
tài sản, mùa màng của 5.000 hộ dân huyện Hương Khê Hà Tĩnh.
Thủy điện Hố Hô trở thành kẻ tội đồ trên báo chí Việt Nam và
một lần nữa giới khoa học lật lại hồ sơ nhiều tranh cãi của các dự án thủy điện
trên cả nước.
Mặt trái của dự án thủy điện nhỏ
Báo Mạng Một Thế Giới ngày 19/10/2016 có bài phân tích, cho
thấy dự án thủy điện Hố Hô là một công trình có quá nhiều vấn đề. Theo đó sản
lượng điện 25,5 triệu kwh một năm của Hố Hô chưa đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng điện
của 1 huyện tại Hà Tĩnh trong một năm. Về nộp thuế năm 2013 thủy điện Hố Hô nộp
thuế khoảng 1,9 tỉ đồng, năm 2014 giảm xuống còn 1 tỷ 673 triệu đồng, kế hoạch
năm 2015 cũng gần tương tự mức này.
Như vậy, nhà máy thủy điện Hố Hô nộp ngân sách chưa đến 2 tỉ
đồng một năm, nhưng khi xây dựng đã ngốn hết 1.000 ha rừng của địa phương. Tờ
báo đặt câu hỏi, với thủy điện Hố Hô Hà Tĩnh lợi hay thiệt. Và nếu địa phương
nào cần 1 nhà máy thủy điện như Hố Hô, cứ tính thử, có nên “rước” về để hứng lũ
chồng lũ hay không?
Trả lời Nam Nguyên vào tối ngày 20/10/2016, Phó Giáo sư Lê
Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu thuộc Đại Học Cân
Thơ đưa ra nhận định chung:
“Khoảng 20 năm nay rất nhiều dự án thủy điện phát triển dày
đặc ở miền Bắc và miền Trung. Có rất nhiều dự án không tạo ra sự an toàn về mặt
môi trường và xã hội của khu vực nó đặt dự án. Có một số người lợi dụng thủy điện
đó, trước tiên họ được phá rừng và khai thác rừng đó…khi vận hành thì không
theo cách thức khoa học trong quản lý tài nguyên lưu vực sông, họ chỉ giữ nước
và sử dụng nước đó để phát điện tối đa để tạo ra lợi nhuận cho mình, mà không để
ý tới hậu quả của việc vận hành những thủy điện đó. Cho nên chúng ta thấy có rất
nhiều câu chuyện cho rằng, đôi khi thủy điện làm cho lũ lụt thêm trầm trọng và
khô hạn sớm gay gắt.”
Phải chăng các nhóm quyền lợi đã khuynh loát chính sách ở Việt
Nam, trong đó có vấn đề phát triển thủy điện nhỏ ồ ạt bất kể hậu quả.
Hiện trường lòng hồ thủy điện Sông Bung 2 sau khi ống dẫn nước
bị vỡ sáng 14/9/2016. Photo courtesy of vtc.vn
Ngày 18/10/2016 trả lời phỏng vấn của VietnamNet, Giáo sư Phạm
Hồng Giang, Chủ tịch Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam đã mô tả góc
khuất của các dự án thủy điện nhỏ. Nhà khoa học cho rằng, thủy điện cần đầu tư
ban đầu, sau đó khi vận hành, không tốn kém gì. Chỉ việc đo đồng hồ điện rồi
thu tiền thôi. Thế nhưng, ban đầu có thể người ta đầu tư, vẽ ra dự án hay vay
được ngân hàng. Vay xong rồi, nếu có khó khăn, không trả nợ ngân hàng được thì
đã có Nhà nước, món nợ trở thành nợ xấu của Nhà nước.
Vẫn theo VietnamNet và Giáo sư Phạm Hồng Giang, thủy điện là
năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Nhưng ở Việt Nam để xảy ra tình trạng thủy
điện xả lũ gây thiệt hại cho hạ du thì cái lỗi chính là nhà nước đã phát triển
thủy điện nhỏ và vừa một cách ồ ạt. Giáo sư Phạm Hồng Giang cho rằng, đã có
tình trạng thiếu quản lý tốt về quy hoạch, về khảo sát, về xây dựng, về vận
hành và thiếu giám sát một cách đầy đủ kịp thời.
Cùng nhận định về vấn đề vừa nêu, một nhà hoạt động xã hội
dân sự ở Đà Nẵng, Kỹ sư Nguyễn Văn Thạnh phát biểu:
“Thật sự có một nghệ thuật làm dự án ở Việt Nam, sau khi có
các dự án thủy điện, người ta lên khai thác rừng tiền gỗ nhiều khi mang lợi lợi
ích còn lớn hơn tiền đầu tư các nhà máy điện. Điều nghi ngờ này có thể thấy được,
kiểm soát được và các sai lầm ở đây chính là các dự án có ảnh hưởng đến môi
sinh, ảnh hưởng cuộc sống cộng đồng nhưng
nó thiếu minh bạch giống như tội phạm vậy. Trong các dự án kinh tế mà
thiếu minh bạch thì có rất nhiều tội phạm.”
Chính sách sai lầm
Báo điện tử Hải Quan cơ quan của Tổng cục Hải quan bản tin
trên mạng ngày 20/10/2016 có bài với tựa trong ngoặc kép “ Đồng loạt làm thủy
điện là một sai lầm lớn”. Tờ báo dẫn lời Giáo sư Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy
lợi Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn cho rằng,
có sự sai lầm trong qui hoạch, chưa có một đất nước nào phát triển thủy điện
nhanh như Việt Nam, quy hoạch hàng ngàn thủy điện chỉ trong vòng 20 năm. Theo lời
GS Vũ Trọng Hồng, xây dựng thủy điện lẽ ra phải cân nhắc rất kỹ xem vùng hạ du
dùng nước như thế nào. Những tỉnh, thành có sông suối cùng đồng khởi làm thủy
điện là sai lầm quá lớn và bây giờ phải trả giá.
Trên Hải Quan Online, Giáo sư Vũ Trọng Hồng cho biết, trên cả
nước công trình thủy điện lớn chỉ chiếm 10% tổng số các công trình thủy điện,
còn lại là hàng trăm thủy điện nhỏ. Thí dụ điển hình, riêng một tỉnh Quảng Nam
đã có tới 40 thủy điện nhỏ. Tình trạng này khiến cho khâu phê duyệt quy trình xả
lũ tại các nhà máy thủy điện trở nên phực tạp.
Theo ghi nhận của chúng tôi, ngành điện Việt Nam phân loại
công trình thủy điện công suất dưới 30MW là thủy điện nhỏ, từ 30MW tới dưới 100
MW là thủy điện vừa, còn từ 100 MW trở lên là thủy điện lớn. Thủy điện Sơn La
có công suất lý thuyết lên tới 2.400 MW lớn nhất Việt Nam; kế tiếp là thủy điện
Hòa Bình 1920 MW, Lai Châu 1.200 MW.
Hai ngày trước bài báo của Hải quan Online, hôm 18/10/2016
khi trả lời chúng tôi Giáo sư Vũ Trọng Hồng đã phân tích:
“Theo tôi, những thủy điện nhỏ này có nhiều rủi ro lắm, dung
tích của nó rất nhỏ cho nên lũ về mà đã tích nước rồi thì nó sẽ nguy cấp phải xả
nhanh, chứ không thể như thủy điện lớn được. Thủy điện lớn mùa lũ người ta
tích, mùa khô xả, nhưng thủy điện nhỏ tích ngày nào là phải xả luôn. Đó chính
là nhược điểm lớn nhất của thủy điện nhỏ. Vì thế ngay lúc này, theo tôi Nhà nước
nên xem xét những thủy điện nhỏ này, xếp nó vào danh mục những công trình có rủi
ro lớn và phải lập một lộ trình để thủy điện này người ta dừng không hoạt động
nữa…”
Thủy điện miền Trung xả lũ gây lũ chồng lũ trong những ngày
giữa tháng 10/2016, được cho là nhân họa góp phần với thiên tai là trận mưa lớn
800mm. Thiệt hại chung tính đến ngày 17/10/2016 bao gồm 35 người chết, 4 người
mất tích, khoảng 100.000 căn nhà bị ngập nặng, thiệt hại tài sản, mùa màng rất
lớn chưa có thống kê đầy đủ. Các tỉnh bị thiệt hại nặng nhất là Quảng Bình, Hà
Tĩnh, Nghệ An. Ngoài ra Thừa Thiên Huế và Quảng Trị cũng bị ngập nhiều nơi.
Xã hội Dân sự giám sát
Đáp câu hỏi của chúng tôi là trong tình hình hoạt động hiện
nay của các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ dầy đặc ở Việt Nam, trước mắt phải làm
gì để tránh lập lại những trường hợp như thủy điện Hố Hô xả lũ ngày 13 tháng 10
vừa qua, Phó Giáo sư Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí
hậu thuộc Đại Học Cần Thơ, nhận định:
“Bây giờ phải có cơ chế kiểm soát, tức là phải cho người dân
cũng như các cộng đồng, các nhà khoa học, hoặc các tổ chức xã hội dân sự được
quyền giám sát những hoạt động đó. Những vận hành đó phải được công khai minh bạch
trên các phương tiện khác nhau, để cho người dân có thể kiểm soát được, phải
đưa ra qui định rõ trước khi xả lũ phải thông báo cho người dân thời gian bao
lâu…và trong những điều kiện nào thì cho mở cửa van thoát nước trong hồ chứa
trước khi có nguy cơ mưa bão đến gần.”
Ngày 18/10/2016 Công thông tin điện tử của Chính phủ Việt
Nam đưa tin, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu kiểm tra việc xả lũ của các hồ
thủy điện tại khu vực miền Trung, đặc biệt là Thủy điện Hố Hô, vì dư luận cho rằng
có nhà máy thủy điện xả lũ không báo trước gây bị động cho công tác ứng phó làm
nhân dân chịu thiệt hại.
Người đứng đầu chính phủ giao trách nhiệm này cho các bộ
Công thương, Tài nguyên Môi trường và Nông nghiệp Phát triển Nông thôn, cũng
như chính quyền các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình. Thủ tướng Nguyễn Xuân
Phúc yêu cầu làm rõ trách nhiệm cúa các tổ chức, cá nhân có liên quan, xác định
cụ thể trách nhiệm đền bù thiệt hại, đề xuất phương án khắc phục, báo cáo Thủ
tướng trước ngày 25/10/2016.
Nguồn:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét