Luân Lê
Nhiều người có học, thuộc lớp trí thức, có nhiều người khác nữa, nói với tôi về việc dân trí chúng ta thấp, ngay cả quan chức phát biểu tại nghị trường, trên báo chí còn có lập luận này, tựu chung cho những nhận định chung nhau ấy là để đổ lỗi cho xã hội về những điều xấu xí và tồi tệ đang diễn ra, mà họ là một kẻ ngoài cuộc không dính dáng đến những điều đó.
Tôi cũng chưa bao giờ nói, dân trí chúng ta cao, ngay cả
quan trí cũng vậy vì họ có quyền lực nhưng chưa bao giờ thoát bỏ ra được những
định hướng tư tưởng và mắc kẹt trong chủ thuyết xã hội chủ nghĩa mơ hồ, ảo tưởng.
Tuy nhiên, cùng là một nhận định, dân trí thấp, nhưng là hai
hướng trái ngược về căn nguyên của nó, giữa tôi và những con người còn lại. Những
người mà nói với tôi ấy, họ cho rằng là vì dân trí thấp nên, không thể thay đổi
tốt lên được nếu nhận thức của người dân chưa lên đủ mức, và vì thế những gì
đang diễn ra ở xã hội này là bởi họ và chính họ, do nhận thức thấp kém của họ
mà ra.
Ngược lại với họ, tôi chỉ cần đặt câu hỏi, dễ dàng nhận ra
người ta đang nguỵ biện mà không biết, hoặc là để né tránh thực tế gốc rễ của
nó.
Câu hỏi: Ai khiến cho dân trí thấp?
Giáo dục, do ai đặt ra và kiểm soát? Do ai định hướng và đào
tạo? Do ai có quyền dạy, dạy gì và bác bỏ điều gì, nếu muốn?
Đó chính là chính quyền, nhà nước đang trị vì quốc gia ấy.
Mà đến nay, ngay cả trí thức, nếu chính họ nói rằng dân trí
thấp để đổ lỗi cho hiện trạng xã hội, thì bản thân họ là kẻ phải chịu trách nhiệm
đầu tiên về hậu quả đó, bởi trách nhiệm của người trí thức là khai sáng, là đem
đến cho người dân những giá trị nhận thức đúng và khai phóng họ khỏi những thứ
hủ lậu, tụt hậu và xấu xa, dù họ trong chính quyền hay ở ngoài thực thể đó, thì
việc để cho dân trí thấp thì họ không thể đứng ngoài công cuộc "dân
ngu" đó được. Họ là thành phần phải cúi đầu đầu tiên mà nhìn lại và nhận lấy
trách nhiệm đó về mình, vì rằng họ đã không thể đóng góp hay làm gì cho nhận thức
của người khác, của xã hội, mà sau nửa thế kỷ họ vẫn vô tư đổ lỗi cho người
khác về tình trạng dân trí thấp.
Nhiều người trí thức bây giờ chạy theo bằng cấp, khoa bảng
chỉ để kiếm lợi ích và an thân, thăng tiến cho mình, bảo bọc gia đình, họ hàng,
còn công cuộc thúc đẩy xã hội đi lên là gần như ngược lại, họ bỏ mặc hoặc thờ ơ
một cách vô tư đến mức vô trách nhiệm. Những người dân, mà đa phần là nghèo khó
và yếu thế khác, đều cần được giúp đỡ, chia sẻ tri thức, được giáo dục đúng mức
và đúng cách, nhưng họ lại bị bỏ rơi bởi chính những người trí thức, người có
lòng muốn thay đổi thì rời bỏ quê hương mà đi để tìm kiếm cơ hội ở một chân trời
mới, kẻ khác ở lại thì ít ỏi mà lại cô độc trong chính tổ quốc mình. Người dân
bỗng chốc trở nên bơ vơ và phải tiếp nhận thụ động những thứ giáo dục do người
khác áp đặt lên, mà hầu như không được phản biện hay lên tiếng dù nó có bất cập,
sai lầm đến đâu (như những người hít phải khói thuốc lá từ kẻ khác và chính
mình lại mắc bệnh vậy).
Nhiều người khác thì cho rằng, kiếm được tiền và ổn định gia
đình sẽ tìm cách đấu tranh cho những giá trị tiến bộ hơn cho xã hội. Vậy, nếu
ai cũng nghĩ như thế thì khi nào người ta mới bắt tay làm mà không phải là từ
bây giờ và ngay tại lúc này?
Trong một xã hội được tạo dựng và duy trì quá nhiều thói
quen xấu, chúng ta lại hoà nhập vào đó để tìm kiếm lợi ích, và để sinh tồn thì
bắt buộc bàn tay chúng ta phải nhúng vào những bất công nếu muốn có lợi ích, vậy
là họ trở nên bất lực với chính mình vì đã trở thành một thành phần đang chấp
nhận và dung dưỡng cái xấu đó, vậy làm sao còn lý do để chống lại nó, nếu cái
tâm trí lợi ích ấy chưa thể gột rửa ra khỏi chính can tri của mình?
Chúng ta, hay những người dân trót bị chê là dân trí thấp
kia, sẽ trông chờ gì ở đám trí thức mà chỉ chăm bẵm bộ lông của mình, và khi
nói đến thảm trạng xã hội thì họ lại mở miệng ra để đổ lỗi cho "dân trí thấp"
như mình là một kẻ vô can? Vậy, nếu ai cũng chỉ lo sống đời mình như thế thì
dân trí nào có thể cao lên được, mà đó vốn là bổn phận và trách nhiệm của họ, kẻ
khoác áo và mang danh trí thức?
Người Nhật đã trở nên vĩ đại cũng vì những nhà tư tưởng có tầm
nhìn để vực dậy cả một dân tộc bại trận và bị kìm kẹp bao năm bởi Nho giáo,
trong đó có ông Fukuzawa như một bậc hiền tài mà đã để lại di sản quá lớn cho
các thế hệ sau tự hào. Ở Việt Nam, thực ra không phải ông Hồ Chí Minh, mà với
tôi, bậc đại tài của dân tộc chính là cụ Phan Chu Trinh, người chí sỹ có tầm
nhìn và tư tưởng vĩ đại cho dân tộc, mà đến nay những nỗi niềm của cụ vẫn còn
là nhiệm vụ cấp bách của thời đại, nhất là đối với dân tộc bị kìm kẹp hết từ thời
phong kiến đến việc khủng hoảng sau bước nhảy từ một sự đói nghèo sang một trạng
thái không hề tồn tại, ngay cả cho đến lúc này.
Tại sao không tiếp nhận tri thức văn minh của thế giới? Tại
sao những quốc gia Tây phương đã đi thuộc địa các quốc gia khác từ hàng trăm
năm trước? Bởi họ giàu có và văn minh, bởi họ đã có thời kỳ phục hưng và cuộc
cách mạng đại công nghiệp, mà chính cụ Phan và ông Fukuzawa còn phải kinh ngạc
và biết rằng dân tộc mình phải học hỏi từ các quốc gia ấy nếu muốn trở nên văn
minh và phát triển.
Nhiệm vụ khai sáng cho người dân, đến lúc này là cấp thiết
như nước Nhật thời cải cách Minh Trị hay thời Duy Tân của cụ Phan vậy. Đó là
con đường duy nhất đưa đất nước đến văn minh, không thể để xảy ra bạo lực hay dồn
đẩy mâu thuẫn xã hội đến cùng để là động lực thay đổi đất nước.
Với tôi, đó là sự trả giá, chứ không phải là thay đổi. Hoàn
toàn không. Vì dân tộc này đã trả giá quá nhiều cho những "thắng lợi"
bằng những cuộc chiến khốc liệt và sinh mệnh biết bao nhiêu thế hệ rồi.
Khai dân trí, gặt văn minh.
Gây hận thù, chuốc bạo lực.
Gieo ngu dốt, nhận khổ nhục.
Gieo bạc nhược, lãnh yếu hèn.
Nguồn:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét