Nam Nguyên - RFA
Cựu Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng.
Báo chí do Nhà nước quản lý đang thực hiện điều gọi là “dội
bom tấn” lên cựu Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, để vận động truy tố hình sự
nhân vật đã về hưu này. Ông cựu Bộ trưởng bị cáo buộc thực hiện các phi vụ mua
bán chức quyền gây hậu quả nghiêm trọng. Thế nhưng toàn cảnh bức tranh chống
tham nhũng ở Việt Nam lại cho thấy tình hình không kết quả, tham nhũng ngày
càng nghiêm trọng hơn và đe dọa sự tồn vong của chế độ.
Đảng đứng trên pháp luật
Ngày 27/10/2016 tại Hà Nội, Ông Trương Hòa Bình Ủy viên Bộ
Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực nhìn nhận là, vấn đề chống tham nhũng
trong những năm qua hoàn toàn chưa thể đạt mục tiêu ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng lãng phí. Tình trạng
tham nhũng và lãng phí hiện nay đang đe dọa đến sự phát triển của đất nước, sự
tồn vong của chế độ.
Theo báo điện tử Chính phủ và VietnamNet, lên tiếng tại một
Hội nghị chuyên đề tổng kết 10 năm chống tham nhũng, ông Trương Hòa Bình cho rằng,
cần xác định tiêu chí công khai, minh bạch phải là giải pháp đột phá cho phòng
chống tham nhũng, đồng thời cần có cơ chế giám sát quyền lực nằm trong điều gọi
là “giỏ” pháp luật.
Điều gì khiến Đảng và Nhà nước Việt Nam gần như bất lực
trong cuộc chiến chống tham nhũng. Phải chăng vì tham nhũng dầy đặc từ trên xuống
dưới khiến “đánh chuột sợ vỡ bình”, một phát biểu thời thượng của Tổng Bí thư
Nguyễn Phú Trọng.
Trả lời chúng tôi vào tối 27/10/2016, ông Nguyễn Trung Dân cựu
Phó Tổng Biên Tập phụ trách Báo Du lịch, người bị cách chức vào năm 2009 vì
đăng một bài viết khích lệ tinh thần yêu nước trước họa bá quyền Trung Quốc, từ
Saigon nhận định:
“Bao giờ mà pháp luật không được thượng tôn, luật pháp làm
ra không bình đẳng vẫn có sự phân biệt giữa người này người khác, phân biệt
nhân thân giữa người này người kia… tóm lại một câu, khi nào Đảng vẫn đứng trên
pháp luật, Đảng chỉ huy pháp luật thì chắc chắn không thể có được sự gọi là
minh bạch và rõ ràng để mà xử lý tham nhũng hết.”
Nhân vật xếp thứ 15/19 về vai vế trong Bộ Chính trị, Phó Thủ
tướng Thường trực Trương Hòa Bình được VGP News và VietnamNet cùng nhiều báo
khác dẫn lời nói rằng, trong 10 năm qua, trên toàn quốc có 918 người đứng đầu
và cấp phó bị xử lý vì thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng; hơn 300.000 lượt
cán bộ công chức bị chuyển đổi vị trí công tác. Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình
còn đề cao điều gọi là tới 99,5% viên chức, công chức cán bộ đã kê khai tài sản
và thu nhập hằng năm.
Những con số mà Phó Thủ tướng Trương Hoa Bình liệt kê trở
nên một loại hỏa mù thông tin vì ngay trong bài phát biểu, ông lại tái xác định
là tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức
tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành, tham nhũng có tính “lợi
ích nhóm” đã xuất hiện trong một số lĩnh vực. Một số vụ án tham nhũng gây hậu
quả đặc biệt nghiêm trọng, làm thất thoát lớn tài sản của Nhà nước và xã hội.
Thể chế tạo tham nhũng
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình. Courtesy NLD.
Trong bài phát biểu được Báo điện tử Chính phủ Việt Nam
trích đăng, Phó Thủ tướng Trương Hoa
Bình nhấn mạnh rằng, tham nhũng vẫn đang là lực cản sự phát triển kinh tế xã hội
của Việt Nam, vẫn là một trong những vấn đề bức xúc nhất hiện nay, là thách thức
nghiêm trọng đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý của Nhà nước,
đe dọa sự tồn vong của chế độ.
Nhận định về phát biểu của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình,
ông Nguyễn Đăng Quang một cựu đại tá ngành Công an hiện nghỉ hưu ở Hà Nội cho
biết ý kiến:
“25 năm đã qua 5 kỳ Đại hội Đảng, mỗi một kỳ Đại hội Đảng
thì tình trạng tham nhũng càng nặng nề hơn, mức độ càng nghiêm trọng hơn và đối
tượng phạm tội càng cao cấp hơn. Cho nên có thể nói là càng chống tham nhũng
thì tham nhũng càng phát triển. Theo tôi cơ chế này ở Việt Nam đẻ ra tệ nạn
tham nhũng và bọn tham nhũng lại ra sức bảo vệ cơ chế này. Do vậy nếu giao phó
cho Đảng Cộng sản Việt Nam độc quyền chống tham nhũng thì tham nhũng càng phát
triển.”
Hội nghị chuẩn bị đề án tổng kết 10 năm chống tham nhũng
theo Nghị quyết Đảng diễn ra ngày 27/10/2016 ở Hà Nội, trong bối cảnh báo chí
nhà nước mở tổng chiến dịch, đòi truy tố cựu Bộ trưởng Công thương Vũ Huy
Hoàng.
Nhân vật này về hưu sau Đại hội Đảng XII và mới bị Ban Kiểm
tra Trung ương cảnh cáo về mặt Đảng. Lý do vì trong hai nhiệm kỳ Bộ trưởng thời
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ông Vũ Huy Hoàng đã thực hiện một số vụ bổ nhiệm, điều
chuyển cán bộ mờ ám gây hậu quả nghiêm trọng. Đặc biệt trong vụ ông Trịnh Xuân
Thanh, cựu Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang, người đã bỏ trốn qua Âu châu và bị truy
nã quốc tế. Ông này bị cáo buộc chịu trách nhiệm cao nhất làm thất thoát 3.300
tỷ, trong thời gian làm Chủ tịch Tổng Công ty xây lắp dầu khí PVC.
Nếu như cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng sau kỷ luật Đảng sẽ bị
truy tố, thì có lẽ ông là nhân vật cao cấp
nhất bị truy tố hình sự, dù đã là cựu Ủy viên Trung ương Đảng, cựu Bộ trưởng.
Câu chuyện này làm nhiều người nhớ lại vụ tài sản bất minh của ông Trần Văn
Truyền, nguyên Tổng Thanh Tra Chính phủ, ông này bị bêu xấu nhưng không bị truy
tố.
Sợ uy con hổ già
Trong 10 năm qua, các vụ án chống tham nhũng liên quan tới Đảng
viên, cán bộ cao cấp đang tại chức là rất hiếm. Ông Nguyễn Trung Dân cựu Phó Tổng
Biên tập phụ trách báo Du Lịch nhận định:
“Ông Tổng Bí thư nói rồi, đánh con chuột ở trong bình sợ nó
vỡ bình thì sao… cho nên con chuột nó phải ra khỏi bình thì ông ấy mới đánh
thôi…con chuột đó dù là ông Bộ trưởng hay Thủ tướng thì phải ra khỏi bình thì
ông ấy đánh…còn trong bình thì ông ấy phải bảo vệ thôi…Thực chất là không thể
đánh vì bởi vì có những luật riêng, ông Minh Phó Giám đốc Công an TP.HCM nói có
luật riêng đảng viên không được đưa ra xử…Thành ra chỉ khi nào ông Tổng Bí thư
bật đèn xanh thì mới đánh, mấy ông không bật đèn xanh thì thôi…”
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được mô tả là người giơ cao ngọn
cờ chống tham nhũng làm trong sạch Đảng, để tìm kiếm hậu thuẫn của lớp đảng
viên trung kiên. Giới quan sát cho rằng, hoặc là ông Trọng chưa tập trung quyền
lực đủ mạnh, hoặc là tham nhũng, lợi ích nhóm đã trở thành căn bệnh trầm kha bắt
rễ trong hệ thống chính trị, cho nên ông Tổng Bí thư hành xử rất thận trọng và
vì thế quá chậm chạp trong vấn đề làm trong sạch Đảng.
Điển hình là để “đả” một con hổ già nanh vuốt đã cùn như cựu
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, mà đường đường một ông Tổng Bí thư phải mấy lần trực tiếp
ra lệnh đánh một anh Phó Chủ tịch tỉnh là Trịnh Xuân Thanh. Ông Tổng Bí thư được
cho là đã huy động toàn bộ công cụ truyền thông Nhà nước để moi móc việc ông
Phó Chủ tịch Hậu Giang đi xe tư tiền tỷ gắn biển số công. Rồi từ đó mới có cớ
điều tra làm rõ các vấn đề chạy quyền, chạy chức và vấn đề cựu Bộ trưởng Công
thương nhắm mắt làm ngơ sai phạm lớn của ông Trịnh Xuân Thanh ở Tổng Công ty
Xây lắp Dầu khí.
Trong dịp trả lời chúng tôi, Luật sư Trần Quốc Thuận nguyên
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội từ Saigon cho rằng, Tổng Bí thư phải có hành động
thực sự quyết liệt để chống tham nhũng tới nơi tới chốn, chứ không phải chỉ làm
một vài vụ để tuyên truyền. Ông nói:
“Đòi hỏi của xã hội, của nhân dân kể cả trong nội bộ Đảng
cũng mong muốn là những vụ án gần đây cần phải làm tới nơi tới chốn. Như vụ AGV
Mobiphone, vụ Núi Pháo, vụ Formosa rồi vụ Trịnh Xuân Thanh, vụ Vinaconex ...Nếu
không làm tới nơi tới chốn thì có lẽ uy tín của Đảng sẽ thiệt hại vô cùng lớn…”
Ngày 17/10/2016 khi tiếp xúc cử tri Thành phố Hà Nội, ông Tổng
Bí thư Nguyễn Phú Trọng được báo Dân Trí online dẫn lời nói rằng, cần thiết cơ
chế kiểm soát quyền lực và về điều gọi là “ Phải nhốt quyền lực vào lồng cơ chế
lập pháp”.
Phát biểu đáng chú ý của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có khả
năng hiện thực hay không. Cựu Đại tá Công an Nguyễn Đăng Quang từ Hà Nội nhận định:
“Tôi cho rằng tuyên bố của ông Nguyễn Phú Trọng chỉ có tác dụng
làm khích lệ tinh thần một số đảng viên. Nó không có giá trị thực tiễn, bởi vì ở
Việt Nam giữa bộ khung quyền lực với những qui định của pháp luật và việc thực
thi nó là có sự khác nhau rất xa.”
Sự độc tài, thối nát, thoái hóa, thực hiện kinh tế Xã hội Chủ
nghĩa thất bại, đã khiến các đảng Cộng sản từng cai trị hàng chục thập niên ở
Đông Âu bị xóa sổ. Rồi chính cái nôi khai sinh ra chế độ Xã hội Chủ nghĩa là
Liên Xô cũng đã bị tan rã vào năm 1991. Đảng Cộng sản Việt Nam tất nhiên ý thức
điều này rất rõ.
Câu hỏi mà giới quan sát đặt ra, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng,
một nhà lý luận chủ nghĩa Mác Lê sẽ có được sức mạnh thần kỳ nào, để sống mái với
các nhóm quyền lực và lợi ích đang xâu xé nền kinh tế Việt Nam. Hay là ông sẽ
phải dựa vào uy lực của nhóm lợi ích mạnh nhất, hầu có thể thực hiện kế hoạch đả
hổ diệt ruồi.
Nguồn:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét