Nguồn: PM Lee Hsien Loong at the 8th S Rajaratnam Lecture on 27 November 2015.
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Bài giảng của Thủ tướng Lý Hiển Long về Quan Hệ Quốc Tế và Chính Sách Đối Ngoại của Singapore
Xin chào và xin chúc quý vị một buổi chiều tốt lành!
Vậy là chúng ta vừa mừng lễ kỷ niệm 50 năm ngày giành độc lập. Đây là
lúc nhìn lại những thành tựu chúng ta đã đạt được, và hiểu điều gì đã
khiến chúng ta thành công. Đồng thời, năm nay cũng sẽ là năm mà chúng ta
cần phải vạch ra hướng đi cho tương lai của mình.
Việc tự đánh giá bản thân sẽ rất có ích cho quan hệ đối ngoại của
chúng ta. Dù đây không phải là vấn đề quan tâm hàng đầu của nhiều người
Singapore, vì chúng ta đang sống hòa bình và ổn định, cũng như có mối
quan hệ thân thiện với hầu hết các nước. Bộ Ngoại giao đã thực hiện rất
tốt công việc của mình đến mức nhiều người khó nhận ra sự tồn tại của bộ
này. Người ta quan tâm nhiều hơn đến những thứ có ảnh hưởng đến cuộc
sống hàng ngày của họ – như chuyện tàu điện thi thoảng bị hỏng, y tế,
thi cử, hay việc làm.
Nhưng trong thực tế, chính sách đối ngoại có vai trò rất quan trọng
đối với vị thế của chúng ta trên trường quốc tế, nó đảm bảo sự ổn định
khu vực, tạo ra các điều kiện bên ngoài thuận lợi để nền kinh tế phát
triển thịnh vượng, và đem đến cho chúng ta một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Khi so sánh với cách đây 50 năm, vị thế của Singapore hiện nay đã
được cải thiện đáng kể. Singapore ngày nay là một quốc gia thành công và
được tôn trọng. Chúng ta nắm giữ một vị trí cao trong cộng đồng quốc
tế, và có những người bạn trên khắp thế giới. Điều này là nhờ vào công
sức của nhiều thế hệ cán bộ ngoại giao, bắt đầu với Ngoại trưởng đầu
tiên của chúng ta, ông S. Rajaratnam, người mà loạt bài giảng này đã
vinh dự được đặt tên theo.
Thế giới ngày nay rất khác với thế giới của 50 năm trước. Năm 1965,
Chiến tranh Lạnh đang vào giai đoạn căng thẳng; nhưng giờ thì nó đã kết
thúc lâu rồi. Đông Nam Á khi ấy là một khu vực đầy xung đột, với Chiến
tranh Việt Nam là một điểm “nóng”; còn chính chúng ta thì phải trải qua
thời kỳ Konfrontasi – một cuộc xung đột cường độ thấp giữa
Malaysia và Indonesia. Nhưng hôm nay, Đông Nam Á đã hòa bình trở lại, và
ASEAN sẽ trở thành Cộng đồng ASEAN vào cuối năm nay. Trên cương vị một
quốc gia, đất nước chúng ta hiện nay đã thịnh vượng và vững vàng hơn
trước, và trên cương vị một dân tộc, ý thức về bản sắc, về chủ quyền
quốc gia của chúng ta cũng mạnh hơn rất nhiều.
Nhưng một số nguyên tắc cơ bản về sự tồn tại của chúng ta không thay
đổi. Singapore sẽ luôn là một đất nước nhỏ bé trong một thế giới không
ổn định, và đôi khi còn nguy hiểm. Chúng ta vẫn bị bao quanh bởi các
nước láng giềng lớn hơn, và nằm giữa khu vực Đông Nam Á. Khu vực này dù
đã ổn định hơn và thịnh vượng hơn trước, nhưng nó vẫn là nơi mà các lợi
ích của các cường quốc lớn giao thoa nhau, và là một khu vực đa dạng và
khó dự đoán hơn so với Bắc Mỹ, và cho tới gần đây là so với châu Âu.
Chúng ta vẫn không có tài nguyên thiên nhiên, chỉ có trí thông minh và
nguồn dự trữ ngoại tệ mà chúng ta đã khó nhọc tích lũy nên, để đưa chúng
ta qua những lúc khó khăn. Sự thật này sẽ rất khó thay đổi trong một
thời gian dài nữa.
Thực tế của các nước nhỏ
Các nước nhỏ như chúng ta phải không ngừng tự hỏi: làm thế nào chúng
ta có thể đảm bảo rằng chúng ta luôn tồn tại, và giữ vững lợi thế của
mình?
Theo ngôn ngữ ngoại giao, quan hệ quốc tế dựa trên các nguyên tắc cao
cả. Hiến chương Liên Hợp Quốc quy định sự “bình đẳng chủ quyền” giữa
các quốc gia, và tuyên bố các nước phải “giải quyết tranh chấp quốc tế
bằng biện pháp hòa bình.” Phong trào Không liên kết được dựa trên Năm Nguyên tắc Chung sống Hòa bình,
thể hiện một khát vọng còn cao hơn nữa. Tôi không định kiểm tra kiến
thức của các bạn, nhưng Năm nguyên tắc đó là: Tôn trọng toàn vẹn lãnh
thổ và chủ quyền của nhau; Không xâm lược lẫn nhau; Không can thiệp vào
công việc nội bộ của nhau; Bình đẳng và hợp tác vì lợi ích chung; và
Chung sống hòa bình. Đây là những khẳng định quan trọng, xác định các
quy chuẩn của quan hệ giữa các quốc gia và luật pháp quốc tế.
Nhưng việc giải quyết các vấn đề quốc tế thường phản ánh một thực tế
khắc nghiệt hơn nhiều. Quyền lực sẽ quyết định nước nào chiếm ưu thế, và
nước nào sẽ thiết lập chương trình nghị sự. Chính trị cường quyền chưa
bao giờ biến mất, dù mọi thứ không hoàn toàn giống với luật rừng. Ngay
tại Liên Hiệp Quốc, dù có các điều khoản trong Hiến chương, thì quyền
lực vẫn là cốt lõi của ngoại giao. Trong Hội đồng Bảo an gồm 15 thành
viên, chỉ nhóm P5 mới có quyền phủ quyết, còn 10 nước được bầu ra thì
không. Ngay cả trong P5 cũng tồn tại một thứ bậc. Không phải mọi quyền
phủ quyết đều có trọng lượng như nhau. Chúng ta đều biết rằng quyền phủ
quyết của một số nước sẽ có giá trị hơn những nước khác, mặc dù nói về
vấn đề này sẽ không được ngoại giao cho lắm. Nhưng sự thực là như vậy.
Và hệ thống thứ bậc quyền lực này được thể hiện rõ ngay cả trong những
điều nhỏ nhất. Trong những bức ảnh chụp tại các cuộc họp quốc tế, người
nào đứng ở đâu? Nếu xem xét một cách cẩn thận, bạn sẽ thấy được câu
chuyện ẩn đằng sau. Ai sẽ là người phát biểu đầu tiên hoặc cuối cùng?
Điều đó phụ thuộc vào người nào được vị Chủ tọa quan tâm. Hoặc nước nào
mới có quyền chọn khách sạn mà đoàn đại biểu của họ sẽ ở lại? Điều đó
cũng phụ thuộc vào nước nào có sức thuyết phục lớn hơn. Có lẽ đó là lý
do tại sao người Trung Quốc lại nói “小 国 无 外交” (Xiǎoguó wú wàijiāo) –
Nước nhỏ không có chính sách đối ngoại – bởi vì họ không thể định hình
các sự kiện, mà chỉ có thể đi theo những gì đã được định đoạt trước.
Cũng có một câu nói tương tự như vậy ở phương Tây, ngay từ thời cổ
đại, trong tác phẩm “Lịch sử Chiến tranh Peloponnese” của Thucydides. Đó
là câu nói nổi tiếng: “Kẻ mạnh làm những điều họ có thể làm, và kẻ yếu
phải gánh chịu những điều mà họ phải gánh chịu.” Bối cảnh mà câu cách
ngôn này ra đời cũng đáng được xem xét. Cuộc chiến Peloponnese diễn ra
giữa hai thành bang Athens và Sparta, cùng với các đồng minh của mỗi
bên. Athens là bá chủ của Liên minh Delos, một trong hai “siêu cường”
trong thế giới các thành bang Hy Lạp cổ đại. Athens muốn buộc Melos, một
đảo quốc yếu hơn, gia nhập Liên minh Delos. Vì vậy, họ đã gửi một đội
quân sang xâm lược Melos, nhưng trước khi làm điều đó, họ đã gửi các đại
biểu và các phái viên đến thuyết phục người Melos tự đầu hàng, nếu
không sẽ bị hủy diệt. Melos là một hòn đảo nhỏ ở Biển Aegea. “Cuộc đối thoại ở Melos”
của Thucydides mô tả lại những gì người Athens có lẽ đã nói, gồm những
lập luận và hồi đáp. Đó là một phân tích về quyền lực và cân nhắc giữa
hai bên. Người Melos đưa ra những tranh luận mang tính thực dụng và luân
lý, giải thích tại sao Athens không nên tấn công Melos. Nhưng phía
Athen chỉ đáp lại một cách tàn bạo: “Kẻ mạnh làm những điều họ có thể
làm, và kẻ yếu phải gánh chịu những điều mà họ phải gánh chịu.” Người
Melos vẫn từ chối đầu hàng. Kết quả là Athens đã quét sạch Melos, giết
chết tất cả đàn ông, bán phụ nữ và trẻ em làm nô lệ. Đó là câu chuyện
của 2.400 năm trước, nhưng thực ra nó không hoàn toàn xa lạ trong thế
giới hiện đại ngày nay. Hãy nhớ lại những gì đã xảy ra khi Iraq xâm
chiếm Kuwait, rồi hãy so sánh nó với những gì xảy ra gần đây, khi mà Nga
sáp nhập Crimea. Sức mạnh có vai trò quan trọng.
Thúc đẩy lợi ích quốc gia
Dù là một nước nhỏ, nhưng Singapore đã từ chối chấp nhận đó là số
phận của mình. Chúng ta quyết tâm làm chủ vận mệnh của chính mình. Chính
sách đối ngoại của chúng ta là một sự cân bằng giữa chủ nghĩa hiện thực
và chủ nghĩa lý tưởng. Chúng ta biết mình sẽ phải chấp nhận thế giới,
theo một thực tế mà chúng ta chẳng hề mong muốn. Nhưng chúng ta tin rằng
mình có thể, và sẽ phải bảo vệ bản thân và thúc đẩy lợi ích quốc gia.
Tất nhiên, chúng ta cần hiểu rõ đâu là lợi ích căn bản của mình, và
thực ra những lợi ích này đã không thay đổi trong suốt 50 năm qua. Đó
là: hòa bình thế giới; một trật tự quốc tế mà trong đó các nước tôn
trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế; thiết lập một mạng lưới bạn bè và
đồng minh mà chúng ta có thể làm việc cùng; có được một khu vực châu Á –
Thái Bình Dương, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á, ổn định và an toàn; và
cuối cùng là giữ gìn chủ quyền và quyền quyết định tương lai của chúng
ta.
Làm thế nào Singapore có thể thúc đẩy các lợi ích quốc gia?
Tôi xin gửi các bạn một câu ngạn ngữ cổ Trung Quốc nữa – người Trung
Quốc quả là đã giải quyết tất cả những vấn đề này từ lâu. Câu nói này
trích từ cuốn “Đại Học,” một trong Tứ Thư của Nho giáo – “修身, 齐家, 治国, 平
天下” (Xiūshēn, qí jiā, zhìguó, píng tiānxià – Tu thân, tề gia, trị quốc,
bình thiên hạ). Một người trước tiên phải biết tu dưỡng bản thân, thứ
đến là chỉnh đốn gia đình, tiếp đó là thiết lập trật tự quốc gia, cuối
cùng mới có thể khiến cho toàn thiên hạ thái bình, hạnh phúc. Đây là
quan điểm Nho giáo về trị quốc, và nó nằm sâu trong tâm lý người Trung
Quốc. Có sợi dây liên kết trực tiếp từ đạo đức cá nhân, đến gia đình,
đến cộng đồng, và toàn thể thế giới. Singapore là một xã hội hiện đại,
nhưng chúng ta luôn cố gắng hết sức để duy trì các giá trị truyền thống
và phù hợp với chúng ta, và câu nói trên là một sự đúc kết trí tuệ, gói
gọn những gì chúng ta có thể suy nghĩ về việc thúc đẩy lợi ích quốc gia
trên trường quốc tế. Một chính sách đối ngoại thành công phải dựa trên
những gì chúng ta làm trong nước. Chúng ta trước tiên phải yên ổn trong
nhà thì sau đó quan hệ đối ngoại của chúng ta mới có thể phát triển lớn
mạnh được.
Tôi xin được giải thích cụ thể như sau. Đầu tiên, trên bình diện quốc
tế, chúng ta phải là một thành viên chủ động và xây dựng, tìm cách mang
lại các giá trị gia tăng (cho cộng đồng quốc tế) và làm cho đất nước
chúng ta quan trọng với các nước khác. Thứ hai, trong khu vực, chúng ta
phải tìm ra mục tiêu chung với các nước láng giềng. Thứ ba, Singapore
phải tiếp tục là một dân tộc thành công, phải biết tận dụng bất kỳ ảnh
hưởng nào ở nước ngoài. Thứ tư, sự thành công của Singapore, dù ở trong
hay ngoài nước, đều phụ thuộc vào sự đoàn kết toàn dân, và có niềm tin
vững chắc rằng Singapore sẽ đủ sức để trường tồn và nổi bật.
Một chủ thể mang tính xây dựng trên trường quốc tế
Đầu tiên, trên trường quốc tế, chúng ta phải là một nhân tố chủ động và mang tính xây dựng.
Ngoại giao bao gồm rất nhiều vấn đề, diễn ra trong hàng chục các diễn
đàn. Các nhà ngoại giao dường như dành tất cả thời gian của mình trong
các cuộc họp, uống trà, hay gặp mặt – từ thời chiến đến thời bình, bàn
về thương mại, bảo vệ môi trường, hợp tác văn hóa và xã hội, về gần như
mọi lĩnh vực của đời sống con người. Các nước nói chuyện với nhau, kinh
doanh với nhau, và cố gắng tác động lẫn nhau. Là một nước nhỏ, chúng ta
không thể có mặt ở khắp mọi nơi, nhưng chúng ta phải có mặt tại các diễn
đàn chủ chốt và trong những vấn đề quan trọng, ví dụ như Liên Hợp Quốc,
WTO, APEC, nơi mà chúng ta có lợi ích bị ảnh hưởng.
Nhiều vấn đề trong số đó sẽ còn tiếp tục trong một thời gian rất dài.
Các cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu đã kéo dài suốt nhiều năm; các
hiệp định thương mại đa phương – như Vòng đàm phán Doha – bắt đầu từ năm
2001 và có lẽ còn tiếp diễn một thời gian dài nữa. Đó là một quá trình
dài, nhưng cứ theo định kỳ trong quá trình đó sẽ lại có những hội nghị
quốc tế về các vấn đề này, và sau đó chúng ta có một đợt cao trào các
hoạt động: những cuộc đàm phán căng thẳng, nguy cơ đổ vỡ và những thỏa
thuận phút chót; những đêm không ngủ để dàn xếp ở giờ thứ 11, thậm chí
là 13. Với kịch bản này, chúng ta phải có tư duy chiến lược để duy trì
chính sách và đường lối của mình trong nhiều năm, để bảo đảm lợi ích
quốc gia, nhưng đồng thời vẫn có chiến thuật linh hoạt trong các hội
nghị và các can dự khác, để gây ảnh hưởng ở mọi nơi mà chúng ta có thể,
và trong mọi tình huống quan trọng với chúng ta.
Vậy chúng ta phải làm gì? Đầu tiên, hãy tìm điểm chung với các nước
khác, đặc biệt là với các nước nhỏ. Tiếng nói của từng nước có thể yếu,
nhưng khi chung sức, tiếng nói của chúng ta sẽ được khuếch đại, và nó sẽ
được lắng nghe. Đó là lý do tại sao tại Liên Hiệp Quốc, chúng ta thành
lập Diễn đàn các Nước nhỏ (Forum of Small States – FOSS). Chúng ta nhỏ
nhưng lại rất đông. FOSS gồm các nước dưới 10 triệu dân. Tuy chỉ là một
nhóm không chính thức, nhưng 105 thành viên của FOSS có mặt ở khắp nơi
trên thế giới. Các thành viên gặp nhau, thảo luận, hình thành các lập
trường chung, chia sẻ kinh nghiệm và chiến lược. Ngoài ra, còn một tổ
chức khác mà chúng ta đã lập ra, đó là Nhóm Quản trị Toàn cầu (Global
Governance Group). Đó là một liên minh không chính thức, do 30 nước nhỏ
và vừa thành lập, nhằm trao đổi quan điểm về quản trị toàn cầu. Quản trị
toàn cầu nghĩa là gì? Đó là các vấn đề như: quy tắc tài chính, IMF và
WB, các chính sách kinh tế, nhằm đưa chúng vào các tiến trình G20 và
biến G20 thành một nhóm mang tính bao trùm, minh bạch và đại diện hơn.
Tóm lại, điều đầu tiên chúng ta phải làm để gia tăng ảnh hưởng của mình
là phải tìm ra “mục tiêu chung” với các nước khác.
Thứ hai là phải thường xuyên nhìn về phía trước, để dự đoán sự phát
triển, để định vị bản thân, để bảo vệ lợi ích quốc gia, và để dự kiến
các sự kiện sẽ diễn ra. Quan trọng nhất là trong những thời điểm bất ổn,
khi không thể dự đoán được điều sẽ xảy ra, chúng ta buộc phải chuẩn bị
cho nhiều tình huống. Ví dụ, chúng ta đang bắt đầu thực hiện dự án liên
chính phủ (Government-to-Government, G-to-G) thứ ba với Trung Quốc ở
Trùng Khánh. Điều này sẽ đặt chúng ta tại một đầu trong “Một Vành đai,
Một Con đường” của Trung Quốc. Giờ đây Singapore đã là một phần của
“vành đai,” đó là Con đường Tơ lụa bắt đầu từ Trung Quốc, đi qua lục địa
Á – Âu, và chúng ta cũng là một phần của “con đường” – Con đường Tơ lụa
trên biển, đi qua khu vực Đông Nam Á. Và đó là một vị thế giá trị mà
chúng ta có được.
Một ví dụ khác, chúng ta gia nhập Hội đồng Bắc Cực (Arctic Council)
với tư cách quan sát viên, nhằm tìm ra những gì có thể xảy đến nếu các
tuyến đường biển phía bắc trở nên khả thi khi băng Bắc Cực tan chảy. Một
đất nước vùng xích đạo đáng lẽ không cần quan tâm đến Bắc Cực, nhưng
chúng ta có lý do của mình. Sam Tan, phái viên ngoại giao của chúng ta,
là người đã làm việc rất chăm chỉ và đã có rất nhiều bạn ở trong nhóm
Vòng tròn Bắc cực (Arctic Circle), thuộc Hội đồng Bắc Cực. Điều này có
liên quan đến chúng ta. Nó sẽ không xảy ra vào ngày mai. Nó có thể sẽ
diễn ra hoặc có thể không. Nhưng nó có thể xảy ra, và nếu nó xảy ra
chúng ta cũng sẽ có mặt ở đó. Đây là những món đặt cược nhỏ để làm bảo
hiểm cho vị thế của chúng ta.
Thứ ba, điều chúng ta có thể làm để trở thành một bên có liên quan là
hãy đóng góp một điều gì đó. Chúng ta không có nhiều tiền để có thể
phân phát, cũng không đủ quyền lực để ép buộc người khác. Nhưng chúng ta
biết làm chủ các vấn đề, chúng ta đưa ra những ý tưởng mang tính xây
dựng, và mỗi nhà ngoại giao của chúng ta đều có đóng góp trong các cuộc
thảo luận.
Đây là những gì mà một thế hệ trước đây chúng ta đã làm được, khi
Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) đang được đàm phán. Công
ước được ký vào năm 1982. Giáo sư Tommy Koh, hiện là Đại sứ lưu động và
là nhà ngoại giao kỳ cựu của chúng ta, đã đóng một vai trò trung tâm
trong các cuộc đàm phán trên cương vị Chủ tịch Hội nghị lần thứ ba về
Luật Biển. Khi ấy ông đang ở độ tuổi đầu 30, có lẽ là người trẻ tuổi
nhất trong hội nghị. Giáo sư Jayakumar và Thẩm phán Chao Hick Tin, theo
tôi nhớ thì Giáo sư Jayakumar lúc bấy giờ đang là Đại diện Thường trực
của Singapore tại Liên Hiệp Quốc, cả hai đã giữ vai trò chủ đạo, thành
lập một liên minh “những quốc gia không giáp biển và có hoàn cảnh địa lý
khó khăn” nhằm thúc đẩy lợi ích chung.
Bạn sẽ thắc mắc thế nào là một liên minh “những quốc gia không giáp
biển và có hoàn cảnh địa lý khó khăn?” Nó cũng là một liên minh của các
nước có cùng mục đích, cùng lợi ích. Những nước không giáp biển là những
nước như Lào, Mông Cổ, hoặc Chad – thật ra có khá nhiều nước như vậy
trên thế giới. Và ví dụ về nước có hoàn cảnh địa lý khó khăn chính là
Singapore. Chúng ta có các đại dương xung quanh, nhưng các nước láng
giềng của chúng ta đều đã tuyên bố chủ quyền trên những đại dương đó; và
điều này là bất lợi lớn cho chúng ta. Do đó, chúng ta có lợi ích tương
tự như các nước không giáp biển. Vì vậy chúng ta thành lập một nhóm
“những quốc gia không giáp biển và có hoàn cảnh địa lý khó khăn” nhằm
gây áp lực, vốn không phải là không có hiệu quả trong các cuộc đàm phán
của UNCLOS. Chúng ta là một đảo quốc nhỏ, với thương mại hàng hải là
huyết mạch kinh tế. Chúng ta phải bảo vệ quyền tự do hàng hải và hàng
không. UNCLOS quy định về các quyền này, và đã trở thành một điểm tham
chiếu pháp lý quan trọng cho các tuyên bố chủ quyền và hoạt động trên
các vùng biển. UNCLOS tạo ra một sự cân bằng cẩn trọng giữa quyền và lợi
ích của các quốc gia ven biển với quyền và lợi ích tương tự của các
nước khác, cung cấp cơ chế phân xử và giải quyết tranh chấp một cách hòa
bình. UNCLOS cũng là khuôn khổ để chúng ta suy nghĩ và thảo luận về các
vấn đề mà các nước hiện đang phải đối mặt ở Biển Đông.
Đàm phán UNCLOS đã diễn ra một thế hệ trước. Nhưng hiện tại, chúng ta
cũng đang tích cực tham gia vào các cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu,
bao gồm cuộc họp quan trọng diễn ra tại Paris vào tuần tới. Singapore
không phải là một nước có lượng phát thải khí nhà kính lớn. Ngay cả khi
tất cả người dân Singapore ngừng thở, điều đó cũng chẳng tạo nên bất kỳ
khác biệt nào đối với sự nóng lên toàn cầu. Nhưng Đại sứ về biến đổi khí
hậu của chúng ta vẫn đóng vai trò tích cực, vận động ủng hộ, đóng vai
trò như một cầu nối giữa các nước phát triển và đang phát triển, và biến
chúng ta thành những người hữu ích. Bộ trưởng Vivian Balakrishnan trong
nhiệm kỳ trước của mình, trên cương vị Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi
trường và Nước, đã đóng một vai trò quan trọng trong các cuộc họp trước
đây. Trong Hội nghị các bên ở Lima, Peru hồi năm ngoái, Bộ trưởng Vivian
là một trong hai “Bạn của Chủ tọa” (Friends of the Chair), người còn
lại là của Na Uy, và “Bạn của Chủ tọa” là những người giúp Chủ tọa đưa
ra được một thỏa thuận cho các thành viên tham gia hội nghị. Và họ đã
làm việc đằng sau hậu trường để xây dựng sự đồng thuận về một thỏa thuận
cho phép hội nghị kết thúc với kết quả tích cực, để quá trình có thể
tiếp tục, và đến được Paris, chứ không kết thúc mà không có thỏa thuận
nào. Chúng ta có thể rất nhỏ, nhưng đó là đóng góp mà chúng ta có thể
làm.
Thỉnh thoảng, chúng ta cũng may mắn khi đưa ra một sáng kiến nhỏ
nhưng dẫn đến một kết quả có ý nghĩa lớn hơn, ví dụ như Hiệp định Đối
tác Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Câu chuyện này bắt đầu cách
đây 10 năm, khi bốn nước nhỏ ký một Hiệp định Thương mại Tự do (FTA)
trong khu vực châu Á Thái Bình Dương. Bốn nước đó được gọi là “Thái Bình
Dương 4” (Pacific 4 – P4) gồm: Singapore, Brunei, Chile và New Zealand.
Đây không phải là 4 nước đầu tiên mà mọi người sẽ nghĩ đến khi nói về
một FTA đầy hứa hẹn trên thế giới, nhưng đây là 4 nước có cùng chí hướng
và mục đích trong việc hướng tới thỏa thuận. Thương mại giữa các nước
này khá khiêm tốn. Tổng tác động của FTA của P4 lên thương mại thế giới
là không đáng kể. Nhưng chúng ta đã tạo dựng P4 với hy vọng rằng nó sẽ
trở thành hạt nhân mà sau này các nước châu Á – Thái Bình Dương khác có
thể tham gia, và dần dần phát triển thành một Hiệp định Thương mại Tự do
quan trọng trong khu vực châu Á Thái Bình Dương. Và quả thực, đó là
những gì đã xảy ra. Nhiều nước muốn trở thành một phần của hiệp định
này; từng nước một đã bày tỏ quan tâm – Australia, Canada, Peru, Việt
Nam. Sau đó, người Mỹ đến và thay đổi cuộc chơi hoàn toàn. Tiếp nữa,
Nhật Bản tham gia – tuy muộn, nhưng họ hội nhập rất nhanh. Cuối cùng, nó
đã trở thành nhóm TPP với 12 quốc gia thành viên, chiếm 40% GDP toàn
cầu, tính cả Mỹ và Nhật Bản. TPP từ một con vịt con xấu xí trở thành
thiên nga. TPP khác hoàn toàn với P4 – về quy mô và tham vọng. Nó không
chỉ có ý nghĩa kinh tế, mà còn có ý nghĩa chiến lược. Nó làm tăng thêm
mối quan hệ giữa Mỹ và châu Á, làm cho khu vực trở nên hội nhập và ổn
định hơn, và là con đường để cuối cùng dẫn đến một khu vực thương mại tự
do thậm chí còn tham vọng hơn nữa ở châu Á Thái Bình Dương. Vì vậy, tuy
không thể tuyên bố mình là “cha đẻ” của TPP, nhưng chúng ta đã tham gia
vào tiến trình dẫn tới sự hình thành TPP.
Đó là cấp độ đầu tiên. Trên trường quốc tế, chúng ta cần phải làm cho mình trở thành bên có liên quan, và phải có đóng góp.
Tăng cường hợp tác và ổn định khu vực
Ở cấp độ thứ hai, chúng ta phải duy trì quan hệ tốt với các nước láng giềng, cụ thể là khu vực Đông Nam Á.
ASEAN là “hòn đá tảng” trong chính sách đối ngoại của chúng ta.
Singapore tích cực hợp tác với các đối tác thuộc ASEAN, tham gia vào các
dự án của ASEAN, giúp đỡ các nước kém phát triển hơn trong ASEAN như
Campuchia, Lào, Việt Nam, đặc biệt là Myanmar, giúp họ thu hẹp chênh
lệch trình độ phát triển thông qua Sáng kiến Hội nhập ASEAN (Initiative
for ASEAN Integration – IAI). Và chúng ta cố gắng thúc đẩy sự đồng thuận
trong ASEAN về các vấn đề chung, cho dù đó là theo đuổi hội nhập kinh
tế nội khối, hay giải quyết ô nhiễm khói mù xuyên biên giới, vốn là một
vấn đề chung của nhiều quốc gia ASEAN.
Chúng ta thuộc số những quốc gia nhỏ thuộc ASEAN. Chúng ta không ở vị
trí thống trị, nhưng chúng ta vẫn làm phần việc của mình. Và chúng ta
cũng làm việc với các nước ASEAN trong các diễn đàn rộng hơn, bên ngoài
ASEAN, nhằm biến ASEAN thành một thành viên hiệu quả và đáng tin cậy
trong các diễn đàn khu vực và đa phương lớn hơn. Chẳng hạn, tại Hội nghị
Thượng đỉnh Đông Á, Diễn đàn Khu vực ASEAN, WTO hay Liên Hiệp Quốc.
Trong các diễn đàn này, thường lợi ích của các nước ASEAN hội tụ, điều
tạo cho Singapore một cơ hội đóng góp bằng cách hợp tác với các thành
viên ASEAN khác, thay vì đối lập với họ trên bàn đàm phán. Trong quá
trình này, nhờ làm việc cùng nhau, chúng ta xây dựng mối quan hệ chặt
chẽ hơn với họ.
Tất nhiên, ngoại giao ASEAN không phải luôn luôn là về tăng cường hợp
tác. Nhiều lần chúng ta cũng phải giải quyết tranh chấp và va chạm, như
chúng ta đang làm trong trường hợp Biển Đông. Singapore không phải là
một bên yêu sách, nhưng chúng ta có lợi ích quan trọng bị ảnh hưởng – tự
do hàng hải, giải quyết hòa bình các tranh chấp, tôn trọng luật pháp
quốc tế. Chúng ta cũng có một vai trò riêng, vì Singapore là nước Điều
phối viên quan hệ đối thoại ASEAN – Trung Quốc trong ba năm tới. Mục
đích của chúng ta trên cương vị điều phối viên là trở thành một bên
trung gian trung thực, làm việc công bằng và cởi mở với tất cả các bên,
vì mục đích của chúng ta không chỉ là duy trì ổn định và hòa bình khu
vực, mà còn tạo dựng danh tiếng là một quốc gia đáng tin cậy để hợp tác,
và cũng để nâng cao uy tín của ASEAN trong vai trò một tổ chức hiệu
quả, đủ khả năng đối phó với các vấn đề an ninh khó khăn.
Trong ASEAN, mối quan hệ sâu sắc nhất của chúng ta là với hai nước
láng giềng, Malaysia và Indonesia. Tuần trước, khi tôi ở Kuala Lumpur,
Thủ tướng Najib và tôi đã khai mạc một cuộc triển lãm, với tên gọi
Titian Budaya – Cầu nối văn hóa – nhằm kỷ niệm 50 năm quan hệ hữu nghị
Singapore-Malaysia thông qua nghệ thuật và văn hóa. Tôi đã phát biểu và
Thủ tướng Najib cũng vậy. Tôi mô tả mối quan hệ giữa hai nước bằng câu
tục ngữ Malay, “bagai aur dengan tebing” – tức giống như quan hệ giữa bờ
sông và cây tre mọc trên bờ sông; chúng phụ thuộc vào nhau. Tre mọc bên
bờ sông, và rễ tre giữ đất ven bờ để chúng không bị lở. Cả hai cùng
cộng sinh và cùng tồn tại với nhau.
Singapore và Malaysia phụ thuộc vào nhau, và chúng ta phải học cách
làm việc với nhau. Vì thế mà Singapore đang cố gắng thúc đẩy quan hệ với
Malaysia và Indonesia, hai trong số những đối tác kinh tế lớn nhất của
chúng ta. Chúng ta hợp tác về an ninh, môi trường, du lịch, và nhiều
lĩnh vực khác. Công dân của từng nước đều sang nước còn lại, để du lịch
hay vì lý do công việc.
Nhưng tất nhiên, đây là những mối quan hệ phức tạp, và chắc chắn,
theo thời gian, sẽ phát sinh vấn đề, nhưng khi chúng xảy ra, Singapore
sẽ giải quyết chúng một cách bình thản mà không làm ảnh hưởng đến mối
quan hệ rộng lớn hơn, hay gây ra căng thẳng. Đó là cách chúng ta xử lý
vấn đề Pedra Branca, một tranh chấp với Malaysia. Nếu các bạn đã quên,
thì đây là tranh chấp về chủ quyền trên đảo Pedra Branca, nơi có ngọn
hải đăng Horsburg. Tranh chấp này bắt đầu vào năm 1979. Đó là một vấn đề
khó khăn cho cả hai bên, nhưng chúng ta đã đồng ý đưa tranh chấp ra Tòa
án Công lý Quốc tế (International Court of Justice – ICJ) và cuối cùng,
vào năm 2008, gần 30 năm sau khi bắt đầu tranh chấp, ICJ đã ra phán
quyết. Cả hai nước đều chấp nhận phán quyết đó, và không để nó ảnh hưởng
đến mối quan hệ song phương rộng hơn. Và hai bên tiếp tục làm việc với
nhau trong các dự án cùng có lợi khác, như Dự án Đường sắt cao tốc.
Tương tự, với Indonesia, chúng ta cũng hợp tác trên nhiều lĩnh vực,
và hy vọng sẽ tiến xa hơn nữa dưới thời Tổng thống Joko Widodo. Đó là
cấp độ thứ hai trong chính sách đối ngoại của chúng ta, liên quan tới
khu vực láng giềng: ASEAN và khu vực Đông Nam Á.
Đảm bảo thành công của Singapore
Nền tảng thứ ba cho một chính sách ngoại giao tích cực và hiệu quả là
đưa Singapore trở thành một quốc gia thành công. Điều tôi muốn nói ở
đây là một nền kinh tế thịnh vượng, người dân sống trong hòa bình và hòa
hợp, đất nước hoạt động có hiệu quả và đặc biệt, phải là một quốc gia
an toàn – có thể tự bảo vệ bản thân, và quyết tâm sẽ làm như vậy.
Một quốc gia thất bại không thể có một chính sách đối ngoại hiệu quả.
Các nhà ngoại giao có thể xuất sắc, đôi khi họ thực sự như vậy. Họ có
thể phát biểu hùng hồn tại Liên Hợp Quốc, thường thì họ sẽ làm được như
vậy. Nhưng nếu đất nước là một mớ hỗn độn, chẳng có ai xem xét chúng một
cách nghiêm túc.
Vì nền kinh tế của Singapore đã phát triển thịnh vượng, nên những
nước khác muốn làm kinh doanh với chúng ta. Bởi xã hội chúng ta đang hòa
thuận, và chúng ta đã tìm thấy giải pháp cho nhiều vấn đề của mình, như
nhà ở, y tế, hoặc cấp nước, nên các quốc gia khác cũng coi trọng và xem
chúng ta là một ví dụ thú vị để học hỏi.
Đó là lý do tại sao chúng ta hợp tác với nhiều quốc gia trong các dự
án tập trung vào chuyên môn và uy tín của mình, và điều này tạo cơ hội
cho doanh nghiệp và người dân của chúng ta. Chúng ta có các dự án liên
chính phủ với Trung Quốc – Khu Công nghiệp Tô Châu, Thành phố Xanh Thiên
Tân, và giờ là Dự án Khu vực phía Tây Trùng Khánh. Chúng ta còn có các
khu công nghiệp liên doanh tại Indonesia, Việt Nam, và trên thực tế ở
Việt Nam, nó được gọi là Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore
(Vietnam-Singapore Industrial Park, VSIP). Chữ S trong tên gọi viết tắt
đó phần nào có giá trị về mặt xây dựng thương hiệu. Tại Ấn Độ, các công
ty của chúng ta gần đây đã quy hoạch tổng thể cho Amaravati, thủ phủ mới
của bang Andhra Pradesh, một khu vực còn nguyên sơ. Các công ty cấp
nước và dịch vụ đô thị của chúng ta có nhà máy trên khắp châu Á, Bắc Phi
và Trung Đông. Vậy nên chúng ta phải là một quốc gia thành công.
Nhưng ngoại giao cần được hỗ trợ bởi nhiều thứ hơn chỉ là lời nói.
Lời nói thực sự quan trọng. Singapore luôn coi trọng những lời nói ra.
Ông Rajaratnam là một bậc thầy về sử dụng ngôn từ trong những bài phát
biểu cũng như bút chiến. Chúng ta rất, rất xem trọng những từ ngữ nói
ra. Chúng ta cân nhắc từng chữ một trong mỗi tuyên bố được đưa ra. Chúng
ta tôn trọng tất cả các thỏa thuận mà chúng ta ký kết, và chúng ta mong
các nước khác cũng hành động như vậy. Khi báo chí dẫn sai lời của chúng
ta, hoặc đưa tin sai, chúng ta đã mất rất nhiều thời gian để sửa chữa
chúng. Nhưng lời nói rất quan trọng đối với chúng ta, vì chúng ta là một
nước nhỏ. Như một nhà ngoại giao Phần Lan đã từng nói – “Là một nước
nhỏ, vũ khí duy nhất của chúng ta là ngôn từ và các điều ước quốc tế.”
Chúng ta xem trọng chúng, nhưng cuối cùng thì ngôn từ phải được biến
thành hành động và kết quả, hay hậu quả. Vì vậy, điều quan trọng là
chúng ta phải có một lực lượng quốc phòng vững mạnh, để có thể bảo vệ
Singapore khi tất cả các biện pháp khác đều thất bại. Do đó, một Lực
lượng Vũ trang Singapore (Singapore Armed Forces – SAF) vững mạnh là một
tầng nấc quan trọng trong quan hệ đối ngoại và chính sách đối ngoại của
chúng ta. May mắn thay, chúng ta đã có điều đó. Trong suốt 50 năm qua,
dù chưa một lần phải bắn một phát súng với sự giận dữ, nhưng SAF đã gìn
giữ cho Singapore được an toàn, và đảm bảo rằng các nước khác cũng xem
trọng chúng ta. Hy vọng tương lai vẫn sẽ tiếp tục như vậy.
Singapore đã là một quốc gia thành công, nhưng chúng ta không bao giờ
được để điều đó làm chúng ta kiêu ngạo. Đừng bao giờ tin rằng chúng ta
vượt trội so với các nước khác, hay chúng ta giỏi hơn các nước khác
trong việc giải quyết vấn đề của họ. Chúng ta không giải quyết được hết
mọi vấn đề của chúng ta, và chúng ta càng biết ít hơn về cách làm thế
nào để giải quyết tất cả các vấn đề của người khác. Chúng ta không giả
vờ là một “thành phố trên đỉnh đồi”, hay là một dân tộc khai sáng, coi
mình là tấm gương mà mọi quốc gia khác phải noi theo. Chúng ta giải
quyết vấn đề của riêng mình, chúng ta thành công theo cách của riêng
mình, chúng ta cố gắng trở thành người láng giềng và người bạn tốt –
quan trọng với các nước khác, nhưng vẫn khiêm tốn và hiểu rõ vị trí của
mình trên trường quốc tế. Các nước khác có những điểm mạnh mà chúng ta
thiếu. Người dân của họ cũng có khả năng và tài năng như người dân của
chúng ta, nhưng hoàn cảnh, lịch sử của họ khác chúng ta, và những thách
thức họ phải đối mặt thường sẽ phức tạp hơn. Cũng như những người khác
hy vọng sẽ học được điều gì từ chúng ta, chúng ta cũng luôn phải mong
muốn học được điều gì đó mới mẻ mỗi lần chúng ta gặp ai đó từ một nước
khác.
Một dân tộc thống nhất
Thứ tư, để thành công, chúng ta phải là một dân tộc thống nhất –
thống nhất về chính trị và thống nhất trong một xã hội đa sắc tộc gắn
kết.
Chúng ta phải thống nhất về mặt chính trị. Điều đó không có nghĩa là
không có chính trị trong nước, hoặc đối lập chính trị. Nhưng nó có nghĩa
là người dân sẽ bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử công khai, nhằm chọn ra
những người mà họ muốn sẽ điều hành Chính phủ, và chúng ta có một phe
đối lập hiểu được lợi ích căn bản của Singapore trên thế giới, và sẽ
không tìm cách phá hoại lợi ích căn bản của Singapore, dù là để tìm kiếm
sự hỗ trợ từ nước ngoài hay để đạt được ưu thế chính trị. Tức là sau
các cuộc bầu cử, chúng ta vẫn sẽ thống nhất với nhau, đặc biệt là khi
phải đối phó với các nước khác.
Chúng ta đã có những đảng đối lập như thế. Ông Chiam See Tong, người
đã nghỉ hưu – mặc cho bất cứ bất đồng, tranh luận, hay khác biệt quan
điểm chính sách nào diễn ra trong nước, thì mỗi khi ông ra nước ngoài,
hoặc trong một phái đoàn chính thức hoặc với tư cách một đại biểu Quốc
hội, ông luôn đứng lên vì Singapore. Đó là một tiêu chuẩn thực sự nên
được ưu tiên áp dụng tại Singapore.
Ổn định chính trị là rất quan trọng để duy trì đường lối và nhận thức
rõ ràng về lợi ích quốc gia, và theo đuổi chúng một cách nhất quán
trong một thời gian dài. Nếu chúng ta có thể làm điều đó, nó có thể bù
đắp cho sự thiếu hụt sức mạnh của chúng ta; nó khiến nước khác có cơ sở
để tin rằng chúng ta sẽ là đối tác tin cậy. Nếu xem xét những nước có
nền chính trị bất ổn, với các làn gió chính trị đổi chiều liên tục, thì
thường chính sách đối ngoại của họ cũng thay đổi liên tục. Điều này gây
cản trở rất nhiều khi nước khác muốn hợp tác với các nước này, bởi vì họ
không thể chắc chắn rằng những gì họ đạt được với một chính phủ này sẽ
không bị chính phủ kế tiếp từ bỏ và lật ngược lại. Hơn nữa, những nước
này cũng rất dễ bị lợi dụng, vì họ có thể đợi bạn hết cầm quyền do biết
rằng chính phủ của bạn chỉ là một “chính phủ vịt què” không thể tồn tại
lâu.
Vì vậy, chúng ta phải thống nhất về mặt chính trị để có một chính
sách đối ngoại hiệu quả. Chúng ta cũng cần thống nhất, không phân biệt
chủng tộc, ngôn ngữ và tôn giáo, để không bị chia rẽ khi tiến hành chính
sách đối ngoại, và không bị nước khác làm cho suy yếu và lợi dụng việc
ta bị chia rẽ nội bộ. Chúng ta có thể là người Singapore gốc Ấn Độ, gốc
Mã Lai hay gốc Hoa, nhưng trên tất cả, chúng ta là người Singapore.
Chúng ta phải nhìn thế giới qua đôi mắt của Singapore, và thúc đẩy lợi
ích của Singapore, lợi ích chung của chúng ta. Vẫn có những mối liên hệ
về văn hóa, ngôn ngữ, chủng tộc, quan hệ họ hàng giữa các nhóm dân tộc
của chúng ta và các nhóm tương ứng ở Ấn Độ, Trung Quốc, và Đông Nam Á.
Thực tế, trong mỗi trường hợp, các nhóm sắc tộc này ở nước ngoài còn lớn
hơn các nhóm ở Singapore. Hiện có hơn 1 tỷ người Trung Quốc trên thế
giới, nhưng chỉ khoảng 2-3 triệu người là ở Singapore. Tương tự với
người Ấn Độ và Mã Lai. Và không chỉ các nhóm dân tộc mà còn các nhóm tôn
giáo – người Ấn giáo, Hồi giáo, Thiên chúa giáo, Phật giáo sinh sống ở
nước ta, tất cả đều có các giáo đoàn hay các cộng đồng lớn hơn đang ở
nước ngoài. Những mối quan hệ đó là một tài sản quý giá, bởi vì chúng
giúp chúng ta hiểu và làm việc được với các đối tác ở Trung Quốc, Ấn Độ,
Đông Nam Á, hay Trung Đông. Nhưng chúng cũng có thể là điểm yếu, nếu
các nhóm dân tộc hay tôn giáo ở bên ngoài chia rẽ chúng ta theo những
đường chia cắt căn bản này. Vì vậy, chúng ta phải củng cố hòa hợp sắc
tộc và tôn giáo, tiếp tục tăng cường bản sắc của người Singapore.
Ngày nay, xã hội chúng ta đã có sự gắn kết nhiều hơn và bản sắc
Singapore cũng đã mạnh lên nhiều, nhưng trước đây thì không như thế.
Trong những năm 1970, đội tuyển bóng bàn Trung Quốc đến Singapore – đó
là ngoại giao bóng bàn. Họ đã đấu với đội Singapore, và đám đông người
Singapore lại cổ vũ đội tuyển Trung Quốc. Năm 1984, quân đội Ấn Độ tấn
công Đền Vàng ở Amritsar, và người dân chúng ta cũng đã có phản ứng.
Indira Gandhi bị ám sát bởi vệ sĩ người Sikh của bà, cũng có phản ứng
tại Singapore. Tức là các sự kiện bên ngoài có ảnh hưởng lên chúng ta;
nhưng ảnh hưởng không đồng đều đối với từng bộ phận khác nhau trong xã
hội. Giờ đây, bản sắc của chúng ta đã rõ ràng hơn, mạnh mẽ hơn, chúng ta
tự hào là người Singapore. Tại SEA Games vài tháng trước đây, khi tiếng
nhạc đã ngừng, đám đông vẫn tiếp tục hát bài Majulah Singapura (Quốc ca
Singapore)! Tôi nghĩ điều đó thực sự rất tốt, nhưng đối với chúng ta,
củng cố bản sắc dân tộc vẫn luôn luôn là một quá trình liên tục.
Chúng ta đang rất thận trọng trong quan hệ với các nước khác, khi mà
sắc tộc hay tôn giáo có thể dẫn đến hiểu lầm. Chẳng hạn như quan hệ của
chúng ta với Trung Quốc, nhìn chung là rất tốt. Nhưng rõ ràng, chúng ta
là người Singapore, còn họ là người Trung Quốc, là hai quốc gia khác
nhau. Chúng ta không giống như cách Chủ tịch Tập Cận Bình nói về Đài
Loan – hai nước mà “xương gãy nhưng gân vẫn còn nối” – “打断 骨头 筋 相连” (Dǎ
duàn gǔtou jīn xiānglián). Khi lãnh đạo Singapore gặp lãnh đạo Trung
Quốc trong các cuộc họp chính thức, chúng ta nói chuyện bằng tiếng Anh
và sử dụng thông dịch viên, dù rằng nhiều nhà lãnh đạo của ta vẫn hiểu
và có thể nói được tiếng Quan thoại.
Đây là một điểm quan trọng về mặt nguyên tắc. Các nước khác có thể
không nhận ra điều này, và họ có thể nghĩ rằng do nhiều người dân
Singapore là người gốc Trung Quốc nên Singapore là một xã hội người Hoa.
Ví dụ, trong các cuộc họp quốc tế, đôi khi các nhà lãnh đạo sẽ có hướng
dẫn viên mặc trang phục dân tộc của họ, để họ có thể biết nên đi theo
ai, hay đi tới chỗ nào. Đôi khi, hướng dẫn viên của đại biểu Singapore
lại thường mặc một bộ sườn xám Trung Quốc màu đỏ. Sườn xám thanh lịch
thật đấy, nhưng đó không phải là quốc phục của chúng ta!
Tôi đã từng giải thích với một Thủ tướng Nhật Bản rằng một người Hoa
Singapore (Singapore Chinese) khác với một người Hoa Trung Quốc (Chinese
Chinese). Tôi giải thích sao lại như vậy. Ông ấy đã lắng nghe tôi một
cách cẩn thận, nhưng sau đó lại bối rối hỏi thông dịch viên của mình
rằng “Thế nào là người người Hoa Trung Quốc (Chinese Chinese)?” Đó là
một khái niệm hoàn toàn xa lạ với ông. Người Hoa là người Trung Quốc.
Một người Hoa Trung Quốc nghĩa là gì? Nhưng thực chất vẫn có những nhóm
dân tộc Hoa khác nhau, và sự khác biệt là vô cùng quan trọng trong một
xã hội đa sắc tộc.
Đây không phải là vấn đề chỉ có ở Singapore. Ở Mỹ, Henry Kissinger có
thể là người Do Thái, và Israel là một đồng minh thân cận của Mỹ, nhưng
khi ông trở thành Cố vấn An ninh Quốc gia và Ngoại trưởng Mỹ, ông đã
hành động vì lợi ích của nước Mỹ, không phải của Israel. Và ông đã gây
sức ép rất mạnh lên Israel trong việc ký thỏa thuận hòa bình với Ai Cập.
Ở Singapore cũng vậy, chúng ta đã có năm Ngoại trưởng là người gốc Ấn
Độ, nhưng họ đều đã nhìn tất cả theo quan điểm của Singapore và đại
diện cho lợi ích của Singapore, với tư cách là người Singapore. Đó là
cách nó phải như vậy.
Lựa chọn và Niềm tin
Cuối cùng thì cả tác động bên ngoài lẫn sự đoàn kết và thành công
trong nước đều quy về niềm tin của chúng ta trong tư cách những công dân
Singapore. Chúng ta phải xác định rằng chúng ta muốn là người
Singapore, để đứng lên với thế giới, và trở thành một chấm đỏ sáng ngời.
Như ông Rajaratnam đã nói – “Là một người Singapore không phải là vấn
đề về gốc gác tổ tiên, mà là về lựa chọn và niềm tin.” Nếu chúng ta lựa
chọn và có niềm tin rằng chúng ta muốn Singapore trường tồn và vươn
lên, thì tất cả mọi điều rồi sẽ tự theo sau mà trở thành hiện thực.
Những nước khác cũng đang theo dõi chúng ta, để xem liệu Singapore có
niềm tin đó hay không, liệu chúng ta có sự mãnh liệt bên trong đó hay
không và liệu chúng ta có “tấm lòng” để trở một dân tộc không chỉ biết
tập trung vào thành công hẹp hòi của mình hay không. Nó được thể hiện
trong tinh thần của mỗi người lính chuyên nghiệp, hay những người lính
nghĩa vụ trong các đơn vị quân đội của chúng ta – để đấu tranh cho những
gì chúng ta yêu mến và tin tưởng. Nó thể hiện trong cách chúng ta giúp
đỡ nhau và giúp đỡ các nước láng giềng. Ví dụ, khi có sóng thần ở
Indonesia, SAF đã tới giúp đỡ và giải cứu, phân phối và vận chuyển hàng
hóa, viện trợ trong tình thế cấp thiết. Khi các đám khói mù xuất hiện
gần đây, tình nguyện viên từ các tổ chức Relief.sg và Let’s Help Kalimantan
đã đến Kalimantan và Sumatra rất nhiều lần, nhằm cung cấp khẩu trang
cho người dân địa phương. Họ làm việc với các tổ chức quốc tế, với Chính
phủ Indonesia, và họ đang mang lại những thay đổi tích cực, dù nhỏ
nhưng cụ thể và hữu ích. Vâng, chúng ta bảo vệ lãnh thổ, và chăm sóc cho
người dân của chúng ta, nhưng người dân của chúng ta không hề hẹp hòi.
Chúng ta phải thể hiện tinh thần hào phóng và bác ái đối với mọi người.
Và đó là một trong những lý do tại sao Rajaratnam lại là một ngoại
trưởng thành công. Bởi vì ông đã chiến đấu cho quyền lợi của Singapore
nhưng đồng thời cũng quan tâm đến người khác, ông đã làm việc hòa hợp
cùng với những người khác, trò chuyện với ngoại trưởng các nước khác,
tạo dựng quan hệ với họ, và thúc đẩy những vấn đề quan trọng đối với cả
hai bên.
Vì vậy, thậm chí ngay từ góc nhìn hẹp thì đây cũng là điều tích cực.
Nhưng thực ra, điều phải trở nên căn bản là chúng ta là người Singapore,
và hào phóng với người khác là một phần trong tâm trí của người dân
Singapore. Nếu chúng ta có niềm tin đó, nếu chúng ta có tư duy đó, thì
tất cả mọi điều khác sẽ tự động theo sau. Chúng ta sẽ là một dân tộc
thống nhất, chúng ta sẽ đưa Singapore đến thành công. Từ đó, Singapore
sẽ có một chính sách đối ngoại hiệu quả, và chúng ta sẽ có thể đem ánh
sáng từ chấm đỏ nhỏ bé của mình ra với thế giới.
Xin trân trọng cảm ơn!
Nguồn:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét